Kiểm dịch Trần Đình Sử  

Posted by Unknown

CHU GIANG

Giáo sư Trần Đình Sử tỏ ra dạn dày kinh nghiệm văn bút khi bảo vệ Nhã Thuyên. Ông không đi thẳng vào nội dung Luận văn mà chỉ đi xung quanh “bên lề”, đưa ra các luận điểm thế hệ, hệ hình khoa học, khung tri thức lý luận, nhất là luận điểm “Phê bình kiểm dịch”. Ví von so sánh những người phê bình Luận văn của Nhã Thuyên giống như việc làm của các nhân viên thú y ở ngoài chợ chuyên xem lưỡi lợn, nếu thấy có bệnh thì hô hoán lên cho mọi người đừng mua.
Đây là một luận điểm mới, chúng tôi rất muốn vận dụng, kiểm nghiệm lại xem có đúng như Giáo sư biện luận hay không. Chúng tôi thấy tốt nhất là kiểm dịch ngay Giáo sư xem có dấu hiệu bệnh dịch gì không.
Mẫu “bệnh phẩm” chúng tôi chọn kiểm dịch là các bài Giáo sư vừa đăng trên blog của ông: “Cuộc phê phán Luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ” (Blog Trần Đình Sử ngày 16-7-2013); “Phê bình kiểm dịch” (Nguồn trên 17-7-2013) và “Tính nhân văn trong phê bình văn học hôm nay” (Tạp chí Sông Hương 10/2008, cũng vừa đưa lại trên blog này). Do tính mới mẻ, nó sẽ phản ánh tốt nhất trạng thái “sức khoẻ văn chương” của Giáo sư.
Tiêu chí kiểm dịch không áp đặt mà lấy ngay tiêu chí do Giáo sư đưa ra: “Nghề văn là nghề sáng tạo, trung thực và cao thượng” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, H.2010, trang 1.009. In lần thứ IV).
Sau khi “kiểm dịch” theo các tiêu chí trên, chúng tôi thấy như sau:
Tiêu chí I. Trung thực: Đã có những biểu hiện sau:
1. Nguỵ biện:
1.1. Mâu thuẫn thế hệ là rất nguỵ biện, bộc lộ ở chính sự tự mâu thuẫn của Giáo sư. Nhã Thuyên (sinh năm 1986) xung đột với Tuyên Hóa (sinh năm 1958). Nhưng không xung đột với Giáo sư (sinh năm 1940), lại càng không xung đột với Nguyên Ngọc (sinh năm 1930). Và cùng một năm sinh (1948), Đỗ Lai Thuý tiến sĩ rất tận tình tận lực giúp Nhã Thuyên còn Văn Chinh văn sĩ thì ngược lại.
Nhận xét 1: Trong học thuật không có mâu thuẫn, xung đột thế hệ mà chỉ có mâu thuẫn xung đột về tư tưởng học thuật. Mệnh đề của Giáo sư: “... thế hệ mới nói những điều mà thế hệ trước khó hoặc không thể hiểu được...” về logic hình thức là rất hùng hồn nhưng về logic biện chứng, như sự kiểm dịch trên, là rất sai. Trong cuộc sống cũng có trường hợp như thế, nhưng là với mấy “ông đồ gàn” thôi. Người có tinh thần khoa học, không bao giờ như thế.
1.2. Xung đột về khung tri thức hay hệ hình khoa học cũng là rất nguỵ biện. Trong khoa học cũng như trong đời thường, tri thức càng nhiều càng tốt, nhưng phải là tri thức đúng. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, không phải thấy gì gặp gì cũng ôm vào... Về tri thức, người ta nói nông sâu rộng hẹp, làm gì có khung. Tự đóng khung thì có. Khoe khung rộng chê khung hẹp lại càng buồn cười. Ở đây Giáo sư cũng kinh nghiệm lắm. Đưa ra cái phụ, lẩn tránh cái chính, cái cơ bản. Muốn mở rộng tri thức phải có chỗ đứng vững, nhãn quan đúng, có định hướng cho sự mở rộng và tiếp thu. Nó như la bàn, bánh lái của con tàu để ra đại dương. Cái cơ bản này không có, không vững, thì càng mở rộng, càng chết ngợp. Ấy là chưa nói đến sự mượn cái “khung tri thức rộng” để biện hộ cho cái sai, cái ý đồ không lành mạnh. Giáo sư có dẫn đến Lã Nguyên tiến sĩ. Nhưng Lã Nguyên đem lý thuyết hậu hiện đại về để đề cao Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp, nói rằng trong tác phẩm của hai “tảng đá hộc” này biểu hiện một cuộc sống vô hồn, vô nghĩa, tàn mạt. Thế thì cái đám xã hội đen nó cám ơn các Giáo sư lắm lắm. Từ nay chúng tớ tha hồ vung tay!
Nhận xét 2: Cũng như nhận xét một. Trong khoa học, tri thức rộng là cần nhưng không phải quyết định. Rộng mà không đúng thì nguy hiểm. Người xưa nói: Tin cả vào sách thì thà không có sách còn hơn... là chí lí, Giáo sư ạ!
1.3. Giáo sư cho phê bình kiểm dịch ở Việt Nam cũng như ở thời Tần, thời nhà Thanh, nhất là thời Cách mạng văn hóa bên Trung Quốc... càng là nguỵ biện...
Việc phê phán Nhân văn - Giai phẩm và Vào đời có những chỗ thái quá: quá nặng, quá kéo dài... nhưng cần phải thấy hoàn cảnh xã hội lúc ấy mới đánh giá thỏa đáng vấn đề.
Còn các triều đại phong kiến Trung Quốc, cho đến Cách mạng văn hóa, là sự thanh trừng nhau, văn chương chữ nghĩa chỉ là cái cớ... Sao có thể đổ chung vào cái hố “phê bình kiểm dịch” được. Như thế là đại nguỵ biện rồi.
2. Nói vu
2.1. Nhân văn - Giai phẩm Vào đời là câu chuyện dài. Không biện luận ở đây được, vì khuôn khổ bài viết. Nhưng dù muốn chiêu tuyết cho Hà Minh Tuân đến bao nhiêu, cũng phải tôn trọng sự thực. Nếu bịa đặt, thì làm hại cho ông. Giáo sư viết: “Hà Minh Tuân bị cách chức Giám đốc NXB Văn học, điều chuyển sang Bộ Thuỷ sản, làm chuyên viên cá nước lợ, mãi đến năm 90 ông mới được phục hồi”.
Trong Nhà văn Việt Nam hiện đại (Sđd trên) viết:
“Từ 1958 là biên tập viên báo Văn học rồi Giám đốc NXB Văn học. Sau đó chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu tại Tổng cục Thuỷ sản. Ít lâu sau trở về NXB Văn học làm Trợ lý giám đốc”.
(Nhà văn Việt Nam hiện đại... Trang 214)
Trong thực tế là từ 1975, Hà Minh Tuân đã về làm Trợ lý cho giám đốc NXB Văn học Như Phong. Người viết bài này may mắn là đồng sự, cùng ngồi trong phòng làm việc với Hà Minh Tuân ở 49 Trần Hưng Đạo từ 1978 cho đến ngày ông về hưu 1989. Viết như Giáo sư thì các thế hệ sau hoặc những người không nắm vững lai lịch vấn đề, sẽ bị kích động nhiều lắm đấy. Oan sai thêm đến 15 năm (1975-1990) thì hơn cô Kiều rồi còn gì.
2.2. Giáo sư viết: “Nhà phê bình chuyên nghiệp kiểm dịch đầu tiên của nhân loại phải kể đến Đức Khổng Tử bên Tàu. Khổng Tử đã lựa hàng vạn bài ca dao dân ca của các nước trong lãnh thổ Trung Hoa cổ đại, chọn lấy 305 bài, theo tiêu chí: Tư vô tà, tức là tư tưởng không có gì sai trái lệch lạc đồi truỵ, có thể lưu hành. Còn các bài khác “có tà” đã bị ông vứt bỏ, thất truyền hết...”.
Xin Giáo sư cho biết cơ sở nào, tư liệu nào nói Khổng Tử đã lựa hàng vạn bài... các bài có tà bị vứt bỏ, chỉ lấy lại 305 bài?
Theo Lời dẫn nhập tìm hiểu Kinh Thi của Giáo sư Bửu Cầm phụ trách giảng khoa Việt - Hán Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thì Kinh Thi có nguồn gốc như sau, theo Khổng Tử Thế Gia (Tư Mã Thiên):
“Cổ giả thi tam thiên dư thiên, cập chí Khổng Tử, khứ kỳ trùng, thủ khả thi ư lễ nghĩa, thượng thái Tiết, Hậu - Tắc, trung thuật Ân Chu chi thịnh, chí U Lệ chi khuyết... tam bách ngũ thiên”.
(Nghĩa là: “Ngày xưa, Thi có hơn ba ngàn thiên, Khổng Tử san khứ phần trùng phúc, chỉ lấy những thiên hợp với lễ nghĩa, trước nhặt các bài từ đời Tiết, Hậu - Tắc, kế đến các bài thuật sự hưng thịnh của đời Ân, Chu, sau là các bài nói về sự khuyết điểm của U Vương, Lệ Vương... gồm có ba trăm lẻ năm thiên”.
(Kinh Thi. 3 tập. Bản dịch của Tạ Quang Phát. NXB Văn học, H.1991, tập I, trang 18-19).
Chắc chắn là trình độ Hán - Văn của cố Giáo sư Bửu Cầm đáng tin cậy hơn giáo sư Trần Đình Sử.
Tư vô tà là ở câu “Tử viết: Thi tam bách nhất ngôn dĩ tế chi, viết: tư vô tà” trong thiên Vi chánh, sách Luận ngữ. Nghĩa là: Kinh Thi ba trăm thiên, nhưng chỉ một lời có thể bao trùm được là: Không nghĩ bậy (Kinh Thi. Sđd, trang 25-26).
Trong bản dịch Luận ngữ của Lê Phục Thiện (NXB Văn học, H.2002, trang 45-46) cũng chua như vậy. Tư vô tà ở đây là lời cảm nhận, đánh giá của Khổng Tử sau khi đọc Kinh Thi, không phải là tiêu chí lựa chọn, biên soạn, san định. Tiêu chí biên soạn một công trình là thống nhất với kết quả, với ý nghĩa của công trình nhưng không đồng nhất.
Cũng như tiêu chí lựa chọn con em gửi đi học ở các nước bạn thời bao cấp nó khác. Ý nghĩa của công việc đó lại khác. Mà kết quả đến từng con em lại khác. Có khi gửi đi hạt giống đỏ, mong được quả hồng tươi, nhưng về rồi nó lại thành ra nửa vàng nửa xanh, ương ương ngành ngạnh, thì cũng đành chịu vậy. Sinh con ai nỡ sinh lòng. Sự thể nó như thế chứ đâu phải như sự hiểu đầu Ngô mình Sở của Giáo sư.
2.3. Giáo sư cho rằng: Ở nước ta, trong thời kỳ bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, phê bình chuyên nghiệp cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch...
Xin Giáo sư cho biết tính danh vài ba người thôi. Và cho đến nay ở Việt Nam, ai là nhà phê bình chuyên nghiệp (trừ ở phía Nam trước 1975). Xin Giáo sư cho biết để chúng tôi còn được tìm hiểu nghiên cứu...).
Nhận xét 3: Tạm nêu chừng ấy thôi cũng thấy Giáo sư đã vi phạm đạo luật tối cao của nghiên cứu khoa học, tuy bất thành văn - là phải có cơ sở, phải có tư liệu đúng, chính xác, phải trung thành với tài liệu, tư liệu, cứ liệu...
3. Bất quán
3.1. Lúc Tố Hữu đang quyền cao chức trọng, Giáo sư viết Thi pháp Thơ Tố Hữu, khen lắm. Khi Tố Hữu về vườn, đồng sự của Giáo sư viết Hồi ký khinh miệt, bỉ báng Tố Hữu đến mức tận cùng, cả cuộc đời và thơ ca. Giáo sư không có phản ứng gì, lại còn bênh vực Hồi ký ấy nữa. Sao kỳ vậy?
3.2. Hồi đầu Đổi mới, Giáo sư còn viết: “Con người của nền văn học đó (văn học cách mạng) không thể nào khác hơn là con người chính trị, con người được nhận thức thể hiện trong bản chất giai cấp, trong các quan hệ của đời sống muôn vẻ, gắn liền với chính trị và được đánh giá từ góc độ chính trị. Đó là điểm cách tân quan trọng nhất, căn bản nhất của văn học ta cũng là đặc điểm chung căn bản của văn học xã hội chủ nghĩa thế giới” (Một thời đại Văn học mới, NXB Văn học, H.1987, trang 46).
Nay Giáo sư lại bênh vực cho một “Luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động” thì tốc độ Đổi mới của Giáo sư quả là siêu tốc. Tôi phải mượn ý thơ Ông đồ của cố Giáo sư - nhà thơ Vũ Đình Liên mà ngậm ngùi:
“Ôi người văn năm trước
Hồn ở đâu bây giờ...”
3.3. Giáo sư viết: Nhà nước rất hậu đãi loại phê bình kiểm dịch.
Chúng tôi thấy ngược lại. Trong lúc chúng tôi và nhiều anh chị em văn nghệ sĩ khác, lăn lộn trên đồng ruộng hợp tác xã, trên các công trường, trên các chiến trường, trong quân ngũ thời chiến tranh, sau chiến tranh may mắn trở về, tự học, vừa học vừa làm (học tại chức) qua kinh nghiệm và cảm xúc bản thân mà cầm bút, thì từ 1958, Giáo sư đã được đi du học ở Trung Quốc, rồi Liên Xô, có học vị Tiến sĩ và sau đó về nước được bổ làm giảng viên ở một trường Đại học lớn hàng đầu đất nước, được phong hàm cao nhất (Giáo sư), được giao cho trọng trách Chủ nhiệm Khoa rồi biên soạn sách giáo khoa, rồi Giải thưởng Nhà nước, viết ra sách thì được Nhà nước bỏ tiền in cho, thế thì Giáo sư mới là người được hậu đãi chứ. Sao nói người mà chẳng nghĩ đến ta!
Kết luận về tiêu chí I: Sau khi kiểm dịch thì thấy không đạt được điểm nào. Thậm chí xuyên tạc vu khống cả Đức Khổng Tử chí thánh còn là biểu hiện của một căn bệnh trầm kha, vô thầy vô thuốc vô phương cứu chữa.
Tiêu chí II: Sáng tạo
Khi đã không trung thực thì cũng không nói gì đến sáng tạo được nữa. Không cần xem xét tiếp nữa. Nhưng thao tác kiểm dịch cứ phải là cẩn thận, đầy đủ, không được qua loa tuỳ tiện.
1. Mượn xưa bỉ nay, mượn người bỉ ta, mượn xa chửi gần...
Mượn câu nói của Voltaire từ thế kỷ XVII: Phê bình kiểm dịch giống như nhân viên thú y chuyên xem lưỡi lợn ở chợ, không những không sáng tạo mà còn là một sự không thiện ý, mượn chén rượu trên tay người để tưới nỗi hận trong lòng mình. Vì hoàn cảnh xã hội và văn học, sự thực, việc làm của những người gọi là phê bình văn học theo lệnh của Tể tướng Richelieur thời ấy như thế thì đáng gọi như thế. Còn phê bình văn học ta từ sau 1945 đến nay, tính chất và hoàn cảnh của nó hoàn toàn khác. Những sai lầm thiếu sót non kém ấu trĩ thì còn đầy rẫy. Nhưng bản chất của nó khác. Chính Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên công trình mà Giáo sư có tham gia, đã đánh giá:
Cần thấy hết những khó khăn đó (những khó khăn của một nền văn học trong điều kiện chiến tranh lâu dài và ác liệt) để đánh giá cao những thành tựu mà thời kỳ văn học 1945-1985 đã đạt được... Ngày nay nhìn lại thành tựu văn học của thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mĩ thấy có vẻ nghèo nàn. Kỳ thực nó rất phong phú, tác dụng phục vụ kháng chiến hết sức to lớn. Qua bốn thập kỷ 50, 60, 70, 80 văn học đã để lại cả một kho thành tựu bề bộn về đủ mọi thể loại. Rồi đây thời gian chắc sẽ sàng lọc. Nhưng chắc chắn những giá trị nó để lại vẫn đủ sức làm bằng chứng cho một thời kỳ văn học sôi nổi của dân tộc” (Một thời đại văn học mới. Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên, NXB Văn học, H. 1987).
Thế thì mấy anh phê bình kiểm dịch, chuyên “xem lưỡi lợn” lâu nay ẩn náu ở đâu mà bây giờ mới nhảy xổ ra như thế.
Tôi nhớ ngày chưa thống nhất đất nước, giới văn nghệ có câu: Bắc - Nam một nước văn nghệ một nhà. Bây giờ nước non một dải, văn nghệ có còn một nhà nữa không đây?
2. Giáo sư có lẽ rất tự hào về các công trình Thi pháp học. Nhưng theo tôi, đấy là một sự vận dụng không sáng tạo. Cái món Thi pháp lỗi thời cũ rích được Giáo sư đi du học mang về, dựa vào thế làm thầy mà truyền giảng cho học trò, hướng dẫn cho nghiên cứu đào tạo... thành ra một cơn sốt thi pháp. Đến đâu cũng thi pháp thi pháp thi pháp... Rồi thời gian nghệ thuật không gian nghệ thuật ngôn từ nghệ thuật... đến diều hâu, sáo đá cũng có không gian nghệ thuật để mà nhào lộn... Rồi chỉ chú ý vào cách đọc vào ngôn từ vào xử lý văn bản, soi chồng cho thấu thị xuyên tầng... mà bỏ qua hay xem nhẹ ý nghĩa của văn bản, của tính lịch sử, xã hội, của con người trong tác phẩm văn học... Đến nỗi nó “nhét cứt vào miệng kẻ sĩ Bắc Hà” (Luận văn - Đỗ Thị Thoan) mà vẫn cứ khen lấy được. Lợi bất cập hại. Nhưng bụt chùa nhà không thiêng. Bây giờ đọc Văn chương lâm nguy (Tôdorốp) mới thấy thật là...
3. Một học trò yêu của Giáo sư - ông Văn Giá tiến sĩ - đương kim Trưởng khoa Lý luận-phê bình-sách tác văn học Trường Đại học Văn hóa đã ca ngợi rất hay và rất đúng người Thầy của mình: Người thồ chữ (Xem bài Trần Đình Sử - Người thồ chữ trong quyển Những người khác và tôi. NXB Hội Nhà văn, H. 2012). Nếu là phu chữ như Lê Đạt khả dĩ còn liên tưởng đến cái sự đào vàng đãi ngọc. Nhưng thồ chữ chỉ là cái việc đem chữ chỗ này chuyển đến nơi kia, không có sự bòn đãi nào. Phu thồ thì lấy khối lượng chuyên chở, quãng đường chuyên chở mà tính công. Như thể người đánh bùn sang ao ấy mà...
Muốn sáng tạo phải tự chủ, chủ động. Có lẽ giáo sư chưa được vững vàng chỗ ấy. Cũng chính là trò Văn Giá bảo Giáo sư nghe người ta xui mà đứng ra làm trưởng khoa. Rồi nghe người ta bảo, người ta đặt cọc mà viết Thi pháp Thơ Tố Hữu. Ừ, hồi ấy mà không nghe theo lời xui lời bảo của người ta thì bây giờ ăn nói hẳn dễ hơn nhiều. Quái, cái chuyện “Một thời đại văn học mới” tưởng đã cũ rồi, mình với ông Mạnh cố quên đi, có đưa vào Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại nữa đâu, mà cái lão Chu Giang nó cứ lôi ra bàn đi tán lại, lằng nhằng dai dẳng như đồ mạch nha mè xửng...
Tôi thấy tình thầy trò thì đáng quí, mà Văn Giá viết như thế thì đáng ngờ. Nếu đúng là chân thành nhất tự vi sư, bán tự vi sư thì cả hai thầy trò đều chưa hiểu ra chữ phu thồ. Cũng đã đáng tiếc.
Nhưng mà ngại gì. Chưa hiểu thì ta học hỏi. Học tập suốt đời, có gì mà ngại... Giáo sư đã chẳng viết rất hay rằng: “Tinh thần nhân văn đòi hỏi mỗi người phải tư duy bằng cái đầu của mình, kinh nghiệm của mình, không được dựa dẫm vào người khác, làm công cụ nói theo người khác” đó sao!
Mà Giáo sư chưa biết chứ học trò mạn Sông Bắc (Bắc Giang) họ thâm thuý lắm, không như Sông Hương mình đâu. Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Bên trong bên đục cũng dòng sông Thương. Khen đấy mà chưa hẳn là khen đâu. Trò khen thầy là Phu thồ (người thồ chữ) thì hãi quá. Em mà có trò như thế, em đuổi học từ lâu rồi. Nhưng khổ nỗi, đời nó đa đoan lắm. Khi học nó tỏ ra rất ngoan, lại dễ thương nữa. Thầy khuyên cho nó toàn vòng đỏ. Khi ra trường ra đời thì nó lại nửa vàng nửa xanh... thì biết làm sao!
- Chúng tôi rất cảm thông với Giáo sư khi phải mượn cách ví von so sánh của Voltaire. Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng rồi vẫn phải dùng, vì phải mượn cái hình tượng cụ thể mà phô diễn cái tư tưởng trừu tượng, mượn cái đã biết mà diễn dịch cái chưa biết. Song, cái khó là phải lựa chọn sự so sánh. Người Kinh có câu “Chó ba khoanh mới nằm/ Người ba lăm mới nói”. Cũng ý ấy, người Thái Tây Bắc có câu “Gà vỗ cánh ba lần mới gáy/ Người ngẫm nghĩ ba lần mới nói”. Voltaire là nhà khai sáng vĩ đại. Nhưng câu ví von so sánh của ông cũng mới ngang với câu tục ngữ của người Kinh thôi, chưa tới được đẳng cấp ví von so sánh của người Thái Tây Bắc trong câu chuyện này. Mới hay cái khung rộng mà rỗng thì cước phí vận chuyển vẫn cứ là tốn kém, Giáo sư ạ!
Tiêu chí III. Cao thượng
Thật khó nói quá. Nhưng đây là hệ quả của hai tiêu chí trên. Qua sự mượn lời Voltaire, qua sự mỉa mai các nhà phê bình kiểm dịch cùng với các nhà quản lí quốc gia và Nhà nước, thì thấy Giáo sư có cao đạo nhưng chưa được cao thượng. Giáo sư cũng từ đấy mà ra, được Nhà nước, được các nhà quản lí quốc gia ưu đãi từ tiền đến hậu, được học hành giỏi giang lẽ ra phải cảm thông, nâng đỡ các anh em, đồng nghiệp không được may mắn như mình. Đằng này... Thôi thì cứ cho họ là phê bình kiểm dịch, chuyên xem lưỡi lợn, không phải phê bình văn học... Nhưng nếu họ làm đúng thiên chức, trách nhiệm như tấm gương của Đức Khổng Tử, góp phần làm trong sạch, lành mạnh đời sống văn học, thì nỡ lòng nào mỉa mai bỉ báng họ như vậy? Cho nên ở tiêu chí này cũng là... không đạt.
Kết luận:
Chúng tôi từng kiểm dịch theo đúng tiêu chí. Đến khi khớp lại, ai ngờ nó lại như thế. Biết thế thì chẳng kiểm dịch mà làm gì. Được cho bạn đọc mà mình thì mang tiếng.
Giáo sư có thể phản bác: trước tác của tôi rất đồ sộ đến hàng ngàn trang mà chỉ lẩy ra vài mươi trang để kiểm dịch thì làm sao khách quan toàn diện được. Vâng đúng như thế. Nhưng chúng tôi làm theo phương pháp của Giáo sư mượn ở Cụ Voltaire đấy chứ, có dám tự tiện gì đâu. Với con lợn chỉ cần xem cái lưỡi (bây giờ có thể bổ sung thêm cái tai). Phê bình kiểm dịch cũng thế, tuy có khó hơn. Lôi cái lưỡi lợn ra thì dễ, nhưng định vị được cái “lưỡi văn chương” nó khó hơn, tế nhị hơn. Vả lại, chúng tôi kiểm dịch theo từng tiêu chí chính Giáo sư đặt ra. Giấy trắng mực đen, luận cứ sở cứ rõ ràng minh bạch đấy chứ. Mong Giáo sư xét cho chỗ ấy. Có điều này muốn chia sẻ cùng Giáo sư: Cái sự nói sự viết sao mà khó thế. Nói cho người thì dễ mà tự soi vào mình thì khó quá. Dao sắc không gọt được chui mà. Tôi tự biết là khó tự kiểm dịch. Quả thật câu “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” đáng trọng mà đáng sợ vậy(*) cho nên có điều gì làm cho Giáo sư không được vừa ý đẹp lòng, mong Giáo sư mở lượng bao dung, ban cho kẻ bỉ nhân này hai chữ đại xá thì quí hóa vô cùng.
Xin cung kính chờ đợi.
-------------------------

(*) Đao của ta trước sau nhất quán.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives