Những đứa trẻ trong đêm  

Posted by Unknown

ANH THƯ
(Phòng Văn nghệ - Đài TNVN, Hà Nội)

Nhiều năm đã trôi qua nhưng kí ức của tôi về đêm Noel năm ấy vẫn vẹn nguyên. Trong dòng kí ức không có tiếng chuông nhà thơ rền rĩ, không có lời hát thánh ca sang trọng. Dòng kí ức chảy trong mưa phùn và giá lạnh, loang loáng nhịp chân đổ về phía nhà thờ lớn. Nhịp chân vội vã bước qua những đứa trẻ nằm tơ hơ giữa lối đi ven hồ Gươm mờ ảo, thơ mộng.
Những đứa trẻ chỉ mới vài tháng tuổi, quấn mình tạm bợ trong tấm vải bẩn thỉu. Chúng chưa biết đi chưa biết nói, chưa biết phản kháng và chẳng biết cười. Chúng chỉ biết khóc oe oe trong đêm lạnh, khi trời về khuya đầy sương, đầy gió, và mưa phùn, giá rét. Người vô tình lãnh đạm bước qua. Người thương xót bỏ vào chiếc mũ đặt cạnh đứa trẻ vài đồng bạc lẻ.
Trái tim 18 tuổi của tôi quặn đau. Nỗi đau bất lực. Những đứa trẻ sao lại bị bỏ rơi thế này? Ai quấn chúng trong tấm vải bẩn thỉu, nhẫn tâm bày chúng ra giữa lối đi thế này, trong mưa đêm lạnh buốt?
Hơn cả bị bỏ rơi. Đó là những đứa trẻ bị đánh cắp, bị lợi dụng, bị làm nhục, bị biến thành nô lệ, thành phương tiện kiếm tiền của một số kẻ lưu manh nào đó.
Độc ác. Một kiểu kiếm tiềm độc ác.
Đêm Noel, hồ Hoàn Kiếm rực sáng, bao ngả đường rực sáng. Núp đằng sau bóng tối gốc cây ven hồ là các bậc cha mẹ thật và cha mẹ giả, những con người khốn nạn, những kẻ vô nhân tính hoan hỉ quan sát từng đồng bạc lẻ trút vào chiếc mũ bẩn thỉu để cạnh đứa trẻ đang khóc ngằn ngằn vì đói, vì rét, vì sợ hãi...
Dòng người vô tình vẫn cuồn cuộn lướt qua, hướng về quầng sáng sang trọng phía nhà thờ lớn. Nơi ấy, Đức Chúa hài đồng sắp ra đời trong máng cỏ. Nơi ấy, Đức Mẹ Maria hiền từ mở rộng vòng tay đón đứa con với tình mẫu tử thiêng liêng. Đức Mẹ và Đức Chúa có biết đến những sinh linh đang đau khổ ngoài kia?
...
Nhiều năm sau, cảnh tượng ngỡ đã quên lại trở về đau nhói, trong một lần tôi nắm tay con gái nhỏ hòa vào dòng người đi chợ đêm phố cổ. Lại những đứa trẻ nằm tơ hơ trên hè phố, trong ánh đèn vàng vọt lạnh ngắt. Người đi đường không chú ý có thể giẫm vào chúng. Các bậc cha mẹ thật cha mẹ giả không thèm giấu mặt sau những gốc cây, những bức tường. Họ vô tư chường mặt giữa phố. Họ hồn nhiên vuốt phẳng tờ bạc lẻ cất đi.
Đã có một thời như thế đấy. Cái thời chưa xa đâu, khi bao kẻ thản nhiên mua bán, lợi dụng, xâm hại trẻ em, biến chúng thành phương tiện kiếm tiền phi pháp vô nhân của một số người lớn, những con-người muốn có cái ăn nhưng không muốn bỏ sức lực để lao động đàng hoàng. Họ tàn nhẫn hành hạ những đứa trẻ, phơi chúng ra ngoài sương ngoài nắng cốt để nhử lòng thương hại của người đời.
Bây giờ, trên các ngả đường hè phố Hà Nội tôi không còn thấy cái cảnh tượng vô lý và đau xót ấy. Nhưng buồn thay lại có những biến tướng uyển chuyển, nhịp nhàng.
Thỉnh thoảng ngồi uống cà phê, uống nước trà ở bất cứ vỉa hè con phố nào, không khó để bắt gặp cảnh một phụ nữ còn trẻ, dáng vẻ sạch sẽ thân thiện, bồng bế một đứa bé trên tay, còn tay kia cầm chiếc rổ nhựa đựng vài phong kẹo cao su, vài gói tăm... bình thản chìa trước mặt hết người này người khác. Người mua thì ít, kẻ lắc thì nhiều. Người mua, không phải cần vài cái kẹo cao su hay gói tăm đã ẩm mốc. Mua, đơn giản vì thương đứa bé trên tay “người mẹ” kia. Nó đang phải rong ruổi cùng “mẹ” suốt cả ngày, bất kể mưa hay nắng, nóng bức hay giá rét. Cô bạn thân đã từng nhắc tôi, rằng đừng lãng phí cho những người đó. Không phải cô tiếc vài nghìn bạc. Đơn giản vì theo như cô phân tích, hành động của tôi là dung dưỡng cho thói quen ích kỉ, sự tàn nhẫn và lười nhác của những người có thể gọi là “mẹ” của đứa trẻ ấy. Nếu họ cần một việc làm, cần một thu nhập ổn định để nuôi con mình thì dù ở quê nông nhàn, họ vẫn có thể tìm được một việc phù hợp như trông trẻ, chăm nom người già người ốm hay giúp việc nhà - những công việc mà người thành phố đang có nhu cầu rất nhiều và giá công chẳng hề rẻ, chứ không phải cầu bơ cầu bất, tha lê “con” khắp mọi nẻo như mèo tha chuột, nhận từng đồng bạc lẻ trong sự thương hại và khinh miệt của người đời.
Có lẽ cô bạn đúng. Đúng là tôi đang dung dưỡng cho những thói quen ích kỉ tệ hại. Đúng là tôi đã đặt chút tình thương hại không đúng chỗ, không đúng cách. Nhưng sao tôi đau đến thế khi nhìn ánh mắt đứa trẻ ngây thơ và mệt mỏi. Chúng còn quá nhỏ để hiểu về thân phận mình. Và nếu hiểu được, chắc chúng sẽ không còn sức để mà lớn lên. Chúng sẽ cứ như vậy, cằn cỗi đi vào cõi tịch diệt. Chẳng biết ngày chúng có được ăn một bữa no. Chẳng biết tối chúng có một chỗ ấm để nằm. Và khi ốm sốt, chúng có phải rong ruổi cùng “mẹ” trên những con phố những ngả đường dài đằng đẵng, chúng có bị một cái tát sưng mông khi ngày hôm ấy “mẹ” chúng không “bán” nổi vài phong kẹo cao su, không đủ tiền mua suất cơm bụi vỉa hè...
Những đứa trẻ tội nghiệp! Sao tôi chỉ có lòng thương vay mà không đủ can đảm để làm một điều gì khác? Các em đâu cần sự thương hại rẻ tiền ấy. Các em cần một nơi chốn bình yên!
Trái tim tôi nhỏ hẹp. Lòng tôi đầy ích kỉ. Lời thương vay có ích gì? 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives