Báo cáo tổng kết Hội thảo Khoa học toàn quốc Văn học, nghệ thuật 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp  

Posted by Unknown

(DO PGS, TS NGUYỄN HỒNG VINH, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN,

PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG TRÌNH BÀY)

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh
Sau một ngày rưỡi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cuộc Hội thảo Khoa học toàn quốc với chủ đề:“Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” đến đây đã kết thúc tốt đẹp. Đây là hoạt động khoa học, quan trọng được tiến hành trong dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ( khóa VIII). Chúng ta vui mừng Hội thảo có 220 đại biểu tham dự với 70 tham luận và gần 40 ý kiến phát biểu thêm trong phiên họp của 2 tiểu ban chiều qua và trong phiên họp toàn thể sáng nay. Đó là biểu hiện sinh động sự quan tâm của giới nghiên cứu lý luận, hoạt động sáng tạo và quản lý cũng như công chúng yêu văn học, nghệ thuật trong cả nước về chủ đề Hội thảo. Từ thực tiễn phong phú, sinh động của các lĩnh vực văn học, nghệ thuật 15 năm qua, và từ những góc độ tiếp cận khác nhau, các tham luận và các ý kiến phát biểu không chỉ mang đến Hội thảo những nhận xét, đánh giá về thực trạng sáng tạo văn học, nghệ thuật, mà còn nêu lên những lý giải thuyết phục về nguyên nhân, những đề xuất khả thi về giải pháp để phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng đòi hỏi của đất nước và nhân dân trong thời kỳ mới. Vấn đề đặt ra trong Hội thảo không phải là vấn đề hoàn toàn mới, nhưng là vấn đề lớn và khó, đã và đang là đòi hỏi bức thiết, sống còn đối với nền văn nghệ của chúng ta trong tình hình hiện nay. Đúng như lời phát biểu của đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư: “Trong văn học, nghệ thuật của ta hiện nay, còn có vấn đề nào quan trọng bằng và đáng bàn bằng việc sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị lâu dài? Đó là vấn đề trung tâm, cấp bách…; là giấc mơ của văn nghệ sĩ”. Với không khí trao đổi thẳng thắn, sôi nổi; bằng sự tâm huyết với nền văn học, nghệ thuật nước nhà, với trách nhiệm trước Đảng và nhân dân thể hiện qua từng ý kiến, có thể nói, Hội thảo lần này đã đặt trúng vấn đề, gợi mở nhiều giải pháp cấp thiết, đang được cả xã hội quan tâm.
Thay mặt Đoàn chủ tịch, tôi xin tổng kết Hội thảo trên một số nội dung chính sau đây:
I. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM TRONG HỘI THẢO
1. Xung quanh khái niệm và tiêu chí về tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.
Một trong những vấn đề được nhiều tác giả đề cập là vấn đề quan niệm thế nào là tác phẩm có giá trị và giá trị cao? Theo PGS,TS Phan Trọng Thưởng: giá trị của một tác phẩm văn học, thường được nhận diện theo các chuẩn mực nghệ thuật thẩm mỹ và giá trị tinh thần chung được xã hội thừa nhận. Trong văn học, của ta, giá trị đó được đúc kết thành các phạm trù Chân - Thiện - Mỹ.
Về giá trị cao, GS Hà Minh Đức nhấn mạnh: ngoài các yếu tố cơ bản “chân - thiện - mỹ”, tác phẩm văn nghệ phải phản ánh được cái mới, cái chưa có, có sức hấp dẫn và giá trị với văn học, dân tộc. Phẩm chất trên có thể biểu hiện ở những tư tưởng tiến bộ, mở ra ánh sáng mới với thời cuộc…
GS Hồ Sĩ Vịnh thì cụ thể hóa nội hàm của giátrị cao thể hiện ở giá trị tư tưởng và giá trị trị cao thể hiện ở giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật: Giá trị tư tưởng trong một tác phẩm nghệ thuật là hồn cốt, xương sống của tác phẩm đó… Giá trị nghệ thuật bao gồm ngôn ngữ, hình tượng, thi pháp… tất cả đều là bản cấu trúc của tác phẩm.
Thưa các vị đại biểu!
Theo GS Phong Lê: Để nhận dạng tác phẩm có giá trị cao, cần dựa vào hai tiêu chí: đến được với cái thật và cái đẹp. Cái thật là chạm vào được sự sống cơ bản của nhân dân. Cái đẹp là khát vọng nhân văn và thẩm mỹ toát ra từ các trang chữ. Còn tác phẩm đạt tới đỉnh cao là tác phẩm có sức sống vượt thời gian. Đề cập khái niệm vượt thời gian, các ý kiến còn khác nhau. Có người cho rằng, tác phẩm phải có sức sống vượt qua các thời đại, như: “Thơ Thần” thời Lý Thường Kiệt, “Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Lại có ý kiến cho rằng: giá trị đỉnh cao trước hết phải là tác phẩm hay, có sức truyền cảm, chinh phục lòng người, mang lại những xúc cảm thẩm mỹ trong sáng, mạnh mẽ về Tổ quốc và nhân dân, hài hòa giữa nội dung và hình thức, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, có hàm lượng văn hóa cao; là tác phẩm chứa đựng những tư tưởng tiến bộ, nhân danh cái đẹp, cái thiện để phê phán cái xấu, cái ác, hướng đến lợi ích chính đáng của nghệ thuật, của Tổ quốc và nhân dân.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần hiểu nội hàm “vượt thời gian” theo nghĩa tương đối, bởi lẽ trong thực tiễn, đã có những tác phẩm tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều tác phẩm ra đời trong thời kỳ này đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, cuốn hút, lay động hàng triệu trái tim, cổ vũ hàng triệu con người xả thân cứu nước. Có thể dẫn ra những tập thơ, văn được đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng thừa nhận là “đỉnh cao” như một số tác phẩm của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Văn Cao, Đỗ Nhuận… đã trở thành những bài thơ, bài ca “đi cùng năm tháng”, hôm nay vẫn vang lên hào sảng.
Ở một khía cạnh khác, có những tác phẩm có giá trị cao, khi mới ra đời không những không được thừa nhận, mà còn bị cấm, hoặc bị hạn chế tuyên truyền, phổ biến rộng. Qua sàng lọc của thời gian và công chúng tiếp nhận, tác phẩm đó được khẳng định có giá trị.
Trên cơ sở những ý kiến nêu trên, chúng tôi tạm nêu lên mấy tiêu chí cơ bản khi xem xét tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao và đỉnh cao.
Trước hết, tác phẩm có giá trị cao là những tác phẩm phản ánh, thể hiện sinh động những tư tưởng tiên tiến, những nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, của dân tộc ta và những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước.
Thứ hai, là tác phẩm có tác động sâu sắc và tích cực đối với xã hội; vừa có sức khái quát cao, nêu bật được những vấn đề bản chất nhất của đời sống hiện thực, vừa có sức truyền cảm, lay động, bồi dưỡng tình cảm, lý tưởng, lẽ sống cao đẹp cho con người.
Thứ ba, là tác phẩm có sự sáng tạo độc đáo về nghệ thuật, nhuần nhuyễn trong cấu trúc, diễn đạt, với sức gợi cảm, hấp dẫn qua ngôn ngữ, hình tượng, góp phần nâng cao hệ giá trị thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật.
Tóm lại, có thể khái quát: Tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao là những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác động sâu sắc xây dựng con người, phản ánh chân thực, sinh động đời sống, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…, đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng.
Còn tác phẩm “đỉnh cao”, theo NSND Đặng Hùng là tác phẩm hay nhất, tốt nhất, được công chúng ngưỡng mộ, tán thưởng nhiều nhất. Theo chúng tôi, tác phẩm “đỉnh cao” là tác phẩm có sự vượt hẳn lên ba tiêu chí cơ bản nêu trên, hay có thể gọi đó là tác phẩm đặc biệt xuất sắc.
II. VỀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT HIỆN NAY VÀ NGUYÊN NHÂN.
Tại Hội thảo này, từ nhiều góc độ đề cập cùng sự phân tích ở các cấp độ khác nhau, đa số ý kiến đều tập trung làm rõ mấy vấn đề căn cốt trong thực trạng hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay.
Thứ nhất, bối cảnh sáng tạo đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ, nhưng sự chuyển động của văn học, nghệ thuật thì chậm chạp, nội dung nhiều tác phẩm còn sơ lược, hình thức diễn đạt vẫn theo lối mòn. GS Đinh Xuân Dũng nêu vấn đề: Khi kết cấu xã hội thay đổi, nền tảng tinh thần xã hội đang thay đổi, chi phối chủ thể tiếp nhận, thì tất yếu dẫn đến sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ, tâm thế tiếp nhận của công chúng nghệ thuật; theo đó, dẫn tới những biến đổi của các chuẩn mực thẩm mỹ. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học, Nguyễn Huy Thông cho rằng: Trong khi thực tiễn sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên khắp các lĩnh vực, các vùng miền của Tổ quốc đang diễn ra sôi động, phong phú thì văn học, (văn xuôi, thơ, kịch…) gần như chưa có những đột phá, ít có những tác phẩm hay… Còn nhà văn Chu Lai đánh giá: Với các ngành nghề khác, bối cảnh xã hội tác động rất rõ vào sự phát triển hay tụt hậu của nó, nhưng ở lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thì ngược lại: Càng phức tạp, càng ngổn ngang, càng nhiều gam màu, lại càng nhiều chất liệu. Nhưng ở Việt Nam lúc này, rõ ràng chất liệu, mùi tiểu thuyết, quặng nghệ thuật rất phong phú, nhưng vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm. Đúng như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” chỉ rõ: “Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế về tiếp cận và nhận thức… chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước”.
Thứ hai, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; nhiều tác phẩm phản ánh chưa bao quát và sinh động truyền thống cách mạng hào hùng và thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập của dân tộc ta.
Các tham luận của nhà văn Vũ Hạnh, GS Hoàng Chương, NSƯT Lê Chức, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Đặng Xuân Hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Nghị, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu…, từ cách tiếp cận, xem xét trên bình diện nghề nghiệp chuyên môn của mình, đều khẳng định sự thiếu vắng các tác phẩm có giá trị cao; một số lĩnh vực chỉ có những tác phẩm trung bình, trung bình khá; hoạt động của một số lĩnh vực như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… còn lúng túng, bị động; thậm chí có thời kỳ rơi vào khủng hoảng.
Về nguyên nhân khách quan của thực trạng: Các tham luận của TS Lê Thành Nghị, họa sĩ Trần Khánh Chương, PGS,TS Trần Trí Trắc, TS Đỗ Hồng Quân, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà nghiên cứu Dương Cẩm Thúy… đều nhấn mạnh sự chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ về thị hiếu thẩm mỹ, chuẩn mực thẩm mỹ, đặc biệt là các chuẩn giá trị đạo đức xã hội; trong khi đó, sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin đã và đang lấn át văn hóa đọc, làm thay đổi tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ và nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Các tham luận của NSND Lê Tiến Thọ, NSND Chu Thúy Quỳnh, tác giả Phạm Hồng Cẩm, nhà nghiên cứu Dương Trọng Dật, nhà văn Võ Thị Xuân Hà,… nhấn mạnh sự bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; trong cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đầu tư cho sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay.
Về vấn đề đầu tư cho sáng tạo, tại Hội thảo này, có một số ý kiến rất đáng quan tâm. Một mặt đồng ý nguyên nhân đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó lại phân bổ, phân tán, lãng phí, hiệu quả thấp; mặt khác, có ý kiến nêu lên một thực trạng rất đáng suy ngẫm: Đúng là tiền bạc không đùa với khách thơ, nhưng chỉ tiền bạc không làm nên tác phẩm. Nhìn lại trong những năm chiến tranh ác liệt, gian khổ, lấy đâu ra tiền, đời sống lại quá thiếu thốn, khắc khổ, nhưng trong hoàn cảnh ấy lại có nhiều tác phẩm có giá trị cao! TS Lê Thành Nghị khi phân tích trả lời câu hỏi: Có phải nguyên nhân khó khăn từ kinh tế nên chưa có tác phẩm giá trị cao? Tác giả dẫn ra một số hiện tượng đáng suy ngẫm: từ trong nghèo khó và bất an xã hội thế kỷ XVIII, đã xuất hiện đại thi hào Nguyễn Du. Nhìn rộng ra, những tác phẩm “để đời” của Lý Bạch, Đỗ Phủ từng viết trong khó khăn, nghèo túng; Ban-zắc trong triền miên bị thúc nợ, Đôxtôiepxki viết trong sự thiếu thốn và bức bí sau những năm tháng bị tù đày dưới chế độ Nga hoàng… Như vậy, ít ra trong lĩnh vực sáng tạo văn chương, nghệ thuật, đời sống kinh tế tuy hết sức quan trọng, nhưng cũng chưa phải là yếu tố quyết định tuyệt đối sự xuất hiện những tác giả tài năng, những tác phẩm xuất sắc…
Vậy điều gì cần phải trao đổi thêm ở đây? Phải chăng là tài năng và tâm huyết của mỗi văn nghệ sĩ?
Về nguyên nhân chủ quan: đa số ý kiến cho rằng, về chủ quan, “chủ thể sáng tạo” là nguyên nhân chủ yếu; là nhân tố bên trong quyết định chất lượng của tác phẩm. Nhiều tham luận chỉ ra trong nhiều tác giả, tác phẩm, biểu hiện rõ sự non yếu trong nhận thức thời cuộc; thiếu sự nghiêm túc tự học, hỏi để nâng vốn tri thức; chưa “dấn thân” khám phá thực tiễn; và cuối cùng là chưa có tài năng đích thực để chuyển hóa vốn sống thành tác phẩm lay động lòng người, xây đắp niềm tin vào cái thiện, đẩy lùi cái ác... Chúng ta chia sẻ những bức xúc của một số văn nghệ sĩ trước đạo đức xã hội xuống cấp, niềm tin bị rạn nứt khi những tiêu cực xã hội phát triển, tham nhũng tràn lan… Nhưng chính trong bối cảnh nghiệt ngã đó, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta mong muốn các văn nghệ sĩ vừa dũng cảm phân tích, mổ xẻ hiện thực ấy, vừa thông qua tác phẩm thắp sáng niềm tin yêu con người, chứ không thể triệt tiêu niềm tin, triệt tiêu ý chí và khát vọng vươn tới cái đẹp, cái cao cả của nhân dân ta, xã hội ta. Đây chính là trách nhiệm vẻ vang của văn nghệ sĩ.
Đề cập hoạt động lý luận, phê bình, các tham luận của PGS, TS Phạm Duy Đức; PGS,TS Nguyễn Ngọc Thiện; nhà văn Lê Quang Trang; nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long… nhấn mạnh: cần mở rộng dân chủ trong sinh hoạt lý luận, phê bình. Từ một góc độ khác, PGS, TS Phan Trọng Thưởng lại nhận xét: hiện nay trong hoạt động văn học, nghệ thuật ở ta, có tình trạng vừa thừa dân chủ, vừa thiếu dân chủ. Còn nhà văn Chu Lai nêu câu hỏi: Liệu văn học, nghệ thuật có đang bị kiểm tỏa bởi các định hướng chính trị và các cơ quan kiểm duyệt? Có thiếu dân chủ không? Có thể trước kia là có, thậm chí có trầm trọng, nhưng câu trả lời bây giờ là KHÔNG, nếu tác phẩm đó không vi phạm pháp luật, không xúc phạm đến nền tảng đạo đức và các giá trị tinh thần cơ bản của văn học, nghệ thuật. Thử hỏi: Sau chủ trương “cởi trói” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những người cảm thấy bị “trói”, đã có tác phẩm nào đặc sắc chưa?
GS Mai Quốc Liên, GS Trần Trọng Đăng Đàn, nhà báo Nguyễn Hòa, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà văn Phùng Văn Khai… đều nhấn mạnh nhân tố đầu tiên rất quan trọng, nhưng chưa được xem xét, đánh giá nghiêm túc, công tâm, đó là chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là khát vọng sáng tạo; là quá trình tự đổi mới và làm mới mình; là sự dấn thân “sống chết” với tác phẩm của mình; là sự bồi đắp, ý thức gắn bó sâu sắc của văn nghệ sĩ với số phận, vận mệnh của nhân dân và dân tộc mình.
Đề cập yếu tố quyết định làm nên giá trị cao của tác phẩm, PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng: tác phẩm đó đồng thời phải đạt được hai phạm trù chủ yếu là nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện. GS,TS Trần Đăng Suyền nhấn mạnh, nếu nghệ sĩ nào không đủ trí tuệ trở thành nhà tư tưởng thì khó có thể tiến xa được; nếu chỉ là tài năng không thì nghệ thuật dẫu có điêu luyện đến đâu thì tác phẩm đó cũng không thể chắp cánh bay bổng lên được.
Đoàn chủ tịch Hội thảo - Từ phải qua: TS. Nguyễn Thế Kỷ, PGS.TS Đào Duy Quát, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, GS.TS Đinh Xuân Dũng, Nhà thơ Hữu Thỉnh, PGS.TS Phan Trọng Thưởng
Tóm lại, yếu tố quyết định để có tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, trước hết phải từ “chủ thể sáng tạo”, từ cá nhân mỗi văn nghệ sĩ, thể hiện tập trung ở cái Tài, cái Tâm và cái Tầm. Nghệ sĩ trước hết phải là người tài năng, có khả năng cảm nhận và phân tích được bản chất các hiện tượng khách quan của đời sống, chuyển hóa nó thành những hình tượng nghệ thuật lay động lòng người. Đồng thời, phải có tâm. Khát vọng lớn nhất của nhà văn là khát vọng sáng tạo. Cần sự toàn tâm, toàn ý nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo; bền bỉ khám phá, phát hiện, chắt lọc tư liệu của hiện thực đời sống để luyện thành “vàng ròng”; qua đó nhen lửa và thắp lửa cho chính mình và cho bạn đọc. Nghệ sĩ cũng phải là người có tầm tư tưởng lớn, có khả năng phát hiện, khái quát những vấn đề có tính quy luật và bản chất hiện thực, dự báo được chiều hướng phát triển của xã hội. Từ đó mới có thể xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sinh động, độc đáo, tạo dấu ấn sâu sắc trong công chúng. Xin được nhấn mạnh điều tổng kết chí lí của G. Mazquez: “Quyết định sự lớn/ bé của nghệ thuật là ở tài năng và sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật”. Như vậy, tác phẩm có giá trị cao là sự kết hợp giữa khát vọng và tài năng, giữa lý tưởng lớn và tài năng nghệ thuật lớn.
III. NHỮNG GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ CHỦ YẾU
Tại Hội thảo hôm nay, ngoài sự biểu thị thống nhất cao với các giải pháp nêu trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và trong Báo cáo đề dẫn, nhiều tham luận nhấn mạnh đến mấy giải pháp có tính căn cốt sau đây:
Thứ nhất: Đề cao trách nhiệm và tấm lòng của văn nghệ sĩ trước Tổ quốc và nhân dân.
Hơn lúc nào hết, Đảng và Nhà nước đặt niềm tin vào tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trước những vấn đề lớn lao của Tổ quốc và nhân dân. Điều đó thôi thúc mỗi người tự bồi đắp tình yêu Tổ quốc, thắp sáng khát vọng hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, góp sức tích cực xây đắp trên lý tưởng vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn đạt mục tiêu đó, cần thực hiện mấy vấn đề cơ bản sau đây:
- Trước hết, các Hội chuyên ngành Trung ương và Hội văn học, nghệ thuật địa phương cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, làm giàu vốn sống, thường xuyên cung cấp những thông tin chính thống, bản chất về các vấn đề nóng bỏng của đất nước để văn nghệ sĩ tiếp nhận, chắt lọc, tái hiện cuộc sống bằng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn.
- Mặt khác, mỗi văn nghệ sĩ tự trau dồi bản lĩnh, coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của người cầm bút, không ngừng tích lũy kiến thức nhiều mặt, đặc biệt là kiến thức văn hóa, gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn, tự làm giàu trí tuệ, tài năng của mình. Trong đời sống hiện nay, khi hệ thống thông tin Internet phát triển toàn cầu, vấn đề lựa chọn, tiếp nhận những thông tin đúng bản chất là rất quan trọng. Điều đó liên quan đến niềm tin, phương pháp tư duy, phương pháp sáng tạo tác phẩm của mỗi người.
- Để tác phẩm đạt được giá trị mong muốn, mỗi văn nghệ sĩ cần đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ - chiến sĩ, bồi đắp niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người, tạo nên những rung động sâu xa, chân thành và nhiệt huyết từ trái tim của người sáng tạo.
Thứ hai: Quan tâm hơn nữa việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật.
- Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của xã hội. Chăm sóc để tài năng phát triển là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị”. Đó là một bước tiến quan trọng trong tư duy lãnh đạo văn học, nghệ thuật. Chúng ta cần phải tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết; bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với trí thức, văn nghệ sĩ, bao gồm cả một hệ thống các giải pháp đồng bộ: Đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, tôn vinh, phát huy… Vấn đề còn lại là cá nhân văn nghệ sĩ sẽ phát huy tài năng của mình như thế nào?...
- Để tài năng phát triển lâu bền, thì chỉ có bản thân văn nghệ sĩ mới tìm được câu trả lời xác thực nhất. Do vậy, mỗi người cần tự bồi đắp khát vọng, nâng cao tri thức văn hóa, bền bỉ tích lũy vốn sống, thường xuyên học, hỏi, rèn luyện qua thực tiễn.
- Các hội chuyên ngành từ trung ương đến địa phương cùng với cấp ủy và chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm phát hiện, chăm lo bồi dưỡng tài năng, kịp thời đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ thông qua những chủ trương, chính sách cụ thể.
Thứ ba: Đẩy mạnh hoạt động lý luận, phê bình .
Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh vấn đề cốt tử của phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay là thiếu tính phê bình chuyên nghiệp trong đội ngũ viết phê bình văn nghệ; trong khi đó, đội ngũ viết phê bình chuyên nghiệp lại không đồng đều. Các tham luận đều nhấn mạnh yếu tố cần có của người làm phê bình chuyên nghiệp là: được đào tạo bài bản, chính quy trong các trường đại học, về khoa học, xã hội, về nghệ thuật, hoặc có năng khiếu; có ý thức tự học, tự rèn luyện và thể nghiệm… Đi liền đó cần có nhân tố khách quan cần thiết - đó là phải xây dựng môi trường phê bình thật sự dân chủ, cởi mở, có văn hóa.
- Khắc phục xu hướng đề cao quá mức chức năng giải trí, coi nhẹ chức năng giáo dục. Nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những nội dung tốt trong một số trào lưu lý luận nước ngoài; uốn nắn, phê phán những khuynh hướng giải thiêng các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của dân tộc, của cách mạng.
- Hội đồng tích cực triển khai thực hiện Đề án khoa học, cấp nhà nước về xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam nhằm làm cơ sở khoa học, cho việc đi sâu nghiên cứu, mở rộng hoạt động lý luận, phê bình hiện nay.
Thứ tư: Về cơ chế, chính sách.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; kết hợp đầu tư Nhà nước với mở rộng nguồn lực từ xã hội hóa, tạo môi trường thuận lợi để văn nghệ sĩ phát huy hết năng lực cá nhân và kích thích phát huy sáng tạo, khơi dậy những tiềm năng dồi dào của đội ngũ văn nghệ sĩ.
- Đề cao vai trò quản lý Nhà nước trong phân bổ có trọng tâm, trọng điểm nguồn lực; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đã được Chính phủ phê duyệt, nhất là việc phân bổ nguồn đầu tư kinh phí. Thực hiện nghiêm túc các kết luận trong Thông báo 173, ngày 7/6/2013 về các nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ban, ngành để đưa nhanh Nghị quyết 23 vào cuộc sống. Đã đến lúc cần thành lập Vụ (hoặc Cục) văn học, trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp; đồng thời thực hiện việc sơ kết, tổng kết để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách…
Thứ năm: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng bộ tiêu chí về thẩm định, đánh giá tác phẩm. Đề nghị các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ý kiến đóng góp xây dựng bộ tiêu chí này nhằm góp phần định hướng, thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển.
Thứ sáu: Tăng cường phối hợp các Hội chuyên ngành, các cơ quan hữu quan để mở rộng tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm có giá trị cao.
Các cơ quan chủ quản (báo, đài, nhà xuất bản) tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập; phối hợp chặt chẽ với các Hội chuyên ngành lựa chọn những tác phẩm có giá trị cao để tập trung tuyên truyền thông qua các chương trình của các đài phát thanh, truyền hình; các trang văn hóa, văn nghệ trên các báo viết, báo điện tử… Chú ý lựa chọn xuất bản các tuyển tập văn học, nghệ thuật có nội dung tốt để kịp thời động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao và quảng bá rộng.
Các Hội chuyên ngành Trung ương, các Hội văn học, nghệ thuật địa phương coi trọng việc đánh giá, thẩm định, kịp thời có những giải thưởng thường xuyên và đột xuất xứng đáng đối với văn nghệ sĩ có tác phẩm đạt giá trị cao.
Xây dựng kế hoạch giao lưu, trao đổi, học, tập kinh nghiệm nghiên cứu lý luận và sáng tạo của văn nghệ sĩ ở trong nước và quốc tế nhằm bồi đắp tri thức kinh nghiệm nghề nghiệp, tạo chất “xúc tác” cho nghiên cứu và sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển.
Thưa các vị đại biểu!
Đối chiếu với các yêu cầu, mục tiêu khoa học, đã đề ra, có thể nói Hội thảo đã thành công tốt đẹp! Các kết quả đạt được trong Hội thảo này sẽ là căn cứ để góp phần tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trong 15 năm qua; đồng thời gợi mở hướng phấn đấu để có thêm những thành tựu mới của văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời gian tới.
Qua Hội thảo này, chúng ta càng thấy rõ hơn tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, tạo nên sự đồng cảm, đồng thuận trong đội ngũ của chúng ta. Đây cũng là dịp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn, tạo thêm điều kiện, môi trường sáng tạo văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong điều kiện hiện nay, khi các lý thuyết nghệ thuật, các phương pháp mới đang tác động mạnh mẽ đến thực tiễn sáng tác, thì các kiến giải, đề xuất ở Hội thảo hôm nay cũng có ý nghĩa định hướng giá trị, định hướng hoạt động sáng tạo. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều động lực sáng tạo tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, góp phần làm giàu hơn đời sống tinh thần của toàn xã hội.
Thay mặt Đoàn chủ tịch và Ban tổ chức Hội thảo, tôi xin cảm ơn sự nhiệt tình, trách nhiệm với những ý kiến bổ ích, thiết thực của các vị đại biểu, nhất là một số đồng chí đã tự vượt lên khó khăn về kinh tế, về thời gian đến dự Hội thảo từ đầu tới cuối. Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND, đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh; cảm ơn cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh; cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã đến dự và đưa tin Hội thảo; cảm ơn cán bộ và nhân viên T78 và T79... Những tham luận đã được trình bày hoặc chưa trình bày trong Hội thảo, Ban tổ chức sẽ tập hợp để biên tập, in thành kỷ yếu.
Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: Văn học, nghệ thuật 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp”.
Chúc các vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn! 


0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives