Truyện ngắn  

Posted by Unknown

MỘT MÌNH

TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN
Dù đau khổ cũng xin đừng thiếu vắng
Xin đừng ai đơn chiếc ở trong đời
(Nguyễn Lập Em)
Hương sắc tình yêu  - Sơn mài - HS MAI HIÊN

 Cổng tam quan chào đón Băng Tâm trong dáng vẻ cổ kính uy nghi. Cổng tam quan được xây bằng gạch, mái ngói xanh uốn cong vừa trang nghiêm vừa có dáng vẻ mềm mại. Băng Tâm nghe ba kể ban đầu cổng được làm bằng gỗ, đến thời Pháp cho xây lại bằng đá, sau này giải phóng mới xây lại bằng gạch. Người ta gọi là cổng tam quan vì cổng có ba cửa vào, cửa chính nằm ở giữa ngày xưa để cho các quan và những người có địa vị cao đi, còn hai cửa hai bên là cho dân thường đi. Còn bây giờ quan hay dân thường đều được đi qua cổng chính hết. Băng Tâm vẫn như nghe được giọng cười sang sảng của ba khi nói câu ấy, khi Băng Tâm đi qua cái cổng này. Đã đi nhiều nơi, nhưng Băng Tâm với ý nghĩ chủ quan thiên vị của mình, luôn tự cho cổng tam quan Châu Đốc là cổng chào đẹp nhất trong thiên hạ. Mỗi lần xe gần đến nơi đó, là lòng Băng Tâm bổi hổi bồi hồi. Không hiểu tại sao lại thế. Ngay cả khi Băng Tâm còn nhỏ, đi du lịch chỉ vài ngày thôi, mà khi trở về, khi sắp đến cổng là người cứ náo nức nôn nao.
Thăm lại năm xưa!
Có rất nhiều thứ thuộc về năm xưa ấy, nhưng hôm nay Băng Tâm dẹp qua tất cả, dẹp qua những người bạn thời niên thiếu, dẹp qua những con đường, những ngôi chùa, những vùng kỉ niệm. Bao năm mong chờ được lĩnh tháng lương đầu tiên không phải để tìm lại những điều đó. Băng Tâm phải đến một nơi mà tự lần đầu tiên bước vào Băng Tâm đã thề nguyện rằng sau này mình sẽ trở lại, có thật nhiều tiền để thực hiện điều mình mơ ước, là sẽ cùng ba ăn một bữa đã đời, lòng không áy náy day dứt vì những lời nói dối của ba. Bây giờ Băng Tâm đã có tiền, tuy không thật nhiều như mình muốn, nhưng có lẽ vĩnh viễn Băng Tâm cũng không bao giờ thực hiện được niềm mơ ước đơn sơ ấy.
Băng Tâm đi ngang qua ngôi nhà cũ. Ngôi nhà nằm trên con đường mang tên vị công thần đã bỏ mình trong công cuộc khai phá phương Nam, Nguyễn Hữu Cảnh. Xưa nó là ngôi nhà xây từ thời Pháp, của một người Hoa đã bỏ lại trong cuộc tháo chạy hồi miền Nam giải phóng mà có một lần ông đã trở lại. Ông đã trở lại, đứng trước cửa rụt rè nhìn ngôi nhà cũ của mình với vẻ nuối tiếc bâng khuâng. Khi đó Băng Tâm quá nhỏ để hiểu ông nuối tiếc điều gì. Ngôi nhà lúc ấy đã xuống cấp, tường vôi loang lỗ, mái ngói rêu phong, có nơi gần như muốn sụp đổ. Ông không thể tiếc nuối ngôi nhà theo phương diện tiếc nuối vật chất khi ông có cả một biệt thự nguy nga nơi đất Mỹ, có biết bao nhà hàng, khách sạn sang trọng. Điều tiếc nuối lung linh trong mắt ông ngày ấy bây giờ Băng Tâm mới thật rõ khi Băng Tâm cũng nán lại rất lâu nơi ngôi nhà ấy, với bao nhiêu hồi ức, bao nhiêu kỉ niệm cuồn cuộn trong lòng với từng viên gạch tàu trong gian bếp năm xưa, với khung cửa sổ trên căn gác gỗ nhìn xéo qua ngã tư đường tấp nập người qua lại. Giờ đây, nhà đã có chủ mới, đã được xây cao bốn tầng, chứ không còn là mái ngói thấp tè với căn gác nhỏ tối âm u như năm xưa. Một cô gái trẻ hồ hởi ra chào mời: “Bồ mua gì vào xem đi”. Băng Tâm lắc đầu vội vã đi như chạy.
Băng Tâm ngoắc một chiếc xe lôi trước mặt. Xe lôi là đặc sản riêng của người miền Tây. Càng ngày nó càng lùi vào quá khứ nhưng với Băng Tâm nó là một hình ảnh tuổi thơ đẹp và sinh động. Bác chạy xe lôi lưng áo ướt đẫm mồ hôi, nụ cười hiền từ chất phác:
-      Dìa đâu cô?
-      Cho con đến Diêu Bông quán. Bác biết Diêu Bông quán không?
-      Chèn ơi, ai mà hổng biết quán đó. Cô chủ đẹp thấy sợ. Nhà tui cũng ở gần đó. Cô là sao với chủ quán vậy?
-       Chỉ là chị bà con với con.
“Cô chủ đẹp thấy sợ” đang đứng ở cổng Diêu Bông quán, một cơ ngơi bề thế chiếm ngự bên bờ sông nhìn ra ngã ba sông Châu Đốc, lạnh lùng nhìn đứa em từ xa mới về lập cập bước xuống xe lôi với vẻ bình thản lạnh lùng như thể nó đi chợ về. Cũng với vẻ lạnh lùng như thế, tính cách mà ba Băng Tâm từng nói: “Hai chị em nhà này như hai cục nước đá”, Băng Tâm tiến lên bậc tam cấp đứng đối diện với chị mình.
-          Mày về hồi nào? Dì Sáu khỏe không?
Băng Tâm không trả lời, mà chăm chú nhìn xuống bụng chị mình. Lớp mặt nạ lạnh lùng chảy tan ra khi Băng Tâm nhìn thấy cái bụng to đội chiếc áo đầm lồ lộ. Không giấu nỗi kinh ngạc, Băng Tâm tròn mắt định kêu lên thì Liên Hoa trừng mắt:
-       Mày ngạc nhiên cái gì? Bộ chưa thấy người ta mang bầu sao? Vài bữa nữa mày cũng thế thôi. Đàn bà mà. Không mang bầu với thằng này thì cũng phải mang bầu với thằng khác. Vào đi. Tao đang ăn cơm, có chuyện ra đây một chút, mày vào ăn luôn. 
Căn phòng được bày biện theo kiểu Nhật. Mâm cơm được dọn trên một chiếc bàn vuông đặt giữa phòng. Không có ghế. Một cảm giác thân quen ùa vào lòng Băng Tâm khi Băng Tâm ngước nhìn bức tranh “Người đàn bà xa lạ” treo trên tường. Băng Tâm ngồi bệch xuống sàn gỗ, ngả người ra sau, cảm nhận cái mát lạnh của sàn gỗ xuyên qua lần vải thấm vào da thịt mình.
Liên Hoa đẩy cửa bước vào, trên tay bưng một tô nghi ngút khói, mùi thơm lừng lựng:
-          Ngồi dậy đi. Ăn cho nóng. Mày hên, vừa lúc bà Ba gánh bún đi ngang.
Mùi ngải trong tô bún cá gợi nhớ cả một thời. Bún cá chị Quỳnh ở đầu chợ Châu Đốc sáng nào hai chị em cũng ra ngồi xề xuống cùng mấy bà mấy chị đi chợ, xì xụp trong cái nóng mùa hè cũng như cái lạnh của mùa gió bấc. Mùa nóng hay mùa lạnh cũng khiến cả người nóng ran lên, mồ hôi lấm tấm trên má, trên trán, những giọt mồ hôi như những giọt sương long lanh tô đẹp thêm vẻ nõn nà xinh đẹp của Liên Hoa.
Mâm cơm chỉ có một cái chén, một đôi đũa. Một tộ cá rô kho quẹt. Một tô canh chua gà lá giang sóng sánh màu xanh của lá giang màu vàng của mỡ gà vừa ngon vừa đẹp. Một dĩa ngó sen xào lòng. Một chiếc thố nhỏ đựng cơm xinh xinh. Mọi thứ đều gợi lên cảm giác một trò chơi cất nhà chòi thời thơ. Nhưng cất nhà chòi chén đũa cũng có đôi, vì không ai cất nhà chòi một mình cả. Một nhà chòi lúc nào cũng có vợ có chồng có con.  Những chiếc chòi lá năm ấy từng được dựng lên bên sườn núi Liên Hoa mỗi khi Băng Tâm được ba má đưa về Ba Chúc chơi. Những chiếc chòi lá rộn rã tiếng cười vui phân vai phân thứ, ê, mày làm vợ tao làm chồng, còn con nhỏ này làm con. Vợ đi nấu cơm đi, chồng đi làm rẫy, còn con tiếp mẹ, Mẹ ơi, con lấy củi khô về rồi, mẹ nhóm lửa đi. Lửa được nhóm lên thật. Những bữa ăn được nấu cũng thật luôn, với nguyên liệu là gạo ăn cắp ở nhà, những cái nồi móp méo, những chiếc chén sứt mẻ, những đôi đũa cùn, những cọng rau dại được hái trên núi biến thành nồi canh rau tập tàng đủ mùi vị. Chồng ra lệnh: “Ăn cơm đi”. Cả nhà rào rào ăn. Cười hỉ hả. Ngày ấy, Nam Qui là chồng. Liên Hoa là vợ. Băng Tâm là con.
Không hiểu sao Băng Tâm ăn tô bún cá cũng không còn thấy ngon khi nhớ lại mâm cơm ngày ấy, rồi nhìn lại mâm cơm ngày này. Liên Hoa ăn nhỏ nhẹ với vẻ chầm chậm thẫn thờ cố hữu, như không phải đang ăn mà đang tập trung suy nghĩ gì đó.
-          Ngày nào chị cũng ăn một mình vậy hả?
-      Hỏi khùng. Không ăn một mình thì ăn với ai. Nhưng thỉnh thoảng tao cũng ăn với mấy thằng theo đuổi tao. 
-          Sao chị không lấy chồng cho có người ăn chung?
-      Vì muốn có người ăn chung mà phải ngủ chung cả đời với một thằng mình không ưa sao? Mày khùng. Ừ, mà đúng ra mấy đứa con gái khùng cũng hay làm như vậy.
-        Nhưng sao chị lại có thai? - Không kềm giữ nổi, Băng Tâm gay gắt thốt lên - Chị không có chồng mà có con như vậy ba em ở dưới suối vàng sẽ buồn lắm. Ba má chị cũng buồn lắm.
-       Sống mà bận tâm người khác vui hay buồn mệt lắm. Buồn vui của tao tao còn không bận tâm tới. Mày còn nhớ anh Hùng không?
-        Anh Hùng nào?
-         Anh Hùng thư ký của dượng Sáu đó.
-        À, Băng nhớ rồi.
-       Thằng chả ngồi ở ngoài kia kìa. Cũng thường xuyên đến đây ăn cơm. Cũng ăn một mình.
-        Sao vậy? Chị Châu đâu?
-       Bỏ nhau rồi.
Băng Tâm đứng lên bước ra ngoài. Diêu Bông quán có ba khu nối liền nhau bởi một hành lang dài lát sỏi, trên đầu là giàn hoa tigon lúc nào cũng nở hoa li ti, giàn hoa gợi nhớ những dải hoa tigon hồng thắm trên sườn núi Sam. Một khu là khách sạn, một khu là nhà hàng, một khu là quán cà phê. Ở khu nhà hàng, nơi chiếc bàn ngoài trời nhìn ra sông, một người đàn ông đang ngồi. Trên bàn cũng chỉ có một cái chén, một đôi đũa, một ly bia, với con gà luộc to tướng chưa xé. Người đàn ông tuổi trung niên hoàn toàn khác xa với chàng trai mười tám đôi mươi đầy nhiệt huyết mà Băng Tâm từng thấy. Sức mạnh của thời gian không chỉ thể hiện trên thân thể vốn rất cường tráng năm xưa nay đã héo gầy mà rõ nét là trong ánh mắt. Những ngọn lửa bé Băng Tâm từng thấy lúc nào cũng nhảy nhót trong mắt anh năm xưa đã tắt. Khi Băng Tâm ngồi xuống đối diện với anh, anh nhìn Băng Tâm với ánh nhìn dò hỏi và xa lạ.
-       Anh không nhận ra em sao?
Anh im lặng nhìn, rồi cười, nụ cười vẻ biết lỗi. Chỉ có nụ cười là không thay đổi, còn nét vô tư hồ hởi như xưa:
-       Xin lỗi. Anh thấy mài mại. Em là ai vậy?
-        Anh không nhận ra Băng Tâm sao? - Băng Tâm sửa câu hỏi thành câu khẳng định.
-       Ối, Băng Tâm hả? Trời đất ơi, lớn đến chừng này rồi sao?
-       Anh tưởng Băng nhỏ hoài hả?
Hằng hà những câu hỏi tuôn ra, khi của anh, khi của Băng Tâm. Một cuốn phim lộn xộn nào quá khứ nào hiện tại quấn quýt trong từng lời nói. Băng Tâm vừa mới ra trường, mới đi làm. Mới lãnh tháng lương đầu tiên vào hôm qua nè. Phải biết anh ăn có một mình vậy em đãi anh, hai anh em mình ăn chung cho vui. Em nghe chị Hoa nói anh li hôn rồi hả? Em còn nhớ chị Châu đẹp lắm. Ai có lỗi vậy? Em gái còn trẻ chưa trải cuộc đời nên mới hỏi như vậy chứ khi em ở tuổi như anh sẽ không bao giờ hỏi câu hỏi đó. Vì sao người ta đến với nhau chỉ có một câu trả lời là tình yêu, còn vì sao người ta xa lìa nhau thì có hàng vạn nguyên nhân, có khi có những nguyên nhân hết sức vô lý, tầm thường. Nhưng nói cho Băng Tâm biết chuyện này nhe, anh của em vẫn có số đào hoa lắm, vẫn còn chán vạn người theo, nhưng anh vẫn không quên chị Châu em, vẫn không quên những kỉ niệm của mối tình này. Uống bia nghen Băng Tâm. Anh kêu thêm bia hai anh em mình uống một bữa. Băng Tâm hôm nay thành người lớn rồi, đủ tư cách uống bia rồi. Không thể tái hợp cùng vợ, cũng không thể quên vợ, càng không muốn kết hôn nữa, Băng Tâm nghĩ xem, anh Hùng của Băng Tâm như thế nào?
Anh Hùng của Băng Tâm từng là một hình ảnh đẹp trong hàng trăm hình ảnh đẹp Băng Tâm từng thấy trong những ngày đầu giải phóng.
Giải phóng!
Băng Tâm hoàn toàn không hiểu gì hai từ ấy. Chỉ biết rằng bản thân mình được giải phóng ra khỏi những căn hầm trú ngụ, những bồ lúa trong nhà các dì các cậu mà được theo ba mẹ về chợ. Chợ Châu Đốc đối với Băng Tâm là một thiên đường lộng lẫy bên bờ sông lung linh ánh đèn. Trên chuyến phà đêm ấy, Băng Tâm nín thở nhìn xuống dòng sông, thấy lấp lánh phản chiếu trên mặt nước lung linh ấy là dãy nhà lớn, là ánh điện sáng ngời, là cả một bầu trời đầy sao. Chợ Châu Đốc còn là một thành phố nguy nga với những ngôi nhà đúc, với hàng nghìn hàng vạn những thứ mà Băng Tâm chưa hề biết.
Anh Hùng mười tám tuổi, thành viên của Hội Thanh niên sinh viên - học sinh yêu nước, rầm rập cùng đồng đội của mình tham gia hầu hết các phong trào ngày đầu mới giải phóng nào đi thị uy, nào bôi xóa các khẩu hiệu và cờ của Ngụy, nào vệ sinh đường phố, nào đi đào kinh, nào thu gom văn hóa phẩm đồi trụy. Buổi sáng hôm ấy ba dẫn Băng Tâm ra ngã ba sông, thấy anh Hùng cùng đồng đội đang cuốc đất để trồng rau muống. Nơi đó trước đây là một vườn hoa. Sau giải phóng hoa đã tàn rụi hết và trong một phiên họp, nó được đem ra thảo luận là có nên trồng lại hoa hay trồng rau muống. Dĩ nhiên phải trồng rau chứ ai lại trồng hoa. Phải trồng rau mới thiết thực. Trồng hoa chỉ có bọn tư sản, tiểu tư sản mới trồng. Tập thể nói như vậy. Tập thể nhất trí như vậy. Không biết có ai có ý nghĩ khác hơn không, nhưng những ý kiến khác đã không được đưa ra. Ba đứng nhìn thẫn thờ từng nhác cuốc bổ xuống rồi nói. Ừ, thôi cũng được, bây giờ mình cải thiện đời sống đi, sau này mình giàu lên sẽ trồng hoa. Băng nhớ nghen, khi nào Băng lớn lên thế hệ các con phải trồng hoa. Phải trồng hoa đầy cả ven sông Hậu này, bên cạnh ngã ba sông Châu Đốc nổi tiếng đẹp này, để bất cứ ai đi thuyền trên sông cũng nhìn thấy cả Châu Đốc rực rỡ ánh đèn, lung linh cả mặt nước, để cả bờ Châu Đốc là một thảm hoa lộng lẫy.   
Quá lâu rồi anh mới gặp lại Băng Tâm. Tốt nghiệp trung học xong anh về làm thư ký cho chú Ba được một năm rồi đi bộ đội. Hồi đó tình nguyện vào bộ đội đông lắm. Có ai ngờ cả đời gắn bó với nó. Sau đó anh học lên bác sĩ quân y. Anh vẫn nhớ chú Ba. Anh đã từng làm việc cho nhiều người, nhưng không có một vị lãnh đạo nào bình dị như chú, trong sáng như chú, và thương mọi người xung quanh như chú. Chưa bao giờ chú rầy la anh điều gì cả, chuyện gì không biết làm chú chỉ đến nơi đến chốn. Từng cuộc đời, từng số phận nào chú cũng hiểu và cảm thông. Còn một điều nữa, chú không khô khan như mấy ông lãnh đạo khác đâu. Chú đàn cực hay. Chú hát vọng cổ mùi như Út Trà Ôn. Anh tán được chị Châu em là nhờ chú đó. Chú nói, mày nhát bỏ mẹ, không nói trực tiếp thì mình nói gián tiếp. Nói gián tiếp là sao hả chú? Là hát. Mình phải gởi tâm tình mình vào một bài ca. Thế là chú bỏ ra cả tháng đêm nào cũng dạy anh hát độc một bài. Chú đàn anh hát. Một buổi văn nghệ được chú tổ chức diễn ra trong một đêm trăng sáng, ngay chỗ này đây, lúc đó chưa có nhà hàng này mà chỉ là một khoảng đất trống. Không gian khoáng đãng. Anh xuất thần hát hay đến cả anh cũng không ngờ. Chị Châu em thành vợ của anh chỉ vì một bài hát.
-         Thôi ăn đi, hôm nay là sinh nhật của anh đó.
-          Vậy hả?
-       Không thấy con gà luộc to tổ bố này sao? Anh đố Băng Tâm một người có thể ăn hết một con gà không?
-          Nếu cố gắng có thể hết.
-          Không bao giờ hết.
-          Sức vóc anh như vậy mà ăn không hết hả?
-          Băng Tâm biết không, khi anh còn nhỏ, nhà anh nghèo lắm. Chỉ đến ngày Tết mới được ăn gà. Cả nhà mười mấy mạng mà có con gà luộc bé tí tẹo. Anh từng ước, sau này lớn lên có tiền, mình mua một con gà một mình mình ăn thôi không cho ai ăn hết. Ăn cho đã. Sau này lớn lên có gia đình, lại phải lo cho con cái. Thật ra cũng quên đi cái ước muốn hồi nhỏ. Lần nào luộc gà, hai đứa con anh cũng giành nhau ăn. Rồi chính chúng cũng ao ước, giá như mỗi đứa được ăn một con gà. Sau khi li hôn, thằng lớn được ở với anh còn thằng nhỏ ở với mẹ. Có một lần anh mua con gà về luộc rồi bảo con, hôm nay ba đi tiếp khách, con ăn hết con gà đi cho đã. Khỏi thòm thèm nữa. Khuya về anh thấy con gà còn nguyên vẹn. Sao con không ăn? Thằng bé nhào vào lòng anh khóc nức nở. Con không ăn nổi. Con nhớ mẹ và em quá. Kêu nó về cho nó ăn với. Sau đó anh đưa thằng anh về ở với mẹ hắn luôn. Anh chấp nhận sống một mình. Thôi, không nói đến chuyện đó nữa. Ăn nào.
Băng Tâm giơ ly bia lên:
-          Em ăn với chị Liên Hoa rồi, nhưng em cũng ăn với anh cho vui. Hai anh em mình cạn ly.
-          Đừng uống nhiều.
-          Anh sợ gì chứ? Giờ anh xỉn cũng đâu có vợ cằn nhằn. Tự do muôn năm. Độc thân muôn năm.
-          Chưa từng trải nên chưa biết - Anh Hùng cười - Đau khổ cũng có những ngọt ngào của nó. Hạnh phúc cũng có những đắng cay của nó. Anh không muốn lập gia đình nữa, nhưng anh sẽ khuyên cả thế gian này bằng hai câu thơ: “Dù đau khổ cũng xin đừng thiếu vắng. Xin đừng ai đơn chiếc ở trên đời”. Cạn ly nào, em gái.
Chia tay anh Hùng, Băng Tâm cũng không vội về căn phòng “Người đàn bà xa lạ”. Băng Tâm đi lang thang trong chợ cho đến chiều. Phải đúng là năm giờ chiều. Phải đúng là cái giờ đó. Giờ tan ca. Giờ của những người công chức cần mẫn hay không cần mẫn với công việc của mình trở về nhà. Đúng cái giờ đó, ba xuất hiện trước cửa nhà, nụ cười rộng, ánh mắt sáng ấm áp: “Băng, đi với ba”.
Đi theo những hồi ức, Băng Tâm len lỏi trong khu nhà lồng chợ, len lỏi qua những khu phố sầm uất đa phần của những người Hoa. Tưởng chừng như ba đi bên cạnh mình, bước chân sải dài. Những ngôi nhà cổ xưa với mái ngói rêu phong, với những cánh cửa gỗ ám màu năm tháng vẫn còn. Nơi khu ăn uống nhộn nhịp, quán ăn của chú Chệt lùn, như thần thoại, vẫn còn. Băng Tâm đứng ngẩn người ra nhìn chú, nhìn cái khung cảnh dường như không hề thay đổi sau chừng ấy năm. Chú Chệt béo phục phịch, tóc lơ thơ mấy cọng trên cái đầu tròn bóng, nụ cười luôn nở trên môi. Vẫn như xưa, Băng Tâm rụt rè bước vào quán, có khác chăng là không còn bóng dáng cao lớn của ba đi trước mặt để Băng Tâm nhút nhát núp sau lưng. Giờ Băng Tâm đi một mình, dù có muốn cũng không biết núp vào đâu. Hai bên cửa là hai hàng câu đối rất điển hình của những quán ăn người Hoa:
Sanh ý hưng long thông tứ hải
Tài nguyên quảng tấn vạn phương lai
Bên phải cửa là chiếc xe cũng đầy những chữ Hoa, đầy màu sắc với nồi súp nghi ngút khói, thơm nức. Sau chiếc xe ấy là cái quầy nhỏ, hơi tương phản với ông chủ quán béo múp míp dường như ít khi nào ngồi yên ở chỗ đó. Ông lăng xăng lao xao ra chào mời khách, dù quen hay lạ. Thoắt cái, ông từ đâu trong nhà, nơi bàn thờ Quan Công đặt ngay ngắn ở giữa với gương mặt đỏ au từng là nỗi hãi hùng của Băng Tâm ngày xưa, chạy ra, dừng trước mặt Băng Tâm. Băng Tâm tưởng ông nhận ra mình, nhưng hóa ra không. Có lẽ nếu Băng Tâm đi cùng ba, chú sẽ nhận ra. Chú sẽ nhận ra hai cha con người Việt lạc lõng trong quán ăn người Hoa mà người cha ít khi nào ăn, chỉ gọi cho con chén súp bong bóng cá đặc biệt, một món ăn quá chừng xa xỉ với đồng lương công chức.
Ông hồ hởi mời:
-          Vào ni, vào ni. Trong lày còn bàn trống.
Băng Tâm không vào vội, cố đứng thật lâu cho ông nhìn mình. Ông cũng nhìn Băng Tâm, nhưng rõ ràng ông không thể nhận ra Băng Tâm. Băng Tâm nói:
-         không nhận ra con sao?
-          Ồ! Lị là nứa lào?
-          Ngày xưa con thường đến ăn với ba con.
-          Ậy, nâu quá dồi nâu có nhớ lổi.
-          Ba con là chú Ba chủ tịch.
-         Ấy, nhớ dồi… nhớ dồi. Sao nâu quá không thấy nến ăn? Chê quán không ngon hở? Vào ni vào ni. Tô nặc biệt nớ. Mỉn à mỉn, cho bé này tô nặc biệt hây.
-          Chú cho con hai tô đặc biệt.
-          Hai tô nận hở? Mỉn à, hai tô nha.
Hai chén súp được mang ra. Bong bóng cá được xắt hạt lựu nổi trên mặt súp sóng sánh màu hổ phách rải rác những sợi trứng xung quanh. Băng Tâm nhìn vào chén súp, mắt nhắm lại cố ngăn những giọt lệ sắp trào ra. Khi cô mở mắt ra, chợt nhận ra mọi người trong quán đều nhìn mình. Không thể không nhìn một cô gái ngồi trầm mặc trước hai chén súp mà không ăn, mà rơm rớm hai hàng lệ. Nhưng khi Băng Tâm mở mắt ra, ai cũng nhìn lãng đi chỗ khác rồi cắm cúi ăn. Duy có một người vẫn nhìn chằm chặp vào Băng Tâm.
Người phụ nữ mặc áo đầm, tóc bới cao, người tròn trịa đầy viên mãn. Băng Tâm không biết chị bước vào quán khi nào, càng không biết chị đã đến bằng chiếc xe hơi sang trọng đậu ở đầu hẻm vì hẻm chật quá xe không vào được. Chị đứng dậy, bước sang bàn Băng Tâm, kéo ghế ngồi đối diện với Băng Tâm. Băng Tâm bối rối vì sự đường đột đó, bối rối vì ánh mắt người phụ nữ xa lạ kia nhìn mình sao tràn đầy cảm thông mà cũng lạ lùng làm sao, có một điều gì đó rất thân quen. Người đó không đợi Băng Tâm phải tự lục lọi trí nhớ mình quá lâu, đã cất tiếng hỏi:
-          Em tên là Băng Tâm phải không?
-          Dạ.
-          Đúng rồi. Băng Tâm không nhớ chị sao? Chị là Tím nè. Chú Ba sao rồi, có khỏe không?
-          Chị quen ba em sao? Ba em mất hồi năm ngoái rồi.
Một phút ngưng đọng. Người phụ nữ vói tay qua bàn, bóp nhẹ tay Băng Tâm.
-          Chị chia buồn với em. Em không nhận ra chị sao? Chị đã từng cùng ngồi với chú Ba ở đúng cái bàn này. Chị cũng ngồi đây và khóc tơi tả.
-          Khóc tơi tả? - Băng Tâm tròn mắt nhìn - Sao chị khóc? Sao em quên hết chuyện đó rồi?
-          Em quên là phải, vì hồi đó chị bự như vầy nè - Chị xòe hai tay ra dấu một vòng tròn rồi mỉm cười nhợt nhạt - Lúc đó chị mang bầu mà.
-          A, em nhớ rồi.
Hình ảnh người phụ nữ gầy gò lặc lè mang bụng bầu đi vào quán hiện về trước mắt Băng Tâm, như vừa mới xảy ra hôm qua. Chị rụt rè đi vào quán, cũng tìm góc khuất nhất, cũng rụt rè e ngại như thế khi gọi cho mình một chén súp. Chị ngồi ăn mà nước mắt thi nhau rơi lã chã trên má. Hầu như lần nào vào ăn cũng có cảnh đó diễn ra. Băng Tâm ngạc nhiên nhìn chị. Băng Tâm đã nhìn chị trong im lặng như thế không biết bao nhiêu lần cho đến khi ba bắt gặp hướng nhìn của Băng Tâm. Ba nhìn về hướng ấy. Không như những con người tấp nập vào quán rồi đi ra, không như Băng Tâm thản nhiên nhìn nước mắt chị rơi, ba đã đến bên chị, ngồi đối diện với chị, hỏi han:
-          Sao con khóc vậy?
Chạm vào nỗi niềm riêng, chị càng khóc như mưa, may mà lúc đó quán vắng, chỉ có ông chủ tiệm cũng lăng xăng đến hỏi han. Qua làn nước mắt, chị kể rằng, chị làm y tá trong bệnh viện, còn chồng là bác sĩ. Lương của hai vợ chồng cộng lại không đủ ăn sáng huống hồ gì con người phải cần đến ba bữa ăn mới sống nổi. Băng Tâm khi đó còn bé mà không hề ngạc nhiên về điều đó, khi từng chứng kiến ba là chủ tịch ủy ban mà đồng lương không đủ đâu vào đâu. Má phải bươn chải làm thêm, hết nuôi heo rồi nuôi cá. Không lạ lùng gì khi đồng lương bác sĩ ngày ấy không đủ mua đồ ăn bồi dưỡng cho vợ mang bầu. Mà chú biết không, không hiểu sao con cứ thèm ăn món súp bong bong cá này. Thế là vợ chồng chắt chiu để thỉnh thoảng chồng chở vợ đến ăn. Chỉ một mình vợ vào ăn thôi, còn chồng thì chờ ở ngoài hẻm. Kể đến đó, chị lại khóc. Khi đó, Băng Tâm còn nhỏ, nhưng cũng đủ hiểu nỗi đau khổ của người đang ăn món súp vua chúa khi người thân của mình phải ngồi đội mưa đội nắng. Băng Tâm hiểu vì chính ba cũng không ăn. Ba nói: “Ôi, ba ngán đến tận đỉnh đầu. Băng ăn đi, hai chén cũng được”.
Chị bây giờ thon thả hơn xưa, đẹp hơn xưa, đài các quí phái hơn xưa. Băng Tâm nhìn chị với câu hỏi trong đầu: “Chị đầy vẻ thành đạt như thế, sao lại khóc? Chồng chị đâu, sao không cùng vào ăn với chị?”. Hay là…? Một câu hỏi kinh hoàng thoáng qua đầu. Băng Tâm thảng  thốt hỏi: “Ông xã chị…”. Một câu hỏi không thành lời, rồi nghẹn ngào buông thõng. Chị trân trối nhìn Băng Tâm, thần người ra một chút rồi cười phá lên, tiếng cười pha chút mùi vị chua chát, ngậm ngùi:
-          Em tưởng ảnh như chú Ba hả?  Thà như thế.
-          Là sao? - Băng Tâm rụt rè hỏi.
-       Là còn sống nhăn chứ sao. Là vô cùng thành đạt chứ sao. Bỏ bệnh viện nhà nước từ lâu, nhảy ra làm cho công ty nước ngoài. Tiền không biết để đâu cho hết. Tiền càng nhiều, thời gian dành cho chị càng ít. Không những đủ tiền ăn một chén súp, mà còn đủ tiền để cho biết bao cô nàng ăn không biết bao nhiêu sơn hào hải vị, chân gấu, óc khỉ, thứ gì cũng có. Tiền ảnh làm ra và tiền chị kiếm được cũng đủ cho chị ăn cả triệu chén súp này. Nhưng giờ chị cũng chỉ ăn một mình, còn tệ hơn là không có ai chờ chị ở đầu hẻm.
Chị úp mặt vào tay. Nước mắt theo kẽ tay chị rơi ra. Rồi nước mắt cũng ngừng rơi. Rồi chị
Người mẹ tương lai - Sơn mài - HS MAI HIÊN
cũng thôi thổn thức. Băng Tâm vẫn ngồi lặng yên nhìn chị, trong lòng phân vân không biết có nên gỡ tay chị ra, nói một điều gì đó, tương tự như ngày xưa ba vẫn hay nói cùng chị, cũng như ba hay nói cùng người khác. Ba hay nghiêng mình xuống những mảnh đời bất hạnh, những thân phận trái ngang nghiệt ngã với lòng cảm thông chân thành. Chợt Băng Tâm giật mình vì ông chủ quán đến sau lưng Băng Tâm, đặt xuống bàn chén súp của chị đang ăn dở bên bàn bên kia. Ông ngồi xuống kế bên Băng Tâm, gọi với ra trước:
-          Mín à, hai chén nặc biệt lữa nha.
Băng Tâm chưa kịp ngạc nhiên nhìn ông thì ông đã chồm qua bàn, nhẹ nhàng gỡ hai tay của Tím ra khỏi mặt chị. Tím ngạc nhiên nhìn ông. Ông bối rối thu tay về, rồi nói:
-        Thôi nừng khóc lữa hà. Hôm hay tui nãi quý vị ha. Không còn ai ăn một mình lữa. Ai cũng có số hết. Nược cái lày thì mất cái kia. Ăn ni hà.
Trên bàn có năm chén súp với ba người. Băng Tâm lạ lùng nhìn năm chén súp, rồi lạ lùng nhìn ông, người đàn ông từ thuở bé lúc nào Băng Tâm cũng thấy lăng xăng lao xao, lúc nào cũng chiều chuộng khách đến gần như là không còn tính cách, một người Hoa bình dị sáng dậy dọn bàn ghế ra tối thu dọn bàn ghế vào, một con người trong ức vạn con người cuộc sống quẩn quanh ngày nào như ngày nấy mà đối với ông những ý niệm về tâm hồn có lẽ là những ý niệm quá ư trừu tượng, nay bày ra trên bàn ăn chỉ có ba con người mà có tới năm chén súp mang đầy ý nghĩa tinh thần. Không cần phải hỏi, Băng Tâm cũng biết hai chén còn lại ngoài chén dành cho ba Băng Tâm mà ông đã rõ, chén cuối cùng ông dành cho người vô danh hơn mười năm trước đã ngồi đợi vợ mình ở đầu hẻm. Không hỏi, nhưng Băng Tâm vẫn nhìn chằm chặp vào ông, không làm sao nhập lại thành một ông chủ tiệm ăn béo tròn phục phịch với một người đàn ông đang nói lời nhân ái đầy tinh tế:
-     Ậy, ăn ni. Mọi người cùng ăn cho dzui. Ăn ni chú Ba chủ tịch còn ni. Lị đừng có giận thằng chồng. Ló no mần ăn cũng cực khổ. Ló cũng có núc phải ăn một mình. Nhưng thế lào ló cũng dìa. Ná rụng dìa cội mà.

“Chú Ba chủ tịch còn ni”. Cứ như ông đang nói ba sẽ đi công tác đâu đó rồi sẽ về. Cứ như trong lòng ông, chú Ba chủ tịch chỉ tạm rời thế gian này thôi rồi sẽ có lúc quay về để cùng con gái ăn chén súp bong bóng cá đầy tình thương. Con người bất diệt ở trong lòng người khác. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives