Phát biểu của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh  

Posted by Unknown

(Trong bộ phim tài liệu 50 năm hình thành và phát triển Văn học - Nghệ thuật cách mạng TP. Hồ Chí Minh)

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học, - Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, thưa anh chị em văn nghệ sĩ thành phố thân mến, giữa những ngày tháng 12 lịch sử, đất nước chúng ta có rất nhiều ngày kỷ niệm quan trọng. Đặc biệt tháng 12 năm nay, Liên hiệp các Hội VHNT TP chúng ta rất vui mừng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định (tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM). Thay mặt lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi trân trọng chào mừng và thân ái gởi đến Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, đến toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ và gia đình của anh chị em văn nghệ sĩ đã chiến đấu hy sinh trên chiến trường đặc khu Sài Gòn - Gia Định, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như qua đời trong những năm sau này.
Chúng tôi thân ái gởi đến các đồng chí lời thăm hỏi sức khoẻ, chúc hạnh phúc và thành công trong công tác cũng như đời sống gia đình. Thưa các đồng chí, ôn lại truyền thống 50 năm xây dựng trưởng thành và phát triển của Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định (ngày nay là Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM), đó là một chặng đường phấn đấu hết sức hào hùng vẻ vang, thấm đẫm tinh thần đấu tranh cách mạng của anh chị em văn nghệ sĩ đặc khu Sài Gòn - Gia Định cũng như anh chị em văn nghệ sĩ khắp các vùng miền cả nước đã về cùng với Hội Văn nghệ giải phóng, cùng với quân dân Sài Gòn - Gia Định trong chiến đấu, cũng như về sau này, từ ngày đất nước thống nhất đến nay. Anh chị em văn nghệ sĩ trong các hội chuyên ngành của thành phố với tên gọi mới là Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, đã tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên cường tiếp tục đóng góp công sức trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ôn lại truyền thống này, chúng ta rất xúc động và tự hào về Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Giữa những ngày kháng chiến của nhân dân đặc khu Sài Gòn - Gia Định, bước vào thời kỳ gian khổ ác liệt, năm 1963, rất nhiều thử thách cam go nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã quyết định thành lập Hội Văn nghệ giải phóng để góp phần cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở địa bàn hết sức gian khổ, ở một chiến trường hết sức cam go ác liệt. Và sau khi được thành lập trong thời gian rất ngắn, các đồng chí đã tổ chức đại hội đầu tiên ra mắt Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định, mở ra một chương mới cho lãnh vực đấu tranh trên mặt trận văn học, - nghệ thuật, chống lại các hoạt động văn nghệ lai căng phản dân tộc - đặc biệt để bảo vệ văn hóa dân tộc trong thời kỳ đất nước bị các lực lượng thù địch, tay sai lợi dụng văn học, - nghệ thuật cho âm mưu chia cắt đất nước.
Trải qua chặng đường đấu tranh gian khổ, được tôi luyện, anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định đã thực sự là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; anh chị em bám trụ cùng đồng bào trong các vùng tạm chiếm, nội thành; đã có những hoạt động hết sức mưu trí sáng tạo, đưa chủ trương chính sách của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đi vào lòng dân trong vùng bị tạm chiếm, góp phần giới thiệu chủ trương chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, giới thiệu truyền thống yêu nước. Đặc biệt văn nghệ sĩ nội thành phối hợp với văn nghệ sĩ trong vùng giải phóng đã có những sáng tác trên nhiều lĩnh vực phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ trái sang: Đạo diễn Bích Lâm, Đạo diễn Ngô Y Linh,
Nhà thơ Bảo Định Giang, Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn
Có thể nói đó là hoạt động hết sức sáng tạo, thể hiện trí tuệ, bản lãnh, sự hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều anh chị em xung phong ra chiến trường trong những đợt xuống đường như tổng tiến công Mậu Thân 1968, xuân Kỷ Dậu 1972, cùng Tổng tiến công nổi dậy 1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Một số anh chị em đã ngã xuống trên chiến trường Sài Gòn, Gia Định, để lại bao tiếc thương cho đồng chí, đồng bào.
Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay trải qua gần 40 năm tham gia vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ văn nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của Hội Văn nghệ giải phóng, đã tiếp tục cống hiến công sức, tình cảm và trách nhiệm.
Một số hội chuyên ngành đã đi vào hoạt động và trải qua 6 kỳ đại hội. Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có uy tín, đã khẳng định tinh thần trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Nhiều anh em văn nghệ sĩ trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống nhưng vẫn say mê với nghề nghiệp, vẫn giữ vững phẩm chất của người văn nghệ sĩ cách mạng; đã tiếp tục đóng góp đào tạo nhiều thế hệ văn nghệ sĩ trẻ tuổi, tạo điều kiện phát triển các ngành nghệ thuật, đặc biệt đã có nhiều tác phẩm văn học, - nghệ thuật phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển, đổi mới đi lên của thành phố, thể hiện qua các sáng tác văn, thơ, nhạc, ca, múa, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, nhiếp ảnh… Có thể nói, với tâm sức, sự sáng tạo, anh chị em văn nghệ sĩ đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của sự nghiệp văn học, - nghệ thuật của thành phố chúng ta hiện nay.
Trải qua nhiều thời kỳ hoạt động với nhiều tên gọi khác nhau, Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM đã làm tốt vai trò lãnh đạo tham mưu cho lãnh đạo thành phố nhiều vấn đề về nghề, về ngành, giữ vững định hướng chính trị, cố gắng tập hợp, đoàn kết đội ngũ, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo; có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đúng với chức năng của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, theo đúng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.
Đội ngũ văn nghệ sĩ của TP.HCM được hình thành, phát triển và rèn luyện qua hai cuộc kháng chiến của dân
tộc, vẫn là lực lượng tin cậy, làm nòng cốt trong sáng tác mấy chục năm qua. Văn học, - nghệ thuật của thành phố đã gắn bó với nhân dân thành phố, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt thể hiện những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước, của thành phố. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Những tác phẩm của VHNT cũng đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, đấu tranh với cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội; đã đưa được nhiều tác phẩm đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Từ trái sang: Nhà thơ Viễn Phương,
Ông Rum Bảo Việt (Sáu Chiến) và nghệ sĩ Mai Quân
gặp nhau Sau giải phóng sài Gòn 1975
Nhiều cuộc vận động sáng tác với các đề tài bám sát những định hướng chiến lược, những chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, những chương trình mục tiêu quốc gia như: học, tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hướng về Biển Đảo quê hương; xây dựng nông thôn mới; an toàn giao thông… đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp qua các công trình, tác phẩm có giá trị cao của các văn nghệ sĩ thành phố.
Các hoạt động từ thiện, xã hội đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.
Trong thời kỳ mới, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, văn học, - nghệ thuật nước nhà đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt.
Nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, - nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sĩ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23, tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, - nghệ thuật trong thời kỳ mới: “Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn... Hiện thực đó là mảnh đất giàu tiềm năng cho những tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để tiếp tục xây đắp một nền văn học, - nghệ thuật ngày càng lớn mạnh với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc”.
Chúng tôi rất trân trọng và biểu dương sự đóng góp cống hiến của Liên hiệp các Hội Văn học, - Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, của các hội chuyên ngành và của anh chị em văn nghệ sĩ thành phố cũng như văn nghệ sĩ cả nước đã góp phần cho sự nghiệp xây dựng, đổi mới, phát triển của thành phố, cũng như cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. 


0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives