Một kỷ niệm đẹp với bác Nguyên Hồng  

Posted by Unknown

KHUYNH DIỆP

Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 20-8-1976, tôi đang nằm nghỉ trưa trên chiếc ghế bố ở tòa soạn báo Văn nghệ Giải phóng, số117 đường Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP. HCM, thì phát hiện một vị khách ăn mặc giản dị, chân đi dép nhựa Tiền Phong màu trắng bước vô cửa, hỏi nhỏ nhẹ: “Bác là nhà văn Nguyên Hồng mới từ Hà Nội vào, trên đường về nhà nghỉ, bác tranh thủ ghé thăm báo mình”. Tôi bật dậy: “Thưa, cháu là trưởng phòng trị sựcủa báo. Cháu cũng là học trò khóa IV của trường viết văn Nguyễn Du do bác phụ trách”. Nghe xong, bác Nguyên Hồng chạy lại quàng hai tay ôm tôi thật chặt. Tôi thấy có những giọt nước ướt trên mi mắt “nhà văn Bỉ Vỏ”.

Biết bác Nguyên Hồng vừa ở sân bay vào, tôi mời bác đi ăn phở nhưng bác không chịu. Bác bảo đã ăn ở ngoài sân bay Đà Nẵng trong lúc máy bay từ Gia Lâm vô phải hạ cánh tiếp nhiên liệu. Bác còn phàn nàn do đi máy bay DC-67 của Mỹ rung quá nên hơi đau đầu một chút thôi. Chưa kịp ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong những ngày bác cùng chúng tôi ăn chung, làm việc chung (dù bác là hiệu trưởng trường) và cùng ra hồ Quảng Bá tắm trong những buổi trưa đầu đông cách đấy sáu năm…, bác lôi trong giỏ đồ một gói quà bọc giấy hồng khá gọn và đẹp. Nhà văn trao gói quà về phía tôi, nghẹn ngào nói: “Đây là đứa con tinh thần của mình sau hàng chục năm thai nghén, vừa chào đời, bác mang vào Sài Gòn tặng báo của mình”. Tôi xin phép bác Nguyên Hồng mở gói quà “đứa con tinh thần” như bác xúc động nói. Hóa ra, đấy là cuốn tiểu thuyết Khi đứa con ra đời do nhà xuất bản Văn Học xuất bản năm 1976, nằm trong bộ Cửa biển gồm bốn tập theo thứ tự: Sóng Gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối và Khi đứa con ra đời là tập cuối. Ngay đầu bìa lót 2, nhà văn Nguyên Hồng đã viết sẵn từ Hà Nội lời tặng bằng nét bút to chiếm đầy trang giấy. Bác ghi: “Thân thiết tặng tuần báo Văn nghệ Giải phóng vô cùng quý mến. Hà Nội lại một mùa Thu rất đẹp. Nguyên Hồng. Kỷ niệm 31 năm Cách mạng tháng 8”. Thay mặt Ban biên tập báo VNGP tôi trân trọng đỡ món quà quý từ hai tay bác Nguyên Hồng. Sau đó không lâu, báo VNGP sát nhập với báo VN của Hội Nhà văn VN, tôi được điều ra tiếp tục công tác tại tờ báo này. Trong cuộc “hồi hương” về số 17 Trần Quốc Toản Hà Nội, tôi không thể không mang lên xe lửa hàng trăm cuốn sách văn học, tạp chí nghiên cứu có giá trị trong đó có tiểu thuyết Khi đứa con ra đời của bác Nguyên Hồng. Sáu năm sau (1983) tôi rời Hà Nội, trở lại đất Bến Nghé làm cuộc mưu sinh mới cho tận hôm nay. Dĩ nhiên, tiểu thuyết Khi đứa con ra đời cùng với khối tài sản toàn sách là sách của thư viện cá nhân lại cùng tôi “hành phương Nam”. Giờ thì đứa con tinh thần của nhà văn Nguyên Hồng vẫn chiếm vị trí đẹp trên giá sách của tôi, sau gần 40 năm kể từ khi tác giả trao tặng.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives