Văn sĩ với nhuận bút  

Posted by Unknown

THÂN NGUYỄN LUẬN
(6, thôn 3, Krông Bông, Đăk Lăk)

Từ trên xuống và từ phải qua: Đỗ Phủ - Lý Bạch - Bạch Cư Dị - Vương Hi Chi
Chiết tự, theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, NXB TP.HCM năm 2002 thì Nhuận có nghĩa là “làm cho ướt”. Về “lý lịch” của từ nhuận bút, cổ thư có chép rằng: “Có lần Tùy Văn Đế sai quan nội sử lệnh là Lý Đức Lâm lập tức thảo chiếu thư, phong tước và bổ nhiệm quan chức cho Trịnh Dịch. Thừa tướng Cao Đình đứng ở bên cạnh nói đùa với Trịnh Dịch: “Bút khô mất rồi, phải nhuận bút thôi”. Trịnh Dịch trả lời: “Tôi đã phải ra làm quan địa phương vừa được thánh chỉ là lập tức đánh ngựa trở về ngay, chẳng có một đồng chữ nào. Vậy lấy gì để nhuận bút cho các vị bây giờ?”. Vua Tùy Văn Đế bèn ra lệnh xuất ngân khố mua mực cho Lý Đức Lâm”.
Từ đó về sau người ta thường dùng hai chữ nhuận bút để chỉ tiền thù lao của người viết. Ngày nay ngoài chỉ thù lao viết lách, người ta còn dùng để chỉ số tiền thù lao cho việc soạn nhạc, kịch bản phim ảnh…
Nhuận bút được chi trả cho nhà văn cũng muôn hình vạn trạng, không hẳn được trả bằng tiền bạc mà bằng nhiều vật chất, quyền lợi khác. Đối với “thi tiên” Lý Bạch (701-762), ông chỉ cần vài chén rượu. Đối với Vương Hi Chi (303-361), ông chỉ cần bữa thịt ngỗng hầm nếu ai đó xin văn, xin chữ ông. Còn Tô Đông Pha (1037-1101) viết văn bia chỉ cần bữa thịt dê. Nổi danh như Đào Tiềm (365-427) viết văn tế, văn bia cũng chỉ cần người ta trồng cho luống rau trong vườn. Bạch Cư Dị (772-846) thì có vẻ tốt hơn khi được trả bằng bạc trắng, ngọc ngà, lụa là và cả… ngựa.
Có một câu chuyện khá thú vị về nhuận bút của Tư Mã Tương Như (179 -117 TCN) được lưu truyền như sau: “Hán Vũ Đế có ái phi mới, ruồng rẫy hoàng hậu, hoàng hậu nhờ Tương Như viết bài Trường Môn phú để thay lời hoàng hậu bày tỏ với Hán Vũ Đế. Bài phú có lời lẽ vô cùng thống thiết, ai oán khiến người đọc không khỏi mủi lòng. Nhờ thế mà Hán Vũ Đế lại thương yêu hoàng hậu như cũ. Hoàng hậu đã trả công cho Tư Mã Tương Như 100 cân vàng”. Theo hệ thống đo lường cổ của Trung Quốc lúc đó thì 1 cân bằng 16 lượng, 1 lượng bằng 50g, vậy 100 cân bằng 80kg. Có nghĩa Tư Mã Tương Như được trả nhuận bút tương đương khoảng 80 tỷ đồng Việt Nam ta bây giờ. Đó là số tài sản lớn, nhưng với thành quả lấy lòng nhà vua thì số nhuận bút ấy hoàn toàn xứng đáng.
Năm 1768, chúa Trịnh Sâm xuống lệnh tìm kiếm bộ sách: Thiên Nam dư hạ tập. Bộ sách này gồm 100 cuốn, nói về điều lệ, điển chương, chính sự triều Lê. Bộ sách bị tản mác khắp nơi. Ngô Thì Sĩ (1726-1780) là Hiến sát sứ Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa ngày nay), tìm được hơn 20 cuốn đem dâng, được triều đình thưởng cho 30 lạng bạc. Ông rất vui mừng vì số tiền ấy bằng mấy năm bổng lộc của ông.
Phan Huy Chú (1782-1840) soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí - bộ “Bách khoa toàn thư” đầu tiên ở nước ta mất 10 năm (1809-1819). Sách gồm 49 quyển, phân theo các chí: 1) Dư địa chí; 2) Nhân vật chí; 3) Quan chức chí; 4) Lễ nghi chí; 5) Khoa mục chí; 6) Quốc dụng chí; 7) Hình luật chí; 8) Binh chế chí; 9) Văn tịch chí; 10) Bang giao chí (đã được Viện Sử học dịch và xuất bản). Bộ Lịch triều hiến chương loại chí đã được vua Minh Mệnh thưởng 30 lạng bạc, 30 ngọn bút lông, 30 thoi mực, và một… chiếc áo sa.
Bộ Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726-1784) được soạn theo lệnh của triều đình. Tác giả đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức sưu tầm tư liệu rồi ghi chép, phân loại, đối chiếu, so sánh, và sắp xếp lại. Đây là một “Tuyển tập thơ” của 5 thế kỷ, gồm khoảng 3.000 bài thơ của trên 200 tác giả từ triều Lý đến đời Tương Dực đế (1495-1516). Sách làm xong năm Mậu Tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 (1768) đời Lê Hiển Tông. Khi dâng lên ngự lãm (để vua xem), ông được Lê Hiển Tông khen và thưởng cho 20 lạng bạc.
Tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (1827-1876) được viết vào năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860). Lúc đó Cát làm việc ở Quốc sử quán. Sách chép việc từ đời Hồng Bàng đến hết thời hậu Lê. Sau khi xem cuốn sách dài 1.887 câu này, Tự Đức khen thơ hay. Nhưng chỉ thưởng tượng trưng cho tác giả của nó có một vuông vải đũi với 2 đồng. Không hiểu ý đồ của Tự Đức nên Lê Ngô Cát xuất khẩu: “Vua khen thằng Cát có tài, Ban cho cái khố với hai đồng tiền”. Chuyện đến tai Tự Đức. Kết quả là Lê Ngô Cát “được” thêm 30 roi “nhuận bút” vào mông, vì tội làm hai câu thơ có ý “xược”. Tội nghiệp cho văn sĩ, vừa tốn chất xám, vừa phải ăn roi. Liên quan đến Tự Đức còn có chuyện ông đòi phạt Nguyễn Du (1765-1820) 30 roi vì câu thơ trong truyện Kiều: “Thì con người ấy ai cầu làm chi”. Số là Tự Đức có tên húy là Nguyễn Phúc Thì. Nếu ngắt câu: “Thì/ con người ấy/ ai cầu làm chi” thì sẽ hiểu theo nghĩa: “Một con người như Tự Đức thì chẳng ai cầu làm gì!”. Tự Đức khép Nguyễn Du tội phạm huý, phạm thượng! Có lẽ Tự Đức khôi hài thôi chứ Truyện Kiều được viết trước khi vua ra đời, làm sao biết húy vua mà tránh!?
Đời nhà Mạc (1527-1592), Nguyễn Hãng là người Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (Phú Thọ ngày nay) nổi tiếng là người hay chữ. Thường được Gia quốc công Vũ Văn Mật đưa thư mời đến đàm luận văn chương. Có lần, Gia quốc công mời Hãng cùng nhiều văn nhân khác sáng tác các bài phú quốc âm ca ngợi vẻ đẹp phong cảnh thành Đại Đồng. Bài phú của Nguyễn Hãng đoạt giải nhất, được thưởng 2.000 lạng bạc. Hãng vốn là bậc uyên nho, túc sĩ nhiều hoài bão nhưng chỉ được Văn Mật đối đãi như văn nhân nên nản chí, không ở lại phục vụ mà về ngao du với vườn tược, giữ được thanh tiết.
Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) cũng có lần được trả nhuận bút khá cao. Nhằm chuẩn bị cho số báo xuân Ất Dậu 1945, ông Tế Xuyên - chủ bút tờ “Dân báo” đã mời Nguyễn Bính viết một bài thơ. Báo sẽ đăng trang nhất nhằm thu hút độc giả. Ông chủ bút phải đặt cọc cho Nguyễn Bính những 80 đồng. Thời giá lúc đó, ăn cơm hạng sang một tháng mất khoảng 7 đồng. Bài thơ “Sao chẳng về đây?” của thi sĩ lần ấy được trả bằng cả năm ăn cơm sang trọng…
Trước năm 1945, NXB Tân Dân trả một đồng/ trang bản thảo của các tác giả như: Trương Tửu, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Ngọc Giao, Vũ Trọng Phụng. Thời ấy một đồng có giá trị ngang một tạ gạo. Dĩ nhiên, ở đây không đề cập tới chất lượng bản thảo có tương xứng với giá trị ấy hay không. Tính ra thì nhuận bút các tác giả ấy cũng có thể gọi là cao. Theo tôi, lúc đó NXB căn cứ vào danh tiếng và uy tín của các nhà văn để trả. Thật ra các tác giả ít tên tuổi hơn thì NXB này chi trả khá “bèo”. Lúc ấy chưa có văn bản nào quy định cụ thể về nhuận bút nên chi trả còn tùy tiện.
Năm 21 tuổi, Tô Hoài được Vũ Đình Long, ông chủ NXB Tân Dân mời lên nhận 5 đồng nhuận bút cho truyện Con dế mèn và đề nghị viết tiếp. Sau đó Tô Hoài còn nhận thêm 25 đồng nữa cho truyện Dế mèn phiêu lưu ký. Thời điểm ấy, 25 đồng có giá trị rất lớn đối với một văn sĩ trẻ như Tô Hoài. Có lẽ vui mừng với điều đó mà Tô Hoài theo nghiệp viết văn từ đó.
Năm 2006, nhà thơ xứ Thanh Hữu Loan (1916-2010) bất ngờ nhận được 100 triệu đồng tiền tác quyền cho bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim từ Công ty điện tử Vitek VTB. Đây được coi là một sự kiện làm xôn xao giới thi sĩ Việt Nam, vì chưa bao giờ có bài thơ nào hưởng nhuận bút cao thế. Nhưng theo tôi, Màu tím hoa sim hoàn toàn xứng đáng là “Bài thơ một trăm triệu”.
Viên Mai, nhà thơ Trung Hoa thế kỉ XVIII có câu:
Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
(Mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc,
Lập thân hèn nhất ấy văn chương)
Ấy là nói thế, chứ hiện nay thì không đến nỗi. Người ta bảo “nhà văn, nhà báo, nhà giáo là nhà nghèo”. Hiện nay, lương nhà giáo tương đối. Nhà báo sống được bằng lương và nhuận bút. Riêng nhà văn còn hơi vật vờ với nhuận bút. “Có thực mới vực được đạo”, không có kinh tế thì làm sao mà viết? Ai cũng thích cái mác “Nhà văn”, nhưng thật ra đó chỉ là “nghề tay trái” chứ không phải là nghề có thể nuôi sống họ và gia đình. Tôi thấy ngày nay đa phần các nhà văn đều có công việc khác để kiếm sống chứ không trông đợi nhiều vào nhuận bút. Sách bán chạy cỡ như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư mà còn phải làm việc khác để kiếm sống, huống hồ nhà văn có tác phẩm nằm ì trên giá của nhà sách. Nhiều NXB nghèo, có khi “quên” trả nhuận bút. Người ta bảo: “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, dù có trả nhuận bút ít đi chăng nữa, nhưng đối với nhà văn là một niềm an ủi tinh thần cực lớn. Nhiều cây bút trẻ, rất háo hức với nhuận bút. Tuy họ chưa có tiếng tăm, song nhuận bút như một “chất xúc tác” thiết thực khiến các bạn trẻ ham viết hơn.
Hiện nay, chưa có nhà văn nào dám vỗ ngực khoe sống khỏe nhờ nhuận bút. Tuy nhiên, tình hình ngày càng được cải thiện, các chế tài về nhuận bút bắt đầu chặt chẽ hơn. Chế độ nhuận bút được thực hiện theo Luật xuất bản năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013), và các luật khác có liên quan. Tuy không được nhuận bút “khủng” do sự ngẫu hứng, ưu ái của người sử dụng, nhưng cũng không đến nỗi tệ. Việc đánh giá đúng chất lượng tác phẩm và chi trả nhuận bút xứng đáng với trí tuệ, công sức của người viết sẽ góp phần cải thiện đời sống văn sĩ, cũng như khuyến khích những “thợ chữ” cống hiến nhiều hơn cho đơn vị xuất bản. Ngoài nhuận bút bình thường, văn sĩ trẻ có thể tham gia các cuộc thi viết do các báo tổ chức. Giải thưởng của các cuộc thi cũng tương đối. Đó là những cơ hội cho những sinh viên ngành Ngữ văn và báo chí có thể luyện tập và trải nghiệm.

Trong tương lai gần, không dám chắc là văn sĩ sống được bằng nhuận bút, nhưng với sự tiến bộ trong việc chi trả nhuận bút gần đây, hi vọng sẽ có những văn sĩ “đúng chất”, “đúng nghĩa”. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives