Xem lại kịch Lưu Quang Vũ  

Posted by Unknown

ĐAM THY - NGỌC HUYỀN

Cảnh trong vở Mùa hạ cuối cùng
Khán giả kịch TP. Hồ Chí Minh được xem lại những vở kịch nổi tiếng một thời của nhà thơ - nhà biên kịch Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông (1988- 2013) và 35 năm ngày thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ, đó là vở Lời thề thứ 9 và vở Mùa hạ cuối cùng cùng chùm hài kịch có chủ đề Đời cười chọn lọc Nụ cười chiến sĩ.
20 năm trước, Lời thề thứ 9 ra đời nhắm vào những quan chức tham nhũng, tham ô, quan liêu, cửa quyền ở các cấp để cười cợt, châm chít, mỉa mai… Vở kịch mang tính đấu tranh cho lợi ích của người dân, phê phán những nhũng nhiễu, trù dập, áp bức của “nhà quan” đối với dân chúng, những người lương thiện thấp cổ bé miệng…

Còn vở Mùa hạ cuối cùng có tính giáo dục, xây dựng hoàn thiện một con người đầy đủ nhân - thiện - mỹ với thông điệp “Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối” qua nhân vật chính là Châu, một học sinh giỏi, thông minh, tính tình cương trực, thẳng thắn. Nội dung kịch phát triển theo hướng chuyện thực trong xã hội, xảy ra tại một trường trung học phổ thông, trong kỳ thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, Châu phát hiện ra đề thi đã được cho học trước, có nghĩa là “đề thi đã bị lộ”, em đã đến phản ánh với thầy giáo, nhưng với “chỉ tiêu” và “bệnh thành tích”, đề nghị của Châu không được ban hiệu trưởng chấp nhận, khen thưởng, trái lại Châu còn bị đưa vào danh sách “những học sinh cá biệt”. Chuyện bất công này đẩy Châu vào những suy nghĩ tiêu cực, bỏ học. Nhưng sau này, từ một sự tình cờ Châu biết được phụ huynh một học trò mà Châu dạy kèm đã mua đề thi với mục đích để con mình không bị đánh rớt ở kỳ thi tốt nghiệp…
Cảnh trong vở Lời thề thứ 9
Mùa hạ cuối cùng do Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung dàn dựng lại cho phù hợp với thực tế của xã hội ngày nay đã được trao giải “Đạo diễn xuất sắc” tại Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ - nhà biên kịch Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Đây là vở kịch mà cách đây 30 năm đã được đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành dàn dựng và được biểu diễn bởi dàn diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, gồm: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Hải, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền...
vở kịch Lời thề thứ 9 được Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Huyền dàn dựng và đạo diễn vẫn trung thành với nội dung mà Lưu Quang Vũ đã viết, là phản ánh chân thực sự vô cảm có tính chất hệ thống của con người trong một xã hội. Tuy nhiên, dù là một vở chính kịch nhưng người xem không cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, do sự duyên dáng, ý nhị ở các câu thoại và cách biểu diễn sắc sảo của dàn diễn viên.
Cảnh trong vở Hồn Trương Ba - da hàng thịt
Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội, cho biết, sau khi diễn hai vở kịch này ở Hà Nội rất thành công, Nhà hát Tuổi Trẻ đã quyết định mang vào Sài Gòn biểu diễn sau 8 năm nhà hát vắng mặt trên sân khấu kịch phía Nam. Toàn bộ các vở diễn được công diễn tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, Q.1) từ ngày 16-12-2013 đến 19-12-2013; còn tại Nhà hát Quân đội (số 140 Cộng Hòa, P. 4, Q. Tân Bình) diễn từ ngày 14-12-2013 đến 2-1-2014.


Sau chuyến lưu diễn này Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội có dự kiến mang những vở kịch nổi tiếng đến biểu diễn tại 64 trường đại học, cao đẳng khu vực phía Nam. Tại miền Bắc, Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội đã diễn được 26 suất.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives