Chứng điếc tai  

Posted by Unknown

Bác sĩ ĐÀO TY TÁCH
Chứng lãng tai hay điếc tai tăng dần theo độ tuổi từ năm mươi đến sáu mươi. Hai nguyên nhân chính gây điếc tai là do di truyền và do tiếp xúc với âm thanh quá lớn trong một số nghề nghiệp như xưởng may, xưởng cơ khí, nhà máy gang thép mà người ta gọi là điếc nghề nghiệp. Các nguyên nhân khác gây điếc tai là nút ráy tai, viêm tai giữa và lủng màng nhĩ.
Các dấu hiệu bao gồm người bệnh không hiểu lời nói và ngại chuyện trò. Khi có tiếng ồn trong đám đông, người bệnh thường yêu cầu người khác nói chậm hơn và lớn tiếng hơn. Khi xem đài truyền hình hay đài phát thanh, người bệnh thường yêu cầu mở âm thanh tối đa.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu cơ chế nào giúp chúng ta nghe được âm thanh. Quí ông bà nghe được là do các sóng âm thanh đi vào tai gây ra các rung động và chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh đến não bộ dưới dạng âm thanh. Hệ thống tai của quí ông bà gồm có ba khu vực chính: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Sóng âm thanh đi qua tai ngoài và gây ra các rung động ở màng nhĩ. Màng nhĩ và ba xương nhỏ của tai giữa là xương búa, xương đe xương quai có nhiệm vụ khuếch đại các rung động này khi đi vào tai trong. Ở đây, các rung động đi qua chất dịch trong ốc tai, nơi chứa hàng ngàn sợi lông nhỏ giúp chuyển các rung động âm thanh thành tín hiệu điện truyền tới não. Những rung động khác nhau ảnh hưởng đến các sợi lông nhỏ khác nhau và đưa ra các tín hiệu khác nhau giúp phân biệt âm thanh.
Tổn thương tai trong hoặc tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn có thể gây hao mòn những sợi lông hay các tế bào thần kinh trong ốc tai. Nút ráy tai chặn ống tai và ngăn chặn dẫn truyền sóng âm thanh cũng là một nguyên nhân gây điếc tai. Nhiễm trùng tai hay có khối u trong tai, những vụ nổ lớn làm tăng áp lực đột ngột hay lủng màng nhĩ cũng gây điếc tai.
Công ăn việc làm thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong môi trường lao động như xây dựng hay nhà máy sản xuất, tiếng ồn do nổ súng và bắn pháo hoa có thể gây mất thính lực vĩnh viễn. Một số loại thuốc kháng sinh và hóa trị, thuốc giảm đau, các thuốc sốt rét hay thuốc lợi tiểu cũng tạm thời gây ù tai hay mất thính lực. Chúng ta thử so sánh cường độ âm thanh của một vài âm thanh tiêu biểu dựa trên đơn vị decibel: Tiếng huýt sáo: 30 decibel, nói chuyện bình thường 60 decibel, tiếng xe mô tô 95 decibel, tiếng máy khoan cắt bê tông 100 decibel, tiếng còi xe cứu thương 120 decibel, tiếng động cơ phản lực cất cánh 120 decibel, tiếng nổ súng 160 decibel, tiếng phóng tên lửa 180 decibel.
Các phương pháp nhằm chẩn đoán chứng điếc tai bao gồm xét nghiệm sàng lọc, trong đó thầy thuốc yêu cầu người bệnh bịt một bên tai lại để xem tai bên kia nghe âm thanh từ nhỏ tăng dần lên. Thầy thuốc cũng dùng âm thoa đánh giá nguyên nhân điếc tai do dẫn truyền, do thần kinh hay do cả hai. Đôi khi, thầy thuốc cần chụp X-quang cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ nhằm xác định vị trí tổn thương.
Nếu điếc tai do nút ráy tai, thầy thuốc cần loại bỏ ráy tai bằng cách cho dầu vào làm mềm đi rồi gắp nút tai ra. Nếu điếc tai do tổn thương tai trong, thầy thuốc khuyên dùng máy trợ thính để khuếch đại âm thanh lên. Trong một số trường hợp, thầy thuốc yêu cầu cấy ốc tai điện tử nhằm bù đắp các tổn thương không hồi phục ở tai trong.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives