Truyện ngắn  

Posted by Unknown

Mùa gòn tách vỏ
NGÔ KHẮC TÀI


Những buổi chiều nắng vàng nhạt đồng tứ giác buồn hiu hắt gió bắt đầu thổi rì rào. Buổi chiều bọn trẻ con thường kéo nhau ra bờ kinh tắm lội tắm trễ rất lạnh nhưng hôm ấy cả bọn nấn ná coi thằng Thanh diễn cái trò vừa mới diễn ra. Thanh lấy cái roi tre chăn bò của thằng Hải, một đứa không được may mắn như chúng tôi, chỉ học hết lớp Hai rồi nghỉ ở nhà đi chăn bò cho gia đình con nhỏ Thủy, giàu số một trên cánh đồng này. Phía núi Ba Thê mặt trời sáng rực lên những tia sáng cuối cùng. Tôi toan ra về, đột ngột thằng Thanh hai tay nâng cây roi lên đầu quỳ xuống trước mặt tôi.
- Mày làm cái trò gì vậy ? - Tôi không hiểu, ngơ ngác nhìn nó, trông vẻ mặt nghiêm trang và cũng rất là hề.
- Cha ơi, con thấy cha đã già, tay bắt đầu run không cầm roi được, mà đánh con, con chạy, cha cũng không rượt theo được. Con thương cha quá, bây giờ con quỳ xuống đây xin cha đánh con đi…
Cả bọn cười bò lăn ra sân, riêng tôi vì tính chậm chạp nên thằng Tuất nhảy xổ tới giật lấy cây roi, “Để tao làm cha nó cho” rồi quất trót trót vô mông thằng Thanh.
- Đồ độc ác, “oánh” con gì mạnh dữ vậy? - Thằng Thanh bỗng đổ quạu giật lại cây roi để đánh Tuất, hai đứa rượt nhau quanh gò mả lạn.
Hai năm sau ngày giải phóng, chúng tôi là học sinh lớp Bốn. Suốt buổi chiều chúng tôi rủ nhau ra đây cỡi bò, rồi nói lén về các thầy cô giáo của mình: Ông thầy này hút thuốc như ống khói tàu, bỏ tàn thuốc đầy dưới đất; cô giáo kia chắc bị chồng đánh, vô lớp với đôi mắt đỏ hoe hoe. Đứa nào cũng lấy làm ngạc nhiên về thầy Quới của chúng tôi, một giáo viên dạy học ở vùng Tứ giác Long Xuyên suốt 20 năm, biết bao nhiêu người đã đi qua lớp thầy, nổi tiếng rất dữ đòn, không thuộc bài là cho bốn roi vô đít thật đau, tập vở dơ cũng bị phạt. Nghe chú bác kể lại, nghe đàn anh kể lại, đứa nào cũng sợ co đầu rút cổ. Nhưng khi tôi lên lớp Bốn thì thấy thầy Quới chỉ là một ông thầy già đeo mắt kiếng, mái tóc điểm bạc, hiền lành. Thầy chỉ nhéo nhẹ vô lỗ tai là cùng, không thấy cây roi bao giờ. So sánh thầy Quới với những giáo viên trẻ mới ra trường thì thầy trông già, chậm chạp làm sao, bọn tiểu yêu không còn ngán oai của thầy. Hơn nữa, những mẩu chuyện của thầy kể cho học trò nghe không còn thích hợp với thời đại ngày nay. Cái trò của thằng Thanh vừa rồi chính là chuyện của thầy Quới kể trong lớp, thằng Thanh nó nhớ đem ra làm trò cười. Chúng tôi quá hồn nhiên trong lứa tuổi của mình, để rồi mười mấy năm sau một trong những kỷ niệm thời thơ ấu về ngôi trường cũ, thì hình ảnh của ông thầy giáo già lại hiện rõ hơn bao giờ.
Hàng gòn bao quanh trường vẫn còn nguyên chỗ cũ, riêng trường học đã được lợp ngói đỏ khang trang hơn xưa. Tốp học sinh hiện đại cũng ăn mặc đẹp hơn trước, đang chạy giỡn dưới bóng mát của hàng gòn. Lũ trẻ đang sống thời hiện đại chưa có bao nhiêu cái gọi là ký ức. Nhưng với tôi mỗi lần đi ngang qua trường cũ, trong lòng luôn luôn sống dậy hình ảnh thời niên thiếu, ngôi trường của tôi được ba mươi sáu tuổi rồi còn gì, cũng đủ trở thành cổ tích. Với lớp cha chú thì ngôi trường chỉ có một lớp học bằng tre lá, dân làng góp tiền lại nuôi một ông thầy giáo phương xa, tuy không có cái gọi là học phí như ngày nay, ông giáo vẫn sống do phụ huynh đùm bọc, mỗi kỳ rằm, lúc Tết nhất, thầy có đủ trà lá bánh trái. Với lớp đàn anh chúng tôi, ngôi trường đã có ba lớp học bằng lá với ba giáo viên. Sau đó, hai người giáo viên kia không chịu được cảnh buồn tẻ của vùng Tứ giác, chiều xuống muỗi mòng, tiếng nhóc nhen kêu rền heo hút, nửa năm đồng nước nổi lênh đênh như biển, nên vội bỏ nhiệm sở. Một mình thầy giáo Quới ở lại nhận nơi đây làm quê hương, coi như thầy là người thứ hai mở đường cho tới ngày nay. Đặc điểm của trường học là không trồng cây vĩ phượng mà có hàng gòn xanh mướt bốn mùa. Tháng mười gòn ra bông chi chít màu vàng nhạt, sau đó trái ra dài treo lủng lẳng cho tới tháng tư khô tách vỏ cho những tản bông trắng nõn nà. Vùng Tứ giác mỗi năm có sáu tháng nước nổi, ít loại cây nào sống được, trừ tre, gáo, gòn. Gòn rất dễ trồng, chặt mấy nhánh xuống cặm làm hàng rào, vài năm sau gốc đã to bằng bắp chân, bóng mát xòe ra che rợp một vùng. Và nó trở thành loại cây có giá trị kinh tế, với lá để bán cho người xay bột làm nhang, trái khô bán cho người lấy bông làm đệm gối.
Trong các miếng vườn tạp rậm rạp tre pheo của xứ đồng hiếm có loại cây trái ngoài chuối, nhưng chuối đâu phải lúc nào cũng có ăn, do đó nên gòn trở thành bạn của lũ nhóc con. Chúng tôi thường bẻ trái gòn non bên trong đầy những hột màu trắng, ăn ngọt, mùa gòn tách vỏ, tốp học trò hay ngắt bông gòn đem thả từng mảnh nhỏ như tơ nhện trước gió bay đầy sân trường. Đám học trò làm ồn ào, nhưng trên hàng gòn đám chim sẻ như đã quen, chúng vô tư nhảy nhót, chuyền cành kêu ríu rít. Nhiều khi tất cả các lớp im lặng viết bài, tiếng chim vang lên khiến tôi có cảm giác chúng cũng tới đây để học và đang học bài. Thầy Quới cấm học trò chọc phá lũ chim. Thật ra cũng không tàinào chọc phá được chúng vì hàng gòn có gốc thật to, chẳng đứa nào trèo lên được. Mỗi năm hàng gòn vẫn còn đó cho lá làm nhang, mỗi năm cho một mùa bông trắng và cũng từng chứng kiến những thế hệ con em xứ đồng lớn lên. Hàng gòn ở ngôi trường cũ đã già lắm, không ai còn nhớ nó được trồng từ lúc nào, nhưng kỷ niệm của đám học sinh dưới tán gòn luôn luôn sống lại. Thỉnh thoảng tôi gặp lại một thằng bạn cũ. Có đứa đã thành công trên đường đời, có đứa lận đận do việc vợ con, cơm áo. Gặp nhau nhắc chuyện cũ, nhắc về người thầy giáo già, suốt một đời tận tụy với phấn trắng bảng đen, với những năm dạy sau cùng.
Chắc là các em học sinh hiện nay cũng vô tình hồn nhiên như tôi thuở trước. Trong những giờ ra chơi chạy miết tới chú bán nước đá ngoài cổng trường, mua một vắt nước đá bào rồi tụ tập nhau dưới gốc gòn, vừa trò chuyện râm ran. Cô giáo tao đẹp, cô của mày xấu. Thầy tao trẻ, thầy mày già lẩm cẩm. Hai bên cãi lộn với nhau một lúc, một bên cãi không được, đâm ra tự ái với những bằng chứng ràng ràng ra đó. Do con mắt kém, thầy Quới phải đứng sát vô bảng để viết, phấn bay trắng dính vô quần của thầy, trông thầy rất luộm thuộm. Lớp Bốn của tôi hay ra chơi trễ hơn các lớp khác, vì thầy dạy xong như sợ chúng tôi quên, cứ bắt đọc đi đọc lại. Có lúc thầy kêu thằng Thanh nhắc lại, Thanh giả bộ la lên “em đọc rồi”, thầy vơ tay chỉ qua đứa khác. Vì sợ thằng Thanh nên chúng nó ngó nhau cười khúc khích, không dám méc với thầy. Lớp Bốn do ông thầy già phụ trách có thêm vinh hạnh đặc biệt là được học những bài học thuộc lòng ngoại khóa không có trong bất kỳ quyển sách giáo khoa nào, do thầy nhớ ở đâu đó hay là đặc tùng bụng không chừng. Thí dụ như chúng tôi đánh lộn, lập tức thầy dạy cho một bài đánh lộn “bớ lũ gà mi dại lắm thay - nỡ nào bôi mặt để người coi…”. Học trò vùng sâu đa số đi học trễ, đứa nhỏ nhất lớp Bốn cũng được 13 tuổi. Một số đứa đi học về còn phải đi cắt cỏ cho bò ăn phụ tiếp gia đình, gặp mưa lạnh nó lén lút tập hút thuốc cho ấm rồi tập cho các đứa khác. Có lần thằng Thanh đang hút thuốc bị thầy bắt gặp.
- Thầy cũng hút vậy! - Thằng Thanh cười nhe hàm răng không bao giờ đánh, vàng khè ra trêu tức.
- Tổ cha mầy! - Thầy Quới giận dữ - Như tao với cha mầy ghiền bỏ không được, mầy còn nhỏ tập hút sách làm chi?
Ngôn ngữ của ông thầy già mộc mạc như nói với con cháu trong nhà. Thầy giở sách ra tiếp tục bài học. Tưởng như thầy nói xong là quên, nhưng hai ngày sau thầy cho lớp chép:
Thằng nhỏ hút thuốc
Điếu thuốc đầu tiên lúc cha đi khỏi
Chú nhỏ kia chụp gói thuốc liền
Co chân chạy tuốt vô vườn
Tìm nơi bóng mát gốc cây dựa ngồi
Miệng ngậm thuốc mà lòng hớn hở
Hít vài hơi thở khói phun mây
Chú ta suy nghĩ bầy hầy
Cha mình sợ tốn nên dưng cấm mình
Quăng điếu thuốc nằm dài dưới đất
Hai tay ôm lấy mặt kêu say
Một lần cho phải ớn kinh
Cha ơi con trẻ từ nay xin chừa
Cái bài học thuộc lòng ngoại khóa không có trong sách giáo khoa mà lạ lùng làm sao, 20 năm sau bạn bè cùng lớp đứa nào cũng nhớ. Nhớ, nhưng mấy đứa tôi biết tìm đâu? Chúng tôi cũng không biết rằng sau đó, ban giám hiệu mới đã không cho phép thầy dạy ra ngoài chương trình, kiểu như dạy là vi phạm quy chế giáo dục. Riêng việc thầy Quới không đánh chúng tôi một roi nào cũng là phương pháp giáo dục mới chúng tôi hoàn toàn không hiểu người lớn. Một lần ông anh thứ Ba thấy tôi nghịch ngợm quá mức nên anh than phiền:
- Học trò bây giờ như tụi bây là quỷ ma, gặp thầy cũng không chào, chẳng giống tụi tao chút nào.
- Giống sao được, gặp thầy giáo mà không chào là anh bị năm cây roi vô đít; đi học trễ bị năm cây vô đít…
- Bởi vậy tụi bây mới lừng.
Anh nói có phần đúng. Sau này khi lên cấp hai, gặp thầy cô nào tỏ ra dễ dãi, bọn học trò như lờn mặt. Gặp thầy mặt mũi đăm đăm là đứa nào cũng ké né, chúng tôi chẳng sửa được, chớ không phải học trò lúc nào cũng lừng hết. Nhưng hình dung thầy Quới khi dạy cho đàn anh tôi, một mình thầy phải dạy ba lớp học vô cùng vất vả, không dùng tới biện pháp mạnh không xong, so với ngày nay người giáo viên còn có hệ thống Đoàn, Đội hỗ trợ.
Trở lại buổi chiều vàng của hôm ấy, tôi biết là đã có đứa nào đi méc chuyện thằng Thanh ngoài gò mả lạn. Hôm sau, sau khi ra chơi, trước khi học bài mới, thầy rè rè kể cho chúng tôi nghe thêm chuyện một ông tên Lai bên Tàu, đã 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống, để cho cha mẹ vui lòng, ông quẹt lọ nghẹ làm hề hát cho cha mẹ coi. Chuyện về thầy Tử Lộ đội gạo đường xa về nuôi mẹ. Lần đầu tiên tôi được biết sự tích 24 ông hiếu ở bên Tàu và nhiều sự tích khác rất hay, tiếc thay chúng tôi không để ý những cố gắng cuối cùng của thầy. Quả nhiên ai nói nhiều quá chúng tôi chẳng sợ chút nào, còn ngán là ngán cây roi. Nhất là với thằng Thanh.
Thanh thông minh, có thể học khá hơn nhưng chẳng bao giờ thấy Thanh cố gắng nên học lực trung bình, ham chơi hơn ham học. Đám con gái khổ với thằng Thanh vì cái trò khỉ khọt của nó. Đứa nào lơ mơ không để ý coi chừng cặp xách, khi mở ra thì thấy con rắn nước, rắn mối trong cặp la lên oai oái. Dù không thấy nhưng ai cũng biết ngay thủ phạm là thằng Thanh. Ai có thấy nó làm việc gì đi nữa cũng phải làm thinh chớ vội méc với thầy Quới, sẽ bị nó trả thù. Lớp Bốn của tôi coi như thằng Thanh là đầu đảng, nhiều lúc lớp học ồn ào không ổn định được, chúng tôi tỏ ra không sợ thầy giáo già. Nhưng cả lớp hoàn toàn bất ngờ với một ngày đi vào kỷ niệm.
Trong lớp không có đứa nào biết chuyện thầy tôi âm thầm đi tới nhà thằng Thanh để bàn bạc với chú Tư Ngà, ba của nó về học lực, về hạnh kiểm của nó.
- Thầy ơi, tôi cũng không dạy được nó! - Chú Tư thú nhận - Nó chỉ sợ có cây roi. Buông roi là chứng nào tật nấy.
- Bây giờ giáo dục không cho phép được dùng roi vọt nữa. Nhưng chú cho phép để tôi trị nó…
- Thầy trị nó được tôi cám ơn, không dám nói gì thầy đâu. Thầy có thương mới dạy - Chú Tư thật thà, ông giáo già trước khi ra về dặn nhỏ:
- Để tôi, đừng có nói cho thằng Thanh biết.
Chúng tôi hoàn toàn không biết việc nói chuyện bí mật của người lớn. Thằng Thanh tiếp tục hí hửng. Hôm ấy chúng tôi quá ngạc nhiên. Chuyện thằng Thanh trốn học là chuyện coi như bình thường, bỗng dưng thầy Quới kêu nó lên bảng úp mặt vô vách. Thầy Quới đứng giữa lớp học nghiêm nghị nhìn chúng tôi, từ tốn kể hết tội trạng của Thanh ra, bất ngờ thầy cầm cây thước bảng dùng để kẻ hàng quất thẳng tay vô đít nó bốp bốp đúng năm thước thật đau. Thằng Thanh vì quá bất ngờ nên hết hồn vía, mất đi phong độ của tên đầu đảng, năn nỉ thầy rối rít. Chúng tôi hoảng sợ ngồi im thin thít. Từ đó, chúng tôi có phần ngoan ngoãn hơn trước, vì không biết ông thầy già sẽ ra tay lúc nào. Nhưng chúng tôi đã ngoan rồi, thầy Quới cần gì tới cây thước bảng. Có lẽ đây là lần cuối cùng thầy phải dùng tới biện pháp mạnh.
Sau này, gặp lại thằng Thanh ở xí nghiệp đông lạnh dưới Cần Thơ, hai đứa kéo vào quán nhớ lại kỷ niệm thơ ấu, nhớ lại bài “Thằng nhỏ hút thuốc” của thầy Quới ngày xưa. Thằng Thanh báo tin cho tôi hay là nó có về quê thăm thầy Quới, hiện thầy về hưu ở nhà làm lụm cụm se nhang. Nhưng tôi được dịp về quê thì biết thầy theo gia đình đứa con Út về Hà Tiên. Trẻ con ngày nay quá đông. Tôi đứng lại nhìn ngôi trường cũ, nhìn bọn trẻ nô đùa mà không nhận ra đứa nào là con của ai. Một em tò mò hỏi: “Chú muốn tìm ai?”. Tôi chỉ cho em bé trái gòn treo lủng lẳng như nói riêng mình từ làn sóng kỷ niệm dòng kênh quê xa dần bờ ký ức: “Lại một mùa gòn nữa sắp tách vỏ!”. Em bé tỏ vẻ không hiểu, hỏi lại: “Chú muốn mua gòn à?”.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives