MÕ LÀNG VĂN  

Posted by Unknown

Người Việt ta thật khó… để hiểu!

Bạn đi xe máy quên gạt chân chống, ban ngày quên tắt đèn xe, lúc đó trên đường sẽ có nhiều người nhắc nhở bạn ngay - người đi bộ trên vỉa hè, người lưu thông cùng chiều, ngược chiều, họ ra hiệu hoặc chỉ ta vào cái đèn xe chân chống của bạn. Có người còn tăng ga phóng vọt qua trước mặt bạn chỉ để quay lại ra hiệu và nói thật to cho bạn rõ sự sơ ý của mình, có lúc còn có người từ làn đường cao tốc bên kia nhìn thấy cũng giơ tay vẫy hoặc hét to lên báo hiệu.
Nếu người nước ngoài nhìn thấy hình ảnh nhắc nhở an toàn giao thông này, họ sẽ cho rằng người Việt ta là người có tính cộng đồng, tính xã hội, lòng nhân ái rất cao nhưng họ sẽ không bao giờ hiểu được khi cả trăm con người xúm xít xông vào nhặt, hôi các thùng bia ở Đồng Nai hay là vụ người đi đường xông vào nhặt tiền bị xổ ra của nạn nhân vụ cướp đường ở TP. Hồ Chí Minh. Ngày nay khi có vụ tai nạn giao thông một số người tốt tìm cách đưa nạn nhân đi cấp cứu thì một số khác lại vờ đến cứu chữa, lợi dụng nạn nhân đang bất tỉnh để hôi của, họ lột sạch từ đồng hồ nhẫn đến điện thoại di động, ví tiền… thật là tàn độc và nhẫn tâm, nhưng lại là hiện tượng đang phổ biến ngày càng tăng lên.
Tính cộng đồng, tính xã hội, lòng nhân đạo đối với người bị nạn của người dân một đất nước nó có thể có nhiều ở dân tộc, đất nước này nhưng có rất ít hoặc gần như không có ở dân tộc đất nước kia, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Dân trí, giáo dục, ý thức người dân. Người dân Nhật hay một số nước phát triển khi gặp tai nạn sóng thần, động đất thái độ cư xử của họ với đồng loại đầy lòng nhân ái, ấm áp tình người, ở nước ta vấn đề này chưa được người dân ý thức nên chưa có sự tự giác, tính cộng đồng. Người dân khi nhìn thấy cảnh này: - Cố gắng cấp cứu người bị tai nạn, những hiệp sĩ bắt cướp tự nguyện và những kẻ xông vào trộm đồ, hôi của, bỏ mặc người bị nạn - Thái độ của họ đều hờ hững vô cảm như nhau: Không lên án và cũng chẳng khuyến khích. Ngay trong luật pháp ta cũng chưa rõ ràng (Rất nhiều người còn chưa biết gọi tên hiện tượng sai sót này trong pháp luật là gì), chúng ta phải làm gì đây để ngay trong ý thức từng người dân ai ai cũng mang trong mình tình đồng loại tính cộng đồng cao đối với các việc thiện, ác này (Luôn có tinh thần: Cứu giúp người bị nạn, đồng tình khuyến khích ngợi khen các hiệp sĩ bắt cướp, người nhắc nhở an toàn giao thông… và có thái độ lên án, tẩy chay và tố cáo với pháp luật để trừng trị các hiện tượng trộm đồ, hôi của người gặp tai nạn) - Đó cũng chính là nhiệm vụ của giáo dục dân trí, thông tin và pháp luật cuộc sống.
NGUYỄN TUẤN ANH
(22/9 Võ Thị Sáu, Vũng Tàu)

Tốt, nói chung là tốt!

Sếp được mọi người yêu mến bởi tính dễ dãi và chẳng chê ai bao giờ. Không những thế, sếp luôn có câu nói cửa miệng khi giao tiếp với bất kì ai. Đại loại như sau cái bắt tay là sếp ngửa mặt lên tươi cười với một loạt câu hỏi quen thuộc và hình như không quan tâm đến câu trả lời:
- Hai cụ ở nhà có khỏe không?
- Dạ thưa ! Các cụ nhà em qui tiên lâu rồi!
- Tốt! Nói chung là tốt.
- Thế các cháu ở nhà ngoan cả chứ?
- Dạ buồn lắm sếp ơi! Cháu đầu bỏ học đi bụi, cháu thứ hai thì nghiện game cũng bỏ học luôn rồi!
- Tốt! Nói chung là tốt, thanh niên bây giờ phải thế!
Cũng vì tính qua loa đại khái mà sếp để cấp dưới làm ẩu nên bị kỉ luật vì liên đới trách nhiệm và buộc nghỉ hưu sớm. Dịp cuối năm, gặp lại những người quen, sếp than thở:
- Không ngờ cuối đời mình bị vố này đau quá, về nhà vợ con nó khinh!
Chẳng hiểu sao, không ai xui mà mọi người đều đồng thanh đáp lại:
- Tốt! Nói chung là tốt!
ÁNH TUYẾT

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives