THỬ NHẬN ĐỊNH XU THẾ VẬN ĐỘNG CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM HIỆN NAY  

Posted by Unknown

                                                                                     GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG

GS-TS ĐINH XUÂN DŨNG ở một nhà ga tại London (10-2012)
Thời gian gần đây, chúng ta đang tập trung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Rất nhiều hội nghị, hội thảo đã được triển khai từ trung ương đến cơ sở với nhiều cách tiếp cận để tổng kết văn hóa, hoặc theo 10 nhiệm vụ của Nghị quyết TW 5, hoặc theo các chuyên đề, hoặc theo từng lĩnh vực cụ thể. Đó là những cách tiếp cận cần thiết nhưng có lẽ chưa nhận diện được văn hóa với tư cách là một dòng chảy liên tục, luôn vận động, biến đổi phong phú, sâu sắc, tinh tế và phức tạp. Một số cách tiếp cận trên nhìn văn hóa ở trạng thái tĩnh, trong khi văn hóa Việt Nam những năm qua phát triển trong một thời kỳ lịch sử rất đặc biệt, đang không ngừng tiếp biến, loại trừ, bổ sung, tiếp nhận và tự tìm kiếm sự phát triển của mình. Bài viết này muốn thử nhận diện xu hướng vận động ấy của văn hóa Việt Nam trong 15 - 20 năm qua.
1. Nếu kể từ năm 1945 đến nay, lịch sử Việt Nam có 2 giai đoạn cơ bản. Giai đoạn thứ nhất, trong 30 năm (1945 - 1975), về cơ bản, đất nước, con người sống trong chiến tranh. Giai đoạn thứ hai, trong 38 năm (1975 - 2013), về cơ bản, đất nước, con người sống trong hòa bình. Cuộc sống bất bình thường, bị đảo lộn trong suốt 30 năm chiến tranh đã chuyển sang cuộc sống bình thường của con người. Đó là một sự biến động hoàn toàn về chất lượng, có tính chất là một bước ngoặt của lịch sử. Trong 30 năm chiến tranh, vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, con người Việt Nam chịu đựng muôn vàn gian khổ về vật chất để chiến đấu. Tất cả nhu cầu vật chất bình thường và tối thiểu của con người đều bị giới hạn, kìm nén. Con người lúc đó sống, làm việc bằng sức mạnh tinh thần, bằng ý chí chịu đựng những khó khăn, gian khổ nghiệt ngã nhất, bằng khát vọng giành độc lập, tự do, bằng sức mạnh cố kết cộng đồng. Đời sống tinh thần với ý nghĩa là những cái chung của cộng đồng, của dân tộc đã chi phối toàn bộ xã hội. Tôi nhớ lúc đó, một chị thanh niên xung phong chân bị sưng tấy nhưng vẫn hành quân cùng đồng đội, vác nặng, đi xa trong bom đạn. Khi được phóng viên hỏi, lấy đâu ra sức mạnh để hành quân như vậy, chị đã trả lời: “Em đi bằng đầu chứ có đi bằng chân đâu”. Câu nói đó như là một sự đùa vui nhưng thể hiện một đặc trưng về đời sống tinh thần vượt lên trên đời sống vật chất của con người chúng ta trong chiến tranh. “Tiếng hát át tiếng bom” không phải là một khẩu hiệu mà đã trở thành “nội lực sống” của người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bước sang thời bình, như là một quy luật muôn thuở, nhu cầu tất yếu của con người là phải mưu cầu một cuộc sống bình thường, ngày càng no đủ về vật chất. Những nhu cầu bị kìm nén đến mức tối đa trong chiến tranh đã bật dậy, thúc bách con người phấn đấu vươn lên. Đó là một đòi hỏi chính đáng. Nhu cầu vật chất trở thành một động lực trực tiếp, thường trực của con người sau những năm chiến tranh và cả sau 10 năm khủng hoảng kinh tế, xã hội sau chiến tranh (1975 - 1986). Động lực đó đã chi phối tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đến mức, có dấu hiệu khá phổ biến, từ vĩ mô đến vi mô, nhu cầu vật chất đã lấn át nhu cầu tinh thần. Người ta lao vào làm kinh tế để cải thiện đời sống và để làm giàu. Người ta lo “chạy” đầu tư, “chạy” vốn, “chạy” kinh doanh,... Chủ nghĩa thực dụng kinh tế đã chi phối đời sống xã hội. Nhu cầu văn hóa bị hạ thấp. Ở đây, xuất hiện một tình trạng mâu thuẫn mới. Trong chiến tranh, nhu cầu tinh thần mạnh hơn nhu cầu vật chất, trong thời bình, nhu cầu vật chất đã lấn át nhu cầu tinh thần và văn hóa. Một ví dụ nhỏ, khi hỏi hơn 1.200 người dân ở Hà Nội về điều quan tâm nhất, thì 57,8% trả lời là “giá cả thị trường”, chỉ có 1,2% trả lời là “văn hóa, nghệ thuật” (Theo thông tin của PGS. TS Phạm Quang Long về kết quả khảo sát ở Hà Nội). Phải chăng có thể rút ra một nhận định như sau: Xu hướng vận động của văn hóa Việt Nam thời gian qua đang có dấu hiệu đáng báo động, từ một nhu cầu chính đáng về đời sống vật chất sau chiến tranh, do thiếu sự chỉ đạo sâu sắc và nhạy bén về văn hóa, đã làm cho nhu cầu vật chất lấn át nhu cầu văn hóa. Chủ nghĩa thực dụng đang tác động cực kỳ phức tạp và trực tiếp đến đời sống xã hội. Rất nhiều biểu hiện, từ vĩ mô đến vi mô, cho phép chúng ta chỉ ra xu hướng đáng lo ngại này. Một số cấp lãnh đạo chỉ quan tâm đến lo chạy để tăng trưởng kinh tế, không đủ năng lực chỉ đạo văn hóa, xây dựng đời sống tinh thần. Sự suy thoái ngày càng phổ biến và trầm trọng của tư tưởng, đạo đức, lối sống mà ai cũng đã biết. Các quan hệ xã hội, từ gia đình đến cộng đồng, tập thể, từ trong Đảng đến ngoài Đảng, ở nhiều nơi, nhiều lúc đang bị chi phối bởi lợi ích kinh tế, dẫn đến sự đổ vỡ của đời sống tinh thần, văn hóa. Đây là xu hướng vận động cần phải được quan tâm số 1 khi nhìn nhận văn hóa Việt Nam đương đại. Chỉ khi nào xã hội tạo được sự phát triển hài hòa, cân đối giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, văn hóa, khi đó xã hội mới phát triển bền vững.
2. Trong khi đánh giá văn hóa, người ta thường nêu lên 2 mặt, kết quả, thành tựu và yếu kém, khuyết điểm của văn hóa. Khi nhận định về tình hình thực hiện 10 nhiệm vụ của văn hóa trong Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), phần lớn các báo cáo của Trung ương và các địa phương đều cố gắng chỉ ra thành tựu, kết quả của nó, sau đó có một từ “nhưng” hoặc “tuy nhiên” để phân tích những hạn chế, yếu kém. Cách làm đó là cần thiết, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ thiếu vì chỉ nhìn văn hóa ở trạng thái tĩnh, chia cắt, không nhận diện văn hóa như một dòng chảy liên tục, vì vậy, rất dễ làm người ta rơi vào tình trạng sau đây: không thấy được tác động lẫn nhau của hai mặt đó trong hoạt động văn hóa, hoặc là không thấy có vấn đề gì cần phải đặc biệt quan tâm, do đó không rút ra được những kết luận, nhận định có giá trị thực tiễn và tính đột phá, hoặc là không có khả năng nhìn sâu vào bản chất của văn hóa. Vấn đề đặt ra ở đây là, từ ưu điểm và khuyết điểm cụ thể nhưng đã bị tách rời nhau đó, cần phân tích, làm rõ và chỉ ra được xu hướng vận động của văn hóa theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực, đáng mừng hay đáng lo ngại. Nếu đứng từ góc nhìn đó, tôi cho rằng, xu hướng vận động của văn hóa Việt Nam hiện nay có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Kinh tế tăng trưởng khá nhưng đời sống văn hóa lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, người khá giả, giàu có nhiều hơn nhưng sự suy thoái về nhân cách, đạo đức lại tăng lên. Giáo dục phát triển mạnh về quy mô và số lượng nhưng đang có biểu hiện sa sút, lúng túng về mục tiêu và chất lượng đào tạo. Khoảng cách ngày càng doãng ra giữa đời sống văn hóa của đô thị với nông thôn và miền núi. Sự xuống cấp nặng nề, chưa khắc phục được của lối sống trong một bộ phận thanh thiếu niên. Sự mất niềm tin ngày càng lan tràn của quần chúng đối với thể chế, đối với sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, đối với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Sự dối trá như một căn bệnh truyền nhiễm đang lan tràn trong các quan hệ xã hội. Người ta đã nghĩ tới một nỗi lo rất sâu sắc sau đây: Để khắc phục sự khủng hoảng kinh tế cần 3 - 5 năm, nhưng để cứu vãn sự sa sút về nhân cách phải cần đến cả một thế hệ. Liệu tôi có bi quan không khi chỉ ra xu hướng vận động này?
3. So với toàn bộ lịch sử văn hóa Việt Nam từ 1986 trở về trước, văn hóa Việt Nam hiện nay phát triển rất đa dạng. Nhiều loại hình, loại thể, dấu hiệu rất mới và rất lạ đã xuất hiện trong văn hóa Việt Nam hiện nay. Sự phục hồi chưa từng thấy của văn hóa cổ truyền, cả tiến bộ và lạc hậu, từ vài trăm lễ hội trước 1986, đến nay cả nước đã có tới hơn 8.000 lễ hội. Các loại hình, loại thể văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ngoài, cả Đông và Tây ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam, đôi khi lấn át văn hóa bản địa và truyền thống. Thị trường các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Hàng trăm kênh truyền hình phát sóng 24/24 giờ. Các phương tiện kỹ thuật, công nghệ truyền tải các sản phẩm văn hóa chưa bao giờ được hiện đại hóa như những năm gần đây. Những biểu hiện đó là đáng mừng trong sự phát triển mạnh mẽ và tính đa dạng của văn hóa. Nhưng cái gì đọng lại trong nhân cách con người thông qua sự phát triển đa dạng đó của văn hóa lại là một vấn đề đáng quan tâm. Định hướng cho sự phát triển nhân cách bằng các hoạt động đa dạng đó là gì? Những giá trị cốt lõi gì được hình thành thông qua tác động cụ thể của văn hóa? Tôi nghĩ rằng, bên cạnh nhân tố tích cực như sự phát triển của cá thể, của cá nhân con người, khả năng, trình độ hiểu biết và tiếp nhận văn hóa của công chúng thời hiện đại này được mở rộng và nâng cao. Song, cái mà văn hóa cần định hình trong nhân cách con người Việt Nam hiện nay không thể hiện rõ rệt. Có sự lúng túng trong chỉ đạo giữa sự phát triển bề mặt của văn hóa với năng lực sử dụng văn hóa nhằm xây đắp những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam hiện đại. Xin lưu ý rằng, trong cấu trúc của văn hóa có hai thành tố không thể tách rời nhau, đó là cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu. Hai thành tố này xuyên thấm vào nhau để tạo ra dòng chảy của văn hóa. Cấu trúc bề mặt là toàn bộ những biểu hiện cụ thể của văn hóa trong tính đa dạng, muôn vẻ của nó và luôn luôn biến đổi. Cấu trúc chiều sâu là những giá trị được kết tinh lại thông qua tính phong phú, cụ thể và độc đáo của cấu trúc bề mặt. Nếu nhìn văn hóa ở đặc trưng đó thì trong xu hướng vận động của văn hóa Việt Nam hiện nay, sự phát triển của cấu trúc bề mặt chưa góp phần tạo ra được những giá trị trong cấu trúc chiều sâu của nó. Hay nói một cách khác, về mặt chỉ đạo và quản lý, có phần buông lỏng trong sự phát triển cấu trúc bề mặt của văn hóa. Đồng thời, sự lúng túng trong định hướng những giá trị cần có, cần kết tinh, cần “làm tổ” trong tinh thần, tình cảm con người là gì, trên cơ sở tính đa dạng và phong phú của cấu trúc bề mặt. Xu hướng vận động đó, phải chăng là rất đáng lo ngại? Vai trò, ý nghĩa của văn hóa không chỉ dừng lại ở việc sản xuất những sản phẩm cụ thể, dù các sản phẩm đó ngày càng phong phú, đa dạng, song mục tiêu cuối cùng của văn hóa, nói như K. Mác phải là “sản xuất ra những giá trị trong nhân cách”. Nếu nhìn ở góc độ đó, chúng ta chưa phát triển văn hóa trong sự cân đối, hài hòa giữa cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu cần có của nó. Loại những sản phẩm được xếp vào loại thứ phẩm, phế phẩm, thậm chí dưới văn hóa, phản văn hóa đang lan tràn trong đời sống xã hội - đó thực chất là những độc chất phá hoại nhân cách.
4. Văn hóa Việt Nam từ ngàn đời nay chứa đựng trong nó một quy luật rất đặc thù. Đó là sự tiếp nhận, đấu tranh, bổ sung và phát triển giữa văn hóa bản địa và văn hóa nước ngoài. Suốt hàng ngàn năm, quy luật này trở thành một thách thức gay gắt đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc Việt Nam. Sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước diễn ra liên tục từ khi dựng nước đến nay. Khi chúng ta chủ động tiếp nhận văn hóa nước ngoài và chủ động “Việt hóa” thành tựu của văn hóa nước ngoài để nó trở thành một thành tố của văn hóa dân tộc, khi đó văn hóa Việt Nam sẽ phát triển và ngược lại. “Việt hóa” những thành tựu, những trào lưu của văn hóa nước ngoài là một xu hướng vận động và một quy luật của văn hóa Việt Nam. Hiện nay, văn hóa Việt Nam đang đứng trước thách thức gay gắt này. Chưa bao giờ sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài, kể cả Đông và Tây, quá khứ và đương đại, tiến bộ và lạc hậu, phản động lại ồ ạt xâm nhập vào đời sống văn hóa của chúng ta như hiện nay. Có 3 xu hướng đang diễn ra của quá trình tiếp nhận trên. Một là, học hỏi có chọn lọc để tạo cho sự phát triển của quá trình hiện đại hóa văn hóa dân tộc. Hai là, bắt chước, mô phỏng, thiếu sáng tạo để tạo ra những sản phẩm văn hóa ngô nghê, không phải của ta cũng chẳng phải của tây. Ba là, sự lệ thuộc, đề cao tuyệt đối văn hóa nước ngoài rồi phủ định, hạ thấp văn hóa dân tộc. Ở đây, xu hướng thứ nhất đang ở tình trạng non yếu, trong khi xu hướng 2 và 3 có biểu hiện lấn át hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là, xu hướng vận động đó của văn hóa theo chiều hướng nào sẽ quyết định sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam trong quá trình giao lưu và hội nhập. Tôi nghĩ rằng, thách thức trên đây chưa có sự giải đáp có tính thuyết phục trong thực tiễn. Rất nhiều những vấn đề lý luận cần phải tháo gỡ góp phần trả lời thách thức trên.
5. Bốn xu hướng vận động trên đây chứa đựng trong nó cả những nhân tố tích cực, có giá trị và nhiều dấu hiệu đáng lo ngại đang là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sa sút của văn hóa. Từ thực trạng trên, thử dự báo những khả năng nào của sự phát triển văn hóa Việt Nam thời gian tới? Có lẽ, có 3 khả năng (hay 3 kịch bản) sau:
Một là, không thể diễn ra tình trạng đánh mất văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như cảnh báo, nỗi lo của một số người trước thực trạng văn hóa hiện nay. Nội lực của văn hóa Việt Nam là to lớn, sâu sắc. Con người Việt Nam có bản lĩnh, kinh nghiệm tự xây đắp cho dân tộc mình một nền văn hóa độc đáo từ ngàn đời nay. Dù văn hóa của chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc, chúng ta vẫn tin tưởng rằng, nền văn hóa này vẫn trụ vững, không thể bị hòa tan hay tự đánh mất mình.
Hai là, một thời gian dài sắp tới, nếu không kịp thời có những định hướng có giá trị chỉ đạo thực tiễn và các giải pháp đột phá, văn hóa Việt Nam vẫn không vượt qua được những thách thức, khó tạo được bước phát triển về chất lượng và từ đó, giảm thiểu vai trò là nền tảng tinh thần, động lực của sự phát triển. Nền văn hóa đó tiếp tục phát triển theo chiều rộng, theo cấu trúc bề mặt, đáp ứng các loại nhu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp trong xã hội của con người, nhưng khó tạo nên những sản phẩm văn hóa đỉnh cao. Nếu khả năng này diễn ra, đó là một nỗi thất vọng lớn.
Ba là, trên cơ sở thay đổi sâu sắc nhận thức về vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đúc kết về mặt lý luận những tư tưởng lớn về văn hóa, tập trung mọi nỗ lực chỉ đạo thực tiễn toàn bộ quá trình xây dựng văn hóa, đề xuất và kiên trì thực hiện các giải pháp có tính đột phá, những năm tới, chúng ta sẽ tạo được bước phát triển về chất lượng của văn hóa, để văn hóa Việt Nam xứng đáng là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ lịch sử mới. Tôi nghĩ, khả năng thứ hai và thứ ba đều đang có tính hiện thực.
6. Từ thực tiễn vận động và phát triển của văn hóa những năm qua, từ yêu cầu mới và vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa, như đã phân tích ở các phần trên, vấn đề đặt ra là, thời gian tới, mục tiêu cần phải vươn tới là tạo được sự phát triển mạnh, vững chắc và đồng bộ về chất lượng văn hóa. Lâu nay, quan niệm văn hóa “đi theo kinh tế” vẫn còn rất nặng nề. Trong khi đó, nó phải là một trong bốn cột trụ của sự phát triển. Người ta thường chỉ nghĩ tới đột phá về kinh tế, mà không nhận thấy, nếu phát huy tối đa ưu thế của nó, văn hóa là động lực, là sức mạnh nội sinh tỏa sáng, soi đường cho sự phát triển. Điều đó có nghĩa là, phải tập trung xây dựng văn hóa là một đột phá chiến lược, cùng với ba đột phá trong lĩnh vực kinh tế (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) trở thành sức mạnh đột phá tổng hợp để tạo nên một bước phát triển mới, nhanh và bền vững. Từ đó, cần tập trung cho các mặt sau:
Một là, đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Kết luận này trong Hội nghị TW10 (khóa IX - 2004) là một sự tổng kết sâu sắc văn hóa trong quan hệ biện chứng với kinh tế và xây dựng Đảng. Nó vừa có ý nghĩa thời sự, cấp bách, vừa là mục tiêu lâu dài, cơ bản.
Hai là, cần làm rõ hơn nữa trong nhận thức về các mối quan hệ biện chứngtrên để có định hướng phát triển văn hóa. Trước hết, văn hóa phải thấm sâu vào kinh tế, không chỉ ở mặt đạo đức, ứng xử trong các hoạt động kinh tế, mà quan trọng nhất là phải làm cho các giá trị trí tuệ, chất xám ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong mọi sản phẩm kinh tế và dịch vụ. Đây là đặc điểm nổi bật của sản xuất hiện đại, là thể hiện sâu nhất sự thấm sâu của văn hóa vào kinh tế. Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, cần huy động tiềm lực của cả dân tộc mới thực hiện được quá trình văn hóa thấm sâu vào kinh tế. Định hướng phát triển văn hóa cần xuất phát từ nhận thức cực kỳ hệ trọng này.
Ba là, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, phải hướng đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người được hạnh phúc và phát triển toàn diện; mọi dự định, kế hoạch phát triển và tăng trưởng kinh tế đều phải được nhìn nhận từ yêu cầu và giá trị văn hóa, hạn chế tối đa khuynh hướng chạy theo tăng trưởng thô bạo, tăng trưởng bất chấp văn hóa. Chính vì vậy, văn hóa đóng vai trò quan trọng cả trước mắt và lâu dài của sự phát triển đất nước.
Bốn là, tiến hành đồng bộ và gắn kết quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và văn hóa với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là điều kiện cơ bản để hoạt động văn hóa góp phần trực tiếp thúc đẩy mạnh mẽ hai nhiệm vụ trung tâm và then chốt của cách mạng; mặt khác, cũng nhằm nâng cao vị trí, chất lượng và hiệu quả công tác văn hóa lên ngang tầm những nhiệm vụ chiến lược của đất nước, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”.
 10-2013

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives