Truyện ngắn: Con Nâu  

Posted by Unknown

QUÂN TẤN
(Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)
Vèo... ào... ào!
Con Nâu bung một vòng lả lướt. Tay không cần giảm ga xăng, chân nó đạp mạnh cần láp qua một bên cho đuôi chân vịt quay vòng ngược lại áp sát vào be ghe như cài số de. Chiếc tam bản hai mươi lăm giạ khựng lại, bo tròn điệu nghệ rồi ngoan ngoãn cặp vô bờ. Tiếng vỗ tay hoan hô và những lời khen vang lên:
- Trời! Con nhỏ hay quá ta.
- Con trai chưa chắc bằng nó!
- Con nhỏ lớn lên cho làm thuyền trưởng tàu viễn dương được à!

“Nhớ” - Tranh khắc gỗ, NGUYỄN NGỌC PHƯỚC (Hưng Yên)
Anh Tư Hậu nở gan ruột vì những lời khen dành cho con gái anh. Mới mười hai tuổi, da đen như củ súng, thân hình bé choắt nhưng con Nâu có đôi mắt sáng như chim cắt và cái tài lái ghe xuồng trời cho. Chiếc máy Kohler 4 hơi nặng so với sức của nó nên nó điều khiển chiếc tam bản không chỉ bằng tay mà còn bằng chân và cả thân mình. Ở rạch Xẻo Mát này con nít cỡ nó biết chạy xuồng máy không hiếm: thằng Hùng Lé con chị Tư Mập bán ghe hàng, thằng Còn con Hai Hảo ở cuối xóm, thằng Nhạn con Bảy Gà Cồ ngoài đầu vàm cũng chuyên môn cầm lái mỗi khi ba nó đi đá gà… Nhưng điêu luyện nhất vẫn là con Nâu với tuyệt chiêu ghé ghe không cần tắt máy. Hơn nữa nó là con gái nên thiên hạ mới nể nang coi là sự lạ. Mà anh Tư Hậu có tập tành dạy dỗ gì đâu. Còn nhớ năm ngoái hai cha con chở mấy cần xé hột vịt đi đếm cho chủ vựa ở chợ huyện Cái Tàu. Hột vịt đếm xong xủng xoẻng tiền trong túi, anh lai rai “ngũ xà tửu” với mấy người bạn tình cờ gặp. Đến chừng chạy ghe về tới Xẻo Dời anh vừa ngủ vừa lái, rồi gục xuống sạp luôn. Con nhỏ chụp cần láp chạy một hơi chín cây số về tới nhà. Từ đó mỗi khi có chuyện đi đâu anh đều cho con Nâu cầm tài. Anh thường nói phải chi nó là con trai sẽ cho nó theo nghiệp của anh(!). Nghiệp của anh Tư là nghề nuôi vịt đẻ. Ông bà nói: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo… nuôi vịt”. Qua đó cũng biết gia cảnh anh Tư thuộc loại nghèo. Con nhà nghèo lại là con gái lớn nên con Nâu nào có học, hành gì. Được cái nó rất giỏi dắn, siêng năng, mười tuổi đã theo anh Tư chạy vịt hết đồng này sang đồng khác. Bây giờ thì nó đã thành cánh tay đắc lực của gia đình. Bữa nay nhà bên vợ anh Tư Hậu có đám giỗ nhưng anh kẹt mấy ông khách ở Long Xuyên xuống coi mua bầy vịt đẻ nên con Nâu đưa mẹ và hai em nó về ngoại ở kinh Ông Huyện cách bảy cây số rồi về phụ bán vịt với anh. Những tiếng khen vừa rồi là của mấy ông khách ở Long Xuyên, còn tiếng vỗ tay hoan hô hơi lớn là của tôi - một sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh về tham gia công tác xóa mù ở đây. Cả xóm Cây Me nhỏ xíu ở rạch Xẻo Mát này chỉ còn đám con anh Tư Hậu là chưa đến lớp. Hôm nay nghỉ dạy tôi tới nhà anh vận động cho mấy đứa nhỏ đi học,. Ai dè nhằm lúc anh đang gầy “sòng” nhậu với khách nên tôi mới có dịp chứng kiến tài ba của con Nâu mà nãy giờ anh Tư Hậu khoe với niềm tự hào không giấu diếm của người cha.
Con Nâu cột chiếc tam bản vô gốc cây dừa dưới mé kinh, sau đó bước lên nhà khoanh tay lí nhí chào khách rồi tọt ra sau bếp nấu cơm. Tôi tửu lượng vào hàng “đội yếu” nên xin phép “nghỉ hưu” ra phụ với con Nâu. Sẵn đó tranh thủ làm công tác vận động luôn. Nó luôn miệng xưng con với tôi. Tôi biểu kêu tôi bằng thầy và xưng bằng em nhưng đâu vẫn hoàn đó.
- Em có thích học, chữ không Nâu? - Tôi hỏi một câu y chang trong bài bản.
- Dạ! Con khoái đi học, lắm nhưng phải theo ba đi chạy vịt hoài hà.
- Nếu được đi học, em mơ ước sau nầy làm gì?
- Dạ con khoái làm cô giáo. Con thấy mấy cô giáo cô nào cũng đẹp hết á! - Nó bẽn lẽn nói.
Chợt nhớ tới lời khen ban nãy của ông khách, tôi hỏi giỡn nó một câu:
- Vậy chớ em không làm thuyền trưởng tàu viễn dương sao?
- Con không lái tàu được đâu thầy ơi.
- Tôi thấy em lái ghe giỏi lắm mà. Mọi người ai cũng khen!
- Tại người ta hổng biết chớ lần nào cầm máy con cũng sợ. Sợ điếng hồn người luôn. Tới mấy khúc sông lớn thì sợ sóng, khúc đông ghe xuồng thì sợ đụng người ta, đi chợ ban đêm thì sợ ngủ gục. Mỗi lần ghé ghe vô bờ là con mừng hết lớn vậy đó!
- Em sợ sao còn chạy làm chi?
- Thì thầy coi, nhà có ai đâu - Nó thở dài. Cái thở dài của người lớn.
Tôi nín lặng, không biết nói gì thêm. Lát sau tôi hỏi nó:
- Nếu tôi xin ba Hậu cho em đi học, em chịu đi không?
- Dạ, chịu chớ! Học, bao lâu thì biết chữ hả thầy?
- Cũng không lâu đâu nếu em cố gắng.
- Tới chừng biết chữ con sẽ viết thơ yêu cầu ca cổ trên đài bản “Dệt chặng đường Xuân”. - Đôi mắt sáng rực của nó trở nên xa xăm. - Con khoái bản đó lắm mà người ta yêu cầu bản gì không hà!


Trời đã về chiều mà “sòng” nhậu vẫn chưa tàn. Buổi chiều ở quê xuống thật mau. Tiếng con bìm bịp khắc khoải kêu nước lớn nghe sao não nuột. Mặt nước sông đầy lên bồng bềnh trong ánh chiều nhập nhoạng. Con Nâu đốt cây đèn dầu lửa. Tôi phụ nó bưng nồi cháo vịt lên “sòng”. Thấy mồi màng được bổ sung đầy đủ mà chai “nước mắt quê hương” đã cạn, anh Tư Hậu biểu con gái:
- Nâu, con vọt ghe ra đầu vàm kêu bà Tư Mập ký sổ cho ba chai nữa coi. Nói bả đong nước nhứt chớ đừng lấy nước pha, uống lạt nhách nhức đầu lắm nghe.
Tôi vội can:
- Thôi anh Tư à, uống vậy cũng nhiều rồi. Trời tối quá mà biểu con nhỏ đi cái gì. Với lại để nó ăn ba hột, chiều giờ nó có ăn gì đâu.
- Bi nhiêu đó nhằm nhò gì mà nhiều thầy giáo. Thầy đã ra khỏi “sòng” thì mất quyền phát biểu. Đây ra tiệm bà Tư có non cây số, con nhỏ thuộc lòng như bàn tay, con tui nuôi, tui biết mà.
- Dạ, để con đi mua rượu cho ba rồi về ăn cũng được. Hổng sao đâu thầy!


Nấm mồ nhỏ nằm kề bên bờ kinh, mấy nén nhang bị tắt nửa chừng vì cơn mưa mùa lũ. Người đàn ông hai mắt lạc thần trơ đi như hóa đá. Người đàn bà ôm mồ con khóc tức tưởi. Chiều hôm qua với trực giác của người mẹ, chị linh cảm có chuyện chẳng lành nên bỏ ngang bữa giỗ, để hai đứa con nhỏ lại nhà ông bà ngoại, rồi kêu người em út lấy ghe đưa về nhà. Trên đường về trời bỗng đổ mưa ào ạt. Đêm tối mù mịt lại không có đèn pha, đến ngã ba vàm thì hai chiếc ghe đụng nhau chìm nghĩm. Người em lo vớt chị đưa vào bờ. Khi anh quay ra kiếm tìm thì chỉ còn nghe văng vẳng tiếng kêu gào chập chờn trong trời giông gió. Tiếng thét gào tuy hoảng loạn nhưng âm thanh non trẻ đầy quen thuộc đã mơ hồ báo hiệu cho người cậu biết rằng kẻ bị nạn ở chiếc ghe bên kia chính là đứa cháu ruột của mình. Anh lồng lên như thú dữ nhưng sức người có hạn trước dòng nước mênh mông. Trời đất như giận dữ điều gì với con người nên càng ra sức chứng tỏ quyền uy tối thượng, khi anh quờ túm được cái hình hài bé nhỏ thì đứa cháu thân yêu chỉ còn là cái xác không hồn…
Xóm giềng đưa hai bậc cha mẹ bất hạnh đã ngất đi vì đau đớn vô nhà. Tôi đến ngồi bên nấm mồ em với niềm ân hận khôn cùng. Tôi đốt ba nén nhang cắm trước phần mộ của em. Mắt tôi nhòa đi và cái bóng dáng bé choắt, đen như củ súng lại hiện ra. Đôi mắt thơ ngây sáng ngời nhìn tôi như oán trách. Trong giây phút đôi mắt ấy lại biến thành gương mặt thằng Hùng Lé, thằng Còn, thằng Nhạn… những đứa học, trò trong lớp xóa mù của tôi. Đau đớn quá! Tôi nghe từ tim mình trào ra câu hát:
Em ra đi… khi gà chưa gáy sáng…
(Dệt chặng đường Xuân) 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives