Gặp tác giả bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”...
Posted by Unknown
NGÔ VĂN TUẤN
(Ban Quản lý Công trình Công cộng thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận)
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đã nhiều lần tôi được xem hai bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và “Mẹ con người tử tù” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Lòng tràn đầy thán phục, mong một ngày gặp mặt. Tôi đâu ngờ, ông với tôi ở cùng một huyện (Hàm Tân, Bình Thuận nay là thị xã La Gi ). Ông ở phố biển La Gi, tôi ở Tân An, cách nhau cánh đồng Tân Thiện.
19 năm sau ngày giải phóng, năm 1994 tình cờ trong Hội nghị Hội Văn nghệ tỉnh Bình Thuận họp tại Phan Thiết, tôi thật hạnh phúc vì may mắn được gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, một ông già tuổi trạc 70, tóc bạc, thân hình ốm yếu, trông giống nhà giáo hơn là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Khách đông, tôi thuộc lớp nhỏ tuổi, không dám chuyện trò nhiều. Buổi trưa tôi lặng lẽ đứng trên lầu 2 nhà khách UBND Tỉnh, nhìn ông với chiếc máy ảnh, cái bóng nhỏ liêu xiêu dọc bờ sông Cà Ty trong ánh nắng lấp lóa trưa miền biển, để được chiêm ngưỡng tính nghệ sĩ của con người nghệ sĩ.
Tháng l0-1995, Chi hội Văn nghệ Hàm Tân tổ chức lễ chúc thọ mừng nghệ sĩ tròn 70 tuổi. Tôi còn nhớ mãi giọng ông nói rất nhỏ, gần như thầm thì: “Mình còn sống đến hôm nay là hạnh phúc lắm rồi, lại được bà con, bạn bè chúc thọ, còn gì vui bằng. Nhưng vui nhiều, nhớ nhiều. Nhớ những năm tháng được sống gần bên Bác, nhớ đóa hồng Bác tặng, điếu thuốc lá Bác trao. Nhớ lần cuối cùng được chụp ảnh Bác trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Hà Nội. Nhớ bạn bè, những đồng nghiệp đã ngã xuống. Nhớ Trường Sơn, nhớ Lào…”.
Gần 30 năm cầm máy, có mặt khắp mọi miền đất nước, ông đã ghi lại không biết bao nhiêu hình ảnh, sự kiện nóng bỏng, có giá trị lịch sử, nhưng ấn tượng nhất là hai bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và “Mẹ con người tử tù” . Cách nhau 25 năm (1960-1975), 2 bức ảnh, 2 sự kiện, 2 thời điểm, 2 khoảnh khắc, 2 niềm vui. Sự mở đầu và khép lại thật tuyệt vời, hình ảnh của người chiến thắng.
Kể về hoàn cảnh chụp bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”, ông nói: “Năm 1960, được cơ quan TTXVN giao nhiệm vụ chụp ảnh dạ hội nhân dân Thủ đô Hà Nội mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 tại công viên Bách Thảo. Lần đầu tiên tôi hồi hộp khi trông thấy Bác Hồ đích thực xuất hiện. Đêm đó Bác cùng với các đại biểu đến nghe nhạc giao hưởng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Bác lên sân khấu cầm đũa bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Lúc ấy Bác cầm đũa hướng về phía nhạc công, quay lưng về phía ống kính máy ảnh của các nhà báo trong và ngoài nước. Lúc đầu tôi chưa biết phải chụp như thế nào, vì chưa có kinh nghiệm nên rất lo lắng. Song nhờ quan sát, nên tôi quyết định chọn góc độ chụp sau lưng Bác, cách khoảng 5 mét. Tôi dự kiến, khi Bác quay người sang cánh nhà báo, tôi sẽ chụp được chân dung, trước bối cảnh đẹp của buổi biểu diễn. Lúc đó cũng có nhiều phóng viên chọn góc độ như tôi, nhưng vì quá lâu, bài nhạc lại sắp kết thúc, nôn nóng, họ bỏ vị trí chuyển vào bên trong để chụp ra. Còn lại một mình, tôi kiên trì quan sát và chờ đợi. Quả nhiên khi bài nhạc sắp kết thúc, đến đoạn “Tiến lên! Theo ngọn cờ tự do đang reo, vầng lên ánh dương xây đời mới, trong dân chủ mới”, Bác liền quay ra phía ống kính của tôi với tư thế người nhạc trưởng bắt nhịp rất đẹp. Lập tức, tôi không bỏ lỡ thời cơ bấm máy. Chiếc máy ảnh Rolleifer với khẩu độ F 5. 6 và tốc độ 1/50 giây, hoạt động qua dây đồng bộ, chiếc đèn flash Braun phát ra tia chớp, hình tượng Bác mặc áo lụa trắng sáng lên trên nền sẫm của nhạc công và tốp đồng ca. Chỉ một kiểu phim 6 x 6 cm, bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” ra đời”.
46 năm trôi qua, bức ảnh đã được cả hành tinh biết đến, nhưng mấy ai rõ được cái khoảnh khắc vàng trong đêm dạ hội, được loé lên bằng sự kiên trì và thông minh của chàng phóng viên 35 tuổi.
![]() | ||
Mẹ con người tử tù | Ảnh LÂM HỒNG LONG |
Với bức ảnh “Mẹ con người tử tù”, ông lại gặp một cơ duyên khác: “Hôm ấy ngày 6-5-1975, được tin có chuyến tàu chở 36 tử tù từ Côn Đảo về đất liền, cập bến Vũng Tàu, tôi được tổ chức phân đi chụp ảnh ghi lại sự kiện trên. Nhưng do phương tiện giao thông trục trặc, nên đến nơi đã quá muộn. Lúc này anh em tử tùđã tập trung nghỉ ngơi ở trại huấn luyện của cảnh sát nguỵ. Buồn, lang thang ở cổng ra vào, chợt thấy một bà già với chiếc khăn rằn vắt vai đang hớt hải chạy tìm con. Giây phút hội ngộ bất ngờ. Hai mẹ con ôm choàng nhau và khóc ngất. Tôi nâng máy bấm liên tục 8 kiểu và nghe trên mắt mình cay xè vì xúc động. Ít lâu sau bức ảnh “Mẹ con người tử tù” được đăng tải trên các báo trong và ngoài nước”.
31 năm trôi qua, bức ảnh vẫn còn nguyên giá trị, nó được xem như biểu tượng về tấm lòng nhân hậu và sự kiên cường của người Mẹ Việt Nam. Người trong bức ảnh là Mẹ Trần Thị Bình và anh Lê Văn Thức quê ở Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Ghi nhận đóng góp của ông, năm 1966, Chủ tịch nước trao tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật. Ngày 21- 3-1997, ông đã từ trần tại TP.HCM, thọ 72 tuổi. Nhớ ông, lúc nào lòng tôi cũng tràn đầy xúc động...