Hai lần bị phê bình  

Posted by Unknown

HỮU LƯỢNG
(14/6 Lam Sơn, P. 6, Bình Thạnh,TP.HCM)

I - “VIỆC MỚI, CẬU CHƯA QUEN, CẦN RÚT KINH NGHIỆM SỬA CHỮA SẼ LÀM TỐT THÔI”
Tiếng các hiệu thính viên Mỹ báo oang oang chuyển tin cho nhau trong máy thu tin PRC 25 của tôi:
- Đại đội A báo cáo, tình hình đơn vị yên tĩnh, over.
- Roger.
- Đại đội B yên tĩnh, over.
- Roger.
Đó là tin của một tiểu đoàn bộ binh Mỹ đổ quân xuống đồn điền cao su Brơ-ling phía đông thị trấn Lộc Ninh. Chúng đã thiết lập chu vi phòng thủ ban đêm. Các đại đội báo cáo về tiểu đoàn tình hình đồn trú trong đêm của đơn vị. Chỉ mấy dòng tin ngắn ngủi nầy thôi với nội dung dường như bình thường không có gì quan trọng nhưng trên thực tế chiến đấu rất cần cho người chỉ huy tổ chức đánh Night defense Perimiter (NDP) Mỹ ban đêm khi điều lực lượng áp sát mục tiêu tấn công mà biết rằng ta bảo đảm bí mật, quân địch chẳng biết gì, cho là “yên tĩnh”.
Tin nầy được báo qua đường dây điện thoại về Chỉ huy sở tiền phương của Bộ chỉ huy Miền trong chiến dịch ta đánh vào Chi khu Lộc Ninh năm 1967. Đây là trận đánh vào một chi khu địch ở sát biên giới Cam-pu-chia. Đây cũng là lần đầu ta sử dụng vũ khí hỏa tiễn ĐKB pháo kích vào chi khu của địch. Quân ngụy đồn trú ở đây rất hoang mang. Quân Mỹ phải điều động 1 lữ đoàn của Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ đóng ở Dầu Tiếng đến chi viện, giải tỏa áp lực vây hãm của ta (lúc bấy giờ căn cứ của Sư đoàn 4 bộ binh của Mỹ đóng ở Dầu Tiếng, thời gian nầy địch điều lực lượng của một số đơn vị của Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ từ miền Đông Nam bộ ra Đăk-tô đối phó với chiến dịch Đăk-tô 1 của quân ta ở Tây Nguyên). Chúng đổ một tiểu đoàn bộ binh xuống đồn điền cao su Brơ-ling phối hợp với lực lượng ngụy tiến thẳng vào thị trấn đẩy lui quân ta ra khỏi chi khu. Tôi đã thu tin xác định đúng vị trí chu vi phòng thủ ban đêm của tiểu đoàn nầy với tọa độ chính xác. Cũng nên kể vài điều về NDP của quân Mỹ. NDP là cứ điểm lâm thời dã chiến của Mỹ thiết lập trong cuộc hành quân “tìm diệt” ở địa bàn rừng núi. Cách chúng thiết lập thông thường là: cho máy bay quan sát địa hình. Nếu địa hình rậm rạp, che khuất không có khoảng trống, thì chúng dùng máy bay C 130 thả bom dù với sức công phá lớn dọn sạch cả héc-ta cây rừng tạo sự quang đãng cho bãi đổ quân. Tiếp đến dùng hỏa lực trên không oanh kích để tạo an ninh bãi đáp (LZ = landing zone). Xong bước chuẩn bị hỏa lực, chúng dùng trực thăng bốc quân từ điểm tập kết đổ quân xuống bãi đáp, thiết lập cứ điểm hành quân (thông thường mỗi cứ điểm, qui mô cấp tiểu đoàn). Tiếp theo các trực thăng vận tải nặng (Chinook) liên tục vận chuyển vật liệu công binh đến để xây dựng chu vi phòng thủ (ghi sắt, bao cát, dây thép gai, máy điện…), chuyển xe tăng, thiết giáp, pháo để xây dựng hệ thống hỏa lực. Ban ngày chúng bung quân từ đây ra lục soát theo mục tiêu ấn định trong kế hoạch hành quân. Ban đêm chúng co cụm về lại NDP để nghỉ ngơi. Để làm giảm nhọc, nhằn cho binh sĩ hành quân, chúng còn tạo những cách phục vụ lính như: dùng trực thăng phun nước từ trên cao xuống cho binh sĩ tắm, thả đồ ngủ đêm và khẩu phần ăn bổ sung cho đơn vị. Có lúc chúng dùng trực thăng ban đêm chở gái từ thành phố đến “ủy lạo” cho binh sĩ. Có những trận ta tấn công vào NDP địch, phát hiện đồ lót của gái rải rác trong các công sự của chúng. Đó là lối đánh trận của quân “công tử” Mỹ. Sau một thời gian hoàn thành lục soát mục tiêu chúng được trực thăng bốc quân đổ đến nơi hoạt động mới hoặc đưa về căn cứ.
Trở lại hoạt động của tiểu đoàn Mỹ ở khu vực đồn điền cao su Brơ-ling, tiểu đoàn nầy bị quân ta chận đánh gây thiệt hại một đại đội của chúng (ngày 7-11-1967). Tôi lại thu được một tin hoạt động của tiểu đoàn nầy sau thời gian hoạt động với nội dung: đúng 6 giờ sáng ngày X, tiểu đoàn bộ binh Mỹ nầy sẽ được bốc đưa về căn cứ tại bãi bốc có tọa độ Y (Coordinate: Y, khu vực đồn điền cao su Brơ-ling). Tin nầy cũng được chúng tôi báo ngay về bộ phận nghiên cứu địch tình của Phòng Quân báo thuộc Bộ chỉ huy Tiền phương, lúc bấy giờ do đồng chí Thượng tá Lê Quang Vũ bí danh Tư Bình, Trưởng Phòng Quân báo Miền phụ trách.
Chiếc điện thoại bên cạnh tôi reo lên. Tôi vội nhấc máy.
- Có phải L. đó không?
- Dạ, thủ trưởng, tôi đây (nghe giọng nói trong máy tôi biết là anh Tư Bình).
- Tin cậu thu rất tốt. Cố gắng bám chặt nhất là giờ và vị trí bốc quân ngày mai của địch (đàm thoại vào ban đêm). Ta sẽ có kế hoạch diệt chúng. Biết cậu vất vả nhưng cố vượt qua.
- Tôi cố gắng không để mất tin.
Năm giờ sáng tôi đã mở máy rà sóng mạng tôi cần khống chế. Mạng thông tin của tiểu đoàn bộ binh Mỹ trú ở đồn điền Brơ-ling không lên làm việc. Tôi chuyển qua theo mạng điều không của Mỹ. Mạng vẫn làm việc bình thường. Bản tin tôi nhận đầu tiên là tin báo thời tiết: vùng trời Lộc Ninh hôm nay sương mù nhiều, tầm nhìn xa hạn chế… Nhận tin xong tôi không báo về trên tin nầy vì cho rằng bình thường không quan trọng. Khi có tin trực thăng vận chuyển quân mới là chính, phải báo ngay. Đúng 6 giờ sáng tôi nhận tin:
- Phi tuần thứ nhất cất cánh an toàn, over.
- Roger.
- Phi tuần thứ hai cất cánh an toàn, over.
- Roger.
-…
Tin nầy tôi báo liên tục về trên.
Bỗng dưng có giọng nói của anh Tư chen vào điện thoại tôi đang báo tin.
- L., tin của cậu có chính xác không?
- Dạ, tôi đang thu tin chúng đây - Vừa nói tôi vừa đưa tai nghe vào tăng âm điện thoại cho anh Tư nghe luôn.
- Từ sáng đến giờ tình hình mạng thế nào? Có thu được tin gì khác không?
- Mạng của tiểu đoàn bộ binh ở Brơ-ling không làm việc, tôi đang lấy tin ở mạng điều không. Còn có mẩu tin do mạng nầy thông báo về thời tiết ở khu vực Lộc Ninh sương mù nhiều, tầm quan sát hạn chế.
- Ui chà! Sao cậu không báo cho mình tin nầy?
Tôi bắt đầu lo lắng, cảm thấy việc mình làm có gì không ổn rồi.
- Dạ, tôi cho không quan trọng nên bỏ qua.
- Rất quan trọng đó L. ơi! Do thời tiết bất lợi nên địch thay đổi cách chuyển quân, ta không nắm trước nên bị động, để cho chúng thoát an toàn.
Tôi run lên, và đang nghĩ mình sẽ phiền toái đây.
Nhưng với giọng nhẹ nhàng, anh Tư khuyên nhủ tôi:
- Việc nầy quả là mới mẻ đối với cậu trong thời gian vừa làm vừa tự học, vừa rút kinh nghiệm, chỉ cần thành khẩn, quyết tâm sửa chữa, sau nầy sẽ làm tốt hơn.
Cũng nhờ lời phê bình chân tình nầy mà sau nầy trong chiến dịch phục vụ Mậu Thân 1968 tôi làm tốt trong việc phục vụ cho quân ta diệt gọn 1 đại đội Mỹ của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ đổ quân xuống ở trận cầu Ông Đụng thuộc Quới Xuân, Thạnh Lộc (nay thuộc Q.12, TP.HCM).
Còn việc sai sót thu tin và báo tin của tôi phục vụ trận đánh Lộc Ninh nêu trên, sau nầy tôi được biết rõ hơn.Vì thời tiết xấu nên địch ở Brơ-ling hành quân bộ về sân bay Lộc Ninh, được máy bay chuyển về căn cứ Dầu Tiếng. Các chuyến bay mà tôi báo là các chuyến bay do điều không thông báo, cất cánh xuất phát ở sân bay Lộc Ninh không phải trực thăng bốc quân đi tại Brơ-ling. Thực tế các đài quan sát quân ta ở quanh đồn điền cao su Brơ-ling chẳng phát hiện có máy bay nào bốc quân cả trong khi tin tôi báo về hết chuyến nầy đến chuyến khác bốc quân. Thật là trái khoáy, làm rối chỉ huy mà thủ trưởng Tư Bình kịp thời ngăn chặn. Đó là một kỷ niệm sâu sắc trong những ngày đầu bước vào nghề “trinh sát kỹ thuật” không định trước của tôi. Nhớ lại những lời phê bình nhẹ nhàng, khách quan, chân tình có tính chất dạy dỗ, xây dựng của anh Tư Bình trước đây, nay vẫn còn ấm mãi lòng tôi.
II - “HÃY MANG BA LÔ XUỐNG ĐƠN VỊ HỌC, NGƯỜI TA”
Vào năm 1971, trong cuộc giao ban địch tình của Phòng Quân báo Miền ở khu rừng đông bắc Tây Ninh giáp Lộc Ninh - Bình Dương, tôi là một trong thành phần dự cuộc họp nầy với cấp bậc đại đội phó của một đơn vị Trinh sát kỹ thuật nắm Mỹ của Phòng Quân báo Miền (B2). Đây là cuộc họp điểm tin địch hằng ngày của cơ quan nắm địch mà lúc bấy giờ chúng tôi gọi là giao ban địch tình. Điều khiển cuộc họp lúc bấy giờ là đồng chí Trung tá Phó phòng Quân báo (tạm thay Trưởng phòng) kiêm Trưởng ban Nghiên cứu địch tình (A1). Đồng chí Trưởng phòng - Tư Bình lúc bấy giờ được đưa ra Bắc chữa bệnh.
Trong khi đồng chí trực ban báo cáo đến phần hoạt động của quân Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam bộ với tin: ngày X có 1 tiểu đoàn quân Mỹ đỗ quân càn quét ở phía nam Lộc Ninh khu vực cầu Cần Lê, thì đồng chí chủ trì cắt ngang hỏi:
- Tin nầy của ai báo?
- Quân báo Sư đoàn 9.
- Đồng chí L., sao ta không có tin đó? - Với vẻ mặt bực dọc kèm giọng nói gia trưởng, đay nghiến: - Đơn vị kỹ thuật của đồng chí nắm hoạt động Mỹ nhiều máy, nhiều người, bao quát trên tầm rộng, tại sao không có tin nầy? Sư đoàn 9 chỉ có một hai anh em, người ta thu được tin đó. Từ ngày đồng chí lên phụ trách đơn vị không thường xuyên trực tiếp thu tin, có phải đồng chí lơ là bỏ bê nhiệm vụ kiểm tra giám sát đơn vị trong việc thu và báo tin, nên để xảy ra trường hợp sót tin nầy không? Hãy mang ba lô xuống đơn vị học người ta.
Thật sự quá bất ngờ trước vụ nầy, các đồng chí dự giao ban hôm ấy đổ dồn nhìn tôi với những ánh mắt dò hỏi. Đầu tôi nóng, mắt hoa lên tôi có cảm giác bị xúc phạm. Tôi cố kềm chế tính nóng nảy của mình. Tôi tự hỏi: vì động cơ gì trước việc sót một tin hoạt động của địch (nếu có thật) mà thủ trưởng hoạnh họe tôi quá thể? Có lẽ cũng có cơ sở thực tế nào đó mới ra nông nỗi nầy. Thực tế lúc bấy giờ, Phòng Quân báo có thành tích nắm địch tốt nhất là lực lượng Mỹ. Tin tức của Phòng phục vụ cho sự chỉ huy Bộ Chỉ huy, Bộ Tham mưu Miền rất tốt, Phòng rất được tin cậy. Cả các Tư lệnh sư đoàn Quân giải phóng được phục vụ cũng hết lời ca ngợi. Tất cả việc làm nào làm giảm niềm tin nầy là có lỗi, có tội (có lẽ ý của đồng chí chủ trì cuộc giao ban hôm nay nghĩ như vậy), nhất là sự thua kém đồng nghiệp cấp dưới ít điều kiện hơn mình.
- Thưa thủ trưởng, cho tôi kiểm tra lại tin nầy.
Xin phép xong, chưa được phép, tôi bèn chạy lại điện thoại đặt ở góc hội trường, gọi ngay xuống tổ kỹ thuật nắm Mỹ của Sư đoàn 9:
- Alô, L. đây, cho tôi gặp đồng chí K.
- K. đây, có phải anh L. không?
- Đúng rồi, xin hỏi K. tin nầy.
- Anh cứ nói.
- Ngày X, K. có tin gì về 1 tiểu đoàn Mỹ đỗ quân càn quét ở khu vực nam Lộc Ninh không?
- Không có.
- Vậy sao trên nầy cho là tin dưới K. báo lên?
- Chắc tin của bộ phận tổng hợp địch của sư đoàn lấy ở đâu đó chớ chỗ tôi không có báo tin nầy.
Tiếng điện thoại trao đổi của tôi với K. cả hội trường giao ban anh em đều nghe cả vì có gắn tăng âm. Đồng chí chủ trì hơi tái mặt vì cảm thấy bị hớ do bức xúc vụ sót tin. Tôi cúp máy điện thoại, nói với thái độ kẻ thượng phong:
- Thưa thủ trưởng, chưa gì đồng chí phê phán oan cho tôi. Nói thật, tổ nắm Mỹ của Sư 9 là tôi có góp sức xây dựng mà có anh em dự họp hôm nay biết. K. thu tin Mỹ của Sư 9 thường xuyên liên lạc trao đổi nghiệp vụ với tôi. Có hiện tượng gì mới, bất thường, chúng tôi đều trao đổi rút kinh nghiệm. Không chờ đồng chí cho tôi vác ba lô xuống Sư 9 học đâu!
Một đồng chí ngồi bên cạnh lắc vai tôi: “L. bình tĩnh, đừng làm căng vấn đề, chuyện đã rõ rồi cho qua đi”.
Không khí trong cuộc giao ban một phút im ắng nặng nề, nhưng cũng qua nhanh.
Nhớ lại việc nầy, tôi cũng tự trách mình về việc phản ứng lại lời phê bình chưa chính xác của thủ trưởng trước đây có tính cách trả đũa, căng thẳng, nặng nề. Hậu quả là thời gian đề bạt của tôi bị kéo dài, như anh em nói, có thật vậy không, chưa hồi phân giải?!

Việc phê bình trước đây cũng như hiện nay có nhiều màu sắc và cung bậc khác nhau. Xin nêu những chuyện mà bản thân đã trải nghiệm góp phần làm phong phú hiện thực này. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives