Đi tìm nống mốt, nống hai...  

Posted by Unknown

PHẠM TỬ VĂN
(Q. Tân Bình, TP.HCM)


Quê tôi ở Thái Bình. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, nhà tôi làm nghề đan rổ rá. Ngay từ nhỏ, chị em tôi đã được bố dạy cho cách cầm nan tre đan nống mốt, nống hai, lớn thêm một chút thì cầm dao, chuốt cật. Đôi khi, tôi bị mảnh dằm găm vào ngón tay, buốt thấu xương. Và cũng nhiều lần bị cật tre khứa cho bật máu, tôi vừa khóc vừa nói sẽ không bao giờ đan nữa. Nhưng vì sợ tới phiên chợ, mẹ không đủ hàng mang đi chợ bán để có tiền mua sách vở, hôm sau đi học về, tôi lại ôm đống nan tre bố mới vót xong, mang vào nhà cặm cụi làm tiếp.
Phiên chợ quê tôi sáu ngày họp một lần. Nên cứ theo chu kỳ đó, gia đình tôi tập trung vừa vót nan, vừa đan mê rổ, mê rá trong ba, bốn ngày. Đan xong mê nào, thì mê đó được đưa lên gác bếp cho khói bếp bám vào. Ngày thứ năm, bố tôi sẽ đem xuống, nẹp cạp cứng để cho ra những khuôn hình rổ rá lớn nhỏ. Chị em tôi có nhiệm vụ buộc dây mây nẹp viền lại. Sau khi buộc xong, bố tôi sẽ huơ qua lửa để tăng thêm độ óng cho sản phẩm rồi ngâm xuống ao. Chừng hai mươi phút vớt lên, lấy rơm chà qua chà lại, những sản phẩm ấy sẽ chuyển sang màu vàng ươm rất bắt mắt. Cuối cùng, chúng sẽ được phơi sương cả đêm để sáng hôm sau khoe mình giữa phiên chợ tấp nập người.
Và lần nào chợ họp phiên, tôi cũng đòi mẹ cho tôi theo. Nhiều lần, tôi còn được mẹ giao cho trọng trách bán hàng thay mẹ để mẹ chạy thêm hàng xáo kiếm cân gạo, mớ khoai. Với những kinh nghiệm học mót được từ mẹ và mấy người bán xung quanh, tôi cũng kỳ kèo từng giá với người mua để bán được sản phẩm ở mức giá cao nhất. Thậm chí có lần, để chứng minh cho lời chào hàng rổ nhà tôi rất bền và chắc, tôi đã làm theo cách của bố tôi ở nhà là giơ rổ lên cao, vập mạnh xuống nền gạch. Khi thấy nẹp rổ không bung, mối mây vẫn chắc thì nhiều người đổ xô sang mua. Với sản phẩm chất lượng như vậy, hàng rổ rá của mẹ tôi luôn bán hết sớm. Nhiều khi người ta còn hẹn tới nhà để đặt mua số lượng lớn mang đi các chợ xa bán lại kiếm lời.
Nhờ cái nghề tôi vẫn gọi vui “cặm cụi mổ cò những nan tre” mà bố mẹ tôi đã nuôi được chị em tôi ăn học nên người. Nhưng khi rổ rá bằng nhựa tràn lan trên thị trường, sản phẩm bằng tre bị cạnh tranh khốc liệt thì không còn mấy ai mặn mà với nghề ấy nữa. Những bụi tre bị phá bỏ, những đục, những nêm, những dao nằm ơ hờ một góc. Cái nghề đan rổ, đan rá cũng lùi dần vào trong ký ức của người làng.
Bây giờ tôi trở về chợ quê, màu vàng ươm bắt mắt của rổ rá năm xưa đã không còn, chúng mãi bay xa. Và hình như, đầu ngón tay của tôi có mảnh dằm còn găm lại… 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives