Ra đi từ mái trường ấy  

Posted by Unknown

Hồi ức BÙI QUANG TÚ

Lớp học miền núi - Tranh khắc gỗ
 Đời người ai cũng có chuyến đi, tôi đã có một chuyến đi vào miền xa thẳm, vào chiều dài thăm thẳm của thời gian. Nơi ra đi là từ mái trường ấy.
Cách đây 40 năm tôi đã có 3 năm dạy học ở trường cấp 3 Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Trường cấp 3 Quốc Oai thuộc huyện Quốc Oai. Quốc Oai là vùng bán sơn địa có chùa Thầy linh thiêng, cũng là nơi danh nhân Cao Bá Quát vừa dạy học vừa nung nấu ý chí lật đổ triều đình lúc bấy giờ. Sống ở Quốc Oai tôi lắng nghe thơ Quang Dũng dìu dặt như tiếng sáo diều trên tầng không. Tiếng sáo diều ấy như đã chạm vào nơi sâu thẳm của tâm hồn người dân Quốc Oai:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Quốc Oai có phố huyện với những mái nhà thấp lè tè, quán xá lèo tèo ẩn dưới những tán lá bàng xanh mướt. Từ trường học tôi nhìn ra những cánh đồng với những ngọn gió đông lạnh buốt thổi hun hút và những cơn gió nồm Nam mát rượi làm cho ngọn lúa uốn mình rì rào như sóng biển. Quốc Oai có những xã tựa lưng vào vách núi, khi hoàng hôn buông xuống khí lạnh tràn về sương mù dày đặc đến nỗi cách nhau mười mét nhìn không rõ mặt người. Nhưng nhớ thương sâu đậm nhất là người dân Quốc Oai chân tình, mộc mạc. Ở đây có vùng tiếng nói thật thanh thoát nhưng có vùng tiếng nói nặng trĩu, nhiều luyến láy như dân Nghệ Tĩnh. Có những lần đến thăm học sinh, phụ huynh níu thầy bằng một câu giản dị: “Mời thầy ở lại dùng bữa cơm dưa muối với chúng tôi”. Một lát sau đã thấy bưng lên một đĩa thịt gà rắc lá chanh đầy tú hụ, bát canh miến và chai rượu gạo. Có những dịp vào ngày 20-11 phụ huynh sai con cắp một rổ chuối và trứng gà đến biếu thầy. Vật chất không là trọng, nhưng cái đáng quý là tình cảm đối với thầy. Trường cấp 3 Quốc Oai tọa lạc ở phố huyện là một ngôi trường đặc trưng của vùng nông thôn. Giáo viên ở đây một nửa là người Quốc Oai, một nửa là người Hà Nội. Học sinh đều là con em cán bộ, nhân dân Quốc Oai. Ba năm sống và dạy học ở Quốc Oai tôi đã lọt thỏm vào những năm dữ dội nhất của trường. Trận lụt kinh hoàng hè năm 1971 khiến dòng sông Đáy ngày nào cạn rốc, giờ bỗng phình to, mênh mang một màu đỏ ngầu. Nước mấp mé mặt đê. Nếu tháo cống, cả trường sẽ chìm nghỉm thầy trò chỉ có nước lên… chùa Thầy mà dạy và học.
 Trường có lệnh đi sơ tán. Thanh niên trai tráng xung phong đi hộ đê. Sân trường đầm đìa nước, đi lại phải lội bì bõm. Cây cối trong trường bị gió bão đánh tơi tả, lá cành gãy gục. Nhưng rất may, không phải tháo cống vì nước sông không dâng cao nữa. Thế là trường còn nguyên vẹn. Rồi cuối năm 1972, để đối phó với những trận oanh kích ác liệt bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, trường sơ tán làm nhiều lớp học bằng tranh tre nứa lá ở Nghĩa Hương, Hoàng Ngô, Cấn Hữu. Có những lần đạp xe đi dạy trong mưa phùn, xe lảo đảo lội trong bùn lầy nhão nhoẹt, cứ đi được một đoạn phải dừng lại dùng que cạy bùn đất dính kẹt ở vành xe. Tới nơi dựng xe bên vách hầm chữ A, cạnh khóm cây trinh nữ ướt rượt, lẫm chẫm đi được vài bước thì té cái oạch. Ghé lại mương nước gột rửa bùn đất, bước vào lớp dạy Kiều, ống quần còn rỏ nước tong tỏng, toàn thân lạnh run. Trưa về nhai trệu trạo miếng bột mì luộc cứng ngắt, húp bát canh rau muống lạnh ngắt, phủ chăn nằm chưa ấm lưng đã vùng dậy đi dạy tiếp. Cứ thế đội bom đạn, lội mưa bùn rong ruổi đến các lớp học sơ tán hàng mấy tháng trời. Vui nhất là được nghe tiếng ríu rít hồn nhiên của các em học sinh. Học sinh Quốc Oai chân thật, mộc mạc. Học sinh Hà Nội sơ tán ăn mặc đẹp hơn, kiêu kỳ hơn nhưng cũng chan hòa. Những năm tháng ấy tôi như cảm thấy mình và các đồng nghiệp có một sức mạnh tinh thần phơi phới diệu kỳ nên đã vượt qua được mọi gian lao thử thách.
Tôi còn nhớ mãi buổi lên lớp đầu tiên ấy. Dù còn trẻ mới ra trường tôi cũng được phân công 
Lớp học sơ tán
dạy lớp 10 cuối cấp. Dạy chừng mười lăm phút thì thấy anh Thông hiệu trưởng ngồi im phăng phắc trên mép là bộ râu đen hắc ín uốn cong hình cánh cung. Tôi hốt hoảng nhưng lại bất ngờ vì tiết dạy ấy được anh Thông đánh giá là được. Nhớ những phiên họp hội đồng sinh hoạt chính trị thời sự, phân công và đánh giá chuyên môn, lao động. Và những buổi chiều nghe nói chuyện về sinh đẻ có kế hoạch, buổi tối thắp đèn măng-xông để bàn về phân phối xe đạp, vỏ ruột xích líp xe đạp. Vui nhất là có buổi họp bàn về việc phải làm khu đi tiểu cho giáo viên, anh Thiệu - giáo viên Trung văn đứng dậy nói lên sự cấp thiết của nó: “Có những lúc bí quá tôi phải tương cả vào bánh xe, gốc cây hoặc tương ngay vào bóng tối”, khiến cả hội đồng giáo viên cười ồ. Nhớ khu tập thể lúc vắng lặng lúc huyên náo, nhô chếch sau lưng dãy nhà tôi ở là chị Bình dạy Sử, chị thường bế con ra đầu hồi dỗ dành, phía trước là chị Mỹ hiệu phó lúc nào cũng tất bật việc trường việc nhà. Căn phòng của tôi chỉ có gia tài rất đơn sơ: một cái bàn, một cái giường, một cái bếp dầu và một cái nồi, cái xe đạp Đi-a-măng. Còn thêm một giá sách tự chế làm bằng tre, sách nặng đến nỗi giá sách oằn xuống như tấm lưng còng của bà cụ già. Nhà lợp tôn vách đất chắc chắn đến mức mỗi lần về Hà Nội tôi lại phải gửi va-li, dù trong va-li chả có kim cương, hạt xoàn, chỉ có mấy bộ quần áo. Bởi vì chỉ cần tên trộm đạp vào vách và niệm câu thần chú: “Vừng ơi, mở cửa ra” là ngay lập tức căn phòng của thầy giáo vô sản sẽ hiện ra trước mắt hắn. Cái giếng nước duy nhất dành cho trường dùng, nước đục đến nỗi mỗi lần lấy nước về phải để hai tiếng đồng hồ cặn mới lắng xuống. Và cả cái ao rộng bên hông trường sóng gợn lăn tăn mỗi khi có làn gió đưa đẩy. Ở trường những giáo viên gốc Hà Nội cứ đến chiều thứ bảy là rủ nhau đạp xe về thủ đô. Leo lên mặt đê, đổ dốc xuống bãi mía nương dâu, ngoi về thị xã Hà Đông, vượt qua khu Cao Xà Lá và về tới phố thì tỏa ra mỗi người một nơi. Người về Hàng Buồm, Hàng Than, Hàng Thiếc, kẻ về Kim Liên, Vân Hồ. Có những ngày thứ bảy, chủ nhật ở lại họp Đoàn, đi lao động thủy lợi, thăm học sinh tôi lại đạp xe ra phố huyện ăn tạm bát bún riêu, mua ổ bánh mỳ. Cũng ở nơi ấy tôi đã chứng kiến bức tranh phong cảnh với những gam màu khác nhau. Đó là những buổi bình minh tuyệt đẹp ánh nắng ngập tràn rạng rỡ cả khu trường và những mùa đông tê tái mà người và cảnh trở nên xám ngắt. Có những đêm trăng sáng vằng vặc soi rõ cả sân trường và những đêm đen tối hù phải men theo ánh đèn pin lờ mờ mới mò về được căn phòng của mình.
Dẫu sống và dạy học dưới mái trường cấp 3 Quốc Oai có nhiều kỷ niệm gắn bó như thế nhưng trong những năm tháng ấy lòng tôi luôn bồn chồn, náo nức không yên. Chiến tranh đã lan tràn ra cả nước nhưng dữ dội, khốc liệt nhất vẫn là ở chiến trường miền Nam. Hàng ngày tin chiến đấu và chiến thắng liên tục dội về. Ngoài phố huyện, Huyện đội tuyển quân hết đợt này đến đợt khác để chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều học sinh từ giã tuổi học trò khoác áo lính lên đường đánh giặc. Có em chỉ sau đó vài tháng đã hy sinh, có em trở thành dũng sĩ diệt Mỹ trở về quê hương báo cáo thành tích. Giáo viên của trường cũng có người nhập ngũ. Chiến trường miền Nam là lời kêu gọi thiết tha, cháy bỏng với thế hệ trẻ. Hãy ra chiến trường không cầm súng thì cầm bút hoặc làm bất cứ công việc gì để góp một chút nhỏ bé cho sự nghiệp giải phóng. Năm 1972, tôi hai mươi bốn tuổi mái tóc mượt xanh, chí trai hăm hở. Những lúc rảnh rỗi thường ghi nhật ký, ghi chép và sáng tác thơ, truyện ký. Những trang viết ngày ấy dù còn đơn giản và non nớt nhưng thể hiện một tấm lòng của một người thanh niên luôn tự day dứt, dằn vặt, thôi thúc mình phải phấn đấu, dạy tốt và viết hay hơn. Từ giữa năm 1972 tôi đã ghi vào nhật ký của mình: “Ta sẽ xin đi B. Về phương Nam”. Tôi yêu văn chương từ nhỏ, lớn lên theo học khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, tự thấy không còn sự lựa chọn nào khác là văn chương. Quốc Oai đã cho tôi những trải nghiệm thú vị nhưng nơi chiến trường mới chính là nơi có những trải nghiệm khốc liệt và phong phú gấp bội. Biết bao nhà văn lớp trước và những bạn bè cùng trang lứa đã xông pha vào trong đó. Đội bom đạn, ăn chịu với đói rét, bệnh tật. Người còn sống, kẻ hy sinh nhưng đều làm nên tác phẩm. Thế là dù đang sống trong một gia đình có đầy đủ điều kiện tôi vẫn quyết định dấn thân vào chiến trường để vừa dạy học vừa viết văn. Và dịp may đã đến. Sau Hiệp định Paris ký vào đầu năm 1973 ngành giáo dục chọn cử một số giáo viên đi B. Tôi viết đơn tình nguyện và được chấp nhận. Tháng 3-1973, tôi đi học ở trường Bồi dưỡng cán bộ đi B ở Bần Yên Nhân. Trở về tiếp tục dạy học nhưng trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. Ngày ra đi rồi cũng đến tôi đã có giấy gọi tập trung để lên đường. Sau một thời gian phấn đấu tôi đã được Huyện ủy Quốc Oai chuẩn y kết nạp Đảng. Sáng 5-9-1973, sau lễ khai giảng tôi lên phát biểu nói lời tạm biệt với nhà trường và các em học sinh. Buổi chiều 5-9, lễ kết nạp Đảng diễn ra. Tôi quyết định ngủ lại trường đêm cuối cùng. Khi màn đêm buông xuống tiếng dế gáy râm ran từ vạt cỏ sau dãy nhà, mùi hương lúa thoang thoảng và ánh trăng dịu mát cùng lọt qua khung cửa sổ phòng tôi mà tràn vào. Tôi trằn trọc không ngủ được. Sắp phải xa tiếng ríu rít thân thương của học trò, tình cảm nồng ấm của đồng nghiệp, xa dãy lớp học và khu tập thể giáo viên rồi. Cũng phải xa người dân Quốc Oai mộc mạc, chân thật và vùng đất Quốc Oai nhiều kỷ niệm. Trước mắt là con đường Trường Sơn chập chùng, cheo leo dài hàng ngàn cây số, là những cánh rừng ngút ngàn, là những dòng sông, con rạch chằng chịt, là bom đạn, đói ăn, mất ngủ và bệnh tật .. . Cái chết và hiểm nguy đang chờ đợi phía trước. Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận, đánh đổi để có những trang viết nóng hổi, tươi rói về cuộc sống và chiến đấu ngày hôm nay. Sáng 6-9, tôi đi rảo một lượt qua các dãy nhà tập thể để chào từ biệt các đồng nghiệp và lững thững qua các lớp học để chào các giáo viên đang đứng lớp và các em học sinh. Bước lên khu văn phòng đến chào anh Lĩnh hiệu trưởng (lúc này anh đã thay anh Thông làm hiệu trưởng). Tôi tặng lại anh chiếc cặp da làm kỷ niệm và nói lời từ biệt. Anh tiễn tôi ra tận đầu hồi và rơm rớm nước mắt: “Chúc đồng chí Tú đi bình an”. Tôi đứng lặng giữa sân trường và chợt nhận ra mùa thu xung quanh mình dịu dàng và trong trẻo quá. Da trời xanh đắm đuối, làm gió thu se lạnh. Trời đất như sáng ngời lên. Cảnh vật đẹp đến nao lòng. Lại bâng khuâng nhớ ra cách đây 3 năm cũng vào tiết thu này, cảnh đẹp đến nao lòng như thế này tôi ngơ ngác chân ướt chân ráo đến trường. Anh Thông hiệu trưởng từ phòng làm việc chạy ra, chị Mỹ hiệu phó từ nhà dưới lật đật chạy lên niềm nở đón giáo viên trẻ mới về. Tôi được bố trí ở tạm phòng hành chính hai tháng, sau khi làm xong dãy nhà tập thể mới chuyển xuống ở. Thế mà bây giờ tôi ra đi. Mái trường bình yên này, gia đình yên ấm thế, cảnh đẹp đến nao lòng nhường kia cũng không níu kéo được. Phải ra đi để thực hiện cho được hoài bão của mình. Tôi đạp xe trên con đường tráng nhựa, giữa hai hàng phi lao rì rào và đẩy xe đạp lên mặt đê. Gạt chân chống, dựng xe trên mặt đê và đứng từ xa nhìn lại mái trường thân yêu một lần nữa. Phóng tầm mắt ra xa còn thấy thấp thoáng dãy văn phòng và khu lớp học. Trường ơi nếu còn sống tôi sẽ trở về thăm trường. Còn nếu không về nữa thì… Tôi nghẹn ngào, nước mắt ứa ra. Nhưng rồi cũng phải rời mái trường đạp xe mải miết về Hà Nội bởi một lời kêu gọi thiêng liêng hơn, sâu thẳm hơn. Chỉ vài tháng sau đó tôi đã có mặt giữa một cánh rừng ven dòng sông Đồng Nai, vừa dạy i tờ vừa cặm cụi viết văn. Có những lúc treo mình lắc lư trên võng, bên dòng sông Đồng Nai êm đềm, vừa nhắm mắt thiu thiu ngủ chợt thấy mái trường Quốc Oai thình lình hiển hiện trong giấc mơ của mình…
Dâu bể cuộc đời đã đưa tôi định vị ở mảnh đất phương Nam. Ở phương xa nhưng lòng luôn khắc khoải nhớ về ngôi trường thân thương ấy. Từ mái trường Quốc Oai tôi đã nung nấu ý chí ra đi, một chuyến đi đến nay dài ngót nửa thế kỷ. Quốc Oai cũng là bệ phóng vững chãi giúp tôi vượt qua lửa đạn của thời chiến và những ghềnh thác của thời bình để trở thành một người vừa dạy học vừa viết văn.

Đường Trường Sơn
Có những chiều dạo bước bên bờ sông Đồng Nai lòng man mác nhớ đến trường, bất giác tôi cất tiếng gọi khe khẽ: “Quốc Oai ơi, Quốc Oai…”. Chắc rằng ở nơi xa ấy ngôi trường cũng đã nghe được tiếng lòng của tôi. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives