Đọc tập thơ “Trần gian suy nghĩ sự đời” của nhà giáo Nguyễn Hồng Tuấn  

Posted by Unknown

Nhà thơ LÊ HUY MẬU
(Chủ tịch Hội VHNT tỉnh BR-VT)

Cầm lên tập bản thảo mỏng manh chỉ có vỏn vẹn 40 bài thơ, lại toàn những bài thơ ngắn, những tưởng chỉ trong một buổi, một ngày là mình có thể đọc và viết xong vài lời giới thiệu như đề nghị của tác giả. Nhưng tôi đã chần chừ rất lâu, phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới viết được, bởi phía sau những câu thơ chân thành và có vẻ mộc mạc ấy là tấm chân tình sâu nặng, là sự chiêm nghiệm sâu sắc từ những vui, buồn, được, mất của cả một đời người của tác giả - anh Nguyễn Hồng Tuấn.
Tôi nghĩ, khi đọc tập thơ này, có nhiều người, chắc cũng sẽ lăn tăn suy nghĩ về cái tiêu đề của tập thơ: “Trần gian suy nghĩ việc đời”! - nghe nó nặng về lý và có vẻ to tát quá! Nhưng rồi khi bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi thấy có lẽ cái tiêu đề này nó thích hợp với nội dung của tập thơ hơn cả!
Như đầu đề tập thơ đã nói ở trên, tác giả công khai ý định thật mà mình muốn ký thác trong tập lưu bút mỏng mảnh của mình nhằm gửi tới người thân, con cháu, bè bạn rằng, đây như là một tâm sự, một tổng kết được rút ra từ chính sự trải nghiệm trong suốt cuộc đời của tác giả.
Đọc tập thơ ta dễ nhận thấy các bài thơ trong tập đều được viết trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây. Ba bài thơ “Mẹ bệnh”, “Ba vẫn sống”, “Một nửa của tôi”, là những bài thơ nói về tình cảm riêng của tác giả. Khi Mẹ bệnh nặng, anh lo lắng và anh ước: “Giảm thọ vài ba tuổi/ Để Mẹ được an lành/ Các con không từ chối”. Hay khi Ba đã nằm cô độc trong chiếc quan tài, trong tiếng nhạc lễ não nùng, anh nghĩ: “Qua mọi người, qua các cháu con/ Con thấy Ba vẫn sống”… Còn với “một nửa của mình”, yêu thương lắm, nhưng anh chỉ nói giản dị: “Dù cho cuộc sống hành trình vào đông/ Tôi luôn quý trọng nửa tôi vô cùng”. Công bằng mà nói, thơ Nguyễn Hồng Tuấn chuộng cái thật, cái chân tình, cho nên anh không dụng công trong việc lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt. Và tôi nghĩ, đó cũng là một hình thức khác của thơ chứ không phải không thơ…
Phần chính, phần quan trọng nhất trong tập thơ của anh Nguyễn Hồng Tuấn là những bài thơ anh chiêm nghiệm, suy nghĩ, về cuộc sống, về lẽ đời. Vốn là một nhà giáo có nhiều năm dạy học, anh vừa có cái mô phạm của nhà giáo, lại vừa có cái phong thái an nhiên, tự tại của một người thông hiểu về đạo Lão, đạo Khổng:
Tôi ngước nhìn trăng
Trăng sáng lung linh
Tôi ngắm sao nhìn sao
Sao khuya lấp lánh
Tôi nhìn lại mình
Lòng thấy bình yên!
(Tâm yên)
Phảng phất đây đó trong tập thơ này ta nghe như tác giả đã lộ rõ một tiếng thở dài nhè nhẹ. Không ủy mị, không buồn, không chán nản, nhưng những cảm thức thời gian thì luôn thường trực trong suy nghĩ của anh:
Đã gần bảy mươi rồi.
Dù thường xuyên đi bộ,
Dù ăn uống điều độ,
Vẫn từng phút từng giờ,
Suốt cả ngày lẫn đêm,
Lắng nghe, lắng nghe…
Cơ thể mình lên tiếng.
(Lắng nghe)


Có bài thơ tôi nghĩ là anh cốt viết cho mình, an ủi chính mình mà sao ta vẫn nghe như một lời nhắn gửi:
Khi sinh ra hai bàn tay trắng
Không có gì ngoài tiếng khóc đầu tiên…
Lúc chết đi cũng hai bàn tay trắng
Không còn gì ngoài tiếng khóc người thân. (Người)
Tôi đã có dịp giới thiệu thơ anh trên tạp chí Văn Nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Thơ anh nặng nề triết lý, suy ngẫm, không nhiều chất thơ, nhưng thường là thể hiện quan điểm sống, sống đẹp, sống hữu ích, thiết thực và an nhiên tự tại… Tuy nhiên, tôi vẫn thích những bài viết ngắn của anh về bài học làm người được rút ra từ những điển tích cổ. Không ít lần anh tạo được ấn tượng cho người đọc một cách bất ngờ và thú vị từ một điển tích nào đó.
Tôi đã và sẽ tiếp tục đồng cảm cùng những suy nghĩ về sự đời của anh. Con người ta dù không muốn thì vẫn không tránh khỏi cái sự già, sự bệnh và cái chết. Tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ với anh về một thái độ sống tích cực, sẵn sàng và thanh thản nhìn thấy trước kết cục tất yếu của đời người:
Thịt xương chôn dưới đất,
Linh hồn theo gió bay,
Cuộc sống thôi đã mất!
Lợi danh giờ trắng tay.
Tiễn nhau giây phút này,
Ngậm ngùi kỷ niệm xưa…
(Tiễn nhau lần cuối)
Xưa nay, kẻ sĩ trong thiên hạ đều xem cái chết nhẹ nhẹ tựa lông hồng. Có lẽ, kẻ sĩ là những người đốn ngộ quy luật “sắc - không” của đạo Phật chăng?
Khổ khổ lo lo suốt kiếp người
Yêu yêu ghét ghét cứ đầy vơi
Danh danh lợi lợi thêm nhàm chán
Sắc sắc không không ấy cuộc đời.
(Sắc không)
Rồi năm tháng sẽ qua đi, đời sống rồi sẽ còn nhiều đổi thay, biến cải, nhưng cái vòng tròn sắc - không ấy sẽ còn mãi, còn mãi…

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives