490 NĂM QUỐC KHÁNH VƯƠNG QUỐC THỤY ĐIỂN (1523-2013)
Posted by Unknown
Đôi nét về “Mô hình Thụy Điển”
T.Q.LONG
(Theo Komsomolskaya Pravda)
Người Thụy Điển ngày nay sống trong một đất nước phong lưu đáng tự hào, được cả hành tinh ngợi ca là “Mô hình Thụy Điển” đậm chất ưu việt theo xu hướng XHCN. Riêng các thế hệ con cháu hậu duệ của sắc dân Viking cổ xưa thì họ khẳng định rằng cuộc sống ở đất nước họ là tốt nhất thế giới.
Đất nước Thụy Điển tiến rất nhanh trên con đường từ một quốc gia nghèo nàn tới một xã hội phong lưu, chính là nhờ vào những khám phá về nguồn tài nguyên phong phú từ cuối thế kỷ XIX. Trước hết là gỗ và quặng sắt, để từ đó người Thụy Điển tiến hành kỹ nghệ hóa quê hương mình. Cùng với đà phát triển kinh tế, song song là sự thăng tiến của nhiều vấn đề xã hội khác. Quốc hội Thụy Điển hình thành từ cuối thế kỷ XVIII là cơ quan lập pháp lâu đời nhất châu Âu. Ngay từ năm 1921, quyền bầu và ứng cử của mọi công dân nam cũng như nữ đã được ghi trong Hiến pháp. Còn từ năm 1919 đã ban hành đạo luật quy định một tuần làm việc có 48 giờ. Gần hai thập niên sau, kể từ năm 1938 giới lao động Thụy Điển có quyền nghỉ phép 2 tuần/năm. Riêng quyền được chăm sóc y tế của mỗi công dân có hiệu lực cách đây đúng sáu thập niên, vào năm 1953. Đến năm 1963, phép năm của mọi người được tăng lên gấp đôi, nghĩa là 4 tuần/năm. Đầu năm 1971, giờ làm việc trong tuần theo luật định giảm xuống còn 40 tiếng đồng hồ, tương ứng với một tuần chỉ làm việc có 5 ngày, và hiện nay là 35 giờ/tuần. Sang thập niên 1980, số ngày nghỉ phép hàng năm của người lao động lại được tăng thêm tới 5 tuần/năm, còn hiện giờ là 6 tuần/năm.
Các số liệu đã minh chứng cho sự khẳng định nói trên của người Thụy Điển là cực kỳ xác đáng. Tuy nhiên, họ cũng ca thán về thuế khóa trong nước quá cao, nếu không mức sống còn được nâng cao hơn nữa. Hiện thu nhập bình quân hàng năm tính theo đầu người ở vương quốc Thụy Điển tương đương 48 ngàn USD, hơn Hoa Kỳ (46 ngàn USD) hay Anh Quốc (44 ngàn USD). Mặt khác, người Thụy Điển cũng rất đỗi tự hào về hệ thống bảo hiểm ưu việt của nước mình. Phần lớn số tiền dành cho công tác này là từ nguồn… tận thu thuế. Mỗi công dân đều phải đóng hai sắc thuế khác nhau của nhà nước trung ương và chính quyền địa phương. Chính sách thuế của nhà nước có tiến bộ hơn, tỉ như ai có thu nhập cao thì phải đóng thuế nhiều; trong khi các địa phương lại áp dụng một tỷ lệ cứng nhắc “đổ đồng” cho mọi người. Hiện tiền lương thực tế ở Thụy Điển tăng trung bình 10%/năm, trong khi đà lạm phát là 2,9%/năm, suy ra mức sống của người dân vẫn tăng đều đều cỡ 7% mỗi năm.
Ngoài ra người Thụy Điển còn rất đỗi tự hào vì đất nước họ đã đạt được thành quả tốt nhất trong một lĩnh vực nan giải đối với bất cứ nền kỹ nghệ phương Tây nào, với bất cứ quốc gia nào dù hùng mạnh và giàu có, đó là nạn thất nghiệp. Ở vương quốc Thụy Điển, tỷ lệ này chỉ xê dịch từ 1,2-1,5% tổng số người trong độ tuổi lao động, một con số không đáng kể nếu đem so với những nước có nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, Anh, hoặc Đức - tới và hơn 10%. “Trong tất cả những năm mà chúng tôi cầm quyền, nạn thất nghiệp là mục tiêu hàng đầu mà chính phủ luôn tranh đấu - ông Ingvar Carlsson nguyên Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội (SSA), người kế vị Thủ tướng kỳ cựu Olof Palme (1927-1986) cho biết - Từ những năm 1930 của thế kỷ trước, nền kinh tế của đất nước chúng tôi luôn phấn đấu để mọi người đều có công ăn việc làm. Và công tác đầy trọng trách này đang được hoàn thành dần…”. Hàng năm chính phủ Stockholm bỏ ra 3% tổng sản phẩm quốc dân (GDP), tương đương với ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu kỹ nghệ khác dành riêng cho vấn đề thất nghiệp, chi trả trợ cấp cũng như mở các trường đào tạo hướng nghiệp miễn phí cho bất cứ ai có nhu cầu.
Về mặt giáo dục, từ lâu tại vương quốc Thụy Điển đã áp dụng chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc cho tất cả trẻ em trong độ từ 7-16 tuổi (bao gồm 9 lớp) và hoàn toàn không mất tiền, kể cả sách giáo khoa và những dụng cụ học tập khác.
Luật pháp Thụy Điển quy định tuổi nghỉ hưu khi công dân tròn 65 tuổi, với chế độ hưu trí toàn phần (hưởng 100% lương) được áp dụng từ năm 1913. “Một vấn đề lớn nữa của chúng tôi là sự tăng thường xuyên số người già - ông I.Carlsson tiếp tục - Sau hai thập niên tính từ giữa những năm 1980 số người trên 80 tuổi đã tăng gấp đôi. Cần phải có đủ lượng nhân viên và cơ sở y tế tương ứng, nhằm bổ sung kịp thời cho việc chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi”.
Về nhà ở, người Thụy Điển mua trả góp hoặc thuê nhà của nhà nước. Nhà cho thuê được trang bị đủ tiện nghi với giá tối thiểu so với mức thu nhập trung bình hàng tháng.
Vương quốc Thụy Điển còn nổi danh với biệt hiệu “Xứ sở thanh bình”, bởi suốt gần ba thế kỷ qua luôn đóng vai trò trung lập như Hiến pháp quy định, không “dính dáng” đến bất cứ một cuộc chiến tranh nào trên lục địa châu Âu cũng như quy mô thế giới. Ngoài ra đất nước này hiếm xảy ra nạn tội phạm trên đường phố như ăn cắp vặt, đánh nhau… Ký giả Tom Berker là phóng viên thường trú của hãng tin Mỹ AP tại thủ đô Stockholm, từng kể lại câu chuyện hy hữu gây ấn tượng rằng trong một lần tới thành phố cảng Malmo, cũng là đô thị lớn hàng thứ ba ở mạn cực nam đất nước công tác, ông đã vô tình để quên chiếc túi cá nhân trên một chiếc ghế giữa khu công viên náo nhiệt kề nhà ga trung tâm. Khi trở về văn phòng ở Stockholm mãi hai ngày sau T.Berker mới nhớ ra, liền tức tốc quay lại Malmo cách xa hàng trăm cây số và thấy chiếc túi… vẫn còn đó! Giấy tờ, tiền bạc tư trang, kể cả chiếc máy ảnh chuyên dụng đắt tiền để trong túi không hề suy suyển. “Thật khác hẳn những địa danh còn lại trên địa cầu mà đời làm báo của tôi đã trải qua!”, T.Berker lên tiếng bình luận.
Thay lời kết, trong suốt thời gian qua vương quốc Thụy Điển được dư luận quốc tế đánh giá như là nhà nước dân chủ xã hội tiêu biểu, nhiều chính trị gia cánh tả nổi tiếng ở châu Âu đã gọi Thuỵ Điển là “mô hình đặc trưng của CNXH”, bởi chiếu theo lý luận Maxism thì nền dân chủ Thụy Điển mang đậm tính nhân văn sâu sắc. q