Ra mắt bốn quyển sách nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP. HCM  

Posted by Unknown

TRỊNH BÍCH

Trong cuộc hành trình giữ nước vĩ đại của dân tộc, có sự đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố mà cột mốc đánh dấu sự tham gia một cách có tổ chức, có quy mô và lực lượng chính là sự ra đời của Hội Văn nghệ Giải phóng - tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh ngày nay vào năm 1963.
Từ trong máu lửa, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi gần 40 năm thống nhất đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố trong đó nhiều đồng chí được tôi luyện, trưởng thành từ chiến khu, nhất là chiến khu D, từ vùng Sài Gòn - Gia Định, từng hoạt động tại nhiều vùng bị tạm chiếm, từng “nếm mật nằm gai” trong lòng đô thị Sài Gòn - Gia Định, bằng hoạt động cách mạng, bằng lao động sáng tạo nghệ thuật, đã góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh (số đông được trưởng thành từ “mái nhà” Văn nghệ Giải phóng) đã từng bước lớn mạnh, số lượng và chất lượng tác phẩm ngày mỗi nâng cao, tạo nên sự đa dạng phong phú, tạo dựng được nhiều tác phẩm nghệ thuật (thơ, văn, âm nhạc, sân khấu, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa…) có tầm vóc và giá trị lâu bền. Nhiều, rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được in sách, in báo, được diễn trên sân khấu, được phát trên làn sóng đài phát thanh, được hát trước giờ ra trận, trước đồng chí, đồng bào… đã tạo nên sức mạnh niềm tin, sức mạnh của ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, kịp thời phản ánh và cổ vũ thực tế chiến đấu gian khổ mà ngoan cường bất khuất của quân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Và, trong chặng đường chiến đấu, sáng tạo dưới bom đạn kẻ thù, nhiều văn nghệ sĩ không chỉ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nhân văn sâu sắc mà còn bằng máu xương và sinh mệnh của chính mình.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, văn học nghệ thuật thành phố cũng như của cả nước tiếp tục kế thừa những thành quả to lớn và phát huy các giá trị nhân văn bền vững: bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kịp thời phát hiện cổ vũ cái mới, cái tiến bộ, quyết liệt phê phán sự tha hóa con người, tích cực góp phần xây dựng nhân cách và tâm hồn Việt Nam.
50 năm qua, cùng với cả nước, văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã tạo dựng nhiều thành tựu to lớn. Thành tựu có được, trước hết là do tài năng và nhân cách của chủ thể sáng tạo, đó là các văn nghệ sĩ. Các nhà văn đã tạo dựng được một đội ngũ sáng tác nhiều lứa tuổi nhiều vùng miền, phong phú đa dạng, có nhiều tác phẩm gây tiếng vang, được bạn đọc cả nước đón nhận, góp phần xứng đáng vào nền văn học chung cả nước.
Tuy nhiên, khách thể sáng tạo cũng góp phần quan trọng. Đó còn là đường lối văn nghệ sáng suốt của Đảng, của Đảng bộ thành phố, đặc biệt là những cá nhân được Đảng giao trọng trách là trực tiếp quản lý đội ngũ văn nghệ sĩ trong suốt hai cuộc kháng chiến và trong gần 40 năm xây dựng thành phố, xây dựng đất nước. Đó là những người đủ đức đủ tài, là những tên tuổi quen thuộc đối với người làm nghệ thuật và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật: Trần Hữu Trang, Lý Văn Sâm, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Bổng, Bảo Định Giang, Bùi Kinh Lăng, Viễn Phương, Giang Nam, Ca Lê Thuần... Những người đã “đứng mũi chịu sào” chèo chống cho con tàu văn học nghệ thuật vượt qua nhiều sóng gió, góp phần cùng cả nước tạo dựng được nền văn học nghệ thuật từng bước đáp ứng được tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân.
Nhân kỷ niệm 50 năm Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh (1963-2013), Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM phối hợp với NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM đã sưu tầm, tuyển chọn và cho ra mắt độc giả bốn quyển sách về cuộc đời và tác phẩm của ba tác giả - ba vị lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố qua các thời kỳ từ ngày đầu thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng cho đến năm 2005 và Tập truyện gồm 24 truyện ngắn của bốn tác giả có nhiều cống hiến, được Nhà nước trao tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đó là các nhà văn: NGUYỄN THI - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000 (truy tặng) và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2011 (truy tặng); NGUYỄN QUANG SÁNG - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2000; ANH ĐỨC - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2000 và LÊ VĂN THẢO - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2012:
1. TRẦN HỮU TRANG - CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM. Soạn giả Trần Hữu Trang (1906 - 1966), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 (1996), Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Giải phóng…
2. BẢO ĐỊNH GIANG: MỘT ĐỜI THƠ – MỘT TẤM LÒNG. Nhà thơ Bảo Định Giang (1919 -2005), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
3. TUYỂN TẬP VĂN -THƠ của Nhà thơ Viễn Phương (1928 - 2005), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 1995, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.

4. Truyện ngắn của bốn tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh (Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức và Lê Văn Thảo).

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives