VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NƯỚC NGOÀI  

Posted by Unknown

Đứa em trai hết chỗ nói!
 Truyện ngắn
 TRẦN TRUNG THỰC (Trung Quốc)
        TRÀ LY (dịch)
Vòng thường niên
Tranh của HS CHEN PU (Thiên Tân - Trung Quốc)
Nhà văn thường làm việc vào ban đêm, sáng ra mới ngủ, đến trưa thì dậy.
Hôm đó anh ta vừa thức dậy thì chú em trai đến. Chú em từ quê ở vùng núi đến, vai đeo chiếc túi xách quân dụng bằng vải bạt màu vàng.
Nhà văn vừa nhìn thấy chú em liền nghĩ ngay trong túi mình còn có bao nhiêu tiền. Đám anh chị em của anh ta đều sống ở vùng núi thuộc diện nghèo, đã đến nhà anh, cầm chắc là để xin tiền.
Người em ngồi xuống ghế, thản nhiên nói:
- Anh, anh đừng lo. Lần này em không xin tiền anh đâu. Em biết, anh có tiếng nhưng không có tiền mà!
Nghe vậy, nhà văn ngớ ra chẳng hiểu chú em sắp diễn trò gì. Thấy anh làm thinh, người em thẳng thắn tiếp:
- Em muốn thành lập Công ty vận tải. Trước mắt em mua một chiếc ô tô chở khách đường dài… Anh nghĩ xem liệu có đủ tiền cho em mượn không? Anh có bán cả chị dâu cũng không mua nổi ô tô đâu…
Nhà văn hít một hơi thuốc lá, nói:
- Cái ngữ chú mà đòi lập Công ty vận tải hành khách à? Chắc đêm qua chú nằm mơ giờ vẫn chưa tỉnh mộng chứ gì?
Người em không hề giận dỗi, xởi lởi:
- Em biết anh coi em chẳng ra gì, không bao giờ tin em. Trước khi chuyện thành hiện thực, ai mà tin chứ, nhưng khi thành công rồi thì ai cũng trầm trồ ngợi khen rối rít. Mấy năm trước, khi anh chưa thành danh, có ai nhắc gì tới anh đâu. Dạo đó em thấy anh viết lách cả ngày mà chẳng nơi nào đăng cho, em thấy anh chẳng ra dáng nhà văn một chút nào! Vậy mà bây giờ, trông anh đã ra dáng nhà văn rồi đấy…
Nhà văn bị chẹn họng không nói được gì, chỉ cười cười:
- Được rồi! Chú muốn mua cả một đoàn tàu hỏa để chở khách, anh cũng không có ý kiến. Chú cứ làm đi!
Người em cười:
- Nhưng anh vẫn phải giúp em đấy! Em không cần tiền của anh, chỉ cần anh viết cho Huyện trưởng Lưu mấy chữ, để ông ấy bảo Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho em vay ít tiền. Huyện trưởng Lưu là bạn thân của anh mà!...
Nhà văn không nhịn được cười, cười chảy cả nước mắt:
- Chú thích đùa nhỉ? Đúng là nằm mơ thật rồi, giấc mơ đẹp đây! Chú cũng biết động não đấy chứ, dám lợi dụng quan hệ bạn bè của anh…
Người em ngắt lời:
- Chẳng qua là anh viết mấy chữ thôi mà!
Nhà văn cười rồi lấy giấy bút ra viết thư cho Huyện trưởng Lưu.
Hai hôm sau nhà văn cảm thấy những điều bức bối trong lòng chưa giải tỏa được bèn gọi điện cho Huyện trưởng Lưu bày tỏ nỗi niềm tâm sự của mình, cuối cùng nói thẳng: “Anh Lưu này! Anh biết thằng em chẳng ra gì của tôi rồi đấy. Tôi giảng giải đạo lý cho nó không xong nên muốn nhờ tay anh, anh hiểu tôi chứ? Anh hãy tìm lấy lý do nào đó đuổi cổ nó về cho tôi!”. Huyện trưởng Lưu cười ha ha: “Chậm rồi anh bạn ơi! Chiều hôm qua cậu ấy đã đến chỗ tôi. Tôi giới thiệu cậu ấy với Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện rồi”.
Vừa cúp máy lại có điện thoại gọi đến, là của chú em ruột: “Anh ơi! Em đang ở Ngân hàng Nông nghiệp đây. Chuyện vay tiền không có vấn đề gì. Huyện trưởng Lưu chỉ nói một câu, Giám đốc Ngân hàng cứ y như thế mà làm. Em muốn vay 5 vạn tệ, ông ấy đồng ý cái rụp, một đồng cũng không dám bớt!”.
Nhà văn trầm ngâm một lát. Nếu hắn vay 5 vạn tệ rồi tiêu sạch thì ai sẽ phải trả nợ đây? Anh không yên tâm chút nào đối với đứa em bất trị này. Nghe giọng điệu “cáo mượn oai hùm” của người em, nhà văn không khỏi hoài nghi, lo lắng: “Chú đã nghĩ đến khả năng trả nợ chưa? Sao liều thế?”. Người em đáp tỉnh rụi: “Chuyện này anh đừng lo. Người ta cho vay nhưng với điều kiện là phải có tài sản thế chấp hoặc có người bảo lãnh anh à. Em nghĩ kỹ rồi, trong mấy anh chị em ta, chỉ có anh là người khá giả hơn cả. Anh đứng ra bảo lĩnh cho em là được mà!”. Nhà văn cáu tiết: “Chú định đem cái thân tôi ra thế chấp đấy hả?”. Người em cười hí hí: “Ai dám thế chấp một tác giả lớn như anh chứ? Giám đốc Ngân hàng gợi ý cho em rồi, cứ thế chấp tác phẩm của anh là được!”. Nhà văn thở ra nhẹ nhõm. Giám đốc Ngân hàng nêu ra ý này với hắn rõ ràng là đùa thôi, vậy mà cái thằng tự cho mình là thông minh kia cũng mắc lừa mới lạ chứ! Nhà văn nói: “Tác phẩm của anh đã bán cho Nhà xuất bản cả rồi, bản quyền thuộc về Nhà xuất bản, không còn thuộc về anh nữa, thế chấp sao được?”. Người em hiển nhiên là chẳng hiểu tí gì về luật xuất bản cả: “Sách của anh viết sao lại không thuộc về anh? Vậy thì anh nghĩ cách khác giúp em đi, mình nói dối cũng được, miễn là em vay được tiền…”. Nhà văn nói luôn: “Tôi chỉ có cây bút máy Vĩnh Sinh, chú mang nó đi mà thế chấp!”. Nói xong, cúp máy đánh “cạch”…
Một tháng sau, nhà văn và bạn anh ta, Huyện trưởng Lưu gặp nhau, hàn huyên chuyện trên trời dưới biển, chợt nhà văn hỏi Huyện trưởng Lưu:
- Anh Lưu này, sau dạo đó thằng em tôi có quấy rầy gì anh nữa không?
Huyện trưởng Lưu đã uống mấy ly, nghe hỏi, bật cười ha hả. Cười xong liền kể cho bạn nghe câu chuyện rất có thể viết thành phần “vĩ thanh” của một tiểu thuyết mới:
- Khi chú em của anh ra về, cậu ấy mượn tôi chiếc xe đạp Phượng Hoàng kiểu mới do cơ quan cấp. Huyện chúng tôi nhỏ lại nghèo, dùng ô tô đi làm vừa tốn kém vừa khó coi nên tôi cấp cho các vị đầu ngành mỗi anh một chiếc xe đạp. Cậu ta lấy chiếc xe của tôi cưỡi đi, ba hôm sau đem trả lại cho phòng thường trực. Khi ông già thường trực giao lại cho tôi, tôi không nhận ra được nữa: chuông bị gỡ mất, ghi-đông bị thay bằng cái cũ mèm, rỉ sét tùm lum, xích, líp, đùi, đĩa đều bị thay bằng những thứ người ta đã vứt đi… Chỉ duy nhất mỗi cái đèo hàng… là không bị thay. Đúng là phượng hoàng gãy cánh, không bằng con gà què!...
Nhà văn “ứ” lên một tiếng, muốn chửi mà không chửi được!
Huyện trưởng Lưu nói tiếp:
- Tôi nhìn chiếc xe đạp, chợt nghĩ đến cái từ mà anh vẫn nói “cái đồ!”. Tôi không nhịn được cười thốt lên một tiếng như anh “cái đồ!”, tôi nghĩ, nói thế là đúng nhất đấy!
Ngày hôm sau nhà văn về quê thăm bố mẹ, tiện thể ghé qua nhà người em. Anh ta đang ngồi xổm trước cửa nhà hầm hút thuốc. Hiển nhiên là, chuyện lập Công ty vận chuyển hành khách đường dài không thành. Nhà chẳng có gì đáng giá ngoại trừ chiếc xe đạp Phượng Hoàng mới cứng dựng ở góc sân, ngoài cái đèo hàng vẫn cũ kỹ như ngày nào, mọi thứ còn lại đều đã được thay mới sáng choang. Nói chuyện một lúc nhà văn chỉ vào chiếc xe đạp, trách:
- Chú thật chẳng biết điều tí nào! Chú làm mất mặt tôi quá!
Người em cười hi hi:
- Có đáng gì đâu anh! Xe này ông Lưu không bỏ tiền ra mua, nó do nhà nước cấp. Cấp chiếc khác cũng được chứ sao! Em chỉ hưởng xái một chút thôi chứ có gì ghê gớm lắm đâu… Em chỉ muốn “giảm nghèo” như huyện vẫn khuyến khích đó thôi!
-                     Nhà văn nhìn bộ mặt hí hửng của người em, muốn nói gì nhưng không nói được, bước ra khỏi sân nhà hầm trong làn khói thuốc mù mịt, ca cẩm: “Ôi, những người thân của tôi…”.
  (Từ 130 truyện ngắn mini hay nhất,
Trường Giang văn học xuất bản xã, 10-2010) 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives