Bệnh trào ngược có gì mới ?  

Posted by Unknown

Bác sĩ ĐÀO TY TÁCH
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tên viết tắt GERD là một bệnh tiêu hóa mãn tính xảy ra khi axit trong dạ dày hoặc đôi khi mật chảy ngược trở lên kích thích niêm mạc thực quản và gây ra các dấu hiệu trào ngược.
Các dấu hiệu của bệnh bao gồm trào ngược axit và ợ nóng xảy ra ít nhất hai lần mỗi tuần. Cảm giác nóng rát trong lồng ngực đôi khi lan đến cổ họng cùng với vị chua trong miệng có thể gây đau ngực, khó nuốt và ho khan, khàn giọng hoặc đau họng, trào ngược thức ăn hay chất lỏng chua. Cơ chế của hiện tượng trào ngược là khi nuốt, cơ vòng thực quản bao quanh đoạn dưới thực quản mở ra cho phép đồ ăn và chất lỏng chảy xuống dạ dày rồi đóng lại. Tuy nhiên, nếu van này mở ra bất thường hay yếu, axit trong dạ dày chảy ngược vào thực quản gây ra chứng ợ nóng thường xuyên, axit có thể kích ứng niêm mạc thực quản gây viêm thực quản hay chảy máu hoặc biến chứng teo hẹp thực quản, thậm chí biến thành ung thư thực quản Barrett.
Thầy thuốc cũng cần chẩn đoán xác định bằng cách chụp X-quang hệ thống tiêu hóa trên sau khi uống chất cản quang cho phép thầy thuốc nhìn rõ bóng thực quản, dạ dày và tá tràng. Với phương pháp nội soi, thầy thuốc đưa một ống mềm trang bị ánh sáng và máy ảnh xuống cổ họng cho phép kiểm tra thực quản và dạ dày, thu thập mẫu sinh thiết để tầm soát ung thư thực quản Barrett. Tuy nhiên theo khuyến cáo mới nhất năm 2013, không nên chụp hình có chất cản quang hay nội soi khi đã có các dấu hiệu điển hình, đồng thời cũng không cần sàng lọc nhiễm vi khuẩn H. pylori ở những bệnh nhân này vì điều trị nhiễm H. pylori không nhất thiết là một phần của điều trị chứng trào ngược. Cũng vậy, việc sinh thiết thực quản qua nội soi không nên dùng để chẩn đoán chứng trào ngược dạ dày thực quản và việc điều trị giảm cân được khuyến cáo cho bệnh nhân trào ngược có kèm theo dư cân hoặc tăng cân gần đây.
Phương pháp điều trị chứng ợ nóng bao gồm thuốc kháng acid như Maalox hay Mylanta, thuốc chẹn thụ thể H2 như Cimetidin hay Ranitidin và cuối cùng là thuốc ức chế bơm proton như Lansoprazol, Omeprazol hay Esomeprazol giúp chữa lành mô thực quản bị hư. Đôi khi các thuốc này dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương nên cần dùng thêm chất bổ sung canxi. Thuốc chẹn bơm proton thải chậm nên dùng nửa giờ trước bữa ăn để kiểm soát pH tối đa và nên bắt đầu ngay một liều trước bữa ăn đầu tiên trong ngày. Thuốc chẹn bơm proton rất an toàn ở phụ nữ mang thai khi cần chỉ định điều trị.
Phẫu thuật làm mạnh cơ vòng thực quản bao gồm thắt chặt cơ vòng thực quản để ngăn chặn trào ngược, bằng cách đóng gói phần trên dạ dày quanh thực quản qua phương pháp mổ hở hay mổ nội soi. Một thiết bị được đưa vào miệng nhằm sắp xếp lại mô dạ dày thay thế van thực quản giữ cho axit trong dạ dày không trào ngược.
Thủ thuật Stretta sử dụng năng lượng nhiệt điện nhằm tạo mô sẹo và gây tổn thương các dây thần kinh phản xạ, hình thành các mô sẹo giúp cơ vòng mạnh lên.

Phẫu thuật ghép cơ vòng thực quản bằng một vòng hạt titan bao quanh chỗ nối dạ dày và thực quản, lực từ tính giữa các hạt đủ mạnh để đóng cửa không cho trào ngược axit, nhưng cũng đủ yếu để cho thức ăn đi qua. Điều trị phẫu thuật thường không được khuyến cáo ở những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng thuốc chẹn bơm proton.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives