TẢN VĂN  

Posted by Unknown

Mùa bão

BÙI DƯƠNG
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền
số 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Mai bão về, nhà mi gặt chưa?
- Rồi!
- Được nhiều không?
- Nhiều! Những… 1 tạ cơ mà.
- Oạch, nhiều thế! Mấy sào?
- Ít ấy mà, có hơn mẫu.
Nói xong, hai đứa cùng cười mà nghe chua xót. Được lúc đứa bạn hạ giọng bảo:
- Chán lắm mày ạ. Cấy chạy lụt thành ra đón lụt, làng mình mất hết rồi.
- Ừ!
Không hẹn nhưng cả hai đứa cùng buông một tiếng thở dài. Cuộc nói chuyện kết thúc để lại một cái gì nghèn nghẹn trong cổ họng không thể nói ra. Lớp trưởng thông báo lịch nộp học phí kỳ mới rồi. Muốn gọi về cho mẹ, nhấc máy lên nhưng rồi lại thôi. Có lẽ bây giờ không nên khuấy dậy nỗi lo trong lòng mẹ nữa. Ngày mai cơn bão số 11 lại tràn vào, chắc mẹ đang lo vá lại mấy tấm lưới để chắn dọc bờ ao phòng khi nước lớn. Chưa đầy 1 tháng, hai cơn bão tràn vào như muốn quét sạch những gì nó quên của đợt bão trước…      
Lâu rồi không về, tôi không dám lấy một lý do gì để biện minh cho mình. Bởi, dù là lý do gì mà bỏ bẵng quê đều là có tội. Cơn bão đang ào ào kéo tới, nhắm thẳng vào quê. Hồi chiều ngồi ăn cơm với mấy đứa bạn, xem dự báo thời tiết. Nhìn chị xướng ngôn viên chỉ đường đi của bão mà đôi đũa trên tay tôi run lên dần dật:
- Bão lại vào quê tao rồi bây ơi!
Cả bọn lặng im. Miếng cơm tần ngần như muốn nấc nghẹn. Thằng bạn bảo:
- Thôi ăn đi mày!
Nhai cơm mà dạ bồn chồn. Xa quê lâu, xa những lần nước lên, những đêm thức trắng canh lũ vì sợ nước ao tràn… Nhưng thói quen đếm bão đếm lụt thì vẫn chưa một lần nguôi trong tiềm nhớ. Nó ngấm vào máu từ khi chào đời. Nhiều ông bà già nay đã lẫn nhưng đếm bão thì không sai trận nào. Thậm chí trước khi đài báo, các ông, các bà đã nhìn vào góc tường mà thở dài: “Kiến chạy như ri thì chúng bây lo mà xem lúa má, ao bờ mần răng đi nhớ”.
Quê tôi có những cái tên gợi bao niềm khắc khoải: Thằng Lụt, Thằng Bão, Cái Lũ, Cái Mùa... Tìm hiểu những cái tên ấy mà đau thắt ruột. Đứa sinh trên bè chuối khi được đưa đến trạm xá giữa mênh mông là nước. Khi đó, nước ngập các ngả đường. Đứa sinh lúc bão về mất điện, nhập nhằng trong ngọn đèn dầu lay lắt. Đứa suýt bị nước cuốn trôi… Nên để nhớ ngày thoát nạn ấy mà cái tên Lũ, Lụt, Bão… ra đời. Tiếng khóc chào đời của đám trẻ làm mờ đi những tiếng thở dài trong mùa bão. Và tiếng cười cùng với những yêu thương chớm nở…
Năm nay bão  nhiều. Với quê tôi, bão chưa bao giờ là ký ức. Mỗi độ thu về, cái dải đất cằn cỗi ấy lại đón những lần lụt và chịu ảnh hưởng với hầu như các trận bão. Nằm ở tả ngạn sông Bưởi theo hướng xuôi từ đầu nguồn, dù không sát mé sông nhưng mỗi lần nước dồn ngược thì mấy con kênh thoát nước từ cánh đồng quê tôi ra sông Bưởi lại bị ứ nước dâng lên ngập trắng đồng. Mỗi lần như vậy, mọi người thường kéo nhau ra đầu làng nhìn nước mỗi lúc dâng lên rồi thở dài ngao ngán.
Những ngày chờ nước rút, cả cánh đồng trở nên nhộn nhịp. Người đưa khách qua đường, người kéo vó, thả lưới, người thấp thỏm đi chỉ để xem lụt. Những đứa trẻ chạy nghịch nước giữa tiếng quát tháo om xòm của người lớn. Mùa này, bàn tay bàn chân của người dân vùng lụt lại đen thùi thụi vì nước lá ổi nhá dập đắp vào để chữa nước ăn. Mùa bão lụt nước ăn chân tay là khổ lắm, chân cẳng ngứa ngáy vì lở loét. Chân, tay không lúc nào ngơi nên cũng không lúc nào khô để có thể khỏi được. Chỉ thầm ước sao trong những đám hàng cứu trợ bà con vùng lũ có thêm những lọ thuốc trị nước ăn cho người dân bớt đau và bớt khổ.
Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội, thấy khắp nơi kêu gọi ủng hộ miền Trung bão lũ. Đội thanh niên tình nguyện quyên góp mì tôm. Các tổ chức, cơ quan quyên góp tiền bạc, đồ dùng… Thấy ấm lòng hơn trong những ngày miền Bắc trở mùa se lạnh.

Nửa đêm mưa chợt đổ ào, cố gắng trở mình thật nhẹ để không làm động đến ai. Miền Trung quê mình đêm nay lại thức trắng với mưa và lũ. Nhìn hình ảnh cây cối, nhà cửa đổ vẹo trôi lềnh bềnh giữa mênh mông nước mà lòng đau thấp thỏm không nguôi. Nén tiếng thở dài. Ngoài trời mưa vẫn rơi…

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives