Cánh đồng muối quê tôi  

Posted by Unknown

CAO THOẠI CHÂU

Dù nhận ra hay không thì hầu như ai cũng mang một ấn tượng nào đó về quê hương trong đời mình.
Làng tôi có ba thôn Thượng, Trung, Hạ là một làng đất cát mịn không lầy lội trơn trượt ngay cả mùa đông mưa phùn. Thôn Quất Thượng là thôn xôi đậu, Quất Trung có ngôi chùa cổ có hai cây muỗm (tên gọi khác của xoài) một vòng ôm khi tôi lên mười. Thôn Quất Hạ toàn tòng Công giáo, có vẻ văn minh hơn cả vì có nhà nghỉ của viên công sứ Pháp, nhà đoan thu thuế muối và nhất là ngôi nhà thờ rất đẹp, rộng lớn khang trang, trước mặt là hồ nước lớn xây gạch bốn bờ. Và thôn là một phố chợ kiến trúc kiểu thành thị với những đèn măng-sông sáng trưng vào ban đêm.
Nhà tôi ở cạnh ngôi chùa thôn Trung mà nghe kể lại thì ông nội tôi là một trong những người hiến đất xây nên nó, hai cây muỗm cao vút và to chứng tỏ tuổi của chùa khá lớn. Nhiều gia đình ngày ngày lên gánh nước giếng chùa tạo ra cảnh tấp nập vào những buổi chiều làng tỏa hơi ấm thanh bình. Từ chùa đi ra phía biển chỉ một quãng đường đất quanh co là ngôi đình mái cong cổ kính và rất rộng, trước mặt là con đường cái quan hai bên cây hoang khép tán nhìn như một cái hầm màu xanh âm u vào những ngày không nắng, đó là đường liên thôn liên xã, con trục giao thông xương sống của huyện tôi. Là kẻ sợ ma nên tôi chọn hướng đi khác tới trường.
Mỗi buổi sáng, lũ nhóc chúng tôi hẹn nhau tại đình làng, rồi nhóm theo con đường này xuống thôn hạ đi học, trường làng ở đó. Tôi thường chọn hướng đi thẳng ra biển, leo qua dãy đồi cát đi tới mép nước và men theo đó xuống thôn hạ. Từ mép nước, khi triều lên nhìn ra xa mênh mông không bờ bến, đó là tôi đứng ở bờ biển Đông Hải, tên trong bài địa lý thời đó. Khi nước ròng, phơi ra bãi lầy là chỗ chúng tôi bắt những con ốc, nhặt những trái cây, có cả những quả bóng thủy tinh từ đâu dạt tới.
Biển nhà tôi còn hoang sơ, hiền lành cho những con thuyền ra khơi từ khi còn đêm và trở về lúc chiều tạo thành một đám chợ chồm hổm họp nhanh khi chiều xuống. Người chú họ không gia đình ở với cha tôi là người ra khơi buổi sáng về mỗi buổi chiều này. Hôm nào biển động chú thành người làm ngoài cánh đồng muối. Nhà đông người làm nhưng tôi hay quấn quýt lấy chú và chú đặc biệt rất thương tôi, hai chú cháu thường quấn bên nhau trong chiếc ổ rơm những đêm đông tháng giá. Một lần tôi chợt nghe chú nói với ai đó “Thằng này lớn lên chắc sẽ khổ”. Ngày tôi xa quê, biển còn như vậy. Giờ bãi biển làng tôi đã có tên trên báo với hình ảnh những nhà cao tầng, khách sạn, quán tiệm. Quất Lâm và Đồ Sơn được báo chí mô tả là hai nơi ăn chơi có những tệ nạn chết người của thời hiện đại. Đồ Sơn thì còn hiểu được, nhưng biển làng tôi thì chỉ là nơi cho tôi một ấn tượng mang theo đến giờ.
Hôm ấy, Thầy cho nghỉ sớm, tôi trở về theo lối cũ là men theo biển mà đi. Có lý do của nó, trên đường tôi sẽ qua cánh đồng muối mịn màng thoáng đãng buổi sáng và tấp nập vào chiều khi người ta nạo muối vun thành từng đống. Lúc này những gánh hàng rong đủ thứ bánh quê, chè, trái cây rất nhanh chóng tụ về và thường ngày nào tôi cũng được ăn vì những người làm muối phần lớn quen với cha tôi, có vài người là bà con xa hay hàng xóm.
Rời trường một quãng tôi nhìn thấy từ xa xa những áo nâu di chuyển nhịp nhàng giữa muối trắng quen thuộc mọi ngày. Chiều ấy là mùa hạ, ngày biển động và cánh đồng muối đông người hơn mọi khi. Đột nhiên mấy chiếc máy bay đen xì từ biển ào ào tới ngày càng gần, bọn chúng tôi nằm vội xuống những cái hố cạn không biết ai đào để làm gì. Những tiếng gầm rú của máy bay, nhiều tiếng nổ rung đất, khói và lửa lóe lên, những chiếc máy bay đảo nhiều vòng bắn súng, thả bom xuống và cũng như khi đến chúng rút nhanh ra phía khơi xa.
Yên tĩnh trở lại! Thất thểu đi tới, tôi nhìn thấy có những đống muối có máu loang tung tóe và cảnh náo nhiệt bây giờ là người ta khiêng người bị thương, người chết. Có ai đó nói nó thả bom napal, loại vũ khí giết người tôi mới nghe trước đó không lâu. Tôi rụt vội chân lại vì gặp phải một đống đẫm máu, bạn tôi dạn dĩ hơn nó bảo có cả ruột người. Người làng đến đông dần, tôi có cảm tưởng buổi chiều dài thêm cho người ta thu dọn những gì máy bay để lại. Tôi đã khóc tại đó, khóc trên đường về nhà, đêm ấy thật khó ngủ và tôi có cảm tưởng mình đã lớn, lớn nhanh hơn vì cảnh tượng nhìn thấy lúc ban ngày. Hôm ấy biển động, người chú họ của tôi mất một cái chân tại cánh đồng muối!

Thời gian ngắn sau, cha tôi gửi tôi theo một người buôn hàng xén vào thành phố, đại khái giống như vượt biên sau này. Khi ấy tôi hơn mười tuổi, chẳng có gì để mang theo ngoài ấn tượng về buổi chiều xảy ra ở cánh đồng muối và người chú họ ở lại quê nhà.
Bến đò nông thôn - Thủy mặc - HS TRƯƠNG LỘ

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives