Huyện Kiên Hải ở tuổi 30  

Posted by Unknown

DƯƠNG ĐÔNG
   Anh Trương Đức Thành ở Ban Tuyên giáo huyện Kiên Hải cho chúng tôi biết, ngày 12-4-2013 vừa qua, huyện đảo Kiên Hải đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện đảo thật long trọng, đánh dấu sự trưởng thành của một huyện đảo non trẻ này.
     Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành cho biết, Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang, với bốn xã đảo nằm tách biệt nhau trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Nhớ hồi mới thành lập có 6 xã: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải và Tiên Hải. Sau thời gian đi vào hoạt động, hiện nay chỉ còn 4 xã và 1 thị trấn (thị trấn Hòn Tre, xã Lại Sơn, xã An Sơn và xã Nam Du), sắp tới sẽ có thêm xã Sơn Rái được tách ra từ xã Lại Sơn. Sau 30 năm xây dựng, huyện đảo Kiên Hải đã có bước phát triển vượt bậc, diện mạo của một huyện đảo đã hoàn toàn thay đổi, đời sống người dân đã khá hơn nhờ biết khai thác nguồn lợi thiên nhiên từ biển, hiện Kiên Hải có 1.781 phương tiện khai thác hải sản, có 214 hộ nuôi thủy hải sản, với 708 lồng bè…; đã có đường giao thông quanh đảo, ngang đảo và bến cập tàu; có trạm cấp nước sạch; các xã đều có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, và huyện đảo đã có trường trung học phổ thông…; đặc biệt nhất ở Kiên Hải này là xã đảo Hòn Tre với những vườn cây trái ngon ngọt không thua những vùng đất trong đất liền nổi tiếng có trái cây ngon như Cần Thơ, Cai Lậy, Cái Bè, Bến Tre, Cái Mơn…, hải sản thì khỏi nói, luôn tươi sống và rất nhiều, cảnh quan lại tuyệt đẹp…, vì thế nơi này được đưa vào tầm ngắm để đầu tư, khai thác phát triển du lịch. Còn hai xã An Sơn và Nam Du thì đã nổi tiếng, có người còn vui miệng ví von đây là “vương quốc” cá lồng bè, vì nó cho lợi lớn giúp người dân thoát nghèo nhanh chóng. Nước mắm của xã Lại Sơn làm từ nguồn nguyên liệu cá cơm được khai thác tại chỗ, rất ngon, nhưng do công đoạn quảng cáo còn kém nên chưa được để ý nhiều, tuy nhiên ai đã dùng qua một lần đều sẽ nhớ mãi thương hiệu nước mắm này.
     Bí thư Huyện ủy Kiên Hải Ong Văn Ngay cho biết, Kiên Hải đang tiếp tục đầu tư để phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là thế mạnh biển đảo. Đề xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù như: Ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê mặt nước… để thu hút các nhà đầu tư. Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, ưu tiên các loại hình du lịch gắn với biển đảo, các dự án đã có chủ trương như: Dự án khu du lịch Bãi Chén (Hòn Tre), khu du lịch Bãi Bàng (Lại Sơn)…
     Nếu xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh du khách phải mất ít nhất 8 tiếng đồng hồ, theo tuyến quốc lộ 1A sẽ qua hầu hết các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, du khách sẽ ghé lại thành phố Rạch Giá và chọn lựa cho mình một phương tiện giữa 3 loại: tàu khách cao tốc, tàu khách hay ca nô, để ra Hòn Tre - trung tâm của huyện đảo Kiên Hải. Sau khi ghé Hòn Tre, du khách có thể ghé qua Hòn Sơn và đến địa phận của quần đảo Nam Du, bước lên đất liền của xã, nếu không muốn đi bộ, du khách có thể thuê xem thồ để chở đi ngắm cảnh địa phương. Qua lại giữa các đảo chỉ có ghe và tàu nhỏ, và huyện đảo Kiên Hải thì quá nhiều “hòn” để du khách tham quan, nếu ghe, hoặc tàu ở giữa biển, du khách sẽ ngắm được toàn cảnh Hòn Tre, Hòn Ngang, Hòn Mấu, Hòn Sơn, Hòn Ông, Hòn Dầu, Hòn Bỏ Áo, Hòn Ngang, Hòn Đụng, Hòn Nồm, Hòn Củ Tron…
     Tuy nhiên, Kiên Hải chỉ thuận tiện đón khách du lịch trong mùa nắng, đến mùa mưa biển động, giông bão, điều kiện đi lại từ huyện đến các xã rất khó khăn vì chủ yếu là di chuyển trên đường biển.
     30 năm một bước phát triển khá dài, nhưng vẫn còn đó những nỗi âu lo cho người có trách nhiệm nơi này, như một số điểm trường, nhà công vụ cho giáo viên chưa được bảo đảm, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế chưa được đáp ứng, đội ngũ y, bác sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn mang tính phong trào… Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô trên đảo vẫn là cái khó trước mắt và lâu dài đối với ngành du lịch và nhất là giá các mặt hàng hải sản thiếu ổn định, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến các tour du lịch.
     Huyện Kiên Hải đang có một diện mạo mới sau khi các công trình trọng điểm được triển khai thực hiện là đường giao thông nông thôn và bến cập tàu xã Lại Sơn, đường quanh đảo và bến cập tàu xã An Sơn, việc đầu tư xây dựng đường quanh đảo giúp người dân, nhất là con em học sinh đi lại thuận tiện, giao thông phát triển đã tạo đà cho kinh tế phát triển theo.
     Tuy nhiên, người dân ở huyện Kiên Hải dù được thừa hưởng không khí trong veo, cảnh đẹp của thiên nhiên của tạo hóa ban tặng nhưng đang đối mặt với một trở ngại lớn trong sinh hoạt hàng ngày, đó là việc đi lại với đất liền, tin thời sự nóng sốt nhất là từ ngày 8-11-2013 Công ty TNHH tàu cao tốc Ngọc Thành gửi công văn đến các cơ quan chức năng thông báo tàu của công ty ngưng đón trả khách tại xã Hòn Tre. Tàu Ngọc Thành là tàu duy nhất xuất phát từ TP. Rạch Giá và chạy suốt tuyến nối bốn xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du của huyện Kiên Hải. Việc tàu Ngọc Thành ngưng đón trả khách tại Hòn Tre khiến người dân và cán bộ từ các xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du có việc cần lên huyện làm việc phải đi suốt tuyến vào Rạch Giá rồi đi thêm một chặng tàu khác mới tới được Hòn Tre và ngược lại. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives