TRẢ LỜI THƯ DÂN HỎI  

Posted by Unknown

THƯ NGƯỜI DÂN
Lộc Ninh, 5-11-2013
Kính gửi: TB. Văn Nghệ TP.HCM
Tôi năm nay 71 tuổi, thời kỳ chống Mỹ là Trạm trưởng Binh trạm giao liên Trường Sơn ở Khu 6, Nam Trung bộ, nơi có rừng le, rừng lá buông, bệnh sốt rét cùng hàng nghìn, hàng vạn tấn đạn bom, chất độc hóa học kẻ thù trút xuống. Ngày đất nước hòa bình thống nhất, tôi về Lộc Ninh lấy vợ, sinh con. Tôi được cấp chục công rẫy trồng cà phê khi về hưu. Nhưng khổ là hai đứa con tôi đều bị nhiễm chất độc da cam, đứa té suối chết lúc 4 tuổi khi vợ chồng tôi bận cuốc cỏ trên rẫy, đứa còn sống lây lất đến nay đã ngoài 30 tuổi mà còn ỉa đái tại chỗ… Nói chung cuộc sống hết sức chật vật: lương hưu cả hai vợ chồng cộng với thu hoạch mấy trăm gốc cà phê chỉ vừa đủ nuôi sống gia đình. Nhưng nghĩ lại vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội, anh em nằm lại ở rừng vì đạn bom, vì sốt rét ác tính… đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Nghĩ lại mới thấy những ngày độc lập tự do hôm nay là vô cùng quý giá, cho nên phải ráng chung lòng góp sức mà gìn giữ, xây đắp.
Có một người em họ làm ở ngành Thông tin - Văn hóa nên tôi được đọc nhiều số báo Văn Nghệ TP.HCM của Quý Anh - dù đó là những số báo cũ, thậm chí rất cũ. Mà đối với báo Văn Nghệ thì đâu giống như báo ngày, cũ mà vẫn cứ như mới. Tôi rất thích những truyện, những bút ký, hồi ký, những bài thơ viết về cuộc kháng chiến vừa qua vì nó rất gần gũi, thân thiết với mình. Tôi đặc biệt chú ý đến nhiều bài đấu tranh, phê phán các quan điểm phản động, đả kích, chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Nhất là gần đây vụ ông Lê Hiếu Đằng hô hào thành lập đảng Xã hội dân chủ. Có được những bài như thế để đọc thật hả lòng hả dạ, đỡ phải ôm cục tức trong ngực. Tôi chỉ có một số thắc mắc, xin mạnh dạn nói ra đây mong Quý Anh thông cảm giải đáp cho:
Cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng hiện nay là cuộc đấu tranh chung, dù là báo nào cũng phải nói lên tiếng nói của dân của Đảng, phải dũng cảm bảo vệ thành quả Cách mạng mà cha ông ta đã đổ biết bao xương máu mới giành được hôm nay, sao tôi thấy quanh đi quẩn lại chỉ có một mình báo Văn Nghệ TP.HCM lên tiếng, còn các báo khác từ Nam chí Bắc im re, hoặc có nói cũng phải nhìn trước ngó sau, nói nhẹ hều như vuốt ve vậy? Sao không thể huy động được toàn thể cơ quan ngôn luận, báo chí thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh chống lại bọn muốn phá rã Đảng, phá rã Nhà nước ta?
Loạt bài của ông Nguyễn Văn Lưu trước đây phê phán Nguyễn Huy Thiệp rất hay. Loạt bài của ông Chu Giang mổ xẻ luận văn của Nhã Thuyên, lên án ông Phạm Xuân Nguyên đọc nghe cũng rất đã. Hỏi ra hai tác giả Nguyễn Văn Lưu và Chu Giang chỉ là một, đang sống ở Hà Nội. Ông ấy ở Hà Nội sao không gửi các bài đó đăng ở các báo Trung ương, ở Trung ương nhiều tờ báo lớn lắm mà sao lại phải gửi tận trong này đăng ở báo Văn Nghệ TP.HCM?
Tôi thấy nhiều bài sau này của các anh Đông La, Nguyễn Văn Thịnh cùng nhiều anh chị khác đăng ở báo Văn Nghệ TP.HCM phê phán nhóm Lê Hiếu Đằng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Tống Văn Công… cũng rất hay. Nhận thức của tôi là bọn họ trong nhóm 72 người đã ký tên đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đòi thay đổi bản chất Nhà nước XHCN của chúng ta, là bọn xấu, đã đứng hẳn về phía thù địch, không ngừng hoạt động nhằm lật đổ nhà nước ta, chế độ ta,… đáng bị lên án, đáng bị vạch mặt! Vậy thì tại sao nhiều báo lớn ở TP.HCM này không những không phê phán mà còn làm cái việc ngược lại là thường xuyên đánh bóng tên tuổi của bọn họ vậy? Những cựu chiến binh chúng tôi thường nói với nhau: “Chỉ cần một trong 72 vị “trí thức dân chủ” đó “hắt xì hơi” một cái là mấy tờ báo kia chạy tít rần rần trên trang nhất ngay!”. Chắc không cần chỉ mặt báo nào, chỉ cần nói như thế là bạn đọc thấy rõ rồi!
Xin Quý Anh ở TB. Văn Nghệ trả lời thắc mắc đó của chúng tôi. Cuối thư xin được thưa với Quý Anh trong Ban Biên tập TB. Văn Nghệ TP.HCM rằng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng hiện nay các anh đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió nhưng luôn vững vàng kiên định. Tất cả độc giả có tâm huyết đều cảm thấy điều đó và sẵn sàng đứng phía sau các anh trong mọi tình huống. Xin các anh cứ vững vàng tiến bước - Đảng và dân là bức tường thành, là chỗ dựa vững chắc của các anh…
Xin trân trọng gửi đến các anh lời chào đồng đội, đồng chí thân thiết.

TRẦN KIM THANH
Lộc Tấn - Lộc Ninh 

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

THƯ TRẢ LỜI
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8-11-2013
Kính gửi anh Trần Kim Thanh,

Đọc thư anh tôi vui đến trào nước mắt. Anh biết không, 45 năm về trước, khoảng cuối năm 1967 đầu năm 1968, trên đường vượt Trường Sơn về Nam tôi có dịp đi qua vùng đất anh nói trong thư. Vùng đất ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai mờ đâu chỉ vì những cánh rừng lá buông âm u phủ rợp bờ suối, những rừng le, trảng dầu nắng cháy khét lẹt mùi đạn bom và chất độc hóa học... mà còn vì đó là chặng đường cuối sau 6 tháng hành quân ròng rã, chỉ còn năm, mười trạm nữa là về đến đất Nam bộ, rải rác ở các binh trạm tôi bắt đầu được gặp các em giao liên đầu đội nón tai bèo, cổ quàng khăn rằn, khoác súng AK dẫn những đoàn quân vượt đèo, băng suối, nói giọng Nam bộ đặc sệt từ Bến Tre, Mỹ Tho... lên. Ai chưa từng sống trong cảnh Đất nước cắt chia, lòng lúc nào cũng canh cánh nhớ quê hương, khó có thể cảm thông nỗi lòng của chúng tôi lúc đó... Nhưng giữa lúc cả đoàn người đi hối hả, đi như không chạm chân mặt đất thì tôi và một chú nữa phải nằm rớt lại vì lên cơn sốt rét. Chú mà tôi vừa nhắc là chú Thi, bác sĩ, quê ở Cao Lãnh - Đồng Tháp, tập kết ra Bắc năm 1954, đang nôn nóng mau trở về gặp lại vợ con sau 14 năm xa cách. Nhớ những đêm rừng, mắc võng nằm cạnh nhau tôi thường được nghe chú nhắc lại những kỷ niệm về gia đình trong những năm kháng chiến chống Pháp. Chú có cho tôi xem mấy tấm ảnh đen trắng đã phai màu chụp đứa bé gái mà vợ chú ẵm trên tay ngày chú xuống tàu tập kết... Tôi và chú Thi nằm lại ở một trạm xá dã chiến suốt nửa tháng trời. Tôi còn trẻ, sức đề kháng tốt nên dần khỏe lại, còn chú Thi thì yếu dần và một cơn sốt ác tính đã quật ngã chú. Ngày rời trạm xá, nhập với đoàn người khác, tiếp tục hành quân về phía Nam tôi đã đến từ biệt chú. Mộ chú nằm giữa bạt ngàn mộ của các chiến sĩ khác, đầu quay về phía cây cổ thụ to đến mười người vòng tay ôm không hết. Tôi móc khẩu súng K54 bắn liên tiếp mấy phát lên trời vĩnh biệt chú Thi rồi theo đường giao liên xuôi về Ông Cụ (*), nhập vào cánh quân tiến về Sài Gòn đúng vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968... Những khu nghĩa trang như nghĩa trang chú Thi nằm lại ở Trường Sơn nhiều lắm và nghe nói đâu sau này đã bị bom B52 cày xới, quật tung lên hết... Cho nên, anh Trần Kim Thanh ơi, tôi cảm thông và hiểu sâu sắc câu anh nói trong thư “nghĩ lại mới thấy những ngày độc lập tự do hôm nay là vô cùng quý giá, cho nên phải ráng chung lòng góp sức mà gìn giữ, xây đắp…”
Mấy câu hỏi mà cuối thư anh đặt ra, chúng tôi có thể dễ dàng trả lời ngay với anh được. Chúng tôi cảm thông sâu sắc nỗi lòng của anh. Đối với những phần tử phản động, những phần tử thoái hóa biến chất trở cờ chống đối Đảng và Nhà nước, gieo rắc nọc độc trong cộng đồng, chúng tôi đấu tranh không khoan nhượng, có lúc thật quyết liệt gay gắt... Còn đối với các loại hình báo chí, dù là báo nhỏ hay báo lớn đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mình, chúng tôi xem như đồng nghiệp, bạn bè, anh em trong một nhà, nếu có điều chi lấn cấn, chúng tôi trao đổi trực tiếp với các đồng nghiệp một cách thẳng thắn, chân thành và thân ái. Trên tinh thần thật sự cầu thị, biết lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, chúng tôi tin rằng hoạt động báo chí sẽ lần hồi đi vào quỹ đạo chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng, xây dựng Đất nước ngày càng văn minh, hiện đại hơn...
Xin gửi đến Anh và gia đình lời chào thân thiết. Chắc chắn sẽ có dịp trở về thăm lại Lộc Ninh, nơi 40 năm trước, sau Hiệp định Paris năm 1973, tôi đã có mặt trong dịp đón tiếp chiến sĩ, đồng bào ta từ nhà tù Mỹ- ngụy chiến thắng trở về... Khi đó là mùa cao su trổ bông, đi theo những con đường đất đỏ tràn ngập mùi hương ở Lộc Tấn, lòng ai mà không ngây ngất... Vâng, nhất định chúng tôi sẽ ghé thăm gia đình anh, thăm đứa con nhiễm chất độc hóa học dioxin mà anh đã nhắc trong thư...

NGUYỄN CHÍ HIẾU
TBT. TB VĂN NGHỆ TP.HCM
______________________
(*) Ông Cụ: Mật danh của “Trung ương Cục Miền Nam” ở Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ.  

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives