Vì sao văn học, nghệ thuật thiếu tác phẩm hay?  

Posted by Unknown

KHÁNH HỘI

Với tham dự của hơn 200 đại biểu cùng 70 tham luận, Hội thảo Khoa học, toàn quốc “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 27, 28 tháng 11 vừa qua đã đề cập đến một vấn đề lớn, đang là đòi hỏi cấp bách, sống còn của nền văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà; đặc biệt thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học,; đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, báo chí... Bởi khi xã hội ngày càng phát triển nhưng chúng ta lại đang thiếu vắng những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, có khả năng lay động trái tim của hàng triệu triệu người, có tác động to lớn tích cực đến xây dựng con người, đến xã hội, có sức sống và giá trị bền vững thì điều khát khao ấy, sự quan tâm ấy là điều dễ hiểu.
Với mục đích “đánh giá thực trạng nền văn học, nghệ thuật trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, lý giải nguyên nhân, kiến nghị các giải pháp khả thi, nhất là các giải pháp có tính đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao” và với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” như phát biểu đề dẫn của PGS-TS Đào Duy Quát, các tham luận và ý kiến đã nêu được nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua đã có bài phát biểu tại Hội thảo, trong đó nêu rõ: Thành phố luôn chú trọng quảng bá tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Theo nhà báo, nhà phê bình Dương Trọng Dật, đường lối đổi mới toàn diện đất nước không chỉ đem lại những thành tựu vượt bậc về kinh tế mà còn ghi nhận những thành quả lớn về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là sau Nghị quyết TW 5 của Đảng. Cùng với quá trình dân chủ hóa đất nước, hoạt động sáng tạo phát triển mạnh mẽ đa dạng và sinh động; đề tài sáng tác, do vậy, được mở rộng hơn. Sự chuyển động mạnh mẽ của cơ chế thị trường và tinh thần tự do sáng tạo đã mang lại tiếng nói nhiều màu sắc trong sáng tác”. Nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: “Đã có một bùng nổ về số lượng tác giả, tác phẩm. Bước đầu xóa bỏ tình trạng phiến diện trong cách nhìn hiện thực, tệ đơn điệu nghèo nàn về hình thức biểu hiện. Bước tiến tự giác ấy chưa từng có trong tiến trình văn học, cách mạng nước nhà, mở ra nhiều khả năng cho phát triển, cho trưởng thành”. Thế nhưng chưa kịp mừng trước những thành tựu đạt được thì VHNT đã có những biến động và bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại. Nhà phê bình Dương Trọng Dật băn khoăn: “Sau không khí sôi động của những năm đầu đổi mới, VHNT đã rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có; gần như đứng ngoài cuộc sống xây dựng và phát triển của đất nước, không gắn mình vào số phận của nhân dân. Số lượng tác phẩm sáng tác tỷ lệ nghịch với chất lượng tác phẩm. Sáng tác nhiều nhưng tác phẩm chất lượng cao thì quá hiếm hoi. Sáng tác VHNT gần như không mấy quan tâm đến những vấn đề lý tưởng thẩm mỹ, lý tưởng nhân văn trong giai đoạn đặc biệt của nhân loại, phân tích và lý giải con đường đi lên của đất nước thời mở cửa và hội nhập… những vấn đề cốt tử của một nền nghệ thuật”.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh tự bỏ tiền mua vé máy bay vào TP. Hồ Chí Minh dự Hội thảo, thẳng thắn nêu 8 lý do chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao, trong đó nhiều nguyên nhân thuộc về “chủ thể sáng tạo”: hiện nay chưa xuất hiện nhân tài văn chương, thiếu vắng nhà văn có tư tưởng lớn (viết bản năng, ăn may, được chăng hay chớ), chưa đam mê quyết liệt, không dấn thân tận cùng, nhà văn thiếu sự liên tài (ít liên tài cảm thụ các tác phẩm của các ngành nghệ thuật khác và liên tài với các nhà văn khác) và đang bị tán tài (một bộ phận nhà văn cùng lúc mang nhiều phận sự và… viết văn bằng tay trái), nhà văn bị biên tập dữ dội và cuối cùng nhà văn sợ hãi tự biên tập mình. Cuối cùng thì “một nền phê bình yếu và thiếu cũng không thể kích thích sáng tạo văn chương”! Nói về vấn đề phê bình lý luận, nhà thơ Vũ Quần Phương thở dài: “Chúng ta ít tranh luận quá! Lý luận phê bình chúng ta 15 năm qua, theo cảm nhận hạn hẹp của tôi, cứ như bà ốm nghén, lắm kiêng khem, mà đợi mãi, vẫn chưa sinh nở!”.
PGS - TS Đào Duy Quát nhắc lại nhiều ý kiến cho rằng “chúng ta mới có đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, năng khiếu, chưa có tài năng lớn và thiên tài. Nhiều văn nghệ sĩ chưa có tư tưởng lớn (cả triết học, và mỹ học,), chưa thật sự đam mê, quyết liệt dấn thân vào đời sống, nhất là ở những mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, sống chết với tác phẩm của mình, nhân vật của mình. Thiếu bản lĩnh, tự bó mình trước những quan niệm mơ hồ về “vùng cấm”, “vùng nhạy cảm” và nhất là thiếu tài năng nghệ thuật thể hiện tri thức khách quan, chân lý cuộc sống… Tóm lại, những yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, quản lý, trong chủ thể sáng tạo, trong hoạt động lý luận, phê bình và sự tiếp nhận của quần chúng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng văn nghệ sĩ chúng ta còn sáng tạo nên rất ít các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao và sản xuất ra quá nhiều các tác phẩm tầm thường”.
Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã “thật sự bị cuốn hút vào hội thảo này”. Ông đặc biệt quan tâm đến tài năng và vốn sống của văn nghệ sĩ: “Tài năng thật sự bao giờ cũng rất hiếm. Tài năng xuất chúng càng hiếm hơn. Không quý trọng và tạo điều kiện cho tài năng phát triển thì xã hội không thể phát triển được”. Về vốn sống, ông đặt vấn đề: “Tôi được các đồng chí ở Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong gần 1.000 nhà văn của Hội, hơn 98% nhà văn đều sống ở thành phố và các trung tâm hành chính, chỉ còn 2% nhà văn đang sống ở nông thôn. Các hội chuyên ngành khác chắc chắn cũng có tình hình như vậy? Thế thì làm sao hiểu biết đầy đủ cuộc sống của đất nước ta hiện nay?”. Một vấn đề quan trọng nữa cũng được tập trung thảo luận: tác phẩm có giá trị cao thì giá trị nội dung hay giá trị nghệ thuật là quan trọng hơn? Nhiều đại biểu rất tâm đắc với Giáo sư Phong Lê khi ông cho rằng: đỉnh cao của tác phẩm VHNT nằm ở giá trị của cái thật cái đẹp. Với “cái thật”, nhà văn Việt Nam không được tránh né hoặc quay lưng với sự sống của nhân dân. Với “cái đẹp”, đó là một khát vọng nhân văn và thẩm mỹ toát lên từ sau các trang chữ, các con chữ.
Những vấn đề được quan tâm nhất tại Hội thảo đã được Ban tổ chức ghi nhận, đó là xung quanh khái niệm và tiêu chí về tác phẩm VHNT có giá trị cao, thực trạng hoạt động sáng tạo VHNT hiện nay và nguyên nhân, những giải pháp và kiến nghị. Theo PGS - TS Nguyễn Hồng Vinh, kết quả đạt được sẽ là căn cứ để góp phần tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); đồng thời gợi mở hướng phấn đấu để trong thời gian tới VHNT nước nhà có thêm những thành tựu mới.
Phút giải lao tại hội thảo - Từ phải qua: NSND Tô Nguyệt Nga, Nhà thơ Hữu Thĩnh,
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, GS-NS Ca Lê Thuần, Nhà thơ Trần Thị Khánh Hội.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives