Mảng tối của giải Nobel Văn học  

Posted by Unknown

THÂN NGUYỄN LUẬN
(Krông Bông, Đăk Lăk)
Chiếc huy chương Nobel Văn học
Giải Nobel Văn học, trước tiên là một giải thưởng cao quý, vinh dự nhất thế giới đối với các nhà văn. Người đoạt giải cũng phải trải qua một quy trình đề cử, chọn lựa, “chấm giải” rất kỹ càng và nghiêm túc. Tất cả 110 người đã đoạt giải Nobel Văn học từ năm 1901 cho đến nay 2013 đều rất xứng đáng. Họ đều là những nhà văn lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn học của quốc gia họ và của thế giới. Tuy nhiên, không phải lần nào giải Nobel cũng được trao cho người xứng đáng nhất. Có những người tưởng như chắc mẩm mười mươi nhưng kết quả lại không như dự đoán. Và có những người vĩ đại, sừng sững nhưng không phù hợp với tiêu chí xét giải. Vậy có hay không nhiều khuất tất đằng sau bức màn đầy hào quang của giải thưởng danh giá này?
Chiếc huy chương của giải Nobel Văn học luôn mầu nhiệm ánh hào quang, được thiết kế bởi bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc Thụy Điển Erik Lindberg (1873-1966). Chiếc huy chương khắc họa một thanh niên trẻ đang ngồi dưới một cây nguyệt quế. Chàng say mê tiếng hát của Nàng Thơ, cứ thế, chàng ngồi nghe Nàng Thơ hát và viết lách bên nàng. Và cứ thế, nó trở thành một biểu tượng cao quý, có thể biến một văn sĩ nghèo thành triệu phú, biến “chàng cóc” thành hoàng tử, danh tiếng vinh quang vang xa năm châu bốn bể. Khó mà nói hết “ma lực” của giải thưởng này.
Sinh thời, Alfred Nobel (1833 - 1896) là một người rất thích văn học. Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, ông dành tình yêu đặc biệt cho văn học. Trong thư viện cá nhân, ông sở hữu một số lượng lớn sách văn học. Trong những năm tháng học cuối đời, thậm chí Alfred Nobel còn thử viết tiểu thuyết. Trong chúc thư ngày 27-11-1895, ông đề cập giải Nobel Văn học là hạng mục trao giải thứ 4. Ông có dặn dò về tiêu chí xét giải như sau: “Giải thưởng này sẽ dành cho người sáng tác ra những tác phẩm nổi trội nhất theo một cách lý tưởng nhất”. Chính cách nói “chung chung” như thế mà Ủy ban xét giải Nobel qua các thời kỳ đã suy luận câu nói ấy và áp dụng khác nhau. Vì thế có nhiều nhà văn lỡ hẹn với giải một cách đáng tiếc.
Viện hàn lâm Thụy Điển
Việc mâu thuẫn với các quan điểm, tiêu chí lựa chọn trao giải, hoặc mâu thuẫn với các cá nhân trong Viện hàn lâm Thụy Điển khiến nhiều người không thể đoạt giải. Lev Tolstoy, Anton Chekhov, James Joyce, Henry James… là những nhà văn hàng đầu phải chịu sự “oan ức” đó. Ví dụ như trường hợp của nhà văn thực nghiệm người Ireland James Joyce (1882-1941), là nhà văn nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học thế kỷ XX. Nhưng Ủy ban Nobel nổi tiếng là không ưa các nhà văn thực nghiệm, vì vậy tác giả tập truyện ngắn “Người Dublin” đành ngậm ngùi chấp nhận. Trường hợp của Lev Tolstoy (1828 - 1910) cũng rất đáng tiếc. Ông được coi là nhà văn vĩ đại nhất đang sống vào năm 1902, nhưng ông đã bị loại khỏi giải vì có những phát biểu làm “mếch lòng” Ủy ban Nobel. Khi được hỏi về khoản tiền thưởng, ông nói: “Tiền bạc không mang lại điều gì ngoài cái ác”. Ông vẫn còn được đề cử ba lần nữa, nhưng những thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển bấy giờ cảm thấy bị xúc phạm nên sẽ không bao giờ trao giải cho ông. Một trường hợp đáng tiếc nữa là nhà văn, nhà thơ Nigeria Chinua Achebe (1930 - 2013). Tác phẩm Things Fall Apart (Mọi thứ đều đổ vỡ, 1958), là tiểu thuyết lịch sử được dịch ra 50 ngôn ngữ trên thế giới, và nhiều tác phẩm khác nữa không kém giá trị. Tuy nhiên, ông không thể có cơ hội đoạt giải vì quá thẳng thắn khi phê phán về các nhà văn phương Tây, trong đó có nhà văn Joseph Conrad - một thành viên giám khảo giải Nobel. Tháng 3-2013, ông chết, và có nghĩa rằng không bao giờ còn cơ hội đoạt giải.
Chuyện lùm xùm không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trường hợp đã được Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải rồi, nhưng vẫn bị dư luận chê là chưa xứng đáng. Đó là vì một số nhà văn là “người nhà” của Viện. Sáu nhà văn người Thụy Điển đoạt giải Nobel Văn học đều đã công tác tại Viện hàn lâm Thụy Điển. Việc thiên vị cho tác giả “sân nhà” là khó tránh khỏi. Trường hợp nhà thơ Thụy Điển Erich Karlfeldt từ chối giải Nobel Văn học năm 1912 vì “Đang làm thư ký thường trực Ủy ban Nobel” là minh chứng. Có thể nói ông rất “tự trọng” khi từ chối. Mãi đến năm 1931, sau khi ông chết 6 tháng thì mới đoạt giải.
Một vấn đề gây tranh cãi xung quanh giải Nobel Văn học nữa là những điều kiện trao giải. Giải Nobel này chỉ trao cho những tác giả còn sống, và những tác giả đã chết sau khi kết quả chấm giải đã được công bố. Quy định này có từ năm 1974. Trước đó, có một người đoạt giải sau khi đã chết là Erich Karlfeldt. Đã có nhiều người phản đối điều này, nhưng đến nay quy định này cũng khiến nhiều tác giả lớn hụt giải. Nhà thơ người Pháp Paul Valéry (1871-1945) đã được đề cử tới ... 12 lần từ năm 1930 đến 1945, nhưng kết quả vẫn trắng tay. Được biết Viện hàn lâm Thụy Điển, cuối cùng cũng chấp nhận nhà thơ hiện đại và lên kế hoạch để công bố ông là người chiến thắng vào năm 1945. Thật đáng tiếc vì ông đã qua đời vào tháng 7-1945 nên phải nhường giải lại cho nữ nhà văn người Chi Lê Gabriela Mistral (1889-1957).
Bên cạnh đó, việc những tác giả lớn bị chấm “rớt” do liên quan đến các hoạt động chính trị. Tiêu biểu nhất có thể kể đến nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges (1899-1986). Ông đã luôn thất vọng về sự lựa chọn của Ủy ban Nobel đến mức ông từng nói: “Không trao cho tôi giải Nobel đã trở thành một truyền thống của vùng Bắc Âu. Kể từ khi tôi sinh ra họ đã không muốn trao cho tôi”, hay câu nói đầy ẩn ý: “Tôi sung sướng vì là nhà văn lớn duy nhất đã không được nhận giải Nobel!”. Có lẽ sự cảm thông của Borges đối với chính phủ phát xít của Argentina và nhà độc tài Augusto Pinochet khiến ông bị loại bỏ khỏi danh sách cân nhắc.
Còn một chuyện cũng đáng quan tâm nữa của giải Nobel Văn học, đó là việc trao giải
không theo quy định. Giải Nobel Văn học vốn được trao với ý nghĩa tôn vinh cả sự nghiệp sáng tác của một tác giả, chứ không trao cho một tác phẩm xuất sắc. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp Ban tổ chức giải phá lệ, gọi tên một tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của các nhà văn. Minh chứng rõ nhất là trường hợp nhà văn Nga Mikhail Sholokhov (1905-1984) nhận giải năm 1965 với tác phẩm “Sông Đông êm đềm” (And Quiet Flows the Don) và nhà văn Mỹ Ernest Hemingway (1899-1961) nhận giải năm 1954 với tác phẩm “Ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea). Như vậy, quy định “tôn vinh sự nghiệp sáng tác” dường như không thực hiện nghiêm túc. Đó là lý do vì sao nhiều người có sự nghiệp đồ sộ lại thua những nhà văn đàn em nhưng có tác phẩm xuất sắc.
Nobel Văn học là giải thưởng lớn và uy tín, nhưng cũng có những hạn chế nhất định, có thể do chủ quan hoặc khách quan. Những hạn chế đó đã, đang và sẽ còn làm chúng ta chứng kiếm thêm nhiều điều đáng tiếc nữa.

Theo quy định của Ủy ban Nobel, danh sách và các thông tin liên quan đến tác giả được giữ kín trong vòng 50 năm. Vì vậy nhiều chuyện khuất tất liên quan sẽ nằm trong những chiếc hộp bí mật, đặt tại Stockholm, nơi Viện hàn lâm Thụy Điển đặt trụ sở. Tất cả chúng ta chờ xem còn những bí mật nào ở đằng sau hào quang của Nobel Văn học.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives