CHÀO MỪNG NGÀY “NHÀ GIÁO VIỆT NAM”  

Posted by Unknown

Lớp tôi, 50 năm trước
PHAN TRỌNG CẦU
(Hội Văn nghệ Bình Định)

Đó là lớp Văn 3D trường Đại học Sư phạm Hà Nội niên khóa 1962-1965. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, lòng tôi bỗng nôn nao nhớ về ngày ấy với bao kỷ niệm thân thương, xúc động, tự hào. Tự hào bởi chúng tôi được học tập, rèn luyện để trở thành người giáo viên nhân dân tương lai trong một ngôi trường uy tín, tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam với những nhà giáo khả kính: thầy Phạm Huy Thông - Hiệu trưởng, thầy Đỗ Đức Uyên - Bí thư Đảng ủy nhà trường, thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Tuất, thầy Hiệu phó Nguyễn Lương Ngọc - Chủ nhiệm khoa Văn, các thầy Lê Trí Viễn, Hoàng Tuệ, Trương Chính, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Hạnh…
Sinh hoạt và học tập trong bối cảnh chiến tranh, miền Nam đang quyết tâm đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, miền Bắc đang giáng trả mãnh liệt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ xâm lược, chúng tôi càng quyết tâm và nỗ lực vượt bậc.
Anh chị em khoa Văn ngày ấy sống tập thể trong ký túc xá của nhà trường, vì thế mọi hoạt động đều rất có kỷ luật và nền nếp. Những buổi nghe giảng say sưa hào hứng, những tài liệu tham khảo quý chuyền tay nhau đọc, những buổi thảo luận chuyên đề bổ ích, những buổi xê-mi-na ở tổ ở lớp được chuẩn bị chu đáo, tiến hành thường xuyên cùng những buổi sinh hoạt Đoàn, Hội đã tạo nên những ấn tượng sâu sắc, bồi đắp tâm hồn, tình cảm cho mọi người. Cùng với việc học tập, nghiên cứu, chúng tôi còn tích cực tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ, luyện tập quân sự, lao động sản xuất… giúp chúng tôi có thêm điều kiện để rèn luyện, trưởng thành.
Sau khi tốt nghiệp, nhiều anh chị em khoa Văn chúng tôi đã xung phong về Nam chiến đấu. Một số đồng môn đã đóng góp cả máu mình cho nền độc lập tự do và thống nhất đất nước. Anh Lê Tiến Đức hy sinh năm 1968 ở Vĩnh Long, anh Nguyễn Cầu (Văn 3D) hy sinh năm 1973 ở Quảng Ngãi, anh Châu Hồng Sơn hy sinh năm 1964 tại Bến Tre, anh Thái Văn Thượng hy sinh ở Bình Định…
Được đào tạo cơ bản với sự giảng dạy nhiệt tình, chất lượng của các thầy cô giáo, được sống trong một tập thể đầy lòng nhân ái, biết quan tâm, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau, có cùng tư tưởng tình cảm, thống nhất ý chí và hành động, anh chị em chúng tôi ngày ấy rất đỗi tự hào vì mình đã hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân trên từng cương vị công tác của mỗi người. Nhiều bạn bè khoa Văn ngày ấy, sau nhiều năm phấn đấu đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trở thành những cán bộ lãnh đạo và quản lý trong các cơ quan trung ương và địa phương. Nhiều anh chị em có uy tín trên các lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí, văn hóa - văn nghệ. Anh Hà Học Hợi, lớp trưởng lớp Văn 3D ngày ấy, sau này là Phó giáo sư, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; anh Dương Thụ, người thường tự đệm guitar và hát say sưa bài Cửu Long Giang ta ơi! ngày nào giờ là một nhạc sĩ tài năng được nhiều người mến mộ…
Đặc biệt thú vị, hầu như anh chị em lớp Văn 3D ai cũng có khiếu văn thơ. Và nay, nhiều bạn đã có tên trên văn đàn, tác phẩm của họ ít nhiều có tiếng vang trong lòng độc giả như: nhà thơ Hoàng Hưng; nhà thơ Bùi Đăng Sinh với 7 tác phẩm đã xuất bản; nhà thơ Hồ Anh Tuấn đã in 7 tập thơ, 1 tập truyện thiếu nhi, 1 tập thơ phổ nhạc; nhà thơ Phạm Ngà với 7 tập thơ và lý luận - phê bình đã ra mắt bạn đọc; nhà “Kiều học” Lê Xuân Lýt, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiều học với tác phẩm “Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều” hơn 1.000 trang in khổ lớn và 7 tác phẩm khác (in chung và in riêng); nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quyền với những bài bình thơ sắc sảo nhạy cảm và tinh tế cùng hai tác phẩm in chung; nhà “Hà Nội học” Lê Sỹ Tứ; tôi, Trà Ly (Phan Trọng Cầu) với 9 đầu sách văn học dịch in riêng, 2 quyển in chung do NXB tự chọn và một tập thơ; anh Trần Cự với 3 tập thơ dày dặn…
Thật vui và cảm động khi tôi vẫn còn giữ được quyển sổ lưu niệm của cá nhân với lời đề từ là một câu lục bát: “Tấm lòng của bạn thành thơ/ Ghi làm lưu niệm trước giờ chia tay!”, ghi lúc 23 giờ 5 phút ngày 10- 7-1965. (Tôi vốn thích làm thơ nên muốn được các bạn tặng thơ. Tôi nhờ anh Dương Thụ viết giúp lời đề từ vì chữ anh rất đẹp).
Hai mươi lăm anh chị trong lớp đã tặng thơ cho tôi, đó là các anh chị: Bùi Đăng Sinh, Hồ Anh Tuấn, Hoàng Hưng, Lê Kim Trị, Nguyễn Đức Quyền, Phạm Ngà, Dương Mỹ Bích, Văn Phó, Trần Cự, Lê Xuân Lýt, Nguyễn Văn Xuất, Nguyễn Văn Chuông, Dương Đình Giao, Phạm Bính, Lã Khắc Mẫn, Lê Thị Kim Uyên, Lê Quốc Minh, Nguyễn Đức Huy, Vi Văn Hanh, Nguyễn Thị Phương Toàn, Phạm Tiến Vĩ, Nguyễn Thái Lai, Vũ Đình Hiển, Hoàng Sinh, Lê Quốc Hùng.
Đấy là những tấm lòng bè bạn rất đỗi chân thành trao cho nhau trước lúc ra trường, mỗi người một ngả… Tôi đặc biệt ấn tượng với những dòng lưu bút của anh Nguyễn Thái Lai.
Tuy không phải là thơ nhưng lại rất thơ bởi nó chứa đựng một tình cảm thật ấm lòng đối với bản thân tôi:
Trọng Cầu,
Ngay từ đầu năm, nằm gần nhau như người ta thường nói, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Ngọn lửa ấy âm ỉ không tắt và rất nóng. Lai hay trao đổi với Cầu những tứ thơ, những lý luận văn học. Giọng Cầu ấm rất đượm tình, Cầu hát một mình Lai cũng được nghe…
Và, anh còn vẽ sơ đồ quê hương anh để tôi có thể đến thăm. Ôi anh bạn của tôi!
Năm cuối cùng ở Đại học Sư phạm Hà Nội, có một kỷ niệm suốt đời tôi không thể nào quên. Đó là việc lớp Văn 3D làm một tập thơ tặng các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Lúc bấy giờ Cồn Cỏ là tâm điểm đánh phá rất quyết liệt của máy bay Mỹ. Để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và noi gương các chiến sĩ Cồn Cỏ anh hùng, chúng tôi đã làm tập thơ “Đảo nhỏ anh hùng” với sự góp mặt của các bạn thơ trong lớp. Phải chăng chính khí thế chiến đấu hào hùng của quân dân đảo Cồn Cỏ, một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đã làm nảy sinh những tứ thơ tràn đầy cảm xúc, tràn đầy tinh thần quyết chiến quyết thắng và lôi cuốn mọi người tham gia, kể cả những người yêu thơ nhưng rất ít làm thơ với tình cảm nồng nàn, bỏng cháy?
Phan Trọng Cầu và Lê Xuân Lýt được giao nhiệm vụ tập hợp bài vở và biên tập. Dương Thụ chịu trách nhiệm vẽ bìa và chép tay, trang trọng và đẹp. Anh Nguyễn Đức Quyền có bài giới thiệu tập thơ với tựa đề “Những tấm lòng” thật hay và cảm động.
Dưới mắt những giáo viên Văn tương lai chúng tôi, Cồn Cỏ hiện lên rất nên thơ kỳ vĩ, nhưng cũng rất đỗi bất khuất hào hùng. Tôi xin phép được coi tình cảm của riêng mình đối với Cồn Cỏ ngày ấy cũng chính là tình cảm chung của các bạn lớp văn 3D:
“Cồn Cỏ ơi, Anh biết chăng
Cồn Cỏ
Trên mình Anh Tổ quốc ta thu nhỏ
Những người con
của khắp cả trăm miền
Của mây trắng Quảng Bình,
khói lửa Trị Thiên
Của kênh rạch
Tháp Mười bát ngát
Của Tây Nguyên
cây rừng theo đuổi giặc
Tụ máu anh hùng
lòng quyết thắng về đây
Đánh Mỹ đến cùng
giữ tấc đất ngọn cây!”
(Bài Và quân thù gục ngã dưới chân Anh)
Anh Nguyễn Đức Quyền bày tỏ lòng mình trong lời giới thiệu tập thơ: “Không phải mới hôm nay, mà từ cái ngày giặc Mỹ hùng hổ mang bom đạn ra thử gân cốt chúng ta thì Cồn Cỏ đã trở thành Đảo nhỏ anh hùng, thành tên chiến thắng và thế là Cồn Cỏ cũng trở thành hai tiếng quen thân, trở thành một niềm thương mến, tự hào của cả dân tộc. Cái hòn đảo sớm sớm chiều chiều rủ mây trời về làm bạn, gọi sóng Bắc Nam về ca hát đêm ngày, cái hòn đảo mang hồn đất nước đứng canh cho Tổ quốc anh hùng ấy đã rung động sâu xa mỗi chúng ta, và trở thành niềm thương mến riêng của mỗi trái tim! Cũng chỉ là một Cồn Cỏ thôi, mà là Anh với Phan Trọng Cầu, là Em với Bùi Đăng Sinh, là người con gái có “hàng mi đẹp là làn sóng đại dương” của Lê Xuân Lýt, là “hòn máu hồng” với Quốc Hùng, là “hòn ngọc quý” với Phạm Tiến Vĩ, và, cũng có khi nguyên vẹn là Cồn Cỏ với tất cả cái vẻ hoang sơ của nó nhưng đã trộn vào đây bao nhiêu thương yêu, bao nhiêu cảm phục: “Yêu vô cùng Cồn Cỏ mến yêu ơi!” (Phan Trọng Cầu) …”.
Đúng vậy, đó là những tình cảm thiêng liêng, nồng ấm, sự ngợi ca chân thành và lòng kính phục đối với các chiến sĩ Cồn Cỏ anh hùng. Từ cảm hứng chủ đạo đó, tất cả anh em đồng môn chúng tôi ai nấy đều nghĩ như Hoàng Hưng trong bài “Đấy chính là nơi ta phải đến!” khi anh viết:
“Vâng em hiểu,
giữa đất anh hùng
ta chưa được sống
Hãy sống anh hùng
trong vị trí hôm nay!”
Ngày ấy chúng tôi nghĩ về trách nhiệm của mỗi công dân đối với biển đảo và Tổ quốc của chúng ta như thế. Ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam, với phong trào “góp đá xây Trường Sa”, đã thực sự tiếp nối truyền thống yêu nước, anh dũng ngoan cường của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp thiêng liêng bảo vệ biển đảo, bảo vệ vùng đất vùng trời của Tổ quốc chúng ta!
Nhớ lại một thời sôi nổi, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi tới các thầy cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp nhất với tư cách là một người đồng nghiệp, dù đã từ lâu không còn trên bục giảng! (*)
__________________________

(*) Trong bài có sử dụng tư liệu của Phó giáo sư Hà Học Hợi, Trưởng ban Liên lạc Cựu sinh viên khoa Văn khóa Nguyễn Văn Trỗi, trường ĐHSP Hà Nội. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives