Về Hòn Đất, tìm thăm “chị Sứ”  

Posted by Unknown

ĐẶNG XUÂN NHI
(P. An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ)

Chúng tôi đi về miền đất cuối phương Nam, đến Kiên Giang, ghé lại thăm huyện Hòn Đất. Du hành đến Hòn Đất là chuyến về nguồn cho ta nhiều cảm xúc.
Theo Quốc lộ 80 về hướng Rạch Giá - Hà Tiên, qua khỏi thị trấn Hòn Đất một đỗi, rẽ trái chừng 13km, sẽ đến khu di tích lịch sử văn hóa Hòn Đất thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Hòn Đất là căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây, những năm chiến tranh đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt. Hòn Đất còn là một trong những trạm dừng chân của con đường 1C huyền thoại, do lực lượng Thanh niên xung phong khu Tây Nam bộ đảm trách.
Ở Hòn Đất, trước mặt là biển cả mênh mông lộng gió. Sau lưng là đỉnh Hòn Me sừng sững với trạm phát sóng của Đài truyền hình Kiên Giang. Du khách khám phá Điện Mặt Trăng, xóm Mũi rồi lần theo các bậc tam cấp để lên suối Lươn. Dân địa phương bảo rằng nơi đó có một cặp lươn trắng sống gần như bất tử! Suối thật ra chỉ là một hốc đá chiều ngang 0,5m, dài 1,2m, sâu gần 1 mét nhưng có điều lạ là cứ múc gần hết, nước lại phun lên đầy miệng. Lần theo các bậc tam cấp, du khách sẽ đến hang Hòn còn gọi là hang Quân y. Lòng hang uốn lượn, quanh co, gập ghềnh, chỗ rộng chứa được vài chục người, chỗ hẹp phải lách mình chui qua. Ở Hòn Đất có nhiều hang khác vẫn còn bí ẩn như: hang Ông Cọp, Ô Sâu, Cà Rem, Sáu Thiều,...
Hòn Đất ngày nay đã gắn liền với tên “chị Sứ”, người liệt nữ bất khuất đã sống và chiến đấu anh dũng trên vùng đất nầy vào những năm đầu thập kỉ 60 của thế kỉ trước… Chị Sứ là nhân vật có thật (Phan Thị Ràng), tuy nhiên đã được hư cấu thêm một số tình tiết trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức và bộ phim cùng tên của đạo diễn Hồng Sến.
Tượng đài chị Sứ ở Hòn Đất - Kiên Giang
Từ khoảng non 500m, đã thấy Hòn Me cỏ cây sầm uất, hoang sơ với cột tháp ăng-ten cao vút. Chúng tôi vượt qua cổng chào khá hoành tráng vào sâu trong khu di tích.
Từ hai tấm đá hoa cương có khắc tên tuổi của 967 liệt sĩ huyện Hòn Đất, bước xuống 37 bậc đá sẽ gặp mộ của nữ Liệt sĩ, Anh hùng Phan Thị Ràng. Ngôi mộ có mái ngói giả cổ uốn cong như ngôi miếu nhỏ và mái được đỡ bởi 12 cây cột trụ bề thế, uy nghi. Anh hùng Phan Thị Ràng sinh năm 1937 ở xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang), theo Cách mạng lúc 13 tuổi và hy sinh vào rạng sáng ngày 9-1-1962 khi mới 25 tuổi ngay dưới chân núi Hòn Đất! Gần mộ “chị Sứ” hiện nay là quần thể phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày hiện vật lịch sử.
Nằm trong khuôn viên rộng 22.000m2 dưới chân Hòn Me, Khu trưng bày chứng tích chiến tranh có các hiện vật như xác máy bay A.37, trực thăng, xe tăng M.47, pháo 105 li, vỏ bom, miểng đạn, súng cối và các loại khí tài, quân dụng khác mà kẻ địch đã sử dụng tại vùng đất Ba Hòn. Năm 2011, Khu trưng bày tiếp nhận từ đảo Trường Sa đá chủ quyền và cây bàng trái vuông. Cây bàng trái vuông sau đó được trồng tại đỉnh Hòn Me, cây nhanh chóng bén đất và phát triển xanh tốt! Trên đỉnh Hòn Me còn có một phiên bản cột mốc chủ quyền của quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh Hải quân thiết kế, xây dựng.
Trong Khu di tích Hòn Đất lưu trữ nhiều hình ảnh, tư liệu, phản ánh lịch sử đấu tranh anh hùng của quân dân huyện Hòn Đất và tỉnh Kiên Giang, cùng các lực lượng Thanh niên xung phong đường 1C, các lực lượng vũ trang Khu 9. Đặc biệt là trận quyết chiến giữ Hòn xảy ra vào tháng 1-1962, lúc ấy địch tập trung hơn 2.000 quân đánh vào vùng căn cứ Ba Hòn (Hòn Đất - Hòn Me - Hòn Sóc). Cuộc chiến ngày ấy tại Hòn Đất diễn ra vô cùng ác liệt. Chị Sứ (còn có tên là Tư Phùng) đã tổ chức nhân dân đấu tranh chính trị, phối hợp với các hoạt động vũ trang buộc địch phải rút lui. Đêm 8 rạng ngày 9-1-1962, trên đường công tác, chị Tư Phùng bị địch phục bắt, chúng tra tấn chị rất dã man. Chị vẫn một lòng sắt son với cách mạng, vẫn tiếp tục tuyên truyền, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù. Bọn địch bất lực không khai thác được chị, chúng tức tối hành quyết chị Sứ… Ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng cho chị Tư Phùng - Phan Thị Ràng - chị Sứ danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1989, Hòn Đất được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngược dòng quá khứ. Vào khoảng thời gian trước và sau năm Mậu Thân 1968, vùng đất Ba Hòn là một mắt xích hiểm yếu trên con đường 1C huyền thoại… Tháng 8-1969, địch đã điều động cả vạn quân với nhiều sắc lính, được chi viện bởi các giàn pháo 105, 155 li của các sư 7, 9, 21, Tiểu khu Rạch Giá, Hà Tiên, pháo hạm ngoài biển, máy bay chiến đấu các loại, có cả B. 52 ném bom rải thảm, ra sức tấn công, hòng đánh chiếm Ba Hòn. Sau 78 ngày đêm quyết chiến ác liệt với kẻ thù, quân dân ta đã anh dũng chiến thắng vẻ vang, bẻ gãy, làm phá sản hoàn toàn cuộc hành quân quy mô của giặc. Gần 3.000 tên địch chết, bị thương và rã ngũ. Nhiều máy bay, xe tăng, pháo, đạn dược, khí tài quân sự của địch đã bị quân ta phá hủy và tịch thu. Đường 1C được bảo đảm an toàn, thông suốt.
Có một “điểm nhấn” khá đặc biệt đối với khách tham quan và những người quan tâm đến môi trường là trên lưng chừng núi Hòn Me hiện nay đã hình thành một Trạm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) với diện tích gần 3ha, Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me ưu tiên cứu hộ các loài ĐVHD quý hiếm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, các loài ĐVHD quý hiếm được cán bộ Tổ chức WAR (Wildlife At Risk: Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã) chăm sóc sức khoẻ, phục hồi bản năng hoang dã và sẵn sàng trở về thiên nhiên.
Theo Bác sĩ Dương Duy Cường, người chăm sóc trực tiếp các loại thú - hiện tại Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me đang cứu hộ gần 50 cá thể ĐVHD quý hiếm thuộc các loài khác nhau như: Gấu ngựa, Gấu chó, Vượn đen má vàng, Khỉ đuôi lợn, Culi nhỏ, Tê tê Java, Rùa đất, Rùa núi vàng. Trong tương lai, trạm sẽ tiếp nhận thêm các loài khác như rắn, rùa, thú ăn thịt nhỏ. Ngoài ra, khu vực này hiện có các loài sinh sống tự nhiên như rắn lục mép trắng, rắn học trò, tắc kè, thằn lằn bay, sóc đỏ, chồn mướp… Có rất nhiều các bạn sinh viên, thanh niên, các nhà khoa học, những người yêu mến động vật đã lưu lại nơi đây, tình nguyện chăm sóc, cứu hộ các loại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng…
Gần Hòn Đất có làng đá Thổ Sơn, nơi đây nhân dân chuyên sống bằng nghề đục, đẽo, đập, vận chuyển đá dân dụng phục vụ cho xây dựng. Núi Hòn Sóc là một mỏ đá lộ thiên với trữ lượng khá dồi dào, từ bao đời nay đã nuôi sống người dân nghèo Thổ Sơn. Du khách sẽ gặp hàng trăm hộ gia đình với đông đảo già, trẻ, gái, trai lao động cật lực bất kể nắng mưa: “bán mặt cho đá, bán lưng cho trời”! Mỗi nhà như một xí nghiệp khai thác, gia công. Tiếng búa đập đá chát chúa, tiếng cối xay đá rổn rảng ào ào, tiếng xe tải gầm rú, thỉnh thoảng còn có tiếng cốt mìn nổ trên núi như sét đánh, sấm rền... tất cả tạo nên một âm thanh sôi nổi, ồn ào, huyên náo rất đặc trưng của “làng đá” Thổ Sơn.
Ngày nay, Khu di tích lịch sử Hòn Đất là địa chỉ du lịch hấp dẫn bởi non nước hữu tình và những câu chuyện thời chiến tranh đã trở thành huyền thoại đáng tự hào của người Hòn Đất. Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm khách đến tham quan, các ngày lễ hội, Tết, số du khách lên đến hàng ngàn lượt người.
Có một điều thú vị là ta có thể sẽ gặp bà Cà Mỵ bằng xương bằng thịt! Nhưng bà nhất quyết và luôn thanh minh với mọi người rằng mình không phải là con của bà Cà Sợi cũng như không bao giờ là em ruột của tên trung úy Xăm hung ác! (những nhân vật được hư cấu trong tiểu thuyết Hòn Đất nổi tiếng của nhà văn Anh Đức - đã được đưa vào sách giáo khoa). Những tình tiết đó là do nhà văn đã dựng nên thôi!... đến nỗi khiến nhiều người vẫn lầm tưởng như thật!
--------------------------------
Tài liệu tham khảo:
Tư liệu Khu di tích lịch sử cách mạng Hòn Đất (2013).

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives