Để đờn ca tài tử lan tỏa trong đời sống cộng đồng  

Posted by Unknown

Bài, ảnh: TẤN PHÚ

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã từng phát triển mạnh mẽ ở Nam bộ và có sức lan tỏa đến nhiều vùng miền trên cả nước. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã xây dựng hồ sơ khoa học về loại hình hoạt động nghệ thuật này, đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng, lâu nay Đờn ca tài tử vẫn chưa phát huy hết thế mạnh, chưa thật sự trở thành nội dung sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống cộng đồng. 

GIÁO DỤC LÀ CÁI GỐC CỦA BẢO TỒN
Theo soạn giả Ngô Hồng Khanh: ĐCTT là cuộc chơi đầy phong lưu và tao nhã. Có tài tử đờn phải có tài tử ca. Đờn càng hay thì tiếng ca càng rung cảm. Khi hai cái điệu tâm hồn ấy càng hòa quyện nhau thì người nghe không muốn rời. Ngày xưa, những nghệ sĩ lừng danh trên sân khấu cải lương xuất thân từ tài tử đều là những nghệ sĩ, nhạc sĩ luôn in đậm phong cách riêng của mình từ tiếng đờn, điệu ca và cách diễn đã làm say đắm lòng người.
Mới đây một thống kê sơ bộ về ĐCTT ở các tỉnh thành phía Nam cho thấy tín hiệu lạc quan: hiện có gần 2.020 câu lạc bộ (CLB), nhóm ĐCTT, với trên 22.600 thành viên tham gia và 2.850 nhạc cụ được sử dụng. Trong đó chỉ riêng TP.HCM có 97 CLB, nhóm với 1.133 nghệ nhân, tài tử được đánh giá là có năng lực hoạt động nghệ thuật.
Tuy nhiên, “Tôi vẫn cứ trăn trở boăn khoăn mãi về những con số đó” - TS. Mai Mỹ Duyên (Đại Học Văn hóa TP.HCM) nói - “Liệu ĐCTT có đủ mạnh để đương đầu với những thách thức của quá trình hội nhập văn hóa toàn cầu? Hay đằng sau những con số đầy phấn khởi đó là sự hụt hẫng về kiến thức và kỹ năng của chính những người trong cuộc?”
Điều boăn khoăn của TS. Duyên cũng là nỗi trăn trở của nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghiệp cầm ca. Bởi nó liên quan đến một tất yếu trong hoạt động nghệ thuật là phải đi từ: hiểu biết - say mê - bảo vệ - phát huy - phát triển. Như vậy, cái gốc của vấn đề đặt ra chính là sự hiểu biết. Người chơi ĐCTT thường nói đến 2 chữ “căn cơ”, muốn có “căn cơ” phải học và thực hành. Căn cơ của việc bảo tồn và phát triển ĐCTT ở đây chính là giáo dục.
Ở nhiều quốc gia, bảo tồn văn hóa của các dân tộc luôn trở thành mục tiêu trọng tâm trong chính sách phát triển. Ở nước ta, gần đây ngành giáo dục cũng đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy âm nhạc cho các trường phổ thông. Nhưng việc giảng dạy âm nhạc ở trường phổ thông chủ yếu là dạy tân nhạc, còn nhạc lý cổ truyền thì hầu như chưa được nhà trường quan tâm. Theo TS. Duyên, bảo tồn và phát huy ĐCTT không gì hiệu quả hơn là đưa vào chương trình của hệ thống giáo dục quốc dân, dẫu đó là những buổi học ngoại khóa. Việc này không nhằm tạo ra những danh cầm hay danh ca, mà ở dạng phổ cập kiến thức về ĐCTT, vì có kiến thức nghệ thuật mới có thể thưởng thức được nghệ thuật. Từ nền tảng này sẽ hỗ trợ hình thành nên lớp người kế tục lưu truyền ĐCTT.
Tiếc thay, điều này đã được ngành giáo dục bỏ ngỏ từ lâu và đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào khắc phục. Quả thật đáng buồn, ngay trên vùng đất Nam bộ - nơi mà ĐCTT được xem là loại hình nghệ thuật đặc trưng góp phần tạo nên diện mạo văn hóa vùng. Và tới đây chắc chắn UNESCO sẽ công nhận bộ môn nghệ thuật này là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
TRĂN TRỞ QUANH “CÁI SỰ CHƠI”
Trước kia những người chơi ĐCTT là những nhạc sĩ tài tử, họ không sống bằng nghề đàn hát. Họ chơi đờn một mình hoặc hòa đờn với nhau chỉ nhằm mục đích tiêu khiển khi nhàn rỗi. Khi chơi họ chọn những người tri âm, tri kỷ, hiểu nhau từ cuộc sống đến nghệ thuật. Bởi với họ, chơi nhạc tài tử là chơi bằng cả lòng mình. Để có được điều đó, việc chọn bạn đờn và nơi để chơi đờn là điều vô cùng quan trọng.
Ngày nay, mặc dù hầu hết những người chơi ĐCTT không xem đây là nghề chủ yếu để mưu sinh, nhưng do điều kiện kinh tế ít nhiều ảnh hưởng đến tính chất đặc trưng của nó. Từ sự yêu thích của một bộ phận người thưởng thức và điều kiện kinh tế của mình mà có những nghệ nhân ĐCTT đã trở thành người phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn. Những bài bản tài tử dần bị quên lãng và nghệ nhân biến thành “thợ đờn”, tấu những khúc nhạc thành thạo một cách vô hồn. Khiến cho các nghệ nhân chân chính phải trăn trở, tự vấn về thực trạng và tương lai của ĐCTT.
Nghệ nhân Minh Lời, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Bến Tre chia sẻ thực tế hiện nay: ĐCTT là “cái sự chơi”, là tri âm mộ điệu. Nhưng do đời sống kinh tế càng lúc khó khăn, một ngày đờn ở khu du lịch được 200.000 đồng, trong khi đờn cho CLB chỉ được bồi dưỡng 50.000 đồng. Đây là điều mà những người có trách nhiệm bảo tồn, phát triển ĐCTT phải lưu tâm.
Thiết nghĩ, dù bộ môn nghệ thuật ĐCTT tới đây có được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại hay không, cũng cần phải xác định: ĐCTT Nam Bộ là di sản tinh thần của bao thế hệ người Việt ở Nam Bộ hình thành, trao truyền lại cho người đời sau, là bản sắc độc đáo góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản này cần được nhìn nhận ở quy mô cấp nhà nước. Từ đó mới có thể huy động sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, trên cơ sở khuyến khích các địa phương mở lớp dạy ĐCTT cho người mộ điệu, nhất là giới trẻ. Bộ VHTTDL quan tâm phát hành băng đĩa và tài liệu giấy nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và phương pháp tự học ĐCTT. Các tỉnh thành, khu vực, định kỳ tổ chức liên hoan, giao lưu nhằm kịp thời tôn vinh nghệ nhân ĐCTT, đồng thời phát hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ cho tài tử đờn, tài tử ca, đáp ứng yêu cầu phát triển nghệ thuật ĐCTT trong đời sống xã hội.
Một nền văn hóa, một bộ môn nghệ thuật luôn giữ trong mình bản sắc riêng là nền văn hóa ấy, nghệ thuật ấy sống mãi trong lòng dân tộc. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives