ĐỌC SÁCH:  

Posted by Unknown

 MIỀN THƯƠNG NHỚ
BỨC TRANH LẬP THỂ CỦA NGUYỄN HỒNG VINH

P.N.THƯỜNG ĐOAN

Có thể xem tập thơ “Miền thương nhớ” của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh vừa phát hành  trong quý 4 - 2013 (NXB Văn học 2013) là một bức tranh lập thể với rất nhiều màu sắc và những lát bay chìm nổi dành cho quá khứ và cả hiện tại.
Tập thơ dẫn người đọc đi trở về dĩ vãng với cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt, đầy đau và nhớ, đầy hình ảnh sống mà chỉ có người từng tham gia chiến tranh, người ở trong cuộc mới thấu hiểu hết tận nguồn. Bây giờ thì chiến tranh đã kết thúc được 38 năm, mọi vật đã đổi thay, con người cũng thay đổi, duy chỉ có nỗi nhớ là tồn tại.
Cái miền thương nhớ của Nguyễn Hồng Vinh chắc hẳn dành cho đồng đội mình phần nhiều, dành cho những nơi bàn chân anh đặt lên, dành cho bản, làng, nơi anh đã đi qua, dành cho trăng rừng và gió đường mòn, dành cho cát đất Trường Sơn hùng vĩ, nơi có rất nhiều người nằm lại ven đường khi xuôi Nam ra Bắc…
Cái miền thương nhớ của tác giả được đánh thức từ một ngọn gió đêm xuân ở Hồ Gươm (Đêm xuân Tháp Rùa lung linh / Hồ Gươm khi đầy khi cạn...), từ phút giao thừa với những ngọn pháo bông sáng rực trên bầu trời 30 tối đen (Pháo nở trên không, sông phù sa tích tụ / Thuở hồng hoang thầm lặng cựa mình…/ Hoa trong vườn thèm đọt nắng ban mai…), từ cái rét đang dần biến mất để nỗi nhớ ùa về. Để anh nhớ về tiếng giã gạo không còn nữa, bờ vai ấm nóng một lần choàng vội đã quên, trong thăm thẳm có tiếng nạng gõ lộc cộc vỉa hè, có những cơn mơ khuyết tật lấn át...
Tuyết Mẫu Đơn, hoàng hôn cao nguyên, bình minh Mũi Né, những cơn mưa miền Trung mịt mùng, những bông Đại vương mùi trên gối khuya, cánh rừng, triền đá Trường Sơn, hầm chữ A ở Ba Lòng ngập nước (Võng nằm, mặt người chạm nóc / Ầm ào bom dội thâuđêm…) là những điều tác giả nhớ và biến nó thành thơ, nhưng tôi đã nhìn thấy trái tim của tác giả dẫu khi anh nói về chiến tranh (Chiến trường mở rộng phía trong / Sự im lặng nối nhau giữa hai trận đánh / Thần kinh căng như dây đàn / Bặt thư em đáng sợ gấp trăm…/ Mười năm, quãng đời dâu bể / Có gì ràng buộc em đâu…).
Cái bức tranh lập thể của Nguyễn Hồng Vinh có thể làm người ta hoa mắt, bởi những kỷ niệm của tác giả đã biến thành từng lớp màu chồng chất lên nhau, mới Truông Bồn đã tới Đồng Lộc, vừa qua Quảng Bình lại ngược về Điện Biên, và mênh mang trút lên những ngõ ngách Mai Động, Mễ Trì, Khâm Thiên, Uy Nỗ, Bạch Mai, lên con đường gạch Văn Miếu, lên những cánh hoa tươi Ngọc Hà, những cảm xúc của tác giả ngang ngược như ngọn gió cuối đông, quất đau những người trong cuộc… Cái cảm xúc không thứ tự lớp lang này lại khiến người đọc nhìn ra được sự giấu giếm của nhà thơ, nhìn thấu được cái đau cố bọc kỹ, ngụy trang rất kỹ…
Tôi thật tình ngộp thở khi bóc tách cái miền thương nhớ của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Tôi cố tìm một cơn gió tình trong thơ anh để cổ họng mình bớt khô rát, tôi lần đi theo những câu thơ, nhưng những câu thơ chỉ dẫn đến từng khu mộ không tên, dẫn đến con sông Vàm Cỏ Đông anh dũng, rồi đi qua cốm xanh, đi qua hoa đào, đi qua hàng sấu mùa hè, đi qua Sông Hồng, Sông Mã, Sông Đào, Thu Bồn, Thạch Hãn, Đồng Nai, Cà Mau, Kiên Giang, đi qua những mảnh B.52 lả tả… rồi đi qua Cần Giờ “có rừng Sác một thời máu lửa”, đi qua Sài Gòn, nơi có “nhà cao tầng chắn luồng gió biển”...
Miền thương nhớ của tác giả vẫn trải dài, như con đường tàu hun hút tiếng leng keng, chỉ kịp để lại một lời hò hẹn bâng quơ “Anh hẹn về thăm vào dịp giêng, hai / Cuốn lịch treo tường vơi vơi chậm rãi / Trong khuya khoắt lời thầm thì đọng lại / Tháng hai - Ngày hội Tình yêu…”.
Nhưng tôi cũng vừa kịp nhận ra sự cô độc của nhà thơ khi không còn kềm hãm được trái tim mình nữa lúc đứng trước đại dương mênh mông:

Biển trắng trời chiều hạ
Như nhấn chìm thuyền ta
Sao cứ dài đơn độc
Bồng bềnh giữa mưa nhòa!

Đơn côi trong đêm lạnh
Trằn trọc cùng chiêm bao
Biển như vơi một nửa
Em thoắt vụt chốn nào?

Nơi thượng nguồn mùa này
Giấc ngủ chìm lâu quá
Những doi cát sông Hồng
Rung rên lời than thở…

Gió từ giã đêm trăng
Biển ào sôi khi nóng
Em - phép thần mầu nhiệm
Gọi gió mưa yên lành!...

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives