Biểu diễn kịch hình thể đương đại tại TP. Hồ Chí Minh  

Posted by Unknown

CAO NGUYỄN - Ảnh: NGỌC BÍCH

Với mong muốn phục vụ khán giả TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2014 và xuân Giáp Ngọ, Đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty Truyền thông quốc tế tổ chức trình diễn ba vở kịch tại Nhà hát Bến Thành (số 6, đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM), gồm: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (diễn từ 5-1-2014 đến 8-1-2014), Tâm linh Việt (vào các ngày 9, 10, 11-1-2014) và Nguyễn Du với Kiều (trong hai ngày 12, 13-1-2014).
Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Lan Hương cho biết: “Ba vở diễn này được đầu tư dàn dựng công phu, có sự kết hợp nhuần nhuyễn phong cách nghệ thuật hiện đại với nghệ thuật sân khấu truyền thống, thông qua loại hình nghệ thuật kịch hình thể đương đại, vận dụng khéo léo các chất liệu dân gian như hát chèo, hát văn, ca Huế, tuồng cổ… mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ai cũng biết vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của nhà thơ - nhà biên kịch Lưu Quang Vũ mang tính triết lý sâu sắc, khiến nhiều thế hệ khán giả yêu thích qua tài năng dàn dựng của bậc thầy sân khấu đạo diễn NSND Đình Nghi trước đây… Kịch Lưu Quang Vũ hay nhất là phần lời thoại, nhưng kịch hình thể lại rất ít lời mà chủ yếu dùng chuyển động cơ thể kết hợp với âm thanh, ánh sáng, nên khi dàn dựng, tôi đã tìm cách đưa vào vở diễn những tích truyện, vũ đạo và âm nhạc tuồng để làm bật lên những tầng ý nghĩa uyên thâm của kịch bản gốc. Câu chuyện được kể có “địa danh” là thiên đình, trần gian, phân định rõ ràng cho người xem thấy được thiên đình là thiên đình, mặt đất là mặt đất, không có ý định mượn chuyện mặt đất nói chuyện thiên đình. Những tội lỗi của mặt đất thì mặt đất phải gánh. Trong kịch, tôi dàn dựng thành từng nhóm, cố gắng để khán giả hiểu được, như: Nhóm nhà Trương Ba, nhóm hàng thịt, nhóm thiên đình, nhóm đấu tranh giữa hồn và xác, nhóm ông Lý và gia đình Trương Ba… Không chỉ có ý nghĩa triết lý về nhân sinh, về hạnh phúc con người trong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Với tất cả ý nghĩa đó, tôi muốn dùng thoại để bảo toàn nguyên mẫu, thoại ở đây không phải là thoại sinh hoạt như kịch mà là thoại triết lý”. Vở kịch này đã giành được 4 huy chương vàng khi tham dự “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ”.
Vở Tâm linh Việt nói về phong tục Việt Nam, trong đó có phong tục thờ Mẫu - một nét đẹp văn hóa dân gian hết sức thiêng liêng và gần gũi với cuộc sống thường ngày của dân tộc Việt từ bao đời nay. Tâm linh Việt gồm múa dân gian kết hợp nghệ thuật đương đại mô phỏng phong tục hầu bóng của đạo Mẫu, được khai thác những tinh hoa văn hóa dân tộc kết hợp với các hình thức nghệ thuật biểu diễn mới. Đây cũng là lần đầu tiên, phong tục và nghi lễ thờ cúng của đạo Mẫu được đưa lên sân khấu với sự kết hợp của hầu đồng, múa đương đại, nghệ thuật hình thể, múa hầu bóng cổ, vũ đạo tuồng… trên nền nhạc hát Văn.
Cảnh trong vở Hồn Trương Ba da hàng thịt phiên bản kịch thể hình
Hình tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay để lại dấu ấn đậm nét trong vở diễn Nguyễn Du với Kiều. Đạo diễn Lan Hương đã mạnh dạn sáng tạo và thể hiện những lời thơ của Nguyễn Du qua những làn điệu chèo, hát văn với mong muốn dùng những yếu tố sân khấu đương đại nhưng vẫn giữ lại những vốn quí của dân tộc, đặc biệt là thân phận của Kiều cùng mối quan hệ đầy các cung bậc cảm xúc thăng trầm khác nhau trong cuộc đời nàng với bốn người đàn ông: Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải và Sở Khanh. Họ là hiện thân cho sự đam mê, lãng mạn, tiền tài, danh vọng và giả dối...
Trong vở diễn Nguyễn Du với Kiều, cuộc đời của nàng Kiều trầm luân bể khổ lênh đênh hết mọi miền nên đạo diễn Lan Hương đã sử dụng từ những làn điệu chèo Bắc bộ đến những làn điệu hò Huế miền Trung và làn điệu “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng của phương Nam.
Một nét khác lạ của vở diễn là mạnh dạn đưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương xuất hiện trên sân khấu, tuy chỉ là một chi tiết hư cấu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương - người sống cùng thời với Nguyễn Du và cũng là người trăn trở, luôn bênh vực cho thân phận người phụ nữ thiệt thòi dưới xã hội phong kiến.
Khán giả cũng sẽ nhìn thấy cái mới ở các vở diễn này, nhất là vở Nguyễn Du với Kiều.

Tham gia đợt lưu diễn của Đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi Trẻ tại TP.HCM trong những ngày đầu năm mới 2014 có NSND Lan Hương và các nghệ sĩ: Lê Hương, Như Quỳnh, Hải Hưng, Mỹ Hạnh, Đàm Hằng, Minh Phương, Hoàng Tùng, Tạ Vũ Thu…

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives