Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng - lần thứ nhất - 2013
Posted by Unknown
P.N.THƯỜNG ĐOAN
9 giờ ngày 29-10-2013, tại TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Sóc Trăng đã họp báo công bố kế hoạch tổ chức Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng, lần thứ nhất 2013, từ 14-11-2013 đến 17-11-2013 (tức 12-10 đến 15-10 âm lịch) với hơn 60 đội ghe đến từ 7 tỉnh trong khu vực. Thời điểm này trùng với Lễ hội Oóc Om Bóc, lễ thả đèn nước - Loyprotip để tạ ơn mặt trăng nhân mùa thu hoạch hoa màu, nhất là lúa nếp của đồng bào Khmer Nam bộ được tổ chức vào rằm tháng 10 hàng năm.
Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng phát biểu: “Tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép nâng Lễ hội Oóc Om Bóc đua ghe ngo thành Festival cấp khu vực nhằm bảo tồn văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. Đua ghe ngo là nét đẹp truyền thống gắn với lịch sử và văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. Sự kiện này gắn liền với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa độc đáo của Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực, là cơ hội để Sóc Trăng tập dượt kinh nghiệm tổ chức lễ hội mang tầm khu vực và cao hơn như tổ chức Festival đua ghe ngo quốc tế. Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng, lần thứ nhất năm 2013 phục dựng tương đối hoàn thiện nghi thức Lễ hội Óoc Om Bóc. Nội dung mỗi chương trình phản ánh mục tiêu xuyên suốt toàn bộ festival, vừa đa dạng vừa tập trung, thống nhất; thể hiện sự chủ đạo của văn hóa Khmer, sự đa dạng của văn hóa Sóc Trăng và các vùng miền, nghi lễ trung thực với lịch sử, với tập tục bảo đảm tính thiêng”.
Lễ khai mạc festival với chủ đề “Trăng và lúa” sẽ có 15 phút bắn pháo hoa tầm thấp diễn ra tối 15-11-2013 (nhằm ngày 13-10 âm lịch, được truyền hình trực tiếp trên VTV 2, VTV 5 và VTV Cần Thơ) là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa (phần hội) với nhiều tiết mục văn nghệ liên quan đến vụ mùa, nghi thức cúng lễ nông nghiệp của người Khmer, hướng về trăng và hồn lúa (Trăng đưa nước đến và đi; Trăng giúp mùa màng tươi tốt; Lúa là sản phẩm con người chăm chỉ làm ăn mà có; Trăng và người làm nên hạt lúa; Tri ơn trăng và biết ơn người lao động…).
Lễ bế mạc Festival với chương trình nghệ thuật tổng hợp và tổng kết Festival vào tối 17-11-2013 là một buổi biểu diễn giới thiệu tất cả giá trị, thành tựu nghệ thuật biểu diễn của văn hóa Khmer và Sóc Trăng thông qua các nội dung chủ đề về Sóc Trăng: Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch; Sóc Trăng trong lòng các bạn; Sóc Trăng đầy tiềm năng và triển vọng luôn chào đón bạn…
Ngoài các hoạt động chính, còn có Hội chợ Thương mại và Triển lãm; Liên hoan ẩm thực “Món ngon Sóc Trăng” 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; Trò chơi dân gian - hội thao dân tộc; Triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa; Lễ Cúng Trăng - Oóc Om Bóc; Thả đèn nước; Ca múa nhạc tổng hợp; Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù ke Khmer Nam bộ; Hội thi trang phục ba dân tộc Kinh – Khmer - Hoa… khai mạc từ sáng 14-11-2013 cho tới ngày bế mạc Festival.