GÓC NHỎ SÀI GÒN
Posted by Unknown
Khách trọ
KIM NGÂN
Sài Gòn rộng lớn, đông người nhưng bất kỳ nơi nào của Sài Gòn đều có thể trở thành nhà, chỉ cần tôi tìm thấy một căn phòng trọ và một lý do để tôi gắn bó với căn phòng ấy.
Những căn phòng với diện tích mấy mét vuông là mái ấm của tôi và hầu hết người dân nhập cư ở Sài Gòn. Căn phòng khang trang, sạch sẽ hay tối tăm ẩm thấp, gần khu trung tâm, bến xe, hoặc kế bên bãi rác tùy thuộc vào số tài sản ít ỏi trong túi, hoặc thu nhập của tôi trong những ngày tiếp theo nương náu ở Sài thành đông đúc.
Bốn năm ở Sài Gòn với những ngày trọ học, tìm việc làm đã giúp tôi đi một vòng lớn từ nội thành đến
khắp các con hẻm ngoại ô. Trung tâm Sài Gòn náo nhiệt, mang trong người nhịp thở trẻ trung mà mỗi lần cắp cặp vào thành phố là trong tôi tràn ngập cảm xúc bồi hồi, háo hức. Cái cảm giác tươi trẻ ấy đọng mãi trong tôi mỗi lần ngồi trên xe buýt nhìn biểu tượng đồng hồ trên chợ Bến Thành, hay ngắm sắc hoa rực rỡ ở công viên Tao Đàn, rồi mỗi lần đi ngang dinh Độc Lập với kiến trúc cổ kính uy nghiêm, lướt qua cảng Nhà Rồng với tưởng tượng về Bác Hồ kính yêu… trong tôi lại tràn ngập cảm xúc của tự hào, của yêu thương, một niềm kiêu hãnh lẩn khuất trong tim khiến tôi muốn trở thành người Sài Gòn. Tôi thích nhất là cái cảm giác được ngắm người ở trung tâm thành phố, người Tây, người Tàu lẫn người Việt với những phong thái khác nhau. Sài Gòn không chỉ là chốn phồn hoa náo nhiệt mà còn lắm những trăn trở khôn nguôi. Ấy là những tháng ngày tôi ra trường và tập tễnh bước vào đời, tôi chuyển từ làng đại học sang khu trọ công nhân, những ngày sống bám nhờ vào số tiền công nhân lựa vải 70.000đ/ ngày của em gái và phải chịu những lời chì chiết của bà chủ xóm trọ muốn cạnh khóe tăng giá phòng. Làm tôi thấu thêm một góc Sài Gòn. “Góc phòng trọ với những người khách như tôi”. Mỗi căn phòng trọ là một câu chuyện, với những mảnh ghép nhiều màu, nhiều mùi mà cũng nhiều vị, kể cả hạnh phúc, ngọt ngào lẫn cay đắng, xót xa. Như dãy trọ xóm tôi, phòng số 1 thì các cô gái vui vẻ đón mẹ mới từ quê vào, nào quà nào bánh, mẹ con rôm rả kể chuyện đời sống quê mình với đời sống Sài Gòn, so sánh rồi ngồi trầm ngâm suy tư; phòng thì cà kê nhậu nhẹt; phòng thì bàn chuyện học hành, điểm đùng; phòng kế bên nữa thì trụ cột chính là anh chồng sau trận ốm mấy ngày đã mất việc phụ hồ, vợ chồng hục hặc chuyện tiền nong. Tôi nghe chị vợ than thở, tháng này lấy đâu ra tiền đóng tiền nhà, tiền ăn rồi còn tiền gửi về quê cho con đi học… Sau hai ngày than thở thì thấy chị cũng trở thành người phụ quán cơm ở đầu hẻm, thấy vậy mà chị cũng lo dữ lắm.
Ở Sài Gòn có bao nhiêu phòng trọ là cũng có bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu nỗi niềm riêng tư. Mỗi năm lại có hàng triệu người kéo về đây để làm đầy tri thức bằng những dòng chữ, những con số, ấy là những bạn trẻ được may mắn cắp sách đến trường với niềm tự hào sinh viên đại học. Cũng không ít những người không được học hành rồi trở thành công nhân, bốc vác, lao động tay chân. Tôi đã thấy anh kỹ sư xây dựng cần mẫn đo tính số liệu công trình, tôi cũng thấy trong chiều mưa ánh mắt hoang hoải, xa xăm của cô bán hàng bên đống rau chiều ướt mẹp, rồi bác Hai bán kem phòng số 6 nặng nề đẩy xe kem lên dốc cầu… Còn nhiều, nhiều thứ nữa.
Ai cũng có công việc, cũng có những hoàn cảnh rất khác nhau, nhưng dù giàu sang hay nghèo khó, dù là người trí thức lẫn cô công nhân, bác xe ôm, anh quét rác hay chị bán rau… Tất thảy những người khách trọ của Sài Gòn đều tồn tại trong tim một niềm tin, đó là niềm tin vào ngày mai, vào tương lai, vào cuộc sống và vào tình người. Tình người Sài Gòn là tình bạn, tình thương, tình đồng đội, tình đồng hương, tình yêu và mãnh liệt nhất là tình người xa xứ - người khách trọ vô danh giữa hàng triệu triệu khách trọ của Sài Gòn.
Những lớp người lần lượt thay nhau ra đi, duy chỉ có Sài Gòn là còn mãi. Người trẻ nhớ đến người già, cháu chắt biết đến cụ kỵ, người thân, bạn bè đều nhờ vào Sài Gòn. Cùng nhau sống đẹp để làm rạng danh Sài Gòn, khách trọ nhé!