Chú Sáu Bùi Kinh Lăng: Bà đỡ của các tác phẩm VHNT ở Tiểu ban văn nghệ R. (trích)  

Posted by Unknown

ĐỖ THANH HIỀN
(Thị xã Tây Ninh)

Chú Sáu Bùi Kinh Lăng
Chú Sáu Bùi Kinh Lăng tên thật là Bùi Nguyên Phổ, sinh năm 1928 tại Thanh Hóa, dân “Nam tiến” từng công tác tại Sở Văn hóa Nam bộ, cùng các ông Bảo Định Giang, Khương Mễ, Mai Lộc, Lê Vĩnh Hòa, Phạm Minh Hòa, Phan Miêng, Ngô Y Linh… Sau Hiệp định Giơ-neo chú Sáu tập kết ra Bắc, được 8 năm thì quay trở lại chiến trường miền Nam (1962). Thời gian này, chú Sáu về công tác ở Tiểu ban văn nghệ R (TW Cục miền Nam).
Sở dĩ có cái tên ngộ nghĩnh Bùi Kinh Lăng, theo lời chú Sáu kể lại thì những năm công tác ở Sở Văn hóa Nam bộ, cơ quan đóng quân dọc theo các bờ kinh như kinh Bùi, kinh Bích, kinh Bằng Lăng khu giáp giới giữa Mỹ Tho - Tân An (Kiến Tường - Mộc Hóa bây giờ). Rồi các anh Bảo Định Giang, Khương Mễ cứ đi theo ghẹo: “Cái tên Nguyên Phổ nghe lạ hoắc, giặc nó phát hiện Bắc kỳ Nam tiến liền. Đổi tên đi!”. Chú Sáu cười hô hố: “Lấy tên gì bây giờ mấy cha?”. Mấy chú, mấy anh bàn: “Thì mấy con kinh đó, lấy đại một tên đi, kinh Bùi, kinh Bằng Lăng hay kinh Bích…”. Chú Tư Phạm Minh Hòa - nhà văn thiếu nhi bàn tới: “ Kinh Bùi, kinh Bằng Lăng thì bỏ chữ Bằng đi, còn trùng họ Bùi, ráp vô hai chữ Kinh Lăng, thành Bùi Kinh Lăng đi, nghe liền lạc mà hay quá trời rồi”. Chú Sáu vỗ tay: “Hay! Hay! Kỷ niệm luôn cái tên Sở Văn hóa Nam bộ mình nữa. Nhứt trí! Nhứt trí! Chiều kêu chị Bình Trang nấu chè xôi đi, đặt tên mới, đổi tên cũ luôn”. Chú Sáu nói đó là cái tên do tập thể đặt cho từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp là như vậy.
Nghề chính của chú Sáu là viết báo, làm thơ. Có lần chú cháu ngồi vui, tôi hỏi: “Chú nhiều năm được đào tạo cơ bản về lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật, mà sao từ khi về Nam tới giờ con ít thấy chú viết phê bình vậy?”. Chú Sáu cười hô hố: “Phê bình gì mày? Ở Tiểu ban mình, anh chị em chỉ có mỗi một chủ nghĩa yêu nước, làm cách mạng giải phóng dân tộc, đánh thắng giặc Mỹ… còn có hơi thở nào khác, chủ nghĩa nào khác đâu mà phê bình, phê phán?! Chỉ mỗi một việc là lo cho anh em nó yên tâm, yên nơi yên chỗ mà ngồi viết cho tốt…”.
Khoảng tháng 6-1963, khi nhà văn Anh Đức viết tới phần cuối tiểu thuyết “Hòn Đất”, tại bên kia suối Hòa Hiệp (xóm Giữa) nơi Tiểu ban văn nghệ mở lớp tập huấn cho 2 đoàn văn công (Văn công giải phóng và Văn công chính trị quân giải phóng). Gọi là “bên kia suối”, có một lùm cây xay cao tầng, lá xanh mượt, tươi mát suốt mùa. Chú Sáu nhờ tụi tôi làm một vuông nhà sàn nho nhỏ, phát dọn một khoảng sân, làm bàn cây săng con, chỗ uống trà cho nhà văn Anh Đức. Anh Bảy Anh Đức nhà ta có tác phong rất hành chánh là “viết đúng giờ”. Cứ buổi sáng thể dục nhẹ, vệ sinh cá nhân xong, “hội họp bàn trà” tới đúng 8 giờ là ngồi vô bàn “trì chí ngồi viết”. Đồng thời, đồng cảnh đó là chú Sáu Lăng cũng giăng cái võng Trường Sơn kế bên đó, rồi…
“Hiu hiu lá gió rừng thưa
Chú thức gần sáng mà chưa
ngủ bù
Cháu con, son mí, xự hò
Xắc-cốt trên bụng chú
khò khò một hơi”.
Mỏi mệt sáng đêm lo toan ba bên, bốn bề, sáng ra chủ đề của chú Sáu là lo cho Anh Đức tiếp tục “trì chiết” với cuốn tiểu thuyết đầu tay của miền Nam chiến đấu giải phóng. Thừa nhàn một tí, chú Sáu gọi là “ngả lưng, chợp mắt” cho đỡ mệt mỏi. Tôi ngồi một bên đó, thấy vậy mà lòng yên tâm, lẳng lặng về bên Trường để vào buổi tập dượt mới với Đoàn… Như vậy, rồi có khi buổi chiều chú Sáu lại vô Trường Thông tin - Báo chí - Văn nghệ ở sau Lò Gò, dọc theo suối Mây, quan sát tình hình ăn học của gần 100 học viên các tỉnh miền Nam về học, để điều chỉnh, động viên anh chị em, cũng là để thăm và bàn bạc với bác Tư Trần Hữu Trang về tình hình tác phẩm cho giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu miền Nam Việt Nam.
Hồi đó nhà văn Nguyễn Văn Bảy, còn gọi là chú Tám Nhàn - Hà Nội gởi vào, liền lên lớp đọc cho học viên cùng nghe một bài của nhà thơ Chế Lan Viên, vì nội dung tư tưởng chống Mỹ trong bài thơ khá sắc sảo. Đó là
Phải có thời gian

Em ơi chớ sốt ruột với miền Nam
Chớ đếm một năm, hai năm,
 rồi bảy, tám
Chớ đợi một ngày, chớ trông
mỗi tháng
Chớ đem lòng ta ra làm thước
tính thời gian

Mới vàng hoa mai đã lại mai vàng
Ngày rất ngắn là những
ngày chiến đấu          
Thời gian ở đây trôi như chảy máu
Lịch chiến trường cháy
 với bom na-pan...

Ở đây suốt chín năm ròng chưa ai được nghỉ
Đến đất kia còn rung những
trận càn
Dưới đất trên trời, bốn bên
giặc Mỹ
Phải hiểu miền Nam! Phải hiểu
miền Nam!
Ở đây cần đủ tháng ngày cho ta
giết thêm quân giặc
Hôm qua trăm, nay phải giết
thêm ngàn
Cho kẻ yếu vững lòng tin.
Và người anh hùng có sắt
Phải có thời gian!
Phải có thời gian!
Cho hoa cỏ cũng thành ra khí giới
Cho rừng tre lên ở chỗ bụi gai tàn
Cho lớn dậy những anh hùng
 trước tuổi
Cho mặt trời cười ở chỗ
bóng đêm tan
Cho mười bốn triệu nhân dân là mười bốn triệu người giết giặc
Và mỗi tấm lòng chúng ta là một tấm lòng bốc lửa với miền Nam
(Chế Lan Viên)

Cả lớp học vỗ tay ào ào. Chú Sáu Lăng châm bẩm tư tưởng và cười hô hố. Riêng bác Tư Trang thì chậm rãi một câu: “Một bài thơ mà chiến lược cho cả miền Nam. Hay quá! Văn nghệ là phải vậy. Tôi mong sao… mà tôi gặp được ông Chế Lan Viên nầy”. Bác Tư kể chuyện tại Trường Thông tin - Báo chí - Văn nghệ có nhiều học viên là “dân tuyên huấn, văn nghệ”. Bác cũng gợi ý, động viên anh chị em viết tác phẩm theo hướng các chủ đề. Công Nông Binh liên minh; Đập tan ấp chiến lược giải phóng nông thôn; Đảm phụ giải phóng - Hăng hái tòng quân; Du kích đánh giặc giữ làng; Đế quốc Mỹ xâm lược - Gia đình họ Ngô bán nước; Chiến tranh nhân dân - Ba mũi giáp công… để đánh thắng giặc, giữ hành lang giải phóng.
Bản thân tôi, khi viết lại những dòng kí ức nầy, cũng nghĩ thầm, cho tới ngày tôi chết thì thôi chứ còn sống tôi còn nhớ những “tâm tình đầy trách nhiệm” của hai ông già là bác Tư Trang và chú Sáu Lăng, đã lo lắng, động viên, tổ chức tác phẩm, chỉ đạo về mong ước của Ban Tuyên huấn TW Cục có một Giải thưởng VHNT cho văn nghệ sĩ miền Nam, trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives