Tiếng Việt và tiếng Anh  

Posted by Unknown

NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH

Có lần, vừa bắt đầu nghỉ hè, một hôm hai vợ chồng đứa cháu họ đều là doanh nhân đến gõ cửa nhà tôi nhờ dạy giúp con trai học môn Văn. Cháu đang học lớp Năm ở một trường quốc tế, sắp bước vào trung học cơ sở mà viết tiếng Việt không đúng chính tả, nên cuối năm không đạt học sinh tiên tiến! Hỏi ra thì cháu viết theo kiểu tiếng Anh, không hề đánh dấu sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã, mặc dầu cháu mang tên đẹp Lê Dũng Việt. Tôi thật sự ngạc nhiên và chần chừ không muốn nhận dạy cháu, với lý do là đã từ lâu, tôi quen dạy đại học, chỉ thuyết giảng triền miên, không quen hướng dẫn lớp trẻ tiểu học.
Cháu Việt là con một trong gia đình buôn bán khá giả, nên bố mẹ cháu đã chuẩn bị cho du học nước ngoài. Bố cháu nói với tôi, ông không cần dạy chính tả và tập đọc, vì cháu không thích; vài năm nữa cháu sẽ du học ở Anh hoặc Mỹ thì chẳng cần các thứ đó! Ngược lại, mẹ cháu phản đối ngay trước mặt tôi: - Anh nói vậy là không đúng; muốn học gì thì học, nhưng ít nhất cũng phải viết được lá thư tiếng Việt, đọc thành thạo bài báo, bài thơ và trò chuyện với mọi người trôi chảy. Chả lẽ chỉ nói toàn tiếng Anh: “Tôi là con dê cụ”(con rể) thôi sao?
Vừa buồn cười, vừa thấy gay go quá, tôi chẳng biết góp ý ra sao. Vì nhà cháu Dũng Việt ở cách xa nhà tôi, nên hướng dẫn cho cháu đọc khá khó khăn; còn cháu nội tôi gần gũi hàng ngày thì khá giỏi tiếng Việt, có thể đọc thơ diễn cảm gần bằng cô gái MC dẫn chương trình trên đài truyền hình.
Thật ra cháu Việt không phải là trường hợp hiếm hoi, mà hiện nay nhiều gia đình mải mê muốn con đi Tây học, nên coi nhẹ, không chú ý việc trau giồi tiếng Việt. Đến trường thì cô giáo cho làm văn theo bài mẫu thuộc lòng. Chẳng phải đã xảy ra chuyện em học sinh lớp Ba viết bài tập làm văn miêu tả “Cô giáo em có mái tóc mượt mà như bộ lông mèo nhà em! Em rất yêu cô!”. Bởi lẽ trong cặp sách của em đã có sẵn hai bài văn mẫu tả cô giáo và tả con mèo. Lại có một cháu gái khác sắp thi vào lớp Mười - chuyên Văn đến nhà tôi nhờ dạy Văn, mang theo một túi nilông đựng tài liệu văn mẫu photocopy, nặng hơn một cân! Cô giáo dặn, khi vào thi, em cứ nhớ theo mẫu mà lắp ghép vào ắt sẽ đạt điểm chín, mười. Tôi ngỡ ngàng bảo cháu, thế là phản khoa học đấy cháu hiểu không?
- Nhưng thưa ông, cháu phải nghe theo lời cô giáo chứ ạ! - Cháu nói vậy!
Quả thật, hiện nay không ít cô giáo chạy theo bài mẫu ở các sách mẫu được bán nhan nhản trên các hiệu sách. Cô giáo sợ các học trò của mình thua kém bạn sẽ mất thành tích, cuối năm mất điểm thi đua! Thật nan giải! Có một thực tế phổ biến là môn Văn và tiếng Việt không thể học cấp tập như môn Toán hay tiếng Anh. Kết quả trông thấy là có không ít người tuy giữ chức to, mà đọc tiếng Việt không chuẩn, nhất là những từ Hán Việt gồm nhiều từ tố như dân chủ hóa cơ sở địa phương, bêtông hóa giao thông nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp, hợp lý hóa cơ cấu tổ chức hành chính… Xin cứ nghe họ đọc và nói trên đài truyền hình thì khắc rõ. Tôi nhớ cách đây ba năm, đúng vào đêm phát giải thưởng báo chí thi viết về ngàn năm Thăng Long (2010), một vị đại diện đọc diễn văn tổng kết dài dằng dặc, mà ngắc ngứ đến buồn cười! Sáng hôm sau, tôi đi tập thể dục bên hồ Gươm, có người bảo tôi, vì ông ấy cao tuổi nên đọc lẩm cẩm; một bạn nhà báo khác lại nói, vì ánh đèn điện tù mù, diễn văn do người khác viết, nên ông ta đọc không trôi chảy là chuyện bình thường! Riêng tôi nghĩ rằng, điểm cơ bản là ông ấy không thạo tiếng Việt, có lẽ không tập đọc bao giờ!
Sự thật là vậy, không chỉ mình ông ấy đâu, khối người hiện nay đọc tiếng Việt không trôi chảy, chưa nói đến tiếng Anh. Câu chuyện tiếng Anh và tiếng Việt bên trọng - bên khinh, nhân - quả là vậy đó, chắc các bạn rõ rồi.
Thế làm sao bây giờ? Đây là bài toán không dễ giải quyết, mà trách nhiệm thuộc toàn bộ hệ thống giáo dục nhà trường, gắn liền với vai trò đúng đắn của các gia đình, đặc biệt là vai trò của đội ngũ thầy cô giáo tiểu học và phổ thông cơ sở; còn mỗi người tất nhiên đều phải tập đọc suốt đời…
Buồn cười nhất là ở khu phố gần nhà tôi, thuộc phía ngoại ô đậm nét nhà quê, một cửa hàng mới mở khá đẹp đẽ, đàng hoàng. Chỉ có điều là các bảng quảng cáo dán khắp nơi đều bằng tiếng Anh. Cửa hàng được viết tắt tiếng Anh, các món đều ghi tiếng Anh khá công phu. Nhiều người đi qua hỏi nhau không hiểu là buôn bán gì. Chẳng ai trả lời được. Quá nửa tháng mà chẳng thấy khách khứa nào lai vãng! Có lẽ chủ quán đã ngộ ra là phải ghi tiếng Việt. Các biển hiệu được thay đổi. Hóa ra là cửa hàng thịt nướng kiểu Tây! Một quán cà phê khác mọc lên vào dịp Tết Quý Tỵ cũng ghi toàn tiếng Anh, mặc dù năm thì mười họa dãy phố này may ra có vài ông Tây balô đi qua! Thế rồi quán ấy cũng đành đóng cửa, nhường bước cho mấy quán cà phê Trung Nguyên nhộn nhịp. Hóa ra không phải ở đâu tiếng Anh cũng thắng! Một hôm tôi ngồi mâm cỗ cưới cùng nhóm thanh niên, có anh hỏi tôi, tại sao giải Cống hiến ca hát của ta, mà Tây cũng được giảỉ? Tôi ngớ ra không hiểu, may mà kịp nhớ lại, đấy là nhóm nhạc Việt mang tên tiếng Anh In the Spotlight được giải.Thật kỳ lạ! Đều là chuyện thường ngày ở huyện! Chẳng hiểu nên vui hay nên buồn, xin kính mời các vị cùng đàm luận…

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives