Vài suy nghĩ về việc triển khai mẫu tượng đài Bác Hồ mới trước trụ sở Ủy ban nhân dân TP. HCM  

Posted by Unknown

TRỮ QUÂN - VƯƠNG TỬ QUỲNH
(Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

Như chúng ta biết, quận 1 là trung tâm của TP.HCM nằm bên bờ hữu sông Sài Gòn. Như vậy, nếu lấy con sông này làm điểm ngắm, thì hiện tại không gian đô thị của thành phố được vinh dự mang tên vị Cha già dân tộc, mới thực sự phát triển có một nửa…
Về phương diện lịch sử văn hóa, không gian đô thị này vốn gắn liền với thời kỳ vận động xã hội trong quá khứ - sự hiện thân của một hình thái kinh tế - xã hội chuyển giao từ phương thức sản xuất nông nghiệp phong kiến khép kín, sang giao thoa và tiếp biến với những giá trị tri thức mới, với nền văn minh công nghiệp, đô thị và giao thương mở. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải có động thái bảo lưu tính độc lập tương đối này trước phát triển mới của kinh tế - xã hội. Đây là sản phẩm trí tuệ, là thông điệp của thời đại trước gửi lại cho hậu thế; vì vậy việc kiến tạo những không gian đô thị mới, hiện đại, xứng tầm với khối óc trí tuệ và năng lực nhận thức của thời đại chúng ta hôm nay (làm quà tặng cho các thế hệ mai sau) thì cần phải có sự tính toán khoa học, chắc chắn; nhất là khi TP.HCM còn cơ hội rất lớn để phát triển, mở rộng không gian đô thị sang bờ tả của sông Sài Gòn theo hướng bài bản khoa học. Thiết nghĩ, đây là vấn đề hệ trọng, cho nên bàn tới việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trước trụ sở UBND Thành phố Bác, cần phải có những sự cân nhắc cẩn thận...
Chắc chắn nhiều người vẫn còn nhớ, vài năm trước, TP.HCM đã từng tổ chức công bố trước nhân dân về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm do Tập đoàn Sasaky thiết kế; một công trình được thực hiện khá bài bản, hiện đại. Điều đáng chú ý là trong bản thiết kế này, các nhà lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo thiết kế khu vực quảng trường trung tâm lớn nhất khu vực. Vậy thì khi ấy, không gian quảng trường đó sẽ để làm gì, nếu bây giờ chính quyền thành phố đặt nặng vấn đề thiết kế mô hình tượng đài Bác mới để thay thế không gian tượng đài của người hiện hữu trước trụ sở UBND và Nhà hát Thành phố? Thiết nghĩ lúc này, thành phố nên tập trung chỉ đạo việc thiết kế mẫu tượng đài Bác mới - công trình vừa có nghĩa văn hóa giáo dục, vừa có ý nghĩa thiên niên kỷ; thật sự hài hòa với không gian của quảng trường đó - bộ mặt văn hóa trung tâm mới của TP.HCM trong tương lai gần, thì nó sẽ có ý nghĩa to lớn hơn nhiều…
Như một mũi tên có thể cán hai đích, nếu vấn đề này được quan tâm đúng tầm thì giới đầu tư khi đó sẽ thấy rõ được quyết tâm cao nhất của thành phố, khi dốc lòng hướng sang xây dựng và phát triển không gian đô thị mới ở bên kia hầm Thủ Thiêm. Còn sự “cố thủ” về tư tưởng chủ đạo sẽ chỉ khiến cho họ e ngại, là nguyên nhân khiến cho mật độ xây dựng tại khu vực nội đô hiện hữu thêm dầy đặc, mật độ dân cư tiếp tục bị dồn nén với những hệ luỵ của nó. Nó không chỉ làm cho bộ mặt văn hóa kiến trúc đô thị trung tâm bị chắp vá, chông chênh thiếu hẳn sự hài hòa; mà đó còn là nguyên nhân khiến cho hạ tầng kỹ thuật này quá tải, và trật tự xã hội thêm phức tạp. Về lâu dài, việc nén dân số quá lớn theo hướng cực đoan sẽ khiến cho quyền sử dụng đất và những chi phí cơ bản khu vực này trở nên rất cao, tác động đáng kể đến giá cả hàng hóa, làm giảm sức mua của người nghèo. Trong khi một bộ phận nhỏ có quyền sử dụng đất thì có nguồn thu nhập rất lớn, còn bộ phận lớn dân nghèo lại phải chi trả giá cao cho những sự chi phí này.

Về mặt không gian kiến trúc đô thị và phương diện tác phẩm nghệ thuật, mẫu tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi của nhà điêu khắc quá cố Diệp Minh Châu được triển khai trước vẻ đẹp độc đáo của các công trình kiến trúc gắn với không gian đô thị của một thời kỳ tiếp biến văn hóa là trụ sở UBND Thành phố, Nhà hát Thành phố và một số công trình kiến trúc khác trên đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi hiện nay, cơ bản là một không gian kiến trúc đô thị khá hài hòa. Hẳn là khi thi công không gian tượng đài Bác ở vị trí này, các nhà thiết kế khi ấy đã phải có sự tính toán hết sức tỉ mỉ. Với quy mô, kích thước của tượng đài như thế trong cái không gian chật ních những công trình xây dựng có tính chất thương mại, rõ ràng biểu tượng Bác Hồ với thiếu nhi hiện nay chính là điểm nhấn đáng kể cho bộ mặt đô thị trung tâm này; tất nhiên, nếu khu vực giới hạn bởi đường Lê Lợi, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi là một quảng trường nhỏ để trồng cỏ xanh (giống như trên quảng trường Ba Đình Hà Nội), thì quần thể kiến trúc của tượng đài Bác, UBND Thành phố, Nhà hát Thành phố và những công trình kiến trúc liên quan sẽ còn tạo nên vẻ đẹp và hấp dẫn du khách hơn nhiều. Điều này cũng có nghĩa là, nếu thay thế vị trí mẫu tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi hiện nay bằng một mẫu tượng đài khác về Bác có chiều cao 6-7 mét là cần phải cân nhắc kỹ vì không gian ở đây khá là chật hẹp. Hơn nữa, mẫu tượng và không gian trên đã khá nhiều năm gắn liền với tâm thức của nhân dân trong và ngoài nước. Là một điểm đến của rất nhiều người nước ngoài, một dấu ấn lịch sử văn hóa đã bắt đầu có giá trị thời gian như thế, mà nay nếu chỉ vì sự tự phát mà thay thế vào đó bằng một mẫu tượng đài khác (tức là phải bắt đầu lại từ đầu), thì phải hết sức thận trọng; nếu không, vô tình không gian đô thị này sẽ bị “mất trí nhớ”… 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives