Ngày ấy Bác Hồ dạy học ở Dục Thanh  

Posted by Unknown

LÊ HỒNG BẢO UYÊN
(Tỉnh Hưng Yên)
Khu di tích lưu niệm Bác Hồ - Trường Dục Thanh nằm trên một vùng đất bằng phẳng bên bờ sông Cà Ty, TP. Phan Thiết. Ngày nay khu trường ấy là ngôi nhà số 39 bến Trưng Nhị, cách đường quốc lộ số 1 tám trăm mét về phía Tây.
Vào năm 1910, Hồ Chủ tịch trên đường tìm đường cứu nước đã dừng chân tại Phan Thiết và dạy học một thời gian. Trường Dục Thanh nay trở thành khu di tích lưu niệm về người thầy vĩ đại của chúng ta. Người mà cả cuộc đời luôn luôn phấn đấu cho một lý tưởng cao đẹp: Độc lập - Tự do của Tổ quốc. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại mãi mãi sống trong lòng nhân dân Việt Nam...”
Năm 1977, trong dịp kỷ niệm lần thứ 32 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Phòng bảo tàng Ty Văn hóa - thông tin tỉnh Thuận Hải (cũ) đã tiến hành tu sửa khu lưu niệm Bác.
Theo các học trò cũ của Người kể lại: Trường Dục Thanh được thành lập vào năm 1908 do hai người con của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lồi (Ấm Năm) và Nguyễn Quý Anh (Ấm Bẩy) đứng ra tổ chức. Nguyễn Thông là một nhà nho yêu nước, khẳng khái, vô cùng căm ghét bọn quan lại:
Tham quan ô lại một phường
Nuôi thân bằng máu, bằng xương dân lành
(Thơ văn cụ Nguyễn Thông)
Số học sinh của trường lúc đó có trên 100 người, chia làm hai ban: ban Hán văn và ban Pháp văn. Khi mới đến, học trò được học Quốc ngữ trong vài tháng để có cơ sở, rồi sau đó mới học các môn khác. Trong trường, có 6 giáo viên. Thầy Nguyễn Tất Thành là một trong những giáo viên trẻ nhất.
Cụ bác sĩ Nguyễn Quý Phầu, cháu nội của nhà chí sĩ Nguyễn Thông, học trò cũ của thầy giáo Nguyễn Tất Thành cho biết: Khi giảng bài cho học sinh, thầy Thành đã giáo dục lòng yêu nước nồng nàn, yêu quê hương tha thiết, đọc cho học sinh nghe những bài ca yêu nước, hướng dẫn cắt tóc ngắn và tập thể dục. Trong nội dung giáo dục, thầy Thành đã kết hợp những kiến thức trong sách vở với việc tham quan thực tế. Chiều thứ năm hay thứ bảy, thầy lại dẫn học sinh đi chơi làng Long Khê và đình làng Đức Nghĩa, vào dịp Trung thu thầy trò lại đi chơi và ăn Tết trên bãi biển Thương Chánh, cùng ngắm trăng và hát những câu yêu nước thuộc lòng:
Á tế á năm châu là bậc nhất
Người nhiều hơn
mà đất cũng rộng hơn
Đấng làm trai sống trong trời đất
Phải làm sao cho rõ mặt non sông
Buổi chiều sau giờ làm việc, thầy Nguyễn Tất Thành thường ra chăm sóc cây khế sau nhà.
Ngoài ra, thầy còn dành một số lớn thì giờ để đọc sách tân thư - những cuốn sách nói về sự mới mẻ, mở mang trí tuệ con người.
Cuối năm 1911, thầy Nguyễn Tất Thành từ giã ngôi trường thân yêu Dục Thanh vào Sài Gòn và sau đó ai cũng biết là từ Bến Nhà Rồng thầy đã xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước. Học sinh trường Dục Thanh ai cũng ngẩn ngơ luyến tiếc Người.
Trong khu di tích hiện nay còn có Ngọa Du Sào, nhà thờ cụ Nguyễn Thông, giếng nước, cây khế ngọt của Bác từng vun xới. Trong Ngọa Du Sào, từ bộ ván ba tấm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành nằm, trước bàn để bộ ấm trà thầy thường uống nước, rương sắt thầy đựng đồ, chiếc tủ sách của thầy đều được các học trò khi xưa của Người hướng dẫn cho bày đặt đến nơi đến chốn.

Khu di tích Bác đã thật sự là niềm tự hào của người dân Phan Thiết, góp phần không nhỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên và nhân dân nơi đây. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives