Nhà văn Y Điêng: Mãi thao thiết một dòng Sông Hinh  

Posted by Unknown

PHAN XUÂN LUẬT
(Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên)
Nhà văn Y Điêng
  
Năm nay đã 85 tuổi, da đỏ au, nói cười rổn rảng, nhà văn Y Điêng kể chuyện văn và khoe, mỗi ngày vẫn “cày” vài trang văn.
Hồi ở Nha Trang, đôi ba lần đến gặp Y Điêng tại Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh, tôi được ông tiếp chuyện rất niềm nở. Ấn tượng nhất là tiếng cười của ông, vô tư, hồn nhiên, nở bung như một thác nước. Tôi có cảm giác như đang trò chuyện cùng ông tại một nếp nhà sàn hay bên một dòng suối vắng nào đó ở Tây Nguyên. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại trong lần vào Nha Trang gặp ông cũng có cảm nhận như tôi.
Cứ tưởng đây đó nhiều, từ Đắk Lắk ra Việt Bắc, về Hà Nội, vào lại Đắk Lắk, bây giờ ở tuổi xế chiều, ông có thể đỗ lại nơi thành phố biển hiền hòa, xinh đẹp này. Không ngờ, năm 1993, về hưu, ông bỏ hết nhà cửa để về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Hồi đó, hay tin ông về Sông Hinh, tôi lên thăm, ông bảo: “Nhớ quá, nhớ không chịu nổi, nhớ mấy chục năm rồi. Không thể không về…”.
Thì ra là vậy. Tây Nguyên, đối với nhà văn Y Điêng, là chốn vĩnh hằng. Tây Nguyên bạt ngàn rừng, Tây Nguyên lồng lộng gió, Tây Nguyên ầm ào thác đổ… cả cuộc đời ông, bố mẹ ông, tổ tiên ông đã “nhúng” vào đó rồi, không thể bứt ra được.
Y Điêng sinh năm 1928 tại buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Có thể nói ông là người viết văn xuôi đầu tiên của Tây Nguyên. Cả cuộc đời viết văn, Y Điêng chỉ viết về Tây Nguyên. Ông bảo, nghiệp văn chọn ông. Ông từng làm cán bộ công an trại giam tại Đắk Lắk, được đưa ra Việt Bắc học lớp chính trị - nghiệp vụ ở Trường Đào tạo thuộc Bộ Công an rồi về Hà Nội làm cảnh sát bảo vệ tại khu vực Cửa Nam. Trong thời gian đi học bổ túc văn hóa, ông có viết bài cộng tác với các báo nên năm 1958, học xong, ông được rút về làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, ở mục Tổ quốc ta giàu và đẹp. Ở môi trường báo chí, văn chương, được sự động viên của các đồng nghiệp nhà văn đi trước như: Đoàn Giỏi, Đoàn Minh Tuấn… ông thử viết văn. Truyện ngắn đầu tay của ông là “Em chờ bộ đội Awa Hồ”. Hồi đó, Báo Thống Nhất tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài miền Nam. Ông gửi truyện ngắn này tham gia cuộc thi và giành giải ba. Cũng từ đó, ông dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác văn chương. Đến bây giờ, nhà văn Y Điêng đã có một sự nghiệp sáng tác đáng nể, hơn chục đầu sách văn xuôi và thơ, như: “Ông già Kơ Rao”, “Hơ Giang”, “Drai Hling đi về phía sáng”, “Như cánh chim Kway”, “Chuyện trên bờ Sông Hinh”, “Sông Hinh, con sông quê hương”, “Thơ tình Y Điêng”… trong đó, với truyện vừa “Hơ Giang” và bộ tiểu thuyết 2 tập “Chuyện trên bờ Sông Hinh”, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật. Đọc “Chuyện trên bờ Sông Hinh”, cứ rờ rỡ hiện ra mối tình của cô gái Hơ Linh và chàng Y Thoa. Một mối tình trong trẻo như nước Sông Hinh, đẹp như câu thơ ông viết: Hoa bay từng đàn mà nhà thơ Triệu Lam Châu cứ tấm tắc. Càng đọc Y Điêng càng thấy chiều sâu của văn hóa Tây Nguyên. Chiều sâu trong tiếng chiêng ngân, trong nếp nhà dài với những cây cột bóng loáng mồ hôi nhiều thế hệ, trong những đêm kể Khan bất tận…
Y Điêng nặng lòng với văn hóa Tây Nguyên. Ông dày công sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, là người dịch các trường ca: Xinh Nhã, Đăm Di, Khinh Dú, Y Ban, Y Prao… ra tiếng Kinh và xuất bản tập Truyện cổ Ê-đê”.
Ở tuổi 85, nhà văn Y Điêng đang viết hồi ký. Mỗi ngày túc tắc vài trang, vậy mà cũng đã hơn 700 trang... Trong bản thảo cuốn hồi ký, có chi tiết ông rất tâm đắc, ấy là kỷ niệm lần tháp tùng cụ Y Bi Aleo, Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra miền Bắc trước khi vào Tây Ninh dự Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ba tháng băng rừng, trèo đèo, lội suối, đến thượng tuần tháng 6-1969, hai bác cháu ra đến Hà Nội và được gặp Bác Hồ. Hồi làm công an và làm báo ở Hà Nội, ông đã được thấy Bác mấy lần, nhưng đây là lần đầu tiên ông được gần Bác nên ông cố giữ bàn tay của Bác thật lâu. Ông nhớ nhất là sau khi hỏi thăm sức khỏe của cụ Y Bi Aleo, hỏi thăm cuộc đấu tranh chống Mỹ của đồng bào Tây Nguyên, Bác còn hỏi đồng bào có nuôi được nhiều gà không, gà có lớn nhanh không? Cụ Y Bi Aleo hiểu ngay ý Bác, vì trong lần gặp Bác năm 1961, Bác đã nói chuyện với cụ về nuôi gà - tức chuyện đào tạo cán bộ tại chỗ. Cụ trả lời: “Thưa Bác, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nuôi nhiều “gà”, “gà” tốt, lớn nhanh… Hiện nay không những chúng tôi có “gà” tại chỗ mà còn có cả con cháu ngoài Bắc vào. Đoàn kết tốt, chiến đấu tốt”. Bác Hồ dặn đi dặn lại cụ Y Bi Aleo là: “Cụ già rồi, ở ngoài này tốt hơn, xong đại hội rồi, cụ phải ra ngoài này ngay”. Cụ Y Bi Aleo rất cảm động về tấm lòng của Bác đối với cụ và đồng bào Tây Nguyên. Riêng ông, sau lần gặp đó, ông cứ nghĩ hoài về hình ảnh Bác Hồ và dòng Sông Hinh quê ông. Tình cảm của Bác trong ngần và dạt dào như nước Sông Hinh vậy.
Nhà văn Y Điêng biết tiếng Pháp, Lào và nhiều tiếng dân tộc thiểu số như Ba Na, Gia Rai, Tày… Ông nói: Biết nhiều thứ tiếng để hiểu tiếng Ê-đê, yêu tiếng Ê-đê mình hơn. Ông đắm đuối với tiếng Ê-đê, không chỉ viết truyện bằng song ngữ Ê-đê - Việt, mà còn: “Muốn cái tiếng Ê-đê của mình vang xa”. Với kinh nghiệm của một người từng làm báo ở Đài Phát thanh quốc gia, ông là người đề xuất sáng kiến mở chương trình truyền thanh tiếng Ê-đê trên Đài Truyền thanh huyện Sông Hinh, đào tạo phát thanh viên, dịch chương trình từ tiếng Kinh sang tiếng Ê-đê cho đài. Ông cũng là người đào tạo phát thanh viên và biên dịch viên cho chương trình phát thanh tiếng Ê-đê của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.
Nhà văn Y Điêng còn là thầy giáo của nhiều lớp học tiếng Ê-đê từ huyện đến tỉnh, trong đó có Công an Phú Yên. Nhờ biết tiếng Ê-đê mà cán bộ, chiến sĩ Công an Phú Yên có điều kiện gần dân, nói dân tin hơn, giải quyết “điểm nóng” cũng dễ hơn.
Có một cách giải quyết điểm nóng độc đáo của nhà văn Y Điêng. Tại địa phương nọ, kẻ xấu về trà trộn, lôi kéo bà con. Chính quyền, Mặt trận tìm mọi cách tập hợp bà con để tuyên truyền, vận động, nhưng đều không được nên mời ông tham gia. Nhà văn Y Điêng quấn khố, chọn một bãi đất rộng, ngồi xuống và cất tiếng hát Khan. Giọng ông trầm bổng, du dương, len vào từng nhà, từng tai mọi người. Ông hát rằng: Năm mới, xuân mới, chúc nhau sức khoẻ/ Chúc tất cả mọi chuyện đều mới mẻ/ Này con xanh, con đen, con trắng, tất cả hãy xuống với chúng tôi... Không ai bảo ai, mọi người trong buôn lục tục kéo đến vây quanh, say sưa nghe ông hát Khan. Hơn một tiếng đồng hồ, nhìn ánh mắt của mọi người đã “no” Khan, ông mới nhẹ nhàng cùng cán bộ giải thích, vận động, bà con ai cũng nghe ra.
Nhà văn Y Điêng bảo, không hiểu Tây Nguyên thì không thể nói chuyện đầu tư cho Tây Nguyên. Điều ông đau lòng là dòng Sông Hinh trong xanh ngày nào, giờ nhiều khi vào mùa khô như dòng sông chết. Phá rừng, thủy điện, chất thải công nghiệp… đang bức tử dòng sông quê ông. Ông nói với tôi: “Cũng may mình hoàn thành được bộ tiểu thuyết “Chuyện trên bờ Sông Hinh” và tập bút ký “Sông Hinh, con sông quê hương” để mai này dòng Sông Hinh nhỡ ra có biến mất thì con cháu còn hình dung được về con sông thiêng này. Mình cũng đã hoàn thành tập truyện “Kể chuyện cọp Sông Hinh”, để con cháu biết thế nào là câu “Cọp núi Lá, cá Sông Hinh”…Ông chỉ tay về phía rặng núi: “Núi Lá của tuổi thơ mình đó. Một cái cây to cũng không còn, nói chi là cọp!”. Ông buồn, lặng đi, mắt hoe đỏ. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives