Bài ca dao còn thiếu chăng?  

Posted by Unknown

NGÔ PHAN LƯU
(TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)
  
miền quê tỉnh Phú Yên (mà có lẽ nơi khác cũng có thể có), từ lâu lắc lâu lơ, đã lưu truyền một bài ca dao rất dí dỏm được nhiều người thuộc. Ngay tôi nay 70 tuổi mà hồi nhỏ tôi cũng đã nghe và thuộc lòng rồi. Bài ca dao như sau:
“Ai đi bờ đắp một mình
Phất phơ chéo áo giống hình trò Ba
Trò Ba đi học đường xa
Cơm canh ai nấu cửa nhà ai coi
Cơm canh đã có con Ba
Trầu cau con Bốn cửa nhà con Năm
Một trăm chìa khóa Sáu cầm
Áo quần con Bảy tảo tần Tám lo”
Bài ca dao ấy đến đây là hết. Hồi nhỏ tôi cũng thuộc đến đây là hết, thậm chí cả những nhà nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian ở tỉnh Phú Yên cũng chỉ chép đến đây là hết. (Ví dụ: Sách “Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên” và sách “Ca dao sưu tầm ở Phú Yên”).
Nhưng năm ngoái, trong một đám giỗ ở quê tôi, tôi đã nghe một nông dân đọc bài ca dao ấy, lại có thêm 2 câu kết thúc nữa. Hai câu tiếp như sau:
“Còn em mà có nằm co
Muốn làm con Chín anh cho ngay liền”
Nghe thêm 2 câu ấy, tôi bỗng nhận thấy bài ca dao đột ngột hoàn chỉnh một cách lạ thường. Bài ca dao liền toát được vẻ dí dỏm và nghịch ngợm cao độ, vốn là đặc trưng của văn học dân gian xưa nay vẫn xoáy vào.
         Tôi bèn hỏi anh nông dân: “Hai câu đó do anh mới làm thêm hay thuộc từ lâu?”.
          Anh ta gãi trán, cười răng sếu sáo: “Tôi mà làm được ca dao à? Phải chữ nghĩa giỏi mới làm được chớ. Bài này từ thời ông nội tôi đã có rồi”.
Nghe thế, tôi cũng cười. Có thể ông nội anh ta đặt thêm, hay bố anh ta đặt thêm, và thậm chí ngay cả anh ta đặt thêm, thì cũng vẫn là văn học dân gian chính thống. Vì văn học dân gian là một nền văn học động, không bao giờ tĩnh, một văn học luôn được bồi đắp trong chính dân gian, bồi đắp cho đến khi hoàn hảo mới thôi. Chính tính tập thể đã làm cho văn học dân gian khác với văn học có tác giả. Và, từ trong tầng sâu tôi thích một cách yên tâm rằng, bài ca dao ấy phải có thêm hai câu ấy mới hay. Có thêm hai câu ấy, bài ca dao trên mới trở thành bài ca dao mang chất đối đáp dí dỏm, đầy chất trí tuệ phản đòn, và như thế mới xứng với trò Ba của dân gian. Còn như không có thêm hai câu ấy, như lâu nay vẫn thế, bài ca dao ấy quả là bằng phẳng, thiếu sinh động và bén nhạy, thật không xứng với trò Ba dân gian chút nào. Trò Ba dân gian phải là như thế đó mới là trò Ba. Do đó theo ý của tôi, bài ca dao trên có thể coi như một thiếu sót của truyền khẩu và cần được toàn bích thêm. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives