Nhớ nhà văn Vũ Ngọc Phan  

Posted by Unknown

BÙI QUANG TÚ
Nhà văn VŨ NGỌC PHAN

Hà Nội ngày nay nhấp nhô những khu chung cư cũ và mới nhưng dãy nhà G2 khu tập thể Trung Tự có một nét đặc biệt. Chẳng biết bên nhà đất cố ý hay vô tình mà bố trí đến năm nhà văn, nhà thơ ở cùng một dãy nhà ấy. Tầng 2 là gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan, tầng 3 là gia đình nhà thơ Hoàng Minh Châu, tầng 4 là gia đình nhà văn Bùi Hiển và gia đình nhà văn, nhà báo Phan Quang, tầng 5 là gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật. Thành thử gọi cái dãy nhà G2 là Chi hội nhà văn cũng được. Dãy nhà G2 là một chung cư cũ có từ năm 1981, năm gia đình nhà văn nhà thơ tề tựu ở đấy nay chỉ còn nhà thơ Hoàng Minh Châu lẻ loi đi về, nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà văn Bùi Hiển, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã trở thành người thiên cổ. Nhà văn, nhà báo Phan Quang thì chuyển đi nơi khác. Nhà văn Vũ Ngọc Phan là người ra đi sớm nhất, năm 1987. Tôi sống ở miền Nam thỉnh thoảng về thăm gia đình (ba tôi là nhà văn Bùi Hiển) có dịp gặp gỡ và có chút ít hiểu biết về nhà văn Vũ Ngọc Phan đáng kính.
Vũ Ngọc Phan (1902- 1987) là một nhà văn có những đóng góp đáng quý cho văn học nước nhà. Sinh ra tại Hà Nội, đỗ tú tài thời Tây ông không lựa chọn con đường làm viên chức cho Pháp như một cái bóng mờ của lịch sử mà đi vào con đường viết văn, viết báo - một nghề tự do đầy bấp bênh, xui rủi. Lý do chọn nghề của ông thì như ông đã viết trong lời kết luận bộ sách “Nhà văn hiện đại”: “Văn chương tuy không bổ ích trực tiếp cho người đời như cơm gạo, nhưng nó chính là đồ ăn về đường tinh thần của một dân tộc văn minh, nó chính là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ, biết nhận xét và luôn luôn có hy vọng chen vai thích cánh với những dân tộc hùng cường trên thế giới. Một dân tộc không biết trọng văn chương của mình chỉ có thể là một dân tộc man di hay sắp diệt vong”. Hành trình văn chương của Vũ Ngọc Phan là tìm hiểu những giá trị văn hóa dân tộc thông qua văn chương, từ đó nâng cao sức mạnh tinh thần dân tộc. Đó là con đường đi của một con người có chí hướng, muốn tạo dựng cho mình một sự nghiệp, đóng góp cho cuộc đời.   
Sự nghiệp văn học với hơn 60 năm cầm bút của Vũ Ngọc Phan rất phong phú. Ông viết báo, viết hồi ký, tiểu luận, dịch thuật, biên soạn, nghiên cứu, phê bình nhưng nổi trội hơn cả là hai bộ sách: “Nhà văn hiện đại” “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam”. Viết hai bộ sách này Vũ Ngọc Phan đã giữ vai trò là người mở đường qua khu rừng hoang. Với sự hiểu nhiều, biết rộng, chịu khó tìm tòi và lắng nghe, tác phong làm việc khoa học, cẩn thận và chu đáo Vũ Ngọc Phan đã khẳng định sự đóng góp to lớn cho văn học nước nhà. Ở bộ sách “Nhà văn hiện đại” gồm 1.500 trang ông đã thẩm định 79 tác giả (là nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật) trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, trong sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây. Công trình này xứng đáng là một bộ văn học sử. Điều đáng nói là bộ sách ấy đáng lẽ ra phải là công trình của một tập thể, nhưng người thực hiện chỉ có một Vũ Ngọc Phan (dù ông có vợ và bạn bè trợ giúp). Lúc ấy (ông viết từ tháng 12-1938 đến tháng 1-1940) Vũ Ngọc Phan mới 36-38 tuổi. Điều có thể nói thêm là sức khỏe của Vũ Ngọc Phan chưa bao giờ tốt. Ông có dáng người mảnh khảnh. Chả thế mà hồi ông đi dạm hỏi cô Lê Hằng Phương - một cô gái xinh đẹp ở phố Hàng Đào, sau này là nhà thơ Hằng Phương, do ông gầy và trắng trẻo như thư sinh nên có người dèm pha rằng: “lấy anh ho lao ấy làm gì”. Khi viết “Nhà văn hiện đại”, ông luôn bị bệnh đau dạ dày hành hạ, mẹ ông luôn ốm đau, nhà nghèo, con đông. Tất cả gánh nặng trút lên đôi vai gầy của Vũ Ngọc Phan. Thế mà ông đã vượt qua tất cả để hoàn thành bộ sách. Một sức làm việc đáng kính nể. Vũ Ngọc Phan bắt đầu tập trung biên soạn cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1956, sau đó được tái bản có bổ sung đến 8 lần với số lượng 17 vạn bản. Ở công trình đồ sộ này Vũ Ngọc Phan đã sưu tầm, biên soạn một cách công phu, khoa học. Về nghiên cứu ông đã đi sâu vào phân biệt thể loại, khẳng định vai trò của thơ ca dân gian trong đời sống nhân dân, nêu lên ảnh hưởng qua lại giữa thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại. Đó là những nghiên cứu mang tính phát hiện mặc dù trước ông đã có một số công trình nghiên cứu về đề tài nói trên.
Bác Phan vừa là hàng xóm vừa là bạn vong niên với ba tôi dù hai cụ cách nhau đến 17 tuổi (bác Phan sinh năm 1902, ba tôi sinh năm 1919). Hai cụ cùng đi họp, cùng lĩnh lương hưu, cùng đàm đạo về văn chương. Ba tôi còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về ông. Ông là một nhà văn có tác phong làm việc cẩn thận, chu đáo, khoa học. Khi biên soạn bộ sách “Nhà văn hiện đại” ông viết thư cho ba tôi:
“Hà Nội, 21 september 1941
Kính anh Bùi Hiển
Tôi đã nhận được quyển “Nằm vạ” của anh. Cám ơn anh lắm. Vì quyển sách đến nơi vừa dịp tôi đang viết một quyển phê bình về các nhà văn hiện đại. “Nằm vạ” sẽ là một quyển trong những quyển tôi phê bình. Xin có lời chúc anh an khang và viết được nhiều truyện hay.
Nay kính
Vũ Ngọc Phan”
Ông còn là một nhà báo nhạy bén và hết sức chu đáo. Ba tôi kể lại: “Tôi còn giữ được mấy bức thư ông viết cho tôi năm 1941 từ Hà Nội vào Vinh. Giấy thư chạy khung xanh lá cây, mang tiêu đề Hà Nội tân văn màu nâu đỏ, phía trước là nét chữ ông rất khỏe và thoáng, có thể hình dung ông có phong cách người làm báo, hơn nữa, của người chủ bút, giải quyết nhanh gọn mọi việc… Tháng nào tôi có truyện đăng báo là cuối tháng ông gửi ngay măng-đa nhuận bút cho tôi. Khi tôi có bài đăng đầu tiên ở Hà Nội tân văn, ông liền gửi báo hàng tuần cho tôi liên tục. Tháng 7-1941, thư ông báo tin buồn: Vì tình hình tài chính, vì việc tổ chức rất vụng, nên Hà Nội tân văn chỉ ra một số nữa rồi đình bản, để đợi một ngày khác - không biết là ngày nào? sẽ ra. Số cuối cùng ấy, chỉ nay mai anh sẽ nhận được. Tôi còn giữ của anh hai truyện ngắn. Đây tôi gửi vào và mong khi nào Hà Nội tân văn lại ra, anh sẽ lại giúp cho…” (Những năm 40 không quên - Bùi Hiển).
Vũ Ngọc Phan là người Hà Nội. Ba tôi nhớ lại: “Vợ chồng tôi nói chuyện với nhau thường khen ông đúng là người Hà Nội: nhã nhặn, lịch sự, nói năng nhẹ nhàng, trang phục bao giờ cũng gọn ghẽ chững chạc. Thường chủ nhật ông mới leo hai tầng gác ghé thăm tôi. Bất chợt thấy tôi đang làm việc, ông ý tứ không ngồi lâu. Cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của ông dù in lại nhiều lần, mỗi lần ông đều nhớ tặng tôi một cuốn”. Tuổi trẻ không quá đà, tuổi già không trái tính, Vũ Ngọc Phan minh mẫn cho đến cuối đời. Ở tuổi 84, 85 ông vẫn nghe thời sự, đọc sách báo, nắm bắt tình hình văn nghệ một cách tỉnh táo và sáng suốt.
Gia đình bác Phan luôn đầm ấm, hạnh phúc. Bác Hằng Phương từ tuổi xanh cho đến lúc bạc đầu chỉ lo việc tề gia nội trợ, lo cho chồng, cho con và dành một ít cho thơ. Đến tuổi bảy mươi bác vẫn đạp xe đạp đi chợ, có khi chất bao gạo nặng sau xe đạp chở về nhà. Bác Phan vẫn giúp vợ làm những việc trong nhà. Hai bác rất mực yêu quý, tôn trọng nhau. Thật hiếm có cặp vợ chồng nghệ sĩ nào như hai bác vượt qua bao gian nan vất vả, sống đẹp từ tuổi trẻ đến lúc nhắm mắt xuôi tay như vậy. Hai bác còn có niềm tự hào là đấng sinh thành ra những người con thành đạt, hiếu thảo, yêu văn chương nghệ thuật. Đó là phó giáo sư - họa sĩ Vũ Giáng Hương, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - nghệ thuật Việt Nam; là giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học - kỹ thuật Việt Nam; là giáo sư Vũ Triệu Mân, cán bộ giảng dạy Trường Đại học Nông nghiệp I… Giáo sư Hoàng là một nhà khoa học nổi tiếng nhưng rất thích làm thơ, vẽ tranh và nặn tượng. Giáo sư Mân cũng có tác phẩm tượng và tranh. Nhớ về người cha nghiêm khắc và ân cần, hết lòng yêu thương con cái, giáo sư Hoàng xúc động: “Cha mẹ chúng tôi yêu con, nhưng cha tôi có phần nghiêm khắc với các con hơn. Cha bận công việc suốt ngày, cả đêm nữa, mà vẫn chú tâm theo dõi việc học của từng đứa con. Đến khi chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành cha mẹ cũng vẫn chú ý đến từng chi tiết, như luôn nhắc nhở tôi phải mặc áo len khi ra đường phố vào mùa đông, cài cúc áo cổ cho khỏi bị cảm lạnh, hay phải đội mũ khi trời nắng… Anh chị em chúng tôi, dù có qua bao nhiêu năm tháng, bao giờ cũng vẫn là những đứa con bé bỏng của cha mẹ” (Người cha của chúng tôi).
Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã qua đời cách đây 26 năm. Nhớ tới ông người ta nhớ tới một nhà văn trọn vẹn, viên mãn về cuộc đời, gia đình và văn chương. Đó là kết quả của một quá trình rèn luyện, phấn đấu về nhân cách và học thuật bền bỉ. Dù ông không chủ định phấn đấu thành một tấm gương nhưng ông thực sự đã trở thành một tấm gương cho những người viết văn lớp sau. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives