ĐỌC SÁCH Thụy Anh và tác phẩm 100 gờ-ram hạnh phúc  

Posted by Unknown

HẢI ANH

Tập tản văn 100 gờ-ram hạnh phúc (NXB Trẻ - 2013) của Thụy Anh gồm 44 tác phẩm được chia thành 2 phần. Phần đầu là những trang viết ghi lại hồi ức về cuộc sống, cảnh vật, con người nước Nga mà tác giả có dịp trải nghiệm trong một thời gian dài với: Mùa thu trở lại, Mùa hoa rớt, Pion, Mùa lấy mật bạch dương, Những cây cầu trong đêm trắng, Ông già bán báo ở bến Park Kultury, Những mẩu chuyện xe buýt, “Đi làm khách” nhà người Nga... gây nhiều xúc động.
Đó là mối quan hệ giữa tác giả với Ông già bán báo ở bến Park Kultury (Công viên Văn hóa - cũng là tên của tác phẩm). Ông già bị mù nhưng đẹp lão, phong thái đĩnh đạc. Trong 5 năm đi học mỗi lần gặp, tác giả chỉ chào hỏi và trò chuyện quẩn quanh về thời tiết, thỉnh thoảng giúp vài công việc vặt... chỉ vậy thôi nhưng khi sắp rời khỏi nước Nga, tác giả chợt nhớ đến ông với niềm cảm mến khôn tả. Câu chuyện cậu bé nhường xe buýt cho bà lão rồi được chính bà bế vào lòng như 2 bà cháu thân thiết trong một chuyến xe buýt đông người cũng là một câu chuyện đọng lại nhiều suy ngẫm (tác phẩm Những mẩu chuyện xe buýt) hay hình ảnh những ông bà già Nga cô đơn, u buồn ngồi trên ghế gỗ ngoài sân với ánh mắt xa xăm đã trở thành nỗi ám ảnh day dứt cho chính tác giả và người đọc: “Những người sống một mình, đàn bà thì làm bạn với một chú mèo uể oải, đàn ông thì đánh bạn với chai rượu để quên sầu hay đôi khi chỉ là một thói quen” (Hy vọng dành cho cái chết, tr.64). Tác giả cũng đề cập đến cuộc mưu sinh vất vả của mình và của người Việt ở Nga nói chung thông qua tác phẩm Giữa những hành lang hẹp, Nhớ bánh chưng xứ Tuyết...
Nhắc đến nước Nga, tác giả không quên nhắc đến mùa thu tuyệt đẹp với những cánh rừng Bạch Dương vàng đỏ trải dài: “Nhưng mùa thu ở Nga còn đẹp cả ở vẻ tiều tụy trong mưa của nó - vẻ khổ hạnh sang trọng của những căn nhà gỗ ở ngoại ô, vẻ chịu đựng đến bình thản của những cành lá bị gió lay dữ dội, đung đưa không chút sợ hãi, vẻ rực rỡ tơi tả của những khóm hoa cúc nhỏ nhiều màu, ngả rạp mình kiên nhẫn dưới mưa” (Mùa thu trở lại, tr.8). Mùa hè rớt ở Nga cũng là một mùa đáng mong đợi khi nó xuất hiện “sau những đợt lạnh và cơn mưa kéo dài, lá trên cây đã lác đác lên màu đỏ, vàng chen lẫn với màu xanh” (Mùa hè rớt, tr.22). Còn mùa đông, cánh rừng Bạch Dương lạnh lẽo sâu thẳm với những tia nắng yếu ớt từ trên cao chiếu rọi xuống tàng lá, không làm ấm nổi con đường dài hiu quạnh.
Phần thứ 2 của quyển sách viết về những kỷ niệm đáng nhớ ở Hà Nội như: Quán chè chén, nhớ một người Hà Nội, Nơi hoa và đá nở bốn mùa, Khe hở giữa những viên sỏi... Nhớ Hà Nội, tác giả nhớ… món bánh cuốn không nhân mà mình ăn hồi bé vào những năm 90 khó khăn, nhớ món phở gà khi đang giữa mùa tuyết lạnh giá của nước Nga, nhớ miền núi cao Đồng Văn sương mù, nhớ tiếng leng keng của tàu điện, nhớ quán chè của ông bác ruột và vị ấm áp từ ngụm trà nhỏ xua tan mùa đông buốt lạnh, nhớ người bác làm nghề Đông y có phong cách tinh tế, sang trọng của một người Hà Nội xưa hay đơn giản là chìm đắm trong cảm giác thanh bình của những đóa sen tàn trên Hồ Tây vào một buổi chiều thu sau khi xa Hà Nội 20 năm…

Thụy Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Mátxcơva năm 1997, Tiến sĩ ngành Giáo dục học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”. Tác phẩm đã xuất bản: Gió trắng (Tập truyện ngắn, NXB Văn học 2010, tái bản NXB Trẻ năm 2012), Olga Beggoltz của tôi (NXB Trẻ 2010); là tác giả, chủ biên của nhiều bộ sách thiếu nhi Bố ơi vì sao?, Chuyện của Bún Bò. Chị đoạt giải C về văn xuôi của cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Quân Đội 2008-2009 và giải thưởng dịch thuật Hội Nhà văn Hà Nội 2011 cho Olga Beggoltz của tôi

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives