Tư tưởng của Bác về việc xây dựng Quân đội nhân dân  

Posted by Unknown

VÕ HOÀNG NAM
(Thôn 3, Ninh Sơn, Ninh Hòa, Khánh Hòa)

Bác Hồ cùng bộ đội trở về An toàn khu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và kỷ luật nghiêm” “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.
Ngày 22 tháng 12 năm nay Quân đội ta tròn 69 tuổi, những thành tựu của một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, và hội nhập quốc tế hôm nay gắn liền với những chiến công của Quân đội ta. Nguồn sức mạnh đó chính là sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bản lĩnh chính trị vững vàng, là sự thấm nhuần đạo đức người cách mạng, là tinh thần đoàn kết, phấn đấu hy sinh của một quân đội cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một Quân đội có trí thức, dũng cảm, có bản lĩnh chính trị, tinh thần vững vàng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”. Quân đội ta là đội quân của những người chiến sĩ dũng cảm chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, gương mẫu về đạo đức lối sống cả trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường, như Bác Hồ đã căn dặn: “Gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”. Đó cũng là đội quân luôn học tập để nâng cao năng lực toàn diện, bởi theo Bác, “Muốn trở nên người quân nhân mới… mỗi chiến sĩ từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”. Đó cũng còn là đội quân trên dưới luôn đoàn kết một lòng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ cùng nhau, trên cơ sở thực sự phát huy dân chủ và thực hiện nghiêm túc phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trong điều kiện đặc thù của quân đội. Gắn bó với nhân dân là một nét đẹp của truyền thống Quân đội ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Vốn xuất thân từ các tầng lớp nhân dân, và là con em của nhân dân, Quân đội ta phải hết lòng yêu thương và kính trọng nhân dân”. Thấm nhuần quan điểm của Bác: “Cốt lõi lòng trung thành của người quân nhân cách mạng chính là mỗi chiến sĩ phải “luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức, trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân”. Những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, dựa vào nhân dân như “cá với nước”, và đó là những người chiến sĩ không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người làm công tác dân vận giỏi. Quân đội ta luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác. Người không chỉ dõi theo mỗi bước trưởng thành của quân đội mà còn viết thư thăm hỏi, động viên chia sẻ những nỗi đau thương mất mát với những thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh yêu cầu: “Phải xây dựng quân đội phải ngày càng chính quy, hiện đại, song phải tiến lên dần dần từng bước (không thể thoát ly điều kiện của đất nước), đồng thời kết hợp với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và vận dụng sáng tạo thành tựu khoa học, kỹ thuật. Đặc biệt, hiện đại hóa quân đội còn phải thông qua giáo dục, huấn luyện để giải quyết mối quan hệ con người và vũ khí, trong đó con người có vai trò quyết định, là “người trước, súng sau”.
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận vai trò to lớn của Quân đội ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc hội nhập đổi mới. Ngày nay, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa mở ra cho đất nước ta nhiều vận hội lớn đi liền cùng những thách thức khôn lường. Càng nhiều cam go, thử thách, càng đòi hỏi Quân đội ta phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng, xứng đáng là “lực lượng trụ cột” của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives