ĐỌC SÁCH  

Posted by Unknown

 17 cây số đường ma
HẢI ANH

Tập truyện ngắn 17 cây số đường ma của tác giả Võ Diệu Thanh phát hành trong quý 3-2013 gồm 12 truyện: Mười bảy cây số đường ma, Tăm cá bóng chim, Mùi vị trần ai, Giống mùa nghịch, Uống lại những cơn say, Màu lá cứ xanh, Sợi dây duy nhất…
Giống các tác phẩm trước, tác giả tiếp tục khai thác các câu chuyện trái khoáy, có tính chất bi kịch của những phận đời bé nhỏ, trôi giạt, bên lề với bối cảnh chính là vùng miền Tây sông nước, mang lại nỗi thương cảm sâu sắc đến người đọc.
Trong truyện ngắn 17 cây số đường ma miêu tả một bà mẹ nghèo trong lúc đi làm thuê ở Bình Dương vì nhớ đàn con thơ dại, bà đã đón xe về thăm nhưng giữa đường gặp tai nạn và chết khi đưa tới bệnh viện. Vào một đêm mưa, người đàn bà (đã chết) đó đi nhờ xe một người đàn ông cùng xóm. Trên đường đi, bà kể cho anh ta nghe những câu chuyện vặt vãnh đời thường và bày tỏ mong muốn được nấu cho con mình những món ăn ngon. Tất nhiên đó chỉ là nguyện vọng vì bà đã trở thành một con ma bất hạnh, lang thang, tội nghiệp mà người đàn ông thì chỉ biết xót xa:“Chị Hua, chị đang ở quanh quất đâu đây phải không? Tôi sẽ mua giùm chị một con gà luộc, cả tôm và bia, nấu cho tụi nó (…). Có phải chị vẫn còn đi riết để được về gặp các con không, hay là chị chỉ muốn kiếm ai đó nói chuyện, nói tới nói lui về nguyện vọng còn dang dở…? Chị đừng có về nữa. Tôi mà biết chị chết rồi tôi không có cho chị quá giang đâu. Về làm chi. Nhìn… đau lòng thêm” (tr.19, 20). Miện trong Lời thề đá thì chịu sự tổn thương về mặt tinh thần sâu sắc vì bị phản bội, khi chồng tằng tịu với người bạn quen thân trong nhiều năm. Cũng như anh chủ nhà trong tác phẩm Trở lại với người, anh ta bị vợ phản bội, bị đẩy vào tù nên đâm ra căm ghét con người, tính tình cáu gắt, dễ nổi điên và chỉ yêu mỗi mình con chó! Người đàn ông lớn tuổi trong truyện Giống nghịch mùa thì sống trong mặc cảm tội lỗi khi trót yêu đứa con gái mà ông vẫn xem như là con nuôi và ông nhận thấy sự sai lầm rõ rệt khi gieo hạt giống tình cảm ở vùng đất không thuộc về mình.
Tác giả đã mạnh dạn đào sâu phân tích những khía cạnh đặc biệt phức tạp của nội tâm như chứng hoang tưởng, ám ảnh, sự lệch lạc trong hành vi… thông qua Thi trong Giải nguyền, người đàn ông - nhân vật chính trong Mùi vị trần ai, bà Đanh trong Bữa cơm với bà Đanh, Tuội trong Uống lại những cơn say

Tuy nhiên, có lẽ vì quá mải mê sa đà vào việc phân tích, lý giải các hiện tượng trên nên tác phẩm có nhiều chi tiết thừa, phi lý, gượng ép, cộng với cách diễn đạt rối rắm không cần thiết làm câu chuyện giảm sức mạnh đáng kể, mang lại cảm giác thất vọng cho người đọc.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives