Tư tưởng Bác Hồ về văn hóa đạo đức nghề nhà giáo  

Posted by Unknown

HOÀNG BÍCH HÀ
(Ninh Sơn, Ninh Hòa, Khánh Hòa)
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng.
  Tư tưởng của Bác Hồ về việc phát triển sự nghiệp giáo dục được hình thành rất sớm và quán xuyến suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Tư tưởng ấy thể hiện sự khát vọng hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ mà lớp lớp thế hệ tiếp nối có trách nhiệm kế thừa và phát triển sao cho ngày một xứng đáng hơn.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản “Di chúc” lịch sử, gởi gắm cho các thế hệ mai sau. Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bác đã coi giáo dục là khâu cơ bản để hình thành nhân cách con người, phần nhiều do giáo dục mà nên. Theo Bác, giáo dục phải chú trọng cả “đức” và “tài”. Bác đặt chữ “đức” lên trước, coi đó là cái gốc của con người, của cách mạng, của công việc. Chữ “đức” gắn liền với chữ “tài”. Bác dạy: “Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô, hủ hóa, có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Chữ “đức” mà Bác dạy ở đây chính là biết yêu và biết ghét. Yêu là yêu thương đồng chí, đồng bào, yêu lao động, là lòng trung thực, sự dũng cảm. Ghét là ghét thói lừa lọc, gian trá, nịnh bợ, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Để học trò có đủ đức, tài thì trước tiên thầy, cô giáo phải có đức, có tài, có tâm, có lòng thương yêu học sinh và nghề nghiệp. Bác rất chú ý đến giáo dục bằng hành vi nêu gương. Thầy, cô giáo như những tấm gương trong sáng, mẫu mực để học sinh noi theo. Thầy giáo cũng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao tri thức và phẩm chất. Chỉ có vậy, thầy giáo mới không bị lạc hậu. Bác khẳng định: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học”, do vậy cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Theo quan điểm của Bác: “Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải “Tiên ưu Hậu lạc”. Nghĩa là khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình; đồng thời phải “luôn luôn ra sức thi đua trong công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”. Năm 1958, nói chuyện với giáo viên cấp 2, 3 toàn miền Bắc tại lớp học chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ và chỉ rõ vai trò của người thầy giáo là: “Đào tạo thế hệ tương lai là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân và cán bộ tốt cho nước nhà”. Trong khi đánh giá cao vai trò người thầy giáo, Bác Hồ cũng đòi hỏi ở mỗi giáo viên phải làm sao để: “Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo... Các chú, các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm. Có trao đổi, đúc kết kinh nghiệm giảng dạy và học tập thì mới cải tiến được phương pháp dạy và học đạt hiệu quả cao hơn, bởi vì dạy chữ, dạy người chính là nhiệm vụ số một của người thầy giáo”. Bác nhắc nhở: “Xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ”. Đặc biệt, Bác Hồ quan tâm căn dặn người thầy giáo phải hết sức chú trọng rèn luyện đạo đức, chứ không thể chỉ rèn tài, vì đức mới là cái gốc. Những lời dạy của Bác tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp trồng người của Đảng và nhân dân ta hôm nay. Những năm qua, thành quả của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Sự nghiệp giáo dục và khoa học được Đảng ta thật sự coi là quốc sách hàng đầu để đáp ứng với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế.
Những lời dạy quý báu đó của Bác Hồ cách đây mấy chục năm, bây giờ đọc lại vẫn còn nguyên giá trị, rất thời sự với mỗi người, trước hết là các nhà giáo và ngành giáo dục - đào tạo. Quan niệm của Bác Hồ về người thầy giáo là kết tinh truyền thống đạo lý “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Tôn sư trọng đạo” từ bao đời nay của nhân dân ta. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives