Chợ Bến Thành của thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn khách du lịch quốc tế
Posted by Unknown
DƯƠNG ĐÔNG
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh) đã được bình chọn có tên trong danh mục Top 15 chợ ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới theo sự bình chọn của tờ báo USA Today (Hoa Kỳ).
Theo tờ USA Today (Mỹ), tiêu chí để chọn lựa và xếp hạng 45 chợ ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới dựa trên hai tiêu chí quan trọng nhất: Khả năng phản ánh tầm quan trọng của thực phẩm và bản sắc địa phương được thể hiện qua các sản phẩm bán tại các chợ. Cũng theo nhận định của báo này, 45 chợ ẩm thực được xếp hạng lần này có thể được coi là đỉnh cao của văn hóa chợ tại mỗi quốc gia, dân tộc và phản ánh rõ nét nhất văn hóa ẩm thực bản địa.
Theo ghi chép của Bách khoa toàn thư, nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành. Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, là một phố chợ dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước.
Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới chỉ có 100 ngàn dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất. Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến mới chỉ là một dãy nhà trống lợp ngói. Tháng 2-1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, trong đó có chợ Bến Thành, năm 1860, người Pháp đã cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (trước năm 1975 là địa điểm Tổng Ngân khố, nay là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ). Ngôi chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ và lợp lá. Đến tháng 7-1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.
Thời đó, khu chợ được xây dựng bên bờ phía nam một con kênh, được gọi là Kinh Lớn. Phía trước chợ, dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner, hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly. Do vị trí nằm giao điểm của khu đô thị và hợp lưu của hai tuyến đường thủy là kênh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi), ghe thuyền có thể cập bến và đổ người lên chợ bất cứ ở phía bên này hay bên kia. Còn người bên đất liền muốn qua chợ thì có thể đi qua những chiếc cầu gỗ xinh xắn, do đó chợ Bến Thành luôn luôn nhộn nhịp.
Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp (nay là Đại lộ Nguyễn Huệ). Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển, địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là bến xe buýt Sài Gòn). Chợ Bến Thành mới được khởi công xây dựng vào năm 1912, đến cuối tháng 3-1914 thì hoàn thành nằm ở khu vực trung tâm của thành phố, là một điểm thu hút rất nhiều khách du lịch. Từ đó đến nay, chợ đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng lớn nhất là vào năm 1985.
Chợ Bến Thành ngày nay có tổng diện tích 13.056m² với 4 cửa chính hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mở ra các đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Lê Thánh Tôn. Trong đó, cửa chính (hướng Nam) được xem là biểu tượng của TP. Hồ Chí Minh với một tháp đồng hồ 3 mặt ở phía trên, trong chợ có hơn 3.000 sạp chuyên bán sỉ và lẻ các mặt hàng, từ thực phẩm, vật dụng hàng ngày đến những xa xỉ phẩm, trung bình mỗi ngày chợ Bến Thành đón khoảng 10.000 lượt khách tới mua bán và tham quan các gian hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, dệt may hay thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam.