Truyện ngắn  

Posted by Unknown

Ngã tư đèn xanh đèn đỏ
NGUYỄN THANH
Hội VHNT Cà Mau; số 5 Lưu Tấn Tài; P5; TP Cà Mau

   1 - “Đỏ, nhanh; xanh, chậm...” Hai mươi lần có hơn, tôi nơm nớp hướng mắt về phía trước, vượt lên, rồi tự nhiên bị cuốn vào dòng xe, dòng người lũ lượt. Cứ thế, tôi đành hẹn lần hẹn lữa sẽ ghé qua nhà thầy Đỗ Trọng (chỗ mới của thầy) tại ngã tư, ngay vạch đèn xanh, đèn đỏ.
   Nhanh và lạ thật. Hồi thị xã chưa lên thành phố cấp III, nhà thầy Đỗ Trọng ở chung đường Cựa Gà với tôi, gần gụi đến đỗi thường diễn ra cảnh tượng người mang quà cáp biếu thầy Đỗ Trọng nhầm chỗ, đứng ngấp nghé trước cổng nhà tôi. Là giáo viên dạy toán Lý, Hóa nổi tiếng hồi còn chế độ cũ được Cách mạng lưu dụng, dáng thấp đậm, lưng gù, sống kín kẽ gần như cách ly với cộng đồng dân cư ngoài tốp học trò nhầm chỗ học thêm ngoài giờ.
   Do hoàn cảnh công tác lúc bấy giờ, nhớ năm tôi chuyển nhà từ trong quê chợ, thầy Đỗ Trọng sớm bộc bạch: “Về ngoài nầy ở, tốt lắm. Cái được trước tiên là con đường học vấn của xấp nhỏ, con anh. Tôi mừng!". Thêm nữa, thấy tôi bồn chồn và có phần rối rắm trong việc mưu sinh, thầy Đỗ Trọng gặp tôi giữ ý, nói khẽ: “Tại sao loài heo rừng nó có nanh. Không nanh vuốt giống y chang con heo nuôi trong chuồng, đói!”. Thầy tiếp: “Thời thóc cao gạo kém, vợ chồng tôi không làm thêm, dạy thêm, đói! Nói chi tới việc lo cho thằng Dũng Ốm nhà tôi ăn học!”…
  Thầy Đỗ Trọng thường kèm tên "Dũng Ốm" trong nhiều câu chuyện sống, làm việc hàng ngày của thầy. Mà nói nào cho ngay, vợ chồng thầy Đỗ Trọng nghiêng hết về con số, con chữ, chuốt ngót con chữ cho con, quên bẵng việc trang bị cho Dũng Ốm những điều cần thiết để dần dần hoàn thiện nhân cách con người.
   Nhỏ hơn thằng Mộng con tôi một tuổi nhưng hai đứa học chung lớp, chung trường. Dũng trắng bợt, gầy guộc, mảnh mai như một bé gái. Ngược lại, Mộng lớn tác, người chắc đậm, mặn mòi. Mỗi lần hai đứa chơi trò diễn tuồng cải lương, Dũng Ốm giành đóng vai “Hoàng hậu”, Mộng thủ vai “Vua”. Mùng, mền, chiếu, gối… lộn tùng phèo mỗi lần “Vua” nổi trận lôi đình với “Hoàng hậu”…
   Đươc sinh ra trong chiếc hầm nổi dưới tàn trâm bầu giữa cánh đồng nước nổi trong mưa bom bão đạn, cha lẫn mẹ theo làm Cách mạng, đi mút mùa, buộc thằng Mộng chỉ biết ôm chân ông bà nội mỗi lần giặc mở ra những trận càn quét đẫm máu và nước mắt. Mộng học làm gan, làm người bản lĩnh từ thủa ấy. "Tao giao trước với tụi bây nghe, hễ đi chơi có đứa nào ăn hiếp Dũng Ốm phải bước qua xác chết của anh Hai Mộng. Nghe rõ chưa?" Mộng huênh hoang, thách đố. Tốp trẻ từ trong trường học đến nhóm choai choai ngoài đời không ưa Dũng Ốm nhưng đều nhớn nhác trước mặt Mộng Anh Hai.
   Năm Mộng học hết lớp chín, cha tôi không vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, từ trần. Mẹ tôi sống vất vơ, vất vưởng không người chăm sóc sau đám tang buồn của cha tôi. Anh chị em tôi còn đủ đôi, đủ bạn với đám cháu trên dưới hai mươi đứa ở rải rác vùng Xóm Lá. Người nghèo rớt mồng tơi như người chị kế tôi đứng ra nhận lãnh phần phụng dưỡng mẹ già. Mẹ tôi không thuận vì thằng rể ăn nhậu xả láng. Còn việc về ở với tôi, mẹ khăng  khăng tránh xa cảnh chợ búa ồn ào... Trước tình cảnh ấy, tôi bí đường. Cuối cùng, gia đình tôi nhắm vào thằng Mộng có khả năng tạm thời về quê nuôi nội sau nhiều đêm vợ chồng tôi thức trắng…
   Những ngày buồn… Nhiều lần tôi bắt gặp thằng con trai ngồi thẫn thờ trước chồng sách vở khiến tôi đau day day trên ngực. Mãi cho tới một hôm nghe tin mẹ tôi đi cầu khỉ một mình bị ngã, đổ bệnh, Mộng tự giác mau mau thu xếp đồ đạc về quê ở luôn với nội.
   Bạn bè thằng Mộng, người tiếc nuối, buồn bã nhất chính là Dũng Ốm. Hôm tiễn Mộng về quê có Dũng Ốm đi theo tới bến đò. Chiều tàn. Đò chiều lơ thơ mấy chiếc sắp rời bến bãi. Dũng Ốm đứng lặng dõi mắt theo chiếc đò chở Mộng từ từ mất dạng. Vẫn đứng im thinh tại chỗ hồi lâu, nhưng khi nhìn thấy chân trời đỏ ối phía bên kia kinh xáng, Dũng Ốm chợt khóc hòa...
   2 – Bẵng đi một thời gian khá lâu, buổi tối, thầy Đỗ Trọng lò dò tới nhà tôi. Một hiệu phó trường cấp II (lúc bấy giờ thầy Đỗ Trọng được nhấc lên Hiệu phó) tới nhà riêng ắt có việc gì đặc biệt? Tôi đoán đúng.
   Nhấp chút trà Thái Nguyên, thầy Đỗ Trọng mào đầu câu chuyện. "Việc thằng nhóc nhà tôi (Dũng Ốm) sắp thi Đại học, anh ạ..." Thầy nói. Không chờ tôi hỏi, thầy tiếp: " Tôi có ngờ đâu việc học hành của con suôn bân, ngon lành? Thằng nhỏ giỏi toán Lý, Hóa, thi ngành Y, Đại học Y khoa, tôi lo..." Dừng một lúc, nhấp thêm ly trà, thầy tiếp: “Một ông chú của nó đương chức Trưởng phòng thương binh xã hội ở huyện, cha làm Hiệu phó nhưng chỉ là giáo viên lưu dụng. Mối quan hệ gia đình chỉ có thế ghi trong Lý lịch Dũng Ốm hẳn chưa đủ, chưa phê anh à?!”
   Thầy Đỗ Trọng chưa dừng. Tôi nhớ cách đây vài năm, thầy Đỗ Trọng đã lên tiếng trước về việc nhờ tôi giúp Dũng Ốm thi đỗ vào Đại học. Ai chớ Dũng Ốm có xa lạ gì với tôi và thằng Mộng con trai tôi? Tôi đã suy nghĩ kỹ, trước hết, thân nhân nội, ngoại của thầy Đỗ Trọng không có ai cộng sự đắc lực cho chế độ cũ. Vả lại, sớm hay muộn, thằng Dũng Ốm cũng trở thành một cán bộ công nhân viên Nhà nước. Chí ít, khi ra trường, Dũng Ốm sẽ vào biên chế cơ quan tôi đang làm Phó Giám Đốc, thủ vai văn thư cũng nên…
   Để vợ chồng thầy Đỗ Trọng khỏi phải mang tâm trạng nặng nề, tôi lấy danh nghĩa Phó giám đốc Công ty Thương nghiệp tỉnh xác nhận (đốt bước) Dũng Ốm là nhân viên Văn phòng nằm trong diện đào tạo, bồi dưỡng thuộc Công ty Thương nghiệp tỉnh được phép cơ quan thi vào Đại học!  
   Chuyện bị kỷ luật như chơi nhưng có thật. Tôi ân hận nhưng muộn mất rồi! Thầy Đỗ Trọng săm soi Tờ xác nhận của tôi. Trông thầy vui lên hết cỡ rồi ngồi lại thôi uống trà mà xin cưa hết mấy xị rượu suông với tôi tới khuya lơ khuya lắc mới từ giã ra về.
   3 – Trên mười năm sau… Mẹ tôi mất vì tuổi già, sức yếu. Thằng Mộng mất hết chỗ dựa tinh thần trong quê. Thêm nữa, đêm nằm một mình nghe tiếng cánh rèm khua lụp cụp, lạc cạc mỗi lần gió lùa qua, Mộng mơ thấy nội. Buồn quá, không đợi nổi tới ngày cúng cơm xả tang cho nội, bàn giao bàn thờ ông bà nội, kể cả miếng thổ cư khoảng năm ha đất theo lời căn dặn của tôi cho người chị kế xong, Mộng vội vội, vàng vàng nhảy thót xuống đò về chợ.
   Khác xa một trời một vực với Mộng Anh Hai trên mười năm trước. Cao lớn. Dình dàng. Dáng đàn ông chắc lụi. Da ngăm ngăm. "Ba chạy cho con vào trường tại chức". Tôi gợi ý. Mộng ngạc nhiên, hỏi: "Trường tại chức là trường gì vậy ba?" Tôi phân bua: "Trường dành cho những người vừa học, vừa làm. Học viên tuổi lỡ lỡ như con. Phải học tiếp thôi, con ạ!” Mộng buồn buồn nhìn tôi: "Con muốn đi làm nhiều hơn đi học. Con thích đi làm!” Tôi đứng chết  lặng...
   Không còn cách nào khác hơn, tôi chạy lo việc làm cho con. Thoạt đầu, tôi tạt qua hết vài chỗ quen biết, thân tình; tôi gõ cửa một số cơ quan, nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè kháng chiến cũ... Nhưng hầu hết các cửa tôi tìm tới, kể luôn cơ quan Phòng chống tệ nạn xã hội, người Trưởng phòng mắt lé hướng ánh nhìn  chếch về thân cột tròn lên tiếng đòi tôi nộp một mảnh Bằng Đại học đính kém hồ sơ xin việc cho Mộng…
   Ôi, chao... Một mảnh Bằng Đại học! Tôi tìm đâu ra Bằng Đại học cho Mộng lúc này? Thế rồi trong lúc đầu óc rối tung, rối mù bỗng lóe lên chút hy vọng. Đó chính là lúc hình ảnh thầy Đỗ Trọng hiển hiện trước mắt tôi rõ nhất. Thầy Đỗ Phú Trọng! Là vì, thầy Trọng lúc bấy giờ đã lên 1àm Hiệu trưởng một trường cấp II mới vừa xây xong. Trường mới ắt phải có một biên chế hành chính mới. Mộng được lọt vào khung hành chính của nhà trường do thầy Đỗ Trọng làm Hiệu trưởng thì có gì để tôi yên tâm bằng!
   Nghĩ vậy, tôi "phôn" thẳng cho thầy Đỗ Trọng. Ấp a, ấp úng bên kia đầu dây mất hơn hai phút, thầy Đỗ Trọng lên giọng thảng thốt: "Được rồi! Tốt rồi! Mai, anh đưa thằng nhỏ tới trường gặp tôi ngay. Trường mới, qua khỏi ngã tư đèn xanh đèn đỏ, rẽ trái, nhìn bên trái... Nhớ không?" Cúp máy.
   Tôi cố tình vờ đi việc "nợ qua", "nợ lại" thật tế nhị giữa tôi và thầy Đỗ Trọng. Mộng đi một mình tới phòng Hiệu trưởng. Mộng Anh Hai biết nghe con tim mình phập phồng trong lồng ngực, nhiều lúc đập thót lên từ khi bước qua cổng trường dẫn dài tới chỗ gặp thầy Đỗ Trọng. Mọi việc diễn ra ngoài tưởng tượng của Mộng: Thầy Đỗ Trọng ân cần, vồn vã khiến Mộng Anh Hai càng thêm khép nép, áy náy.
   "Mộng Anh Hai đây rồi? Thằng lớn nhanh ngó thấy. Thành người lớn hẳn rồi!" Thầy Đỗ Trọng nói thảng thốt, đôi mắt sau cặp kính gọng vàng lúc mở to, lúc nhíu lại. Thầy tiếp: "Số cháu với thằng Dũng Ốm nhà bác cứ chơi trò cút bắt; Tết nào nó cũng về, còn cháu lặn mất dưới quê, và tới nay nó vẫn chưa được gặp mặt ba cháu biếu mấy chai rượu Tây, vừa nói lời cám ơn người đỡ đầu cho nó thi vào Đại học!”. Thầy dừng, lưng ngả ngửa lên thành ghế phía sau ra vẻ tiếc rẽ. Lại tiếp: "Cháu còn nhớ Dũng Ốm “Hoàng hậu” không? Nó đã ra Bác sĩ - Bác sĩ Đỗ Phú Dũng làm ở Bịnh viện Từ Dũ - bạn cháu!". Sau đó là một khoảng im lặng. Thầy Đỗ Trọng ngước lên nhìn đồng hồ treo tường rồi tự nhiên vào thẳng câu chuyện. "Còn việc nầy, thầy nói luôn, thầy xếp cho cháu một chân Bảo vệ! Có mấy người đến xin nhận rồi, nhưng chưa đâu... Cũng may cho cháu”. Thầy Đỗ Trọng vừa nói vừa đưa tay nhích hai tròng kính trắng cao dần lên trán, nhìn Mộng. Mộng vẫn ngồi im thinh. Thầy Đỗ Trọng tự nhiên: "Tám giờ hành chánh. Ba cháu biết. Thêm một việc nữa: chưa vợ, chưa con, ban đêm, cháu ngủ lại đây luôn thể. Trường mới mà... Tạm bước đầu là vậy!"…
   Nghe tới đó, thằng Mộng mặt tự nhiên biến sắc. Từ trạng thái lo sợ, phập phồng, chuyển sang tỉnh rụi như không có việc gì xảy ra với Mộng. Thấy vậy, thầy Đỗ Trọng chìa ra trước mặt Mộng một chùm chìa khóa mạ vàng còn mới nguyên. Đủ loại chìa mở cổng,  phòng học, tủ sách, kể cả chìa mở cửa phòng Hiệu trưởng. Chùm chìa khóa được thầy Đỗ Trọng đặt nhẹ lên mặt bàn trước mặt Mộng nhưng đủ bật ra tiếng động rổn rảng, khô không khốc. Quen nết “Vua Mộng”, “Mộng Anh Hai” từ thủa nhỏ, thằng Mộng đứng bật dậy nhưng không quên "Thưa thầy, con về!" khiến thầy Đỗ Trọng như đổ người ra phía trước và nói ấp a ấp úng câu gì nghe không rõ...
   "Con học nghề! Con phải làm nghề thôi, ba à!" Mộng thốt lên với tôi, giọng khẳng khái. Tôi tin Mộng có ý chí và mọi việc sẽ ổn định, sẽ tốt đẹp lên…
   Trong lúc tiếp tục tìm chỗ cho con học nghề, tôi lam lũ đi làm ngày hai buổi; vẫn với chiếc hon-đa màu đen cũ kỹ qua qua, lại lại ngã tư chỗ nhà thầy Đỗ Trọng. “Đỏ, nhanh; xanh, chậm...” Cứ thế, tôi vượt lên rồi tự nhiên nhập vào dòng người, dòng đời đang chảy xiết. Băng băng. Cuồn cuộn...


0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives