Tản văn  

Posted by Unknown

Cánh đồng chiều đông

Nguyễn Thị Việt Nga
Phó Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương

            Không gì buồn bằng chiều đông đi qua một cánh đồng mênh mông!
           Cảm giác ấy của tôi có lẽ bắt nguồn từ tuổi ấu thơ thiếu thốn tình thương. Bố mẹ đi làm xa, hai chị em ở với ông bà nội. Thông thường, cứ chiều thứ 7 bố mẹ mới về thăm “hai con vịt giời”. Cho nên, hai chị em chăm xem lịch lắm. Cái cảm giác háo hức khi ngủ dậy, xé đi một tờ lịch, lật thêm tờ nữa thấy màu đỏ vui tươi hiện ra thật là tuyệt diệu. Trẻ con mẫu giáo chưa biết chữ, chỉ phân biệt chủ nhật hay ngày thường bằng màu lịch đỏ. Màu đỏ của tờ lịch ngày hôm sau khiến chúng tôi phấn khởi líu lo suốt cả ngày hôm đó. Hai đứa nôn nao chờ cho đến khi chiều xuống. Mùa đông trời thường tối sớm hơn, chứ mùa hè, có khi mặt trời chưa lặn hẳn, bố mẹ đã về đến nhà rồi. Mùa hè lại là mùa lũ trẻ con có đủ mọi trò chơi hấp dẫn, từ thả diều, trốn tìm trong đống rạ rơm đang phơi dở cho đến đào dế, bắt ve… nên những trò chơi với bọn trẻ con cùng xóm đã khiến chúng tôi có lúc quên phắt đi tâm trạng mong ngóng, đợi chờ. Mùa đông thì khác hẳn. Vừa từ lớp mẫu giáo về, trời đã sâm sẩm tối. Hai chị em bất chấp gió rét, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch từ lớp về nhà. Đến sân, hai đứa vừa thở vừa tranh nhau hỏi: bà ơi, bố mẹ cháu đã về chưa? Mùa đông, cả mười lần như một, bà đều lắc đầu bảo chưa về. Thế là chẳng đứa nào bảo đứa nào, cả hai lại cắm đầu chạy ra đường cái, rồi đứng dưới gốc một cây phi lao to, ngóng về phía đầu làng. Trong bóng chiều nhập nhoạng, chỉ toàn những người đi bộ, gánh gồng. Thi thoảng lại có đứa trẻ dắt con trâu, con bò hay ai đó lùa cả đàn vịt đi qua… Mỗi khi có bóng một chiếc xe đạp xuất hiện, hai chị em lại mừng cuống, nhưng khi chiếc xe rõ dần, người ngồi trên xe không phải là bố mẹ, chúng tôi lại xịu mặt, thở dài. Rất nhiều hôm như thế, khi tôi nhìn sang, thấy má em gái mình đã ướt nhoèn nước mắt. Ra dáng làm chị, tôi dỗ em đừng khóc, nhưng nghe chính giọng mình cũng đã mếu máo theo.
            Chờ bố mẹ một lát dưới gốc cây, hai đứa lại quyết định rủ nhau chạy ra hẳn phía cánh đồng. Con
đường trục chạy hun hút rồi mất hẳn phía xa mờ. Chiều đông, cánh đồng như rộng thêm ra, hiu hắt. Lúa đã gặt hết rồi, chỉ còn trơ những gốc rạ lởm chởm và những mô rạ nâu xỉn được phơi ngay tại ruộng. Thửa ruộng này nối tiếp thửa ruộng kia…. Chỉ có một màu nâu xám mênh mông trải dài đến tận chân trời. Những cơn gió bấc chạy rông khắp nơi. Cái âm thanh của gió đuổi nhau trên cánh đồng trống chiều đông nghe mới buồn bã và đáng sợ làm sao. Hai hàng phi lao ven đường vật vã trong gió lạnh. Hai chị em đứng lặng, mắt không thôi dõi về phía trước. Trong lúc ngóng mẹ ấy, tôi đã tưởng tượng ra đủ thứ trên đời. Có những lúc tôi thấy hàng cây đang vặn vẹo trước mặt như những con quái vật gớm ghiếc đang uốn éo, múa may. Có những lúc tôi thấy con mương trắng như một con rắn to kỳ lạ đang bò dần, bò dần về phía mình. Có những lúc tôi lại thấy những mô rạ lô xô như biết chạy… Chị nép vào em, em nép vào chị, đứa nọ thấy đứa kia run lên. Vừa lạnh, vừa sợ, nhưng không đứa nào nghĩ đến chuyện về nhà khi chưa thấy bố mẹ xuất hiện trên đường. Đến khi cả hai đứa cùng giật tay nhau khi thấy có hai người đèo nhau trên chiếc xe đạp Liên Xô lênh khênh phía trước thì những ám ảnh kinh khủng xung quanh bỗng nhiên biến hết. “Bố về! Mẹ về!”, hai đứa hét tưởng vỡ toang lồng ngực. Bố mẹ xuống xe. Mẹ bế em còn bố đặt chị lên xe. Hai người lớn cười mà như mếu. Mẹ xa xót áp má vào má con gái nhỏ, rên lên khe khẽ: “chết thôi, lạnh quá!” Nhưng lúc ấy, hai chị em lại thấy ấm vô cùng.
            Cũng có nhiều hôm, cuộc đợi chờ kết thúc bằng tiếng gọi của bà. Bóng tối đã trùm khắp nẻo. Gió như lạnh hơn. Hai cái bóng nhỏ nhoi cũng chìm vào bóng tối. Không thấy con đường trước mặt. Không thấy những mô rạ lô xô. Chỉ còn tay chị nắm tay em run rẩy. Chỉ còn gió bấc hú thê lương trên những ngọn phi lao. Bà gọi mà không đứa nào nhúc nhích. Phải đến tận khi bà lần đến nơi, vừa mắng vừa kéo tay cả hai đứa, thì chúng tôi mới chịu về, sau khi đã khóc òa tức tưởi. Mười lần như một, sau mắng là bà dỗ dành, rồi lại lầm bầm những gì chẳng rõ.
            Sau này lớn lên, mỗi khi đi qua cánh đồng chiều đông là tôi lại thấy buồn khôn tả. Vật đổi sao dời, thế gian biến cải theo từng năm tháng, thế nhưng hình như cánh đồng chiều đông thì chẳng có gì biến đổi cả. Vẫn những thửa ruộng tiếp nối nhau chạy đến tận chân trời. Vẫn những gốc rạ lởm chởm. Vẫn tiếng gió bấc đuổi nhau buồn bã. Vẫn những con mương trắng nằm lặng lẽ... Cái hiu hắt của chiều đông trùm lên hết thảy. Đây đó có từng vạt khói đốt rạ vật vờ loang trong không trung. Mùi khói thân thuộc đến nghẹn ngào. Trong cái bàng bạc, âm u của chiều đông, những ngôi mộ lô xô lớn nhỏ (cánh đồng nào chẳng có những ngôi mộ) càng dồn thêm những cảm xúc khó nói thành lời. Gió cứ chạy rông qua những thửa ruộng nâu trơ gốc rạ, hát bài ca cả ngàn năm nay vẫn hát. Và giữa mênh mông, hiu quạnh ấy, có lúc xuất hiện một bóng người đi làm về muộn, như một chấm nhỏ lầm lũi. Nhìn cảnh ấy mới thấy thấm thía cái bé nhỏ, cô độc của con người trước đất trời cao rộng, mới thấy đời người là hữu hạn trong vô cùng, vô tận thời gian. Vẫn cánh đồng ấy, thửa ruộng ấy, màu đất ấy, nhưng biết bao đời người đã nối tiếp trôi qua… Cánh đồng phẳng lặng, bình yên thế nhưng giấu trong mình bao nhiêu số phận. Không thể nào thống kê nổi có bao nhiêu con người đang ngủ  yên dưới lớp đất nâu kia. Tiếng gió mơ hồ như có như không thổi qua những thửa ruộng trống hay tiếng những linh hồn từ đất vọng lên?
            Không gì buồn bằng chiều đông đi qua cánh đồng mênh mông!
            Bao nhiêu người thân yêu giờ đã nằm ở ngoài đồng. Cánh đồng không chỉ là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm ấu thơ, mà còn lưu giữ cả những người thân không còn nữa. Tôi vẫn thích đi ngang cánh đồng chiều đông, nghe gió, nghe đất, nghe từng vạt khói đốt đồng… kể những câu chuyện miên man không đầu không cuối về thời gian vĩnh cửu, về nỗi ngắn ngủi của kiếp người và về sự vĩnh hằng của những linh hồn đã trở về với đất. Để thấy rằng điểm đến cuối cùng của mỗi con người là đây, là chốn mênh mang vô thủy vô chung. Để thấy những thói thường bon chen, giành giật, tị hiềm đã có lúc chen vào đầu óc thật vô nghĩa biết bao. Để yêu hơn những ấm áp, sum vầy mình đang có. Để tự nhủ mình đừng bỏ phí giây phút nào trong quỹ thời gian có hạn của cuộc đời…
12/11/2011

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives