Truyện ngắn: Mây đêm Noel  

Posted by Unknown

MẠC CAN
Ông già Noel đua xe? Thật ra không phải là đua, mà một cuộc dạo chơi. Lần nầy cũng không phải những con tuần lộc kéo chiếc xe tuyết, mà ông già Noel cỡi chiếc xe gắn máy kỳ cào, cũ mèm “đua” với các tay đua “tốc độ” trên đường phố. Điểm xuất phát từ một bãi cỏ cạnh nhà thờ Đức Bà trước tòa nhà Bưu Điện với chiếc đồng hồ khổng lồ, tròn vo, quen thuộc. Tôi là tay đua chánh thức, được cô phục trang của… đoàn phim mời vô một… góc tường, thay quần áo thường, mặc vào bộ đồ nỉ dầy cộm, nón với bộ râu trắng toát của ông già Noel. Cô bé vui vẻ cho biết, mới vừa chạy đi mua, mượn, hay mướn gì đó, trong cửa tiệm bán giày nón chuông các trò chơi Noel. Cửa tiệm đó nằm trên con đường sáng choang cuối ngã tư đàng kia.
Đạo diễn, người phất cờ khởi hành cuộc đua, là một nữ sinh viên trường điện ảnh. Còn “truyện phim” sẽ quay, hình như là “tác phẩm” làm bài thi cho kỳ tốt nghiệp của cô bé. Sở dĩ tôi được mời đóng vai chính một cách không thể từ chối vì cô sinh viên biết tôi không đòi mấy đoàn phim con nít nầy trả thù lao. Lần trước tôi đóng vai ông già bán cào cào, đan bằng lá dừa, suốt hai ngày ngồi ngoài lề đường, vừa đan vừa bán, mà có xu nào đâu, vui thôi mà.
Nói cho kỳ thiệt, các nhà đạo diễn trẻ triển vọng trong tương lai cũng không ngại tôi bỏ công việc, bỏ vai nửa chừng. Đối với các nghệ sĩ trẻ còn đang học chập chững vào nghề điện ảnh, dù nam hay nữ, tôi sẵn lòng giúp. Không giúp được việc nầy thì giúp việc khác. Có khi đọc một kịch bản của tác giả trẻ, rồi giúp… ý kiến. Có khi, hay nhiều khi, đóng dùm một vai, thù lao là một ổ bánh mì chay thịt “Tam Tạng” tức nhân là miếng tàu hũ chiên giòn, xịt chút nước tương là xong.
Tôi nhận được điện thoại của cô bé đang học… đạo diễn vào tối hôm qua, khi tôi còn rong ruổi trên yên chiếc xe gắn máy kỳ cào, bạn hiền đường dài của tôi, từ nơi diễn, tận một hội chợ ở huyện Cai Lậy, trên đường quốc lộ về Sài Gòn. Cái điện thoại trong túi reo lên, vừa lúc chiếc xe gắn máy thở gấp, hết hơi, mệt mỏi vì chở nặng, ngoài sau yên là valy đồ nghề và nhiều vật dụng khác. Khi tôi vừa tới ngã ba Trung Lương thì chiếc xe nóng quá, đứng máy, nó còn lên khói mù mịt, tôi phải xin lon nước tắm cho nó mát mẻ rồi chờ cho nó... nguội dần. Nhân dịp đó, tôi dựng xe, bước vô một quán cơm tấm bì sườn bên đường. Trong khi chờ dĩa cơm, tôi gọi lại, nghe và trả lời điện thoại.
- Alo Alo Alo. Số máy nầy hồi nãy gọi tui phải không ạ?
- Cháu là Mây nè chú Can.
- Đừng kêu chú Can người ta hiểu lầm là cháu bị bịnh!?
- Chú nầy giỡn hoài. Mấy ngày nay chú đi đâu mất tiêu. Không thấy chú tới trường điện ảnh uống trà đá.
- Chạy sô hội chợ Cai Lậy.
- Vậy sao? Hèn chi. Chừng nào chú về Sài Gòn?
- Đang trôi trên đường về.
- Chú đi bằng gì, xuồng hả chèo tới đâu rồi chú?
- Xuồng gì. Bằng xe gắn máy, tới ngã ba Trung Lương nè. Đang cho xe tắm, uống nước.
- Xe… uống nước?
- Nó cũng khát nước chớ bộ. Còn chú thì kiến cắn bụng.
- Sáng mai cháu gặp chú nha?
- Chi vậy, chi vậy?
- Đóng phim, đóng phim. Phim của cháu.
Ôi thôi, thiệt là lôi thôi. Lại một con nhạn mới sa vào cái nghề khổ, là nghề đạo diễn phim. Trăm người tốt nghiệp duyên may tổ nghiệp mới ban cái lộc cho một người. Làm nghệ sĩ, diễn viên phim, có khi già khú vẫn chưa chạm tay tới một vai để đời. Làm đạo diễn còn hiếm hơn, dễ gì có phim để làm. Lại còn chuyện trọng nam khinh nữ… Cái con bé Mây nầy liều thật. Tôi lo lắng hỏi thăm:
- Phim của cháu là phim gì? Chừng nào quay?
- Dạ phim... tài liệu về ông già Noel. Ngày mai, sáng mai quay rồi nha chú. Chú đóng vai ông Noel đua xe gắn máy dùm cháu nha.
- Đua?
Nghe hơi bị lạ. Ông già Noel có thi thì ngồi trên chiếc xe trượt tuyết do hơn chục con tuần lộc kéo. Ông Noel gì mà cỡi xe gắn máy. Chẳng phải ham vai lạ, cũng chẳng hề... hám tiền thù lao. Con nít học làm đạo diễn, thường hay đi chụp hình dạo, tấu hài, làm nhân viên tiếp thị, kiếm chút tiền, trả tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền trường thôi, làm gì có nhiều tiền làm phim.
Sao nó không sợ “tốn kém”, dám mời một diễn viên lớn… tuổi như tôi vào vai chánh? Ngày hôm sau, tức là ngay vừa về tới Sài Gòn, tôi chạy xe tới luôn trường điện ảnh. Trước sảnh các nam nữ sinh viên của trường đã có mặt đông vui như ngày Noel, mà đúng rồi đêm nay là Giáng sinh, các cháu xúm nhau nhìn tôi. Nói nào ngay tuy tôi không có một ngày ngồi học diễn xuất, nhưng tôi có nghề bắt chước diễn giỏi. Mây nói:
- Chú Can.
- Đừng kêu chú Can. Người ta cười chết.
- Chú giỡn hoài. Bây giờ quay liền, cảnh chú với chiếc xe kỳ cào của chú chạy trên đường phố trước nha.
- Chú đã nhận vai đâu. Chưa ký hợp đồng mà.
- Chú không nhận… cũng không có ai nhận ngoài chú.
- Sao vậy?
- Vì chú diễn hay, vì phim chay, thù lao tương đối là ổ bánh mì thịt Tam Tạng. Chỉ có chú là giúp tụi cháu thôi. Quay một ngày cho tới nửa đêm là xong. Ờ mà chú ơi, cháu quay phim nầy có quảng cáo thuốc ho. Ông già Noel chạy xe đi phát thuốc ho cho con nít nhà nghèo.
Thì ra là vậy! Như vậy là mừng cho đoàn phim có chút tài trợ nhờ quảng cáo thuốc ho.
Tôi cũng được Mây tặng ngay một chai thuốc ho thơm mùi bạc hà, uống liền tại chỗ. Đêm qua chạy xe khuya cũng có hơi lạnh phổi ho ho. Tôi mở nắp chai tu một ngụm, trong cổ ngứa ngáy muốn ho, may nhờ thuốc… có chất bạc hà làm... hết ho. Tất nhiên, về vai diễn, dù cho từ chối cũng không được cho nên tôi nhận vai ông già Noel trong tiếng vỗ tay mừng rỡ của các cháu sinh viên.
Mọi chuyện bắt đầu, như quý độc giả đã đọc phần trên. Còn bây giờ tới cảnh ông già Noel chạy đua trên đường phố, giày ũng ngon lành, râu ria phất phơ. Vai mang cái bị lớn, ló lên chai thuốc ho bự làm bằng giấy bìa. Đầu tiên, ông già Noel chạy quanh nhà thờ Đức Bà và ngang qua nhà Bưu Điện, chạy khá nhiều vòng. Quay phim là một chàng trai xù xì, sinh viên khoa quay phim được coi là triển vọng, bởi nhiều cú máy khá lạ và mạo hiểm. Cô bé đạo diễn ngồi sau yên xe gắn máy. Đoàn phim có 4 người. Người lái xe chở quay phim với đạo diễn, còn tôi… chạy xe của mình, để khỏi mướn xe ôm.
- Bắt đầu... đua.
Đua chầm chậm trước. Hay thật, khi chạy được vài vòng, liền sau đó, hai bên hông… xe của tôi xuất hiện vài tay đua “tốc độ” thứ thiệt. Các chàng trai trẻ trung vui tính, đầu tiên có tay đua màu sắc, ngồi một mình trên chiếc môtô “Beo Con” lốm đốm. Rồi là một chàng trai khác, chở sau yên xe tay ga hiệu Honda bự như con trâu cui, một cô nàng ngồi chổng mông, có hình xăm rất đẹp. Cô gái bỗng nhìn thấy một vật lạ “từ trên trời rơi xuống” là tôi. Cô nàng la lên:
- Ông Mạc Can nè. Ổng chớ ai?
- Đâu đâu đâu?
Chỉ có vậy thôi mà một lúc sau, nói cho sòng phẳng, không phải nhờ một mình tôi là ông già Noel, dẫn đầu chừng vài chục chiếc xe gắn máy vui nhộn mà kéo nổi theo một đoàn xe rồng rắn, thiệt tình cũng do người trên đường hiếu kỳ, thấy lạ chạy theo coi quay phim, mỗi lúc một đông thêm. Nữ đạo diễn Mây đứng hẳn trên cái chống chân với khuôn mặt hào hứng. Còn tay quay phim xù xì trẻ tuổi thì lia những cú máy ngang dọc, người lái xe chở quay phim và đạo diễn tỏ ra có nghề. Cháu… nó luồn bên nầy, lách qua bên kia, thậm chí còn tạo dịp tốt cho quay phim cúi sát xuống mặt đường, quay các bánh xe chạy. Anh “tài xế” hiểu ý, có khi chậm lại ở ngoài sau tôi, rồi cũng có khi vọt tới trước, để nhà quay phim đón đầu cuộc đua.
Khoảng hơn 12 giờ đêm. Đường phố tràn ngập người và xe, diễn viên chính của bộ phim ông già Noel đi phát thuốc ho cho trẻ em nhà nghèo là tôi, nhập vai. Vào lúc 1 giờ sáng, mọi sự khác hẳn. Chương trình đã bàn bạc lúc chiều có thay đổi, bởi vì đây là ngày lễ lớn, đêm Noel thực sự vui, tưng bừng hoa lá.
Mây khéo chọn và chọn đúng dịp làm phim, nhưng không tránh khỏi vài chuyện tức cười ngoài ý muốn. Ban đầu tôi lạc trong một rừng xe, người và xe chật như nêm cối. Sau đó thoát ra, lại lạc mất luôn chiếc xe chở Mây và nhà quay phim trẻ. Khoảng 2 giờ sáng, tôi phải trở về chỗ cũ là trước nhà Bưu Điện. Mây đã tới và đang chạy đi tìm tôi. Cô phục trang kiêm hóa trang (quần áo và trang điểm cho diễn viên) vẫn còn đứng bên lề đường, chờ tôi và mọi người, để trả bộ đồ người ta cho mượn:
- Chạy đi đâu mà lâu quá trời, cháu đứng chờ muốn chết.
Tôi cười toe:
- Quay phim chớ đi đâu.
Đêm Noel với đoàn phim nhà nghèo khá vui, mà tôi cũng cảm động vì cái thân già nầy giúp được việc gì hay việc đó cho các nghệ sĩ trẻ. Ông cháu ngồi ở thềm đường nhai bánh mì chay, nhìn dòng xe ngược xuôi, nhìn người đi lễ suốt sáng, tiếng hát và tiếng chuông rộn ràng. Nghệ sĩ có khi là vậy, lạc loài trong một công việc ít ai biết, dù sao với tôi thì đêm Noel nầy thật là cảm động và khó quên. Bé phục trang lại hối:
- Phải trả bộ đồ ông già Noel cho chủ tiệm nha.
Mây chạy về nghe chuyện than thở:
- Ôi rồi làm sao quay cảnh sau? Có chú Can đây nhờ chú năn nỉ ông chủ tiệm là xong.
Mây cứ tưởng như ai cũng biết cái mặt mốc của tôi. Cả bọn bàn bạc. Sau cùng nhờ tôi mặc nguyên trang phục ông già Noel. Chạy tới tiệm của người chủ cho mượn, tôi nói thêm cho chắc là nên quay trước cửa tiệm một vài cảnh quảng cáo khuyến mãi và sẽ phát hình trên màn ảnh truyền hình. Người chủ tiệm bán đồ Noel đứng trên thềm, nhìn tôi với một cái... đuôi dài, đầy xe gắn máy của các chàng trai và cô gái đẹp vui vẻ trước cửa tiệm. Việc nầy làm cho người xem quay phim kéo theo người vào mua hàng của ông nhiều hơn. Có lẽ nhờ vậy, ông chủ cho mượn thêm hàm râu mới, thay cho hàm râu ông già Noel hơi bị rối, ướt mồ hôi, trên cái mặt hài hài của tôi:
- Không sao, tặng luôn bộ đồ cho đoàn phim cũng được mà.
- Cám ơn ông.
Mây nói cám ơn. Tôi thấy trong mắt nữ đạo diễn có chút gì còn khác hơn là lời cám ơn, mà phải nói là lời cảm tạ chân thành. Cảnh cuối cùng cả đoàn, gồm năm người, vì có cô bé hóa trang kiêm phục trang cũng đi. Chú cháu tôi tới quay trong một xóm nhỏ, lúc gần sáng chung quanh vắng hoe. Cảnh như thật. Trong im lặng lúc đêm về sáng. Tôi bước xuống dựng chiếc xe kỳ cào bên tường, lủi thủi vác cái bao vải, trong đó có chai thuốc ho bằng giấy bìa đi sâu vào trong hẻm tối. Anh chàng quay phim bước sau tôi, máy quay dưới chân, rồi vọt lên đi trước tôi vài bước quay khuôn mặt ông già Noel lướt qua vách tường cũ.
Mừng cho Mây. Hay có lẽ không bằng hên, người lớn trong nghề nói như vậy cũng tội nghiệp cho bọn trẻ. Đó lại là một đoạn phim quảng cáo… thuốc ho khá xôm tụ và có cái hay táo bạo của nó. Nhờ các chàng trai và các cô gái trẻ chạy theo làm diễn viên phụ, trong cảnh đua xe. Và một cảnh rất thật, tôi diễn một cận cảnh khá khó. Ông già Noel dừng chân bên tường, khẽ ho vài tiếng, rồi tu một ngụm thuốc ho trong cái chai nhỏ. Sau đó bóng ông nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất sâu vào xóm. Lúc đó mặt trời le lói trên các nóc nhà, báo hiệu một mùa Giáng sinh vừa qua. Đêm Noel đó tôi nhìn thấy áng mây bay ngang trên nền trời buổi sáng. Kỳ lạ thật, lúc đó bỗng nhiên tôi yêu mấy cha nội ơi. Mà yêu ai?
Hình như Mây lên tay, trong các phim... quảng cáo sau đó. Tiếc cho mình! Tôi không có mặt trong cuốn phim truyện đầu tay của Mây vì tôi đã đi xa. Tôi điện thoại cho Mây. Mây hỏi:
- Lâu quá không thấy chú Can. Chú đang ở đâu?
- Xa. Khá xa. Cách nơi Mây ở nửa vòng trái đất.
- Sao… đi xa dữ?
- Thất tình.
- Với ai?
- Mây.
- Chừng nào… chú… anh về?
- Noel!
Hẹn vậy nhưng sau đó Mây đi lấy chồng. Một lần nữa tôi lại yêu một người. Chỉ ít lâu tôi lại quên. Vài năm sau nhớ lại tôi buồn như chí cắn. Sao kỳ cục quá? Ở đây tôi cứ ngước mặt lên trời. Chờ áng mây bay qua. Thì ra tôi nhớ Mây quá chừng, nhớ không chịu nổi.

Conorado, tháng 12-2010

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives